Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Phỏng vấn CMO – Phần 1: Thương hiệu và các vấn đề xã hội

Theo báo cáo Best Global Brands 2022 của Interbrand, thương hiệu không chỉ cần quan tâm đến khách hàng và các chỉ số kinh doanh, mà còn cần phải thể hiện quan điểm trong các vấn đề xã hội cấp bách. Đâu là 4 vấn đề xã hội được các CMO toàn cầu đặc biệt quan tâm, và họ đã dẫn dắt thương hiệu hành động như thế nào?

Nội dung bài viết được “bóc tách” từ loạt bài phỏng vấn các CMO (Chief Marketing Officer) thuộc nhiều ngành hàng khác nhau cùng trả lời 5 câu hỏi hoàn toàn giống nhau do Interbrand thực hiện.

Bình đẳng giới và công bằng cho các nhóm thiểu số

Có đến hơn một nửa các CMO khi được hỏi đều cho biết bình đẳng giới là một trong những vấn đề mà họ quan tâm hàng đầu. Bà Rita Felder – Director of Brand and Marketing của Mercedes – tin rằng ngày nay, việc các thương hiệu thể hiện được lập trường rõ ràng về các vấn đề như quyền LGBTQ+, bình đẳng giới, nhân quyền… là rất quan trọng. Đặc biệt là trong bối cảnh thế hệ trẻ đang tìm kiếm các thương hiệu thể hiện được trách nhiệm xã hội, chia sẻ được với họ những giá trị mà họ quan tâm.

Cùng chung tầm nhìn trên, bà Sarah Franklin – Chief Marketing Officer tại Salesforce – chia sẻ rằng từ khi thành lập 23 năm trước, Salesforce đã tích hợp các công tác thiện nguyện vào mô hình kinh doanh thông qua chương trình 1:1:1. Điều này đồng nghĩa với việc Salesforce sẽ đóng góp 1% thời gian của mỗi nhân viên, cổ phiếu và dịch vụ cho các tổ chức phi lợi nhuận.

“Chúng tôi đã lên tiếng, thể hiện quan điểm và tham gia các hoạt động bảo vệ quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+ ở Indiana. Chúng tôi cũng đóng vai trò là nhà tư vấn thúc đẩy công bằng trong việc trả lương hằng năm” , bà Sarah Franklin cho biết.

Nguồn: The Intrepid Introvert

Adobe - tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới cũng có cùng mối quan tâm với các thương hiệu quốc tế khác, tuy nhiên, Adobe mang trong mình mong muốn tạo ra được những tác động lớn và lâu dài hơn. Cụ thể, trong năm vừa qua, Adobe đã khởi động nhiều chương trình nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công bằng cho các nhóm thường gặp phải sự cô lập, bị hạn chế trước các cơ hội và không có đủ đại diện trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (LGBT+, phụ nữ, người tàn tật…).

Nổi bật trong số đó là chương trình Equity and Advancement Initiative hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như OutRight Action International, Human Rights Watch và Equal Justice Initiative nhằm mở ra tiềm năng phát triển sự nghiệp, tạo ra cơ hội tiếp cận công bằng đến giáo dục và kinh tế, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tiết lộ về con số dành cho những hoạt động này, bà Ann Lewnes – Chief Marketing Officer kiêm Executive Vice President, Corporate Strategy & Development tại Adobe – nói: “Chúng tôi đầu tư ít nhất 20 triệu USD trong ba năm để tạo ra các cơ hội hợp tác ý nghĩa và tận dụng những điểm mạnh độc đáo của Adobe để hỗ trợ những vấn đề quan trọng đối với cộng đồng”.

Adobe Equity and Advancement Initiative.
Nguồn: Adobe

Chiến đấu với biến đổi khí hậu

Là những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, Google và Salesforce khởi động nhiều chiến dịch khác nhau nhằm thể hiện quan điểm mạnh mẽ của thương hiệu về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề này đã trở thành một cuộc khủng hoảng chung.

Lorraine Twohill, CMO tại Google, khẳng định: “Chúng tôi cam kết đạt được mục tiêu trở thành một công ty không carbon (carbon-free) vào năm 2030 và xây dựng các công cụ để giúp hàng tỷ người có những lựa chọn bền vững hơn trong cuộc sống hằng ngày”.

Với mong muốn hiện thực hóa mục tiêu trên, tại sự kiện gần đây nhất là Search On, Google đã công bố những tính năng mới, nhằm giúp mọi người lựa chọn được tuyến đường thân thiện hơn với môi trường trên Google Maps và tìm mua hàng đã qua sử dụng trên Google Search.

Trong khi đó, Salesforce cũng đã khởi động chiến dịch #TeamEarth nhằm thúc đẩy bền vững và tạo ra tác động tích cực cho môi trường và cộng đồng. Với biến đổi khí hậu, Salesforce tập trung vào việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư vào các dự án điện mặt trời và giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết.

Nguồn: Salesforce

Không đứng ngoài khủng hoảng chung, “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô cũng “góp một tay” vào việc tìm cách cải thiện vấn đề này với hai tầm nhìn khác biệt. Ông Jaehoon Chang, CEO của Hyundai Motor, cho biết thương hiệu của họ đang nhanh chóng mở rộng danh mục xe di chuyển sạch bằng cách chuyển đổi các mẫu xe động cơ đốt trong như NEXO và IONIQ sang các xe điện, phù hợp với xu hướng dịch chuyển xanh trong ngành công nghiệp ô tô.

Hơn nữa, do bản chất của ngành sản xuất ô tô là dựa trên một mạng lưới hợp tác, Hyundai Motor đang nỗ lực để việc đảm bảo các tiêu chí bền vững không chỉ trong hoạt động của mình mà còn trong toàn bộ hệ thống đối tác kinh doanh. Năm ngoái, Hyundai Motor đã đạt được sự công nhận về quản lý bền vững toàn cầu khi lần đầu tiên được có mặt trong chỉ số Dow Jones Sustainability Index (DJSI) World Index – một chỉ số biểu trưng cho 10% công ty hàng đầu trong số 2.500 công ty lớn nhất thuộc S&P Global BMI.

Nguồn: Hyundai

Giúp đỡ người dân trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Trong năm 2022, khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục là một vấn đề đáng quan ngại khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ xung đột, hệ quả để lại là hàng trăm người dân Ukraine đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, nền kinh tế và chính trị quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không đứng ngoài sự kiện trên, CMO của các thương hiệu quốc tế đều có những quan điểm riêng thể hiện qua các chiến dịch khác nhau về vấn đề này.

Porsche đã thể hiện rõ thái độ quyết liệt ngay từ ban đầu khi quyết định ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga khi khủng hoảng tại Ukraine nổ ra, hỗ trợ cho người tị nạn và diễn đạt quan điểm rõ ràng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi đó, với vị thế của một công ty cung cấp phần mềm sáng tạo, Adobe cũng có những biện pháp hỗ trợ riêng.

Bà Ann Lewnes chia sẻ: “Cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp cơ hội cho tất cả những người sáng tạo kể câu chuyện của mình đã thúc đẩy chúng tôi hỗ trợ ngay lập tức khi các cuộc khủng hoảng đau lòng diễn ra tại Ukraine. Adobe cung cấp hơn 1 triệu USD để hỗ trợ người sáng tạo tại Ukraine và gia đình của họ trong thời gian khó khăn đặc biệt”.

