30 công thức Copywriting thúc đẩy tương tác trên mạng xã hội (Phần 2)

Làm thế nào để nội dung (content) có thể mang lại hiệu quả một cách ổn định hay làm cách nào để sản xuất ra những nội dung phù hợp với nhu cầu của đối tượng mục tiêu luôn là đích đến mà mọi Content Writers / Copywriters hướng tới. May mắn là, tuy không có “sách giáo khoa” nhưng chúng ta lại có những công thức cụ thể để giải quyết những mơ hồ xoay quanh câu hỏi trên.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, Ori sẽ gửi tới bạn 30 công thức sản xuất nội dung thúc đẩy tương tác trên mạng xã hội vô cùng hiệu quả. Cùng bắt đầu nhé.

Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.

16. Công thức SCH (Star – Chain – Hook)

“Chăm chỉ tới mấy mà không nằm lòng 30 công thức content này sẽ chỉ khiến bạn ngày một thụt lùi trong hành trình chinh phục vị trí senior copywriter.

Không tin? Theo một bảng thống kê trên 1000 fresher trong suốt 10 năm tại Agency quốc tế X, có tới 80% fresher cho rằng bản thân không biết cách nào để viết tốt hơn mà chỉ dựa vào việc viết một cách cảm tính. Trong khi đó 20% còn lại, thông qua việc rèn luyện và thành thạo các “công thức viết bài” cụ thể lại dễ dàng có được vị trí cao hơn chỉ sau 2 năm làm việc.

Vậy 30 công thức này có gì mà thần kỳ đến vậy!? Vài giây sau đây sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ.”

Trên đây là một ví dụ rất cơ bản của công thức SCH, thông qua việc đưa ra một đích đến để tạo sự chú ý rồi thuyết phục người đọc bằng vô số dẫn chứng trước khi đưa họ “lọt hố” với một Call-to-action đủ mạnh. Trong đó, SCH là viết tắt của:

– Star: Nhân vật chính hay Sản phẩm/dịch vụ hoặc ý tưởng của bạn

– Chain: Sợi dây kết nối – thứ có thể là một dẫn chứng khoa học, lợi ích hoặc lý do đủ tốt để thuyết phục khách hàng tin rằng ngôi sao trên là đúng

– Hook: Kêu gọi khách hàng đưa ra hành động ngay lập tức

Công thức này sẽ đặc biệt phù hợp với các sản phẩm có nhiều đối thủ trên thị trường, khi khách hàng đang lưỡng lự không biết nên chọn sản phẩm / dịch vụ nào.

17. Công thức ACCA (Awareness – Comprehension – Conviction – Action)

Khiến khách hàng nhận ra những sự thật đằng sau một sản phẩm dịch vụ rồi thuyết phục họ đưa ra hành động chính là cách mà ACCA hoạt động. Nó gần giống như những bài diễn văn tuyên truyền của các chính khách đế khiến người dân bỏ phiếu bầu cho mình vậy. ACCA được tạo nên từ:

– Sự nhận thức (Awareness): Mô tả thực trạng hoặc vấn đề chung nào đó đang mang lại một hậu quả nghiêm trọng mà khách hàng không hề hay biết.

– Hiểu (Comprehension): Các dẫn chứng / phân tích ở mức độ nghiêm trọng hơn nhằm giúp người đọc hình dung cụ thể được vấn đề và khơi gợi sự quan tâm của họ.

– Phán quyết (Conviction): Sau khi đã đưa ra vấn đề, phóng đại nó thì ở phần tiếp theo chúng ta sẽ đưa ra những giải pháp đơn giản mà người dùng có thể hành động để góp phần giải quyết thực trạng trên. Một bài viết ACCA tốt thậm chí còn khiến người đọc cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm vậy

– Hành động (Action): Tương tự như nhiều công thức khác, bước cuối cùng sẽ là lời kêu gọi hành động. Đó có thể là hướng dẫn người đọc click vào liên kết để tìm hiểu thêm về chương trình, sự kiện hay cung cấp số Hotline để khuyến khích khách hàng liên hệ.

Công thức này sẽ hiệu quả nhất khi được sử dụng để tuyên truyền hoặc kêu gọi hành động về một thực trạng, vấn đề xã hội đang hoặc chưa được quan tâm đúng mực từ cộng đồng.

Ví dụ về sản phẩm khăn tắm từ sợi tre:

Hầu hết chúng ta không ngờ rằng, không phải máy sấy hay làm hóa chất, mà chính khăn lau đầu mới là tác nhân chính khiến tóc gãy rụng. Nguyên nhân chính là do các thớ vải của khăn khi dùng lâu ngày sẽ trở nên thô cứng, khi được sử dụng để lau đầu sẽ chà sát vào lớp biểu bì trên da đầu, kéo đứt tóc và làm gãy ngọn tóc. Nếu kéo dài thì tình trạng này thậm chí còn có thể gây ra hói ở một số vùng da đầu do biểu bì tổn thương. Vì thế, hãy cố gắng thay đổi khăn tắm thường xuyên hoặc sử dụng các sản phẩm thực sự an toàn với da đầu, ví dụ như khăn tắm sợi tre organic chuyên biệt dành cho tóc nhạy cảm dưới đây.

18. Công thức 1 – 2 – 3 – 4

Với một thương hiệu well-known (được biết tới nhiều trên thị trường) thì 1-2-3-4 là một công thức sản xuất nội dung hoàn hảo khi tạo các chiến dịch nhắm tới người dùng mới. Công thức này khá trực tiếp và không sử dụng nhiều kỹ thuật ẩn dụ – phân tích, được tạo nên qua 4 câu hỏi:

1 – Tôi có thứ bạn đang tìm kiếm đây

2 – Nó sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề sau

3 – Tôi là ai, vì sao tôi lại giúp bạn và vì sao bạn nên tin tôi

4 – Bạn cần làm gì để đạt được giải pháp (sản phẩm / dịch vụ) này?

Nếu có đủ dữ liệu về nhu cầu của người dùng, 1-2-3-4 sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút được sự chú ý của người đọc một cách vô cùng đơn giản.

Lấy ví dụ như Chỉ còn một vài ngày nữa là một đôi giày của một hãng nổi tiếng chuẩn bị được ra mắt tại một TTTM nọ, nó hot tới mức người người nhà nhà đều săn đón. Lúc này, để thu hút được sự chú ý của người dùng, bạn chỉ cần đơn giản áp dụng 1-2-3-4 để tạo ra tus hút traffic như:

Đôi giày hypebeast X sắp ra mắt nhưng bạn không muốn camp từ sáng đến tối? Khiến bạn bè ngạc nhiên với 5 cách săn giày cực hiệu quả này.

19. Công thức Vậy thì sao?” (So what?)

Tiếp tục là một công thức mang tính “nhắc nhở” writer không quá sa đà vào giới thiệu sản phẩm của mình mà quên mất điều quan trọng nhất là mang lại giải pháp cho khách hàng.

Ví dụ: Tôi có một chiếc máy hút bụi Y sử dụng động cơ Alpha cho công suất hút lên tới 150W, vòi hút 360 được làm từ nhựa silicon thế hệ mới siêu bền…

Vậy thì sao?

Nó có thể giúp bạn hút sạch những vết bẩn, mảng bám khó chịu, đồng thời vòi hút 360 có thể len lỏi vào nhiều ngóc ngách khó vệ sinh tới bằng vòi hút thông thường…

Hiểu một cách đơn giản, giống như học phải đi với hành thì tính năng phải được đặt song song với lợi ích mà nó mang lại, nếu không muốn cảm nhận của khán giả về bài viết gói gọn trong 3 chữ “Vậy thì sao”.

20. Công thức AICPBSAWN (Attention – Interest – Credibility – Prove – Benefits – Scarcity – Action – Warn – Now )

Trông thì có vẻ dài dòng văn tự nhưng nếu đọc kỹ về từng phần, từng công việc mà mỗi chữ cái trong công thức này đảm nhiệm thì bạn sẽ thấy nó khá đơn giản và trực tiếp, bao gồm:

Attention (Chú ý): Thu hút sự quan tâm của người đọc thông qua một tiêu đề lạ lùng, một câu hỏi hoặc một lời mời gọi hấp dẫn. Đây cũng là một nơi tuyệt vời để giới thiệu về USP của sản phẩm / dịch vụ của bạn.

Ví dụ:

– Cuộc sống của bạn sẽ tuyệt đến thế nào nếu không còn bị đau đầu quấy nhiễu?

– Trải nghiệm ngay dịch vụ cắt tóc bằng lửa siêu độc đáo.

Interest (Quan tâm): Giữ chân khách hàng thông qua một đoạn ngắn cung cấp giá trị bổ trợ cho tiêu đề.

Ví dụ:

– Sản phẩm này có khả năng loại bỏ tới 99% cơn đau đầu ngay lập tức.

– Dịch vụ cắt tóc này của chúng tôi sử dụng kỹ thuật điều khiển lửa thông qua dung dịch, giúp loại bỏ phần tóc dư thừa một cách dễ dàng.

Credibility (Sự uy tín / đáng tin cậy): Sau khi đã thu hút được sự quan tâm và chú ý, bạn cần đưa ra những căn cứ để thuyết phục người xem tiếp tục đọc. Độ tin cậy có thể được tạo nên thông qua kinh nghiệm, thông tin đã được xác thực hay những nghiên cứu chuyên môn khác.

Ví dụ:

– Phương pháp chữa đau đầu của chúng tôi được phát triển bởi các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện hàng đầu nước Mỹ.

– Phương pháp cắt tóc bằng lửa đã được sử dụng rộng rãi tại các bang như Florida, Georgia của Mỹ, được cấp bằng sáng chế trước khi được mua lại bởi thương hiệu của chúng tôi.

Prove (Bằng chứng / Chứng minh): Chứng minh những điều bạn vừa đưa ra để tạo niềm tin là xác thực. Hiểu một cách đơn giản, bạn cần đưa ra được những bằng chứng có thể được kiểm chứng.

Ví dụ:

– Những video dưới đây là phản ứng của hàng trăm bệnh nhân khi cơn đau đầu biến mất một cách thần kỳ chỉ sau vài phút sử dụng thuốc.

– Dưới đây là video barber của chúng tôi thực hiện việc cắt tóc bằng lửa ngay tại cửa hàng.

Benefits (Lợi ích): Hãy liệt kê ra tất cả các lợi ích của sản phẩm hoặc giải pháp mà đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những lợi ích này hỗ trợ và bổ sung cho những thông tin mà bạn đã chứng minh ở trên.

Ví dụ:

– Sản phẩm không mùi, không vị, dễ uống và có thể mua được ở bất kỳ nhà thuốc nào. Đồng thời kích thước nhỏ gọn cũng giúp bạn mang sản phẩm đi mọi nơi, giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi cơn đau và tận hưởng cuộc sống.

– Dung dịch được sử dụng không chứa hóa chất, không làm hư hại tóc, đồng thời giúp tóc mọc theo form tốt hơn so với cắt kéo thông thường.

Scarcity (Sự khan hiếm): Tạo cảm giác khan hiếm sẽ khiến khách hàng cảm giác được sự gấp gáp, qua đó tạo cho họ động lực mạnh mẽ hơn để hành động và thúc đẩy chuyển đổi. Bạn có thể tạo cảm giác khan hiếm bằng cách chỉ ra những giới hạn hoặc hạn chế như:

– Hiện sản phẩm chữa đau đầu này sẽ được mở bán trong một thời gian ngắn trước khi được kiểm soát và chỉ bán cho người có đơn thuốc chỉ định từ bác sĩ.

– 100 người đầu tiên sử dụng dịch vụ cắt tóc bằng lửa đặc biệt sẽ được miễn phí 100% dịch vụ đi kèm (massage mặt, cạo râu, lấy ráy tai…)

Action (Hành động): Hướng dẫn người đọc các bước cần làm để đạt được lợi ích

Ví dụ:

– Điền vào form dưới đây để được đăng ký dùng thử

– Inbox cho chúng tôi ngay để đặt lịch cắt tóc

Warn (Cảnh báo): Cảnh báo là một kỹ thuật tạo động lực mạnh mẽ khác. Tuy nhiên khác với việc tạo ra sự khan hiếm thì phần này sẽ chỉ ra những hậu quả tiêu cực của việc không hành động.

Ví dụ:

– Cơn đau đầu của bạn có thể trở thành mãn tính mỗi khi căng thẳng nếu như bạn không hành động ngay từ bây giờ.

– Hiện đã có 70 người đăng ký thành công, liệu bạn có là 100 người đầu tiên được trải nghiệm phương pháp cắt tóc độc đáo này hoàn toàn miễn phí!?

Now (Ngay bây giờ): Hay còn được gọi là CTA – Kêu gọi hành động. Hãy đưa ra lời kêu gọi hành động bổ trợ cho lời cảnh báo phía trên của bạn bằng cách nhấn mạnh rằng người đọc cần hành động ngay.

Ví dụ:

– Đừng để cơn đau đầu mãi cản trở bản thân tiến bước. Bấm vào phía bên dưới để đăng ký dùng thử ngay.

– Còn chờ gì nữa mà không trải nghiệm một mái tóc “rực lửa” theo đúng nghĩa đen!? Đăng ký ngay tại đây!

Công thức này sẽ phù hợp nhất với các bài viết dạng long-form (bài viết dài và chi tiết) nhằm thuyết phục khách hàng hành động với các sản phẩm đắt tiền và có thời gian đưa ra quyết định lâu. (Ví dụ landing pages)

21. Xâu chuỗi các yếu tố (String of Pearls)

Công thức này sẽ sử dụng một yếu tố chính để làm sợi dây nhằm liên kết tất cả các yếu tố còn lại của sản phẩm (như công dụng, tính năng, bảo hành, dễ sử dụng…) vào với nhau nhằm thuyết phục khách hàng.

Ví dụ như: Mệt mỏi với việc hút bụi cho cả căn nhà vào ngày nghỉ!? 6 ưu điểm của robot hút bụi X khiến bạn thoải mái ngủ nướng cả ngày chủ nhật.

22. Bí ẩn tưởng như đã được bật mí

Công thức này được sử dụng nhằm tạo ra sự tò mò cho người đọc thông qua những chi tiết tưởng như cụ thể nhưng thực chất lại không mang tới cho người đọc một câu trả lời cụ thể cho tới khi họ thực hiện hành động tiếp theo (Click vào đường link, nhắn tin, …)

Đây là một cách rất hay để thu hút thêm traffic vào các chủ đề có vẻ như vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội, ví dụ như:

Con sen tuổi đời mới chạm 24 nhưng đã sở hữu thu nhập 1500$ monthly đáng mơ ước chỉ bằng cách viết bài theo công thức!?

23. Tiếp cận khách hàng với công thức Approach

Đây là một công thức tiếp cận với những khách hàng “dị ứng” quảng cáo hoặc từ chối mua hàng trước cả khi bạn kịp “Dạ em chào chị, em đến từ Agency O…”. Phương pháp tiếp cận này được tạo nên từ 6 yếu tố:

– Tiếp cận vấn đề (Arrive)

– Đưa ra giải pháp (Propose)

– Thuyết phục người đọc về tính khả thi của sản phẩm / dịch vụ (Persuade)

– Tạo ra niềm tin rằng người cung cấp phương pháp, cũng như bản thân phương pháp, đáng tin cậy

– Tạo ra một cơ hội mua hàng ưu đãi

– Đặt câu hỏi / CTA

Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng chỉ áp dụng phương pháp này cho những bài viết mà khán giả của nó có sự kiên nhẫn nhất định thôi nhé, đừng “dại dột” mà áp dụng vào bài quảng cáo với những sản phẩm cần ra quyết định nhanh để rồi dã tràng xe cát.

24. Công thức copywriting 7 bước của Bob Stone

– Cam kết lợi ích to lớn nhất của bạn trong tiêu đề hoặc đoạn khởi đầu

– Mở rộng bài viết bằng việc bám vào lợi ích quan trọng nhất mà bạn mang lại.

– Cho độc giả biết cụ thể những gì họ sẽ nhận được.

– Đưa ra các bằng chứng và xác nhận / feedback chứng thực từ khách hàng

– Cho độc giả biết họ sẽ mất những gì nếu như không hành động ngay

– Khẳng định lại lợi ích nổi bật của bạn thêm một lần nữa trước khi kết bài.

– Kích thích hành động ngay lập tức / CTA

Công thức này sẽ rất phù hợp với những dạng nội dung khách hàng ít quan tâm, ví dụ như Email Marketing, quảng cáo Google (khi khách hàng tình cờ tìm đúng từ khóa),…

25. Công thức 6+1

“6+1” là một công thức được giới thiệu bởi Danny Iny – một chuyên gia trong lĩnh vực content marketing, tác giả cuốn sách bán chạy “The Audience Revolution”. Công thức gồm 6 bước như sau:

– Context (Tạo bối cảnh)

– Attention (Gây ấn tượng)

– Desire (Khơi dậy ham muốn)

– The Gap (Chỉ ra khoảng hở)

– Solution (Đưa ra giải pháp)

– Call to Action (Thúc đẩy Hành động)

– Credibility (Quy tắc Lòng tin)

Sáu mục đầu tiên trong công thức này đi theo một lối triển khai tương tự như công thức Before-After-Bridge mà Ori đã trình bày ở trên, giúp người đọc cảm nhận lợi ích mà sản phẩm/dịch vụ/ý tưởng mang lại sẽ giúp ích gì cho họ. Tuy nhiên có một điều khác biệt là xuyên suốt thời gian triển khai bài viết theo 6 mục trên, có một mục nhỏ nằm trong cả 6 mục.

Số 1 cuối cùng chính là quy tắc lòng tin. Nó không thuộc về bất kì bước nào mà phải xuyên suốt tất cả 6 bước. Quy tắc này là điều quan trọng nhất trong lí thuyết 6+1, đơn giản vì chỉ có lòng tin mới khiến họ đi từ bước đầu tới bước sau.

Thông qua việc thể hiện bản thân hiểu rõ hoàn cảnh (context) của họ như thế nào, hiệu quả của phương pháp đã được chứng thực ra sao và mong muốn mang lại giá trị của bạn tới họ qua kết cấu chặt, mạch lạc, từ ngữ đơn giản mà đúng trọng tâm đến lời hứa hẹn đầy tâm huyết, từ đó thuyết phục họ đưa ra quyết định mua hàng.

26. Công thức UPWORDS (Universal Picture Words Or Relatable, Descriptive Sentences)

Universal Picture Words Or Relatable, Descriptive Sentences – hay sử dụng các hình ảnh khái quát hoặc sử dụng những con chữ, câu cú thực sự liên quan tới vấn đề. Đây là một công thức, hay chính xác hơn là một nhận định từ chuyên gia tiếp thị Michel Fortin, anh cho rằng bài viết sử dụng những từ phổ biến với người đọc, có khả năng gợi hình ảnh hoặc ví dụ trong tâm trí người đọc sẽ giúp thông điệp tiếp thị có ý nghĩa và dễ dàng được đón nhận hơn.

Ví dụ: Logo luôn được ví như là bộ mặt của một doanh nghiệp. Chính vì thế việc làm một chiếc logo sơ sài, tạm bợ cũng giống như việc để bộ mặt nhem nhuốc, râu ria xồm xoàm đi gặp khách hàng vậy.

Nó sẽ tạo một ấn tượng rất xấu cho khách hàng.

Việc sở hữu một chiếc logo có concept rõ ràng, hình ảnh bắt mắt, màu sắc phối trí hợp lý và trên hết là truyền tải được thông điệp thương hiệu tới với khách hàng. Nếu làm tốt được những việc đó, ngay cả với một mức giá cả chục triệu đồng thì chiếc logo ấy cũng giống như một chiếc cần câu giữa một hồ cá – sẽ đáng giá từng xu. Tuy nhiên cũng đừng vội vì con số ấy mà nản lòng, bởi với chúng tôi, bạn không cần chi ngần ấy tiền để có được một chiếc logo để đời cho thương hiệu. Tham khảo ngay mức giá đặc biệt ưu đãi duy nhất trong tháng 6 tại đây.

