30 công thức Copywriting thúc đẩy tương tác trên mạng xã hội (Phần 1)

Làm thế nào để nội dung (content) có thể mang lại hiệu quả một cách ổn định hay làm cách nào để sản xuất ra những nội dung phù hợp với nhu cầu của đối tượng mục tiêu luôn là đích đến mà mọi Content Writers / Copywriters hướng tới. May mắn là, tuy không có “sách giáo khoa” nhưng chúng ta lại có những công thức cụ thể để giải quyết những mơ hồ xoay quanh câu hỏi trên.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, Ori sẽ gửi tới bạn 30 công thức sản xuất nội dung thúc đẩy tương tác trên mạng xã hội vô cùng hiệu quả. Cùng bắt đầu nhé.

1. Công thức BAB (Before – After – Bridge)

Đây là một trong những công thức phổ biến nhất, được cấu thành từ 3 yếu tố:

– B – Before: Tình trạng của khách hàng trước khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ

– A – After: Tình trạng của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ

– B – Bridge: Cầu nối hay lợi ích của sản phẩm / dịch vụ đã tạo ra những thay đổi đó.

Công thức này thường được áp dụng rất nhiều trong các ngành như sức khỏe, mỹ phẩm, làm đẹp, đơn giản vì con người luôn khát khao trở nên xinh đẹp, dễ nhìn hơn, nhất là trong thời đại “sống ảo” hiện nay.

Ví dụ: Sữa Anlene với quảng cáo huyền thoại “Thấy mẹ mình loãng xương nên mình…” hay các clip TVC từ Clear về ưu điểm của một mái tóc sạch gàu và cách Clear mang lại điều đó.

2. Công thức PAS (Problem – Agitate – Solve)

Khác với BAB, PAS là công thức làm “trầm trọng” nỗi đau của khách hàng để khiến họ đưa ra hành động. Công thức này được tạo nên từ 3 yếu tố:

– P – Problem: Đề cập đến các vấn đề, tình trạng khách hàng đang gặp phải

– A – Agitate: Xoáy sâu và làm vấn đề trở nên nghiêm trọng

– S – Solve: Đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề đó chính là sản phẩm/ dịch vụ mà bạn quảng cáo.

Đây được coi là “văn mẫu” của các content ads (bài viết quảng cáo) trên facebook, tiêu biểu là các trung tâm Tiếng Anh với câu chuyện “Thiếu Tiếng Anh bất lợi ra sao”.

3. Công thức FAB (Features – Advantages – Benefits)

Ở công thức thứ 3, chúng ta sẽ tập trung hoàn toàn vào ưu điểm của sản phẩm và giá trị nó mang lại cho người dùng để kích thích khách hàng hành động. Công thức này được tạo nên từ 3 yếu tố:

– F – Features: Tính năng của sản phẩm/ dịch vụ cần quảng cáo.

– A – Advantages: Ưu điểm vượt trội của sản phẩm/dịch vụ cần quảng cáo so với các đơn vị đối thủ.

– B – Benefits: Những lợi ích sản phẩm/ dịch vụ quảng cáo mang lại cho khách hàng.

Điểm mấu chốt quyết định thành bại của công thức này là ở phần lợi ích mà sản phẩm / dịch vụ mang lại phải đủ hấp dẫn với khách hàng. Nếu như quá tập trung vào tính năng hay ưu điểm của sản phẩm, nhiều khả năng nội dung này sẽ thất bại. Bạn chỉ cần nhớ một điều để áp dụng thành công FAB đó chính là “Khách hàng cần một cái lỗ sâu 3 phân chứ không cần một mũi khoan dài 3 phân”

4. Công thức 4C (Clear – Concise – Compelling – Credible)

Trên thực tế, đây không hẳn là một công thức sản xuất bài viết như 3 “người đồng hương” ở trên, 4C giống như một tiêu chuẩn mà một bài viết phải có nhiều hơn. Theo đó, một bài viết để được gọi là tốt cần làm được 4 điều:

– C1 – Clear: Nội dung Content Marketing phải rõ ràng.