Các hỗ trợ này có thể kể đến như: tiếp tục duy trì quỹ cộng đồng Adobe Creative Residency để hỗ trợ tài chính cho người làm các công việc sáng tạo và gia đình của họ, cung cấp cơ hội việc làm trong các lĩnh vực kỹ thuật phần mềm, tư vấn, thiết kế tại Adobe Romania cho người dân Ukraine bị di tản…

Nguồn: Creative Bloq

Cùng chung mong muốn trên, Google và nhân viên đã gây quỹ lên đến 45 triệu USD để đóng góp cho các hoạt động nhân đạo và cứu trợ tại Ukraine, và là một trong những công ty đầu tiên ngưng cung cấp nhiều dịch vụ tại Nga để phản đối chiến tranh.

“Tôi rất tự hào khi Google được trao Giải hòa bình Ukraine bởi Tổng thống Zelensky vì những nỗ lực giúp đỡ người dân và doanh nghiệp tìm được các thông tin cần thiết để đảm bảo an toàn tiếp tục mạnh mẽ tiến lên phía trước”, Lorraine Twohill, CMO tại Google, nói.

Có thể thấy, với khủng hoảng tại Ukraine, hành động nhanh chóng, thái độ rõ ràng, hỗ trợ thiết thực là những ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu quốc tế, bởi lẽ như chia sẻ của Robert Ader, CMO tại Porsche: “Mọi người cần nhiều hơn chỉ là một lời tuyên bố, cái họ muốn nhìn thấy là những hành động thực tế”.

Mang đến các cơ hội giáo dục cho thế hệ trẻ

Giáo dục thế hệ trẻ vẫn luôn được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của một đất nước. Bởi lẽ một cá nhân khi có cơ hội nhận được kiến thức, kỹ năng cần thiết không chỉ có thể khám phá được tiềm năng của bản thân để thành công trong cuộc sống mà còn có thể góp phần tạo ra sự tiến bộ và đổi mới cho đất nước. Vì vậy, không có gì quá khó hiểu khi vấn đề này luôn được các CMO ở hầu hết các lĩnh vực đặc biệt quan tâm.

“Trong một thế giới mà công nghệ kỹ thuật số và Internet đóng vai trò quan trọng như ngày nay, chúng tôi hiểu rằng sáng tạo là một kỹ năng thiết thực của thế kỷ 21. Bởi lẽ nó không chỉ giúp các em sinh viên diễn đạt ý tưởng một cách thuyết phục mà còn khuyến khích các em hợp tác, đổi mới để thành công trong môi trường lao động hiện tại” , bà Ann Lewnes chia sẻ.

Nguồn: People of Color in Tech

Bà Ann Lewnes cũng cho biết Adobe hiện đang mở rộng đối tác và đầu tư vào trường Historically Black Colleges and Universities (trường đại học dành cho người Mỹ gốc Phi) và Hispanic-Serving Institutions (tổ chức dành cho người Mỹ La-tinh). Ngoài ra, Adobe Express cũng đang được cung cấp cho 43 triệu học sinh và giáo viên trên toàn cầu, từ mẫu giáo tới lớp 12, mang đến cho người học ở mọi cấp độ các công cụ dễ dàng để diễn đạt ý tưởng và thực hiện các dự án sáng tạo, vui chơi trong lớp học hoặc trong cộng đồng của họ.

Trong khi đó, Mercedes khẳng định đặt ESG (Environmental, Social và Governance) làm nguyên tắc hàng đầu trong chiến lược kinh doanh. Năm vừa qua, Mercedes đã đấu giá chiếc Mercedes-Benz 300 SLR Uhlenhaut Copé với mức giá kỷ lục 135 triệu EUR để thành lập Quỹ “Mercedes-Benz”. Quỹ này sẽ cung cấp học bổng nghiên cứu cho các bạn trẻ trong lĩnh vực khoa học môi trường và giảm lượng khí thải carbon.

Nguồn: Wikipedia

“Chúng tôi tin rằng việc tiếp cận giáo dục trong các lĩnh vực này sẽ rất quan trọng để đối phó với những thách thức lớn trong hiện tại và góp phần vào sự ổn định, thịnh vượng và gắn kết xã hội”, bà Rita Felder chia sẻ.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp