Nhãn hiệu khác gì thương hiệu? Phân định rõ để hiểu đúng cả hai!

Có vô vàn lý do dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “nhãn hiệu” và “thương hiệu”.

Một trong số đó là do nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ cung cấp duy nhất một sản phẩm/ dịch vụ (hay còn gọi là đơn ngành) có thói quen dùng chính tên doanh nghiệp làm nhãn hiệu gắn lên hàng hóa. Trong trường hợp này, thương hiệu cũng chính là nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này cho các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành như Unilever với rất nhiều dòng sản phẩm (từ thức uống Lipton, bột giặt OMO đến kem đánh răng Close Up) thì rõ ràng thương hiệu không phải là nhãn hiệu.

Vậy cụ thể nhãn hiệu là gì?

Biểu tượng hoa sen của Vietnam Airlines, cái tên Honda, hay logo hình trái táo cắn dở của Apple đều được xem là nhãn hiệu. Nói một cách đơn giản, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.

“Dấu hiệu nhìn thấy được” này có thể ở dạng chữ cái (P/S), số (Bia 333), từ ngữ (Kinh Đô, Phúc Long), hình ảnh (trái táo cắn dở, vỏ sò) hoặc dạng hình ba chiều, thậm chí là sự kết hợp của các yếu tố đó (logo kết hợp giữa chữ Vinacafe trên nền sọc đỏ và sọc xanh lá cây) được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Ngoài ra, âm thanh, mùi hương và hình ảnh chuyển động đều là những nhãn hiệu phi truyền thống đã được công nhận ở một số nước phát triển như Mỹ, Úc… Việt Nam hiện nay chỉ mới chấp nhận nhãn hiệu âm thanh (dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa) từ ngày 14/1/2022.

Thế còn thương hiệu thì sao?

Ở góc độ truyền thông, “thương hiệu” đang được cắt nghĩa theo từ Hán Việt: “hiệu” nghĩa là dấu hiệu, “thương” trong từ “giao thương” nghĩa là buôn bán. Từ đó, có thể hiểu thương hiệu là dấu hiệu được dùng trong hoạt động buôn bán, kinh doanh để tạo nên sự khác biệt của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau.

Dấu hiệu này thường được thể hiện ở các mặt chủ yếu như: đặc điểm vật lý của sản phẩm, chất lượng dịch vụ (tạo ấn tượng tốt với khách hàng), đãi ngộ cho nhân viên (tạo ấn tượng tốt với nhân viên), hành xử với đối tác (tạo ấn tượng tốt với đối tác), có trách nhiệm với xã hội (tốt trong cảm nhận của giới truyền thông, chính quyền và cộng đồng)…

Nói tóm lại, thương hiệu không chỉ là một dấu hiệu dễ dàng nhận biết qua vẻ bề ngoài, mà nó là tất cả cảm nhận của khách hàng, đối tác, nhân viên, giới đầu tư và xã hội về doanh nghiệp của bạn. Nói một cách bình dân, thương hiệu còn được nhìn nhận là “danh tiếng” hay “tên tuổi” của một doanh nghiệp.

Như vậy, nhãn hiệu là dấu hiệu phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể kinh doanh khác nhau, còn thương hiệu là “tập dấu hiệu” phân biệt các chủ thể kinh doanh, giúp thể hiện giá trị chủ quan mà chủ thể kinh doanh muốn truyền tải.

Nhãn hiệu còn nhiều hơn thế

Ngoài phân định khái niệm nhãn hiệu và thương hiệu, nội dung cuốn sách “Tôi đi bảo hộ thương hiệu” còn giúp độc giả:

  • Tìm hiểu bối cảnh thực tế của các nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
  • Có những kiến thức cơ bản về nhãn hiệu, đồng thời gợi mở những phương pháp lựa chọn nhãn hiệu có thể áp dụng ngay.
  • Hiểu rõ thông tin về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế khi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
  • Có thêm góc nhìn về quản trị nhãn hiệu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam và những lưu ý cần nắm vững.
  • Đặc biệt là sở hữu phần nội dung phù hợp với doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu – phát triển nhãn hiệu ở thị trường quốc tế.

Là cuốn sách đi sâu khai thác kiến thức về chủ đề nhãn hiệu trên cả hai khía cạnh kinh doanh và luật pháp, với lượng kiến thức khổng lồ dày hơn 400 trang, “Tôi đi bảo hộ thương hiệu” đề cập đến những vấn đề thường gặp trong việc bảo hộ nhãn hiệu từ góc nhìn pháp lý và tiếp thị một cách chi tiết, gần gũi.

Sách đã phát hành trên toàn quốc, mời các bạn đón đọc tại đây.