– C2 – Concise: Thông điệp đưa ra ngắn gọn.

– C3 – Compelling: Nội dung bài viết cần có sức thuyết phục.

– C4 – Credible: Nội dung bài viết cần đưa nhiều dẫn chứng cụ thể.

Ví dụ: Áp dụng 4C cho sản phẩm Bột giặt Alme với ưu điểm sử dụng công nghệ mới 3X, không gây ảnh hưởng tới chất lượng vải khi giặt.

1. Clear (Rõ ràng): Không như các loại nước giặt khác, nhờ công nghệ 3X, các dung dịch làm sạch của Alme sẽ có khả năng làm mềm vải tốt hơn, không gây ảnh hưởng tới chất liệu sau một thời gian dài sử dụng.

2. Concise (Ngắn gọn): Bột giặt của chúng tôi được làm từ công nghệ 3X mới nhất, cho hiệu quả sạch sâu mà không làm mất màu hay ảnh hưởng tới chất liệu quần áo.

3. Compelling (Thuyết phục): Với Alme, giờ đây bạn đã có thể tạm biệt những bộ đồ mất màu, xù lông, thậm chí cứng ngắc sau một thời gian dài giặt máy.

4. Credible (Đáng tin cậy): Các hoạt chất của công nghệ 3X được tạo nên từ những thành phần đã qua kiểm định, không gây hại cho làn da và đã được BYT cấp phép lưu hành.

5. Công thức 4U (Useful – Urgent – Unique – Ultra-specific)

Khá tương tự như 4C, 4U cũng là một dạng danh sách các yếu tố cần có trong một bài content, nhất là bài quảng cáo, tuy nhiên công thức này tỏ ra hữu dụng hơn hẳn 4C trong các dạng nội dung về các đề tài nóng hay đang trending, trong đó 4U bao gồm:

– U1 – Useful: Hữu dụng.

– U2 – Urgent: Cấp bách.

– U3 – Unique: Độc đáo.

– U4 – Ultra-specific: Ngắn gọn.

Ví dụ với một bài quảng cáo về xúc xích tiệt trùng X

Ba mẹ có biết bữa phụ cuối giờ chiều của trẻ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng phát triển của bé, đặc biệt là trong giai đoạn từ 3-5 tuổi hay không. Việc bỏ qua bữa phụ, cũng như ăn tối muộn từ 2 – 3 tiếng sau giờ tan học sẽ khiến con dễ mắc gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa, từ đó giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn tới kém thèm ăn và dễ gầy còm hơn.

Lúc này, một thanh xúc xích ăn liền, tưởng như chỉ là một món ăn vặt, lại là một bữa phụ tuyệt vời.

Được chế biến từ thịt heo được nuôi hoàn toàn organic, giúp bổ sung tới 80g protein kết hợp cùng phương pháp làm lạnh độc đáo để giữ nguyên hương vị thì xúc xích ăn liền X chính là một bữa chiều hoàn hảo. Sản phẩm đang được mở bán tại tất cả các siêu thị trên toàn quốc.

6. Công thức AIDA

Được coi là một công thức kinh điển, tựa như quyển kinh thánh gối đầu giường của dân content từ khi mới chập chững vào nghề hay đã trở thành một Senior đầy kinh nghiệm, AIDA với lợi thế là dễ dàng áp dụng và khả năng mang lại hiệu quả cao luôn là một công thức rất được yêu thích, thậm chí là không thể thiếu trong các bài mô tả về sản phẩm / dịch vụ. AIDA được tạo nên bởi 4 thành tố:

– A – Attention: Việc đầu tiên là gây sự chú ý với người đọc.

– I – Interest: Sau đó, tạo sự thích thú cho người đọc với sản phẩm/ dịch vụ của mình.

– D – Desire: Đánh vào nỗi đau hoặc tạo ra nhu cầu ở khách hàng.

– A – Action: Kêu gọi mua hàng- chốt sale.

Ví dụ: Cách mà Netflix sử dụng AIDA để thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Để tiếp cận được với một thị trường vốn đã quá quen với việc sử dụng dịch vụ xem phim miễn phí (dạng như phimmoi) thì đây từng được coi là một bài toán khó giải của Netflix. Vì vậy hãy cùng Ori xem họ đã làm gì để chinh phục khách hàng tại đây.

Giai đoạn 1: Tạo nhận thức

Nghiên cứu cho thấy Youtube và Google là một trong những nền tảng có lưu lượng truy cập lớn nhất tại xứ sở tỷ dân này, do đó Netflix sử dụng 2 dạng quảng cáo để thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu bao gồm:

– Quảng cáo trên Youtube

– Quảng cáo hiển thị (Adwords)

Giai đoạn 2: Tạo ra sự quan tâm

Ai mà không thích miễn phí, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đầy rẫy những lời khen về những bộ phim đang được phát độc quyền trên Netflix đây. Nhờ chương trình dùng thử full tính năng trong 1 tháng của mình, Netflix dễ dàng khiến người dùng rơi vào chiếc phễu đã được tạo sẵn.

Giai đoạn 3: Đảm bảo mong muốn

Khi đã quen với việc sử dụng Netflix, người dùng dần nhận ra rằng có những nội dung chỉ có trên Netflix như:

– Phim, chương trình và phim tài liệu độc quyền của Netflix.

– Video độ phân giải cao

– Hỗ trợ cho mọi thiết bị (xem ở mọi nơi bạn đến)

– Nhiều bộ phim truyền hình và phim từ Hollywood và các ngành công nghiệp khác trong khu vực.

– Các đề xuất được cá nhân hóa về các chương trình truyền hình và phim, dựa trên các kiểu xem

– Hỗ trợ các thiết bị internet tốc độ thấp, v.v.

Các lợi ích này khiến người dùng cảm thấy thỏa mãn, lâu dần họ cho rằng con số vài đô la một tháng không còn là một vấn đề quá lớn.

Giai đoạn 4: Kêu gọi hành động

Với nhiều gói đăng ký khác nhau cùng mức giá đặc biệt tốt khi sử dụng các gói chia sẻ như gói Gia đình… Netflix dễ dàng thu hút một lượng lớn người dùng và dần xâm nhập thành công, qua đó thành công giải bài toán khó với AIDA.

7. Công Thức A FOREST

A Forest là dạng content long-form (nội dung dài), thông qua việc đưa ra hàng loạt thông tin có giá trị với khách hàng để thuyết phục họ đưa ra quyết định. Công thức này được tạo nên từ 7 dạng thông tin nhỏ bao gồm:

– A- Alliteration: Sự lặp lại

– F- Facts: Sự thật được nêu ra.

– Opinions: Luận điểm và ý kiến được trình bày.

– R- Repetition: Sự lặp lại

– E- Examples: Đưa ra các ví dụ, dẫn chứng cụ thể.

– S- Statistics: Lập bảng thống kê các con số.

– T- Threes: Lặp lại điều gì đó 3 lần nhằm tạo ấn tượng và giúp nó dễ nhớ hơn.

Có thể thấy, A FOREST không phải là một công thức phù hợp với những nền tảng yêu thích thông tin nhanh như Social Media. Dạng nội dung này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất của nó với các khách hàng đặc biệt, sẵn sàng bỏ thời gian ra để tìm hiểu như Landing Page, Website hoặc với các sản phẩm / dịch vụ có giá trị cao với thời gian đưa ra quyết định mua hàng lâu.

Ví dụ:

Hàng năm cứ tới ngày 5 tháng 6 – ngày bảo vệ môi trường hàng năm – là phong trào sử dụng đồ secondhand lại thu hút được sự chú ý rầm rộ. Với 43 triệu tấn rác từ thời trang mỗi năm thì đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại với môi trường.

Tuy nhiên sự thực là, sử dụng đồ cũ chưa chắc đã là một cách tốt để bảo vệ môi trường.

