4 điều đáng chú ý từ sự kiện ra mắt Top One studio của T&A Ogilvy

Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi nội dung chân thật và mang tính cá nhân hơn. Xu hướng này đặt ra hai phương trình mà nhà sáng tạo nội dung, thương hiệu và các bên liên quan cần phải cân bằng. Một là, làm thế nào để có thể xây dựng những nội dung mang tính chân thật hơn, cá nhân hoá hơn và phù hợp với thị hiếu hơn. Hai là làm sao để thấu hiểu nhau, từ đó xây dựng được mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau.

Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Top One Studio của T&A Ogilvy vào ngày 22/8 vừa qua, phiên thảo luận “Thúc đẩy Tăng trưởng kinh doanh và Tính tích cực của nội dung” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 5 khách mời đặc biệt:

  • Bà Minh Tú – Siêu mẫu, Nhà sáng tạo nội dung
  • Ông Loan Menuge – Giám đốc hợp tác sáng tạo cùng người nổi tiếng tại GOAT
  • Ông Tín Lê – Giám đốc Marketing tại Coca-Cola Việt Nam
  • Bà Vũ Nguyễn – Trưởng nhóm hợp tác cùng nhà sáng tạo nội dung ở thị trường Đông Nam Á của Google
  • Bà Linh Nguyễn – Giám đốc Điều hành tại T&A Ogilvy Việt Nam

Trong phiên thảo luận này, các khách mời đã có nhiều chia sẻ thú vị trong việc xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và nhà sáng tạo, với mục tiêu cuối cùng là mang đến tác động tích cực cho người tiêu dùng. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý.

1. Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi nội dung chân thật và mang tính cá nhân hơn

Ông Loan Menuge – Giám đốc hợp tác sáng tạo cùng người nổi tiếng tại GOAT
Nguồn: T&A Ogilvy

Theo ông Loan Menuge – Giám đốc hợp tác sáng tạo cùng người nổi tiếng tại GOAT, xu hướng hợp tác với Content Creator của các thương hiệu thay đổi phù thuộc vào sự thay đổi thị hiếu tiêu thụ nội dung của thị trường. Và sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. So với 6 tháng trước, thị hiếu tiêu thụ nội dung của cộng đồng ở thời điểm hiện tại cũng đã khác rất nhiều.

Cách đây 5-7 năm, thương hiệu có xu hướng kết nối với những người nổi tiếng, có tên tuổi nhằm gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu đến đông đảo khách hàng. Nhưng từ sau COVID-19, thương hiệu lại có xu hướng kết nối với những tên tuổi nhỏ hơn hay còn gọi là Micro Influencer để có thể gia tăng tương tác với người tiêu dùng hơn.

Hay kể từ khi TikTok xuất hiện và được ưa chuộng tại Việt Nam thì thị hiếu về loại hình nội dung cũng đã có những chuyển biến rõ nét. Tựu trung, kể từ sau COVID-19, thị hiếu về nội dung của cộng đồng bắt đầu có những thay đổi nhất định. Người tiêu dùng đòi hỏi những nội dung chân thật hơn, cá nhân hơn, đồng thời thể hiện quan điểm cá nhân của creator.

Xu hướng này đặt ra hai phương trình mà nhà sáng tạo nội dung, thương hiệu và các bên liên quan cần phải cân bằng. Một là, làm thế nào để có thể xây dựng những nội dung mang tính chân thật hơn, cá nhân hoá hơn và phù hợp với thị hiếu hơn. Hai là làm sao để thấu hiểu nhau, từ đó xây dựng được mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau.

2. Người sáng tạo nội dung cần dung hòa được 3 yếu tố: Bản thân, thương hiệu và người xem

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng nội dung chân thật và mang tính cá nhân. Do đó, nhà sáng tạo nội dung cần dung hòa được ba yếu tố là bản thân creator, thương hiệu và người xem của mình. Có như vậy, nội dung mới được đón nhận và mang lại giá trị bền vững.

Bà Minh Tú (ở giữa) – Siêu mẫu, Nhà sáng tạo nội dung
Nguồn: T&A Ogilvy

Tham gia buổi thảo luận với tư cách là một content creator, Minh Tú chia sẻ rằng điều mà cô ưu tiên hàng đầu khi sáng tạo nội dung chính là khán giả của mình. Thực tế, những câu chuyện hay sản phẩm mà cô chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội của mình đều là những cảm nhận chân thật, thực tế do chính cô đã trực tiếp trải nghiệm.

Trước khi đồng hành cùng nhãn hàng, cô cũng tìm hiểu về thông điệp, sứ mệnh, cá tính mà họ. Từ đó, cô có thể truyền tải những điều đó đến khán giả bằng phong cách cá nhân để nội dung tự nhiên, gần gũi và thực tế hơn, đồng thời không gây cảm giác khó chịu cho người theo dõi.

Trong kỷ nguyên mà thế hệ content creator trẻ, giỏi giang và tài năng không ngừng phát triển, nhà sáng tạo cần phải trau dồi bản thân nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc cá nhân.

3. Mối quan hệ giữa Creator và thương hiệu hiện nay dựa trên sự đồng điệu và đồng thuận

Bà Vũ Nguyễn – Trưởng nhóm hợp tác cùng nhà sáng tạo nội dung ở thị trường Đông Nam Á của Google
Nguồn: T&A Ogilvy

Bàn về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà sáng tạo và nhà quảng cáo, chị Vũ Nguyễn đã có nhiều chia sẻ thú vị.

Nhìn lại 5-7 năm trước, xu hướng chung là thương hiệu làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng, thông qua các TVC quảng cáo hay truyền tải thông điệp quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày nay, mối quan hệ này đã trở nên sống động và gần gũi hơn, do content creator ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng, đồng thời là sự xuất hiện của nhiều nền tảng mạng xã hội.

Chính sự đa dạng này giúp thương hiệu có nhiều lựa chọn về creator, cũng như nền tảng, loại hình nội dung để hợp tác. Ngược lại, các creator cũng có rất nhiều cơ hội để hợp tác với các nhãn hàng lớn.

Dưới góc độ của creator, một khi họ xây dựng được hình ảnh, bản sắc và giá trị riêng của mình, họ sẽ trở nên độc lập hơn. Và việc quyết định hợp tác với nhãn hàng nào, trên phương tiện nào, hoặc loại hình content như thế nào cần phải có nhiều cân nhắc để không quá khiên cưỡng. Nhà sáng tạo nội dung cần phải đảm bảo làm việc với nhãn hàng sao cho bài bản và chuyên nghiệp, nhưng vẫn đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng người theo dõi mà họ đã dày công xây dựng.

Vì thế mối quan hệ giữa nhãn hàng và nhà sáng tạo nội dung cần dựa trên sự đồng điệu và đồng thuận.

4. Nội dung mang tính phát triển bền vững

Ông Tín Lê – Giám đốc Marketing tại Coca-Cola Việt Nam
Nguồn: T&A Ogilvy

Ông Tín Lê, Giám đốc Marketing tại Coca-Cola Việt Nam đã nêu lên quan điểm khá thú vị về việc phát triển mối quan hệ bền vững giữa thương hiệu và creator. Có nghĩa là, đại diện nhãn hàng cần giữ mối quan hệ bền vững và có trách nhiệm với creator, và ngược lại creator cần phải có trách nhiệm và bền vững với thương hiệu.

Để đạt được sự bền vững này khi hợp tác, nội dung của nhà sáng tạo cần giữ đúng vai trò là tác phẩm thu hút người xem thay vì là thương hiệu/ sản phẩm. Trong giai đoạn đầu, sản phẩm chỉ nên là yếu tố kèm theo, vì một khi sản phẩm trở nên quá nổi trội trong một nội dung sáng tạo, nó sẽ làm cho tác phẩm của creator bị thương mại hoá và khiến người xem khó chịu.

Trong khi đó, nội dung cần phục vụ nhu cầu của khán giả là điều quan trọng đầu tiên. Nếu muốn quảng bá sản phẩm, thương hiệu có thể tiến hành các giai đoạn chuyển tiếp, tiếp nối và tách biệt theo sau. Sở dĩ như vậy là vì bảo vệ content của nhà sáng tạo, đồng thời tận dụng những giá trị phù hợp để lan tỏa thương hiệu của mình. Chỉ có như thế, nhà sáng tạo nội dung, thương hiệu mới có thể cùng nhau phát triển bền vững, lâu dài, đồng thời mang đến những tác động tích cực cho người tiêu dùng.

Trên đây là 4 nội dung đáng chú ý từ sự kiện ra mắt Top One studio của T&A Ogilvy. Cùng chờ đợi xem Top One Studio sẽ có những đóng góp như thế nào trong việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà sáng tạo nội dung, thương hiệu và người tiêu dùng trong tương lai!

Mai Trâm / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam