[Bon Trend] “Flex” là gì? Những gợi ý để thương hiệu “flex” một cách tinh tế

Những ngày gần đây, khi lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bài viết, video “flex” đầy hài hước và truyền động lực. Thậm chí group “Flex đến hơi thở cuối cùng” được thành lập từ tháng 5/2023 đến nay đã có hơn 880,2 nghìn người tham gia và vẫn đang tăng chóng mặt. Đây được cộng đồng đánh giá là một trong những nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Cùng YouNet Media tìm hiểu về slang mới của giới trẻ – “flex” – và cách mà thương hiệu nên “flex” trên mạng xã hội.

1. Dành cho những ai chưa biết “flex” là gì?

“Flex” là một trong những từ lóng tiếng Anh đang được giới trẻ thường xuyên sử dụng trên mạng xã hội (MXH). Bỏ qua những ý nghĩa mang tính học thuật thì “flex” được dùng để chỉ hành động khoe khoang quá mức khiến người khác khó chịu như khoe nhà, khoe xe, khoe những sản phẩm xa xỉ. Tuy nhiên, những ngày gần đây khi trở thành hot trend, “flex” bỗng nhiên được xử lý mượt mà, duyên dáng. Rất nhiều pha “kiến tạo”, “ghi bàn” giúp các chiến thần “flexing” được những kỹ năng, thành tích, điểm thi IELTS, trường Đại học... Và cả những điều dễ thương, giản dị trong đời thường cũng nhanh chóng đạt tương tác khủng.

Vì sao “flex” lại hot?

Lý do để từ khoá này bỗng dưng “viral” trên MXH không thể không kể đến người nắm giữ bí thuật “flexing” – BTV Trương Anh Ngọc – với nhiều bình luận đầy hài hước và không kém phần “flex” đã được cư dân mạng lưu lại và trở thành meme.

Nguồn: VTV SHOWS

Bên cạnh đó, trào lưu “flex” được đẩy lên cao với sự ra đời của group “Flex đến hơi thở cuối cùng”, đã có hơn 880,2 nghìn người tham gia và vẫn tiếp tục gia tăng. Những thảo luận trong khoảng thời gian gần đây về “flexing” cũng đang tăng không ngừng với hơn 119,6 nghìn thảo luận kể từ ngày 13/7/2023.

2. “Flexing” có phải là hot trend “lành tính” để thương hiệu tham gia cùng cộng đồng mạng?

Quả là với sức sáng tạo thần sầu của cộng đồng giới trẻ, cụm từ “flex” ban đầu mang màu sắc khoe khoang lại trở nên hài hước, duyên dáng và truyền cảm hứng hơn: “Nếu nhìn thoáng ra thì ‘flex’ chính là đang thực tập biết ơn í, biết ơn nhận ra những điều rất đỗi ấm lòng, dịu dàng mà trù phú mình đang có ạ”, “Vào group đây tự nhiên có động lực ngang, nhiều khứa giỏi quá giỏi”, “Tính ra mọi người flex văn minh, flex vui vẻ, comment lịch sự và hài vãi luôn ý =))))”

Theo số liệu từ SocialTrend, chỉ số cảm xúc của “flex” đang là 0,3 (max=1, min=-1) được đánh giá là tương đối tích cực. Điều này cho thấy đây là một hot trend tích cực, lành tính để thương hiệu có thể nhanh chóng hưởng ứng luồng thảo luận đang gia tăng nhanh chóng. Không ít Celebrity, Influencers cũng tranh thủ “flexing” như Hoàng Dũng “flex” số lượng concert mà anh đã tổ chức, Tóc Tiên “flex” những thương hiệu cô đã làm Brand Ambassador…

Tuy nhiên, dù là một trend “lành tính” đang nhận được những phản ứng tích cực từ đông đảo cộng đồng mạng, thương hiệu cũng cần nghiên cứu, tham khảo và sáng tạo những ý tưởng thật đắt giá, mang đậm tính cách thương hiệu (Brand Identity) để “khoe”, để “flex”. Việc nghiên cứu kỹ này sẽ giúp thương hiệu ghi điểm tối đa cho sự duyên dáng của mình.

3. Đâu là những nguồn thảo luận nổi bật nhất về trào lưu “flex”, “flexing”?

Không quá bất ngờ khi Facebook group “Flex đến hơi thở cuối cùng” là nhóm dẫn đầu với hơn 84,56 nghìn thảo luận. Với slogan của nhóm “Flex là cuộc sống, flex là hơi thở, flex là đam mê”, nhiều thành viên trong nhóm đã tranh thủ cơ hội để khiến dân tình trầm trồ khi “flex”: Học Đại học Harvard, làm hậu kỳ cho nhiều bộ phim nổi tiếng quốc tế, có mối quan hệ với nhiều người nổi tiếng…

Với một số ý kiến cho rằng không có gì để “flex” thì khi vào nhóm mới thấy rằng mọi người không chỉ nói về giày hàng hiệu, túi xịn, tài khoản nhiều tiền mà đó còn là những điểm mạnh, những hành động tốt mà bản thân đã thực hiện cho cộng đồng, những thay đổi giúp bản thân tốt hơn mỗi ngày… Các bài đăng có nội dung đa dạng, người thể hiện giỏi giang nhưng lại khiêm tốn, “mặn mà”, kết hợp với những sự phối hợp “kiến tạo”, “tạt cánh” ăn ý từ cộng đồng tích cực đã truyền động lực, tạo nên năng lượng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Đu trend “flex” năng động đều là những hot pages/ hot groups như Xa Lộ với 4,93 nghìn thảo luận, Beatvn với 1,93 nghìn thảo luận, Nhược Lạc với 1,43 nghìn thảo luậnHoài với 1,40 nghìn thảo luận.

4. Bên cạnh “flex”, đâu là những từ khoá giúp cộng đồng mạng “ghi bàn”?

Đi kèm với “flex”, một số thuật ngữ như “pressing” – chiến thuật mà toàn đội tạo áp lực lên đối phương; “kiến tạo” – đường chuyền cuối cùng cho người “ghi bàn” hoặc đường chuyền đặt đồng đội vào tính huống dễ dàng để đưa bóng vào lưới; “check var” – nói một cách dễ hiểu nhất là kiểm tra lại thông tin, vốn được sử dụng nhiều trong bóng đá thì nay đã trở nên phổ biến hơn với giới trẻ.

Bên cạnh đó, các từ khoá như “thành tích”, “mối quan hệ”, “người nổi tiếng” cũng là các khía cạnh mà nhiều người dùng thường hay “flexing”. Đây cũng là các khía cạnh mà marketer tham khảo để sáng tạo nội dung khi muốn “flexing”.

5. Điểm mặt gọi tên các thương hiệu đang “flex” nhiệt tình trên Fanpage “chính chủ”

Theo dữ liệu SocialTrend ghi nhận được, hiện tại các thương hiệu đều “flex” theo các chủ đề như: tính năng sản phẩm/ dịch vụ, cuộc thi, chương trình khuyến mãi… Một số thương hiệu đã tranh thủ “flex” như: Be, GrabFood, Pizza Hut, MoMo…

Tạm kết: Thương hiệu có thể “Flex đến hơi thở cuối cùng” như thế nào?

“Flexing” đã và đang không ngừng “càn quét” thảo luận trên các trang mạng xã hội với hàng nghìn lượt tương tác bên dưới mỗi bài đăng. Vậy, khi đứng trước xu hướng này, marketers nên làm gì để “flexing” cho thương hiệu vừa “đậm đà” vừa tinh tế? Sau đây là những gợi ý “flexing” mà YouNet Media dành cho bạn.

  • “Flex” môi trường làm việc trong mơ

Đây là cơ hội để marketers có thể tranh thủ quảng bá cho môi trường làm việc tuyệt vời của thương hiệu – một điều mà bất cứ nhân tài nào cũng mong muốn được tận hưởng. Điển hình là màn “khoe khoang” cuộc thi nội bộ “THE TƯƠI 2023” hoành tráng lệ của nhãn hàng Pizza Hut, thu hút hơn 208 lượt tương tác.

  • “Flex” sản phẩm bestsellers, sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực (key product)

Được dịp “khoe khoang” best-seller và thu hút sự chú ý cho sản phẩm, Texas Việt Nam nhanh chóng “flex” món Gà sốt Bơ tỏi và Thảo mộc trong một bài đăng Fanpage và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của fan mê gà rán, thu về hơn 159 lượt tương tác và 35 lượt thảo luận.

  • “Flex” ưu đãi khủng, giảm giá chất, deal độc đáo

“Flex” theo kiểu “Nhà tôi 3 đời có deal khủng” hay nhà không có gì ngoài deal như kiểu của GrabFood, Be, Gogi hay như kiểu Lazada “dứt điểm” nhanh gọn với màn hình chụp bill 0 đồng sau khi áp loạt voucher của sàn, đã nhận được hơn 900 tương tác và gần 60 thảo luận.

  • Và muôn vàn gợi ý “flexing” để marketers tham khảo

Những gợi ý khác như “flex” CEO “con nhà người ta”, các chiến dịch quảng cáo gần đây các chiến dịch CSR, thông điệp hay những key assets (đại nhạc hội, MV, cuộc thi, talkshow, podcast...) đạt kết quả cao, triệu views, triệu người tham gia. Bên cạnh đó, các milestone của thương hiệu, giải thưởng đã đạt được cũng là gợi ý mà marketers có thể flex để “ghi bàn”.

Theo quan sát từ YouNet Media, một số nhóm ngành hàng đã “active” với trend này như F&B, thời trang, TMĐT, ví điện tử, game… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, marketers nên “nhìn trước ngó sau”, cân nhắc cách “flex” phù hợp với khách hàng của mình để thương hiệu không bị nhìn nhận là khoe khoang quá đà, kém duyên.

Để không bỏ lỡ những “ứng viên” cho nội dung “bắt trend” sắp tới, marketers có thể theo dõi những chủ đề uptrend mỗi ngày trên nền tảng đo lường xu hướng tại đây.