27. Công thức OATH (Oblivious – Apathetic – Thinking – Hurting)

Oblivious: Quên lãng

Apathetic: Thờ ơ / Không quá chú ý tới

Thinking: Đang suy nghĩ / cân nhắc

Hurting: Tuyệt vọng

Công thức này có thể giúp định hướng nội dung của bạn vì nó giúp bạn tập trung vào người đọc và nhu cầu của họ. Họ đang ở giai đoạn nào trong nhận thức về sản phẩm của bạn? Phạm vi chạy từ những người hoàn toàn không biết (“không biết gì”) đến những người đang rất cần một giải pháp (“gây tổn thương”). Biết khán giả của bạn đứng ở đâu có thể giúp xác định cách bạn đóng khung bài viết của mình.

Ví dụ:

Bạn có còn nhớ những ước mơ thủa đầu khi chập chững bước trên con đường trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Digital Marketing? Bạn có muốn lắng nghe câu chuyện đời của tôi, một người đi lên từ một nhân viên copywriter ngày ngày cắm mặt vào con chữ cho tới khi trở thành một Marketing Director cho một tập đoàn về Dược!? Nếu bạn vẫn đang bấp bênh và tự hỏi tương lai trong vô định, vậy 1 phút sau đây (Link) rất có thể sẽ thay đổi lối suy nghĩ đang cản trở bạn thành công bấy lâu nay đấy.

28. Công thức 4A (Aware – Attitude – Act – Act again)

Trong bối cảnh người đọc ngày một khó tính và không muốn phải nhai đi nhai lại một nội dung tới lần thứ n thì 4A nổi lên như một giải pháp cho vấn đề này.

Đây được coi là công thức “con” của AIDA, khi nó cũng tiếp cận khách hàng mục tiêu bằng phễu nhưng không gây ra sự khó chịu cho những khách hàng khó tính. 4A bao gồm 4 yếu tố như sau:

– Aware – Nhận biết

– Attitude – Thái độ

– Act – Hành động

– Act again – Lặp lại hành động

Bằng việc tập trung vào 2 điểm mấu chốt là hành động và lặp lại hành động, 4A tạo ra một thói quen sử dụng sản phẩm cho người dùng, đồng thời xuyên suốt quá trình đó, người dùng cũng sẽ có nhiều ấn tượng hơn về thương hiệu, giúp thương hiệu tạo ra được sắc màu riêng ấn tượng.

Cùng xem cách mà thuốc ho Bảo Thanh chinh phục khách hàng với nội dung 4P:

  1. Picture: Liên tục sử dụng hình ảnh khách hàng ở đủ mọi lứa tuổi đang gặp phải những cơn ho dai dẳng, cùng nét mặt bất lực của họ khi phải chịu đựng mà không có cách chữa.
  2. Promise: Bảo Thanh tạo ra niềm tin cho người bệnh thông qua việc cam kết chấm dứt những cơn ho dai dẳng chỉ sau vài ngày điều trị.
  3. Prove: Chứng minh công dụng mà mình vừa cam kết, Bảo Thanh đưa ra 3 loại thành phần tương ứng với 3 công dụng bổ phế, dịu họng và giảm ngứa rát họng. Kết hợp cùng giấy chứng nhận từ BYT để loại bỏ đi những nghi ngại về chất lượng mà người dùng có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi thành khách hàng.
  4. Thúc đẩy: Liên tục đưa ra những CTA theo dạng gấp rút để thúc đẩy khách hàng mua hàng. Điều này rất quan trọng nhất là với những sản phẩm người dùng cầm thời gian tìm hiểu giữa các brand khác nhau như thuốc ho.

29. Công thức 5A (Awareness – Appeal – Ask – Action – Advocate)

Giống như chiếc điện thoại Nokia lừng danh một thời rồi cũng phải bị thay thế, không có một công thức nào là vĩnh cửu và bất biến theo thời gian, công thức 4A, theo sự biến đổi của thị hiếu và thị trường, dần trở thành công thức 5A.

“Cha đẻ” của marketing hiện đại – Philip Kotler – dựa trên mô hình 4A đã phát triển nên mô hình 5A như mô hình Marketing dành riêng cho thời đại số.

Theo đó, mô hình này bao gồm 5 giai đoạn:

– Awareness – Nhận biết

– Appeal – Khả năng thu hút

– Ask – Tìm hiểu

– Action – Hành động

– Advocate – Ủng hộ thương hiệu

Loại bỏ tính cứng nhắc trong việc triển khai chính xác từng bước (step-buy-step) như trong quy trình đã được định sẵn, 5A đề cao tính linh hoạt bằng việc thay đổi cấu trúc bài viết để trở nên phù hợp nhất với bối cảnh (context) của bài viết.

Thậm chí, nếu bản thân thương hiệu đã có sản phảm chất lượng, có độ uy tín cao trên thị trường, bộ phận cskh tốt thì chúng ta sẽ nhảy thẳng tới bước Action (Hành động) mà không cần ràng buộc bởi các bước trên.

30. Công thức APP (Agree – Promise – Preview)

Nếu bạn là một người thường xuyên theo dõi các xu hướng mới nhất về SEO nói riêng và Marketing nói chung thì chắc hẳn bạn đã từng nghe tới Brian Dean. Là một người thường xuyên sử dụng phương pháp APP trong các bài viết của mình, Brian đã đạt được một sự hiệu quả đáng kinh ngạc với phương pháp này.

Cấu trúc của công thức này cũng rất đơn giản:

– Agree (đồng ý): Nhận ra vấn đề của người đọc, thừa nhận và đồng ý với vấn đề đó

– Promise (hứa): Hứa rằng sẽ giải quyết vấn đề của họ

– Preview (xem trước): Cho họ biết nội dung bạn sẽ nhắc đến trong bài viết

Một ví dụ về việc sử dụng APP trong sản xuất tuyến nội dung:

“Những người có làn da đen, sạm do nắng hè thường khá là tự ti, ít dám để lộ cơ thể hay không dám mặc những bộ đồ khoe dáng. Lúc này, bạn xuất hiện và đưa ra sự đồng cảm với những tuyến bài kể về sự tự ti của những người có “làn da nâu” để thu hút khách hàng mục tiêu chú ý.

Sau khi đã thu hút đủ nhiều, bạn bắt đầu đưa ra những case thành công đầu tiên sau khi sử dụng dịch vụ / sản phẩm làm trắng da tự nhiên của mình với họ, đồng thời cam kết rằng sản phẩm sẽ mang lại cho họ một làn da như ý. Sau khi đã có được sự chú ý nhất định, lúc này bạn tiếp tục đưa ra các nội dung dạng review, bao gồm về cả thành phần sản phẩm lẫn công dụng mà nó mang lại. Lúc này, khi khách hàng đã phát sinh nhu cầu, họ chắc chắn sẽ vô cùng tò mò và muốn thử tìm hiểu nó. Đây chính là lúc bạn kích thích họ tìm hiểu tiếp, có thể là click vào đường dẫn đến trang chủ để xem sản phẩm”.

APP có thể áp dụng trong việc sản xuất các bài viết cho Website hoặc mô tả video cho Youtube. Nhờ sự đơn giản trong cách triển khai ý tưởng thì công thức này sẽ là một “quả táo” vô cùng tốt, giúp bạn vượt qua những thời khắc bí bách ý tưởng khi viết bài, đồng thời cũng giúp bạn thu hút khách hàng hiệu quả.

Trên đây là 30 công thức về copywriting mà Ori tin rằng nếu nằm lòng chúng, bạn chắc chắn sẽ không còn cám cảnh việc vò đầu bứt tai hay giật mình thon thót khi nhận được một brief khó từ phía khách hàng nữa. Tất nhiên công thức chỉ là công thức, hãy cứ tự do sáng tạo và đừng bó buộc bản thân trong khuôn khổ, vì rất có thể bạn sẽ là người sáng tạo ra công thức thứ 31 thì sao! Chúc các bạn sớm ngày làm chủ con chữ.

Nếu thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại một lượt theo dõi cho Fanpage của Ori Agency và theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi tại đây nhé!

Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency

Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y