Theo một cuộc khảo sát, có tới 70% khách hàng cho biết họ sử dụng đồ cũ vì thấy giá tốt, mẫu mã đa dạng và có thể bán lại khi chán, trong khi đó, chỉ 30% còn lại có tư tưởng rằng mình đang bảo vệ môi trường.

Là một trong số ít những 30% đó, thương hiệu “Alpha in Used” ra đời như một cách để lan tỏa thông điệp thời trang bền vững. Và, 30% cũng là collection đầu tiên mà chúng tôi cho ra mắt, lấy cảm hứng từ những điều mà chúng tôi tin là có thể thay đổi cách nghĩ của mọi người về thời trang qua tay.

8. Công thức 5 Cản trở (The 5 basic objections)

Những điều gì đang cản trở khách hàng đưa ra quyết định mua hàng / sử dụng dịch vụ? Với công thức này, chúng ta đi sâu vào giải quyết những thắc mắc, băn khoăn ấy nhằm thuyết phục họ đưa ra hành động thông qua việc đưa ra và giải quyết 5 khúc mắc:

– Tôi không đủ tiền.

– Tôi không có thời gian.

– Tôi không thích.

– Tôi không tin.

– Tôi không cần.

Một bài viết thành công là khi chính người viết cũng không thể tìm ra được một lý do nào trong 5 yếu tố cản trở trên.

9. Công thức 4P (Picture – Promise – Prove – Push)

Bạn đang cần sản xuất nội dung tương tác trên mạng xã hội, vậy 4P chính là công thức phù hợp nhất trong trường hợp này. 4P thu hút người đọc thông qua:

– P1- Picture: Là một hoặc nhiều bức ảnh thu hút sự chú ý, tò mò từ khách hàng.

– P2- Promise: Đưa ra lời cam kết với khách hàng về sản phẩm/ dịch vụ của bạn

– P3- Prove: Xuất trình những dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho lời cam kết đó.

– P- Push: Kêu gọi mua hàng, chốt sale.

Đây là một trong những cách viết bài quảng cáo cơ bản và dễ áp dụng nhất trong tất cả các công thức trên. Với khả năng tiếp thị trực diện tốt nhờ hình ảnh được đầu tư, công thức này sẽ đặc biệt hữu dụng trong các ngành dựa nhiều vào hình ảnh như thời trang, nhà hàng – F&B…

Để hiểu rõ hơn bạn có thể tham khảo ví dụ dưới đây:

30-cong-thuc-copywriting-thuc-day-tuong-tac-tren-mang-xa-hoi

10. Tạo ra sự bí ẩn để kích thích sự tò mò

30 công thức sản xuất nội dung mang lại hiệu quả cao nhất (Số 27 và 28 chắc chắn sẽ làm bạn bất ngờ) hay Tại sao bạn không bao giờ có thể bẻ đôi mì Spaghetti khi nó còn cứng (Lý do này chắc chắn sẽ làm bạn bất ngờ)… Như bạn có thể thấy qua một vài ví dụ trên, dạng bài viết đặc biệt này đưa ra cho bạn một thông tin gây tò mò lớn, hé lộ một chút bí mật nhưng không bật mí hoàn toàn, khiến những chú mèo tò mò không thể làm gì khác ngoài việc nhấp chuột.

Định dạng chung cho chiến thuật này diễn ra như sau:

– Tạo một bí ẩn ngay từ tiêu đề bài viết / phần intro của nội dung

– Tạo ra những nội dung mang tính gợi mở ở giữa để khiến mọi người chờ đợi giải pháp

– Giải quyết bí ẩn đã đưa ra và tạo ra một bí ẩn khác hoặc thậm chí không giải quyết bí ẩn ban đầu – một kết thúc mở chẳng hạn (cả hai tùy chọn đều khiến độc giả của bạn không thể khép lại và khiến họ nhớ đến bạn)

– Lồng ghép thông điệp của thương hiệu ở cuối bài viết / video

Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng công thức này, bởi lẽ trong một số trường hợp, việc không thể giải quyết sự tò mò cũng có thể tạo ra sự bực dọc (Ví dụ như cap một đoạn phim gay cấn nhưng không đính kèm link chẳng hạn), từ đó gây ra ảnh hưởng xấu tới thương hiệu.

11. Giải quyết những bí ẩn

“53% người dùng Internet không chia sẻ bất cứ điều gì khi sử dụng mạng xã hội, vậy họ dành thời gian làm gì khi trực tuyến – Tìm hiểu ngay tại đây!”

Việc đưa ra lời giải cho một vấn đề mà người dùng chưa từng nghĩ tới luôn khiến họ tò mò. Lợi dụng xu hướng tâm lý này, chúng ta có thể tạo ra những nội dung mang tính điều hướng, khiến họ quyết định ghé thăm blog hoặc các liên kết đích mà chúng ta đưa ra.

Để đảm bảo sự hiệu quả cho dạng nội dung này, bạn nên đảm bảo 3 yếu tố:

– Tiêu đề ngắn gọn, dễ hiểu, thậm chí dễ gây hiểu lầm

– Đưa ra một suy nghĩ đi ngược lại dư luận

– CTA đủ mạnh để thúc đẩy hành động

Để hình dung rõ hơn, Ori mời bạn tham khảo thêm ví dụ dưới đây:

30-cong-thuc-copywriting-thuc-day-tuong-tac-tren-mang-xa-hoi

12. 5 mảnh ghép tạo nên một câu chuyện tuyệt vời của Sonia Simone

Theo bạn, một bài viết kể chuyện thành công cần có những yếu tố nào!? Với Sonia Simeone – một blogger / nhà tiếp thị nổi tiếng người Mỹ thì có 5 yếu tố tạo nên một câu chuyện thành công, bao gồm:

– Bạn cần một anh hùng (Người giải quyết được vấn đề trong câu chuyện – thường là ẩn dụ từ nỗi đau của khách hàng)

– Bạn cần một mục tiêu (Bài viết đang hướng khách hàng tới hành động / cảm xúc nào?)

– Bạn cần tạo ra sự xung đột

– Bạn cần một người cố vấn để giải quyết vấn đề

– Câu chuyện phải mang tính đạo đức / hoặc giải quyết các tranh cãi xoay quanh vấn đề đạo đức

Trong đó, sự xung đột sẽ được thể hiện tốt nhất thông qua công thức PAS, người cố vấn thì lại cần tới sự giúp đỡ của công thức BAB. Làm tốt từng mảnh ghép sẽ khiến câu chuyện của bạn mang sức thuyết phục hơn rất nhiều, đặc biệt phù hợp cho các nội dung mang tính long-form như bài viết PR / Landing Pages…

13. Hướng bài viết tới một đối tượng cụ thể

Một bài viết quảng cáo tốt là bài viết gần như là tâm thư của hai người bạn gửi cho nhau. Do đó, công thức này cũng tương tự như 4U và 4C, nó yêu cầu người viết có sự hiểu biết sâu sắc về công chúng mục tiêu của bài viết, thông qua:

– Giọng văn phù hợp / Nói ngôn ngữ của người nghe

– Thấu hiểu nỗi đau

– Đưa ra lời khuyên một cách hợp lý, không vồ vập

– Lồng ghép sản phẩm thông minh

Đây cũng là một trong những công thức mà Ori đã áp dụng cho chiến lược tiếp thị nội dung của mình.

30-cong-thuc-copywriting-thuc-day-tuong-tac-tren-mang-xa-hoi

14. Công thức 3 lý do “Tại sao”

– Tại sao thương hiệu của bạn lại là lựa chọn tốt nhất?!

– Điều gì khiến tôi nên tin bạn?

– Tại sao tôi nên mua ngay bây giờ?

Ba câu hỏi này là sự mở rộng cho một câu hỏi đã được thử nghiệm rất nhiều lần và có tỷ lệ chính xác đáng kinh ngạc mà tất cả những người viết quảng cáo đều cố gắng trả lời: “Tại sao?” Brian Clark - một Copyblogger đã tóm tắt tất cả những câu hỏi này thành một câu hỏi lớn như sau: “Tại sao tôi phải mua hàng của bạn khi tôi biết đối thủ cạnh tranh của bạn tốt hơn hoặc cả hai hầu như không có sự khác biệt nào?”

Việc giải quyết được vấn đề này thông qua các luồng thông tin có trong bài viết sẽ giúp khả năng thuyết phục khách hàng của bạn được nâng lên một tầm cao mới.

Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về kỹ thuật viết content này:

30-cong-thuc-copywriting-thuc-day-tuong-tac-tren-mang-xa-hoi

15. Công thức 3S (Star – Story – Solution)

Đây là một công thức viết nội dung theo dạng kể chuyện (Storytelling). Trong đó, câu chuyện có cốt truyện, có nhân vật, có tình tiết mâu thuẫn, cao trào và cả đoạn kết hợp lý. Thông qua câu chuyện đó, bạn (Sản phẩm / dịch vụ) sắm vai một người hùng khi giải quyết vấn đề được đưa ra một cách hợp lý. Một bài viết 3S thường có cấu trúc như sau:

– S1- Star: Nhân vật chính của câu chuyện. Nhân vật này có thể là người mua hàng, người đang dùng sản phẩm/ dịch vụ hoặc công ty của bạn.

– S2- Story: Xây dựng lên một câu chuyện xoay quanh nhân vật chính. Với phần cao trào gây được hứng thú cho người đọc

– S3- Solution: Trình bày giải pháp mà nhân vật chính đã làm để giải quyết vấn đề gặp phải. Từ đó lồng ghép sản phẩm/ dịch vụ bạn cần quảng cáo vào.

Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý là không nên quá chìm đắm vào câu chuyện mà quên mất việc lồng ghép sản phẩm / dịch vụ hoặc lồng ghép quá thô dẫn tới phản cảm cho người đọc nhé.

Ví dụ: Sơn luôn có một tình cảm đặc biệt với Bún Riêu – một thức quà đặc sản của Hà Nội. Chẳng phải bởi Sơn có tình yêu lớn gì với ẩm thực, chỉ là nó nhắc nhở Sơn về một thời sinh viên khốn khó đã gắn bó với cái vị chua nhẹ quá đỗi quen thuộc. Bởi thế mà Sơn rất thích Bún Riêu, nhưng cũng đặc biệt khắt khe với sở thích của mình. Bên cạnh độ tươi, ngon của nguyên liệu thì vị chua dịu nhẹ, vừa đủ để kích thích vị giác cũng là một yếu tố quan trọng. Chính vì thế, dấm bỗng “Diên Hồng” luôn là một gia vị chẳng thể thiếu của Sơn vào bếp. Được lên men hoàn toàn tự nhiên từ những hèm rượu organic chính là bí quyết tạo ra một vị chua vô cùng vừa vặn, giúp không chỉ Bún Riêu, mà mọi món ngon đều bùng vị.

Trên đây là 30 công thức về copywriting mà Ori tin rằng nếu nằm lòng chúng, bạn chắc chắn sẽ không còn cám cảnh việc vò đầu bứt tai hay giật mình thon thót khi nhận được một brief khó từ phía khách hàng nữa. Tất nhiên công thức chỉ là công thức, hãy cứ tự do sáng tạo và đừng bó buộc bản thân trong khuôn khổ, vì rất có thể bạn sẽ là người sáng tạo ra công thức thứ 31 thì sao! Chúc các bạn sớm ngày làm chủ con chữ.

Nếu thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại một lượt theo dõi cho Fanpage của Ori Agency và theo dõi các bài viết mới nhất của chúng tôi tại đây nhé!

Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency

Ori Marketing Agency định vị là một Performance Agency, chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, triển khai các chiến dịch Marketing với nhiều loại ngành nghề khác nhau như Ô tô, Bất động sản, F&B, FMCG, Giáo dục - Khóa học, Sản phẩm sức khỏe....

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện Marketing của bạn, tư vấn hỗ trợ bạn đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất: https://bit.ly/3OF2d3Y