Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Du học Marketing #12: Hồng Ngọc Phương Dung @ Schmalkalden University – Bứt phá vùng an toàn nhờ “thuận theo tự nhiên”

Bắt đầu hành trình du học với cơ duyên tình cờ nhưng những trái ngọt thu được từ hành trình định mệnh này đã giúp chị Phương Dung trở thành một phiên bản tốt hơn, chững chạc hơn. Hãy cùng Brands Vietnam lắng nghe chia sẻ của chị trong buổi phỏng vấn số 12 của series Du học Marketing nhé!

Chị Hồng Ngọc Phương Dung hiện là Communications Manager tại Mercedes-Benz Việt Nam. Trước khi du học, chị đã có 3 năm đi làm và gần 2 năm kinh nghiệm Marketing trong ngành ô tô và những công ty đa quốc gia.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của chị Dung?

Thật ra, khái niệm đi du học chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ hay kế hoạch của mình. Cơ hội tình cờ đến khi một đồng nghiệp có dự định đi du học và rủ mình cùng đăng ký. Mình đã đồng ý cùng bạn ấy tìm hiểu trong tâm thế thử sức và không mong đợi quá nhiều.

Từ một quyết định ngẫu nhiên, bản thân đã vô thức nghiêm túc hoàn thiện từng bước trong quá trình đăng ký đi học. Hành trình du học đã được mở ra một cách tự nhiên và “định mệnh” như thế với những kỷ niệm “dở khóc dở cười” mà mình sẽ kể kĩ hơn trong buổi trò chuyện hôm nay.

Bên cạnh đó, việc nhận được thư mời nhập học vào đúng ngày sinh nhật cũng là một sự kiện bước ngoặt cho hành trình du học của mình.

Chị Hồng Ngọc Phương Dung – Communications Manager tại Mercedes-Benz Việt Nam.

* Một quyết định “thuận theo tự nhiên” như vậy sẽ đi cùng những mục tiêu, mong đợi như thế nào?

Vào thời điểm đó, mình đã đi làm khoảng hơn 3 năm. Bản thân lúc này đã có chút vốn kinh nghiệm nên định hướng về nghề nghiệp của mình cũng rõ ràng hơn so với giai đoạn vừa tốt nghiệp. Mình biết được bản thân đang cần làm gì và sẽ làm gì để đạt được điều đó.

Vậy nên, trong lần “xuất ngoại” này mình đã đặt ra 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là tăng vốn sống, vốn trải nghiệm và thứ hai là trau dồi thêm về kiến thức chuyên ngành vì Đức là một trong những quốc gia có nền tảng giáo dục hàng đầu thế giới.

Gần 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing cho ngành ô tô và những công ty đa quốc gia đã giúp Dung xác định được đam mê và mong muốn phát triển thêm trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi du học bằng thạc sĩ, mình chú trọng những nhóm ngành liên quan tới Tiếp thị (Marketing) và Quản lý (Management) nói chung. Chương trình đào tạo Thạc sĩ (Master) ở Đức rất rộng. Do đó, bạn có thể tự do lựa chọn những nhóm môn học mà bạn thích và mong muốn trau dồi thêm về kiến thức.

* Những yếu tố nào được đặt lên bàn cân để chị Dung lựa chọn du học ngành International Business and Economics tại Đức?

Bước khởi đầu cho hành trình du học của Dung là sự tình cờ nhưng khi bắt đầu tìm hiểu thì mình không “thả trôi” mà thực sự nghiêm túc tìm hiểu. Cuối cùng, mình chọn du học tại Đức vì 3 lý do sau.

Thứ nhất, Đức là thiên đường cho những bạn du học tự túc.

Dung biết có khá nhiều “tin đồn” về chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các quốc gia Châu Âu. Dù vậy, các trường công lập tại Đức và một số quốc gia trong khu vực đa phần sẽ có chính sách miễn học phí. Tất nhiên, một số vùng, bang vẫn còn áp dụng học phí ở mức tương đương với Mỹ và Canada, nhưng tỉ lệ này không quá nhiều. Bên cạnh ưu điểm miễn học phí, những vùng chính của Đức sẽ có những học bổng của vùng. Với những hỗ trợ tài chính về học phí thì tất cả những gì bạn phải lo chỉ là chi phí ăn ở, bảo hiểm. Tin vui là chi phí sinh hoạt ở Đức không thuộc nhóm đắt đỏ. Nếu tính lại thì tổng các khoản chi sinh hoạt của mình gói gọn trong khoảng 10-15 triệu/tháng.

Thứ hai, Đức sở hữu nền giáo dục tiên tiến với tính kỷ luật và tiêu chuẩn học thuật khá cao.

Thứ ba, Schmalkalden University of Applied Sciences có chương trình học kỳ trao đổi miễn phí với các trường trong hệ thống đối tác.

Hệ thống trường đối tác trải dài từ Mỹ, Tây Ban Nha, Úc cho đến các nước Châu Á như Trung Quốc và các nước láng giềng như Thụy Sĩ hay Phần Lan. Một số chương trình trao đổi còn cấp văn bằng kép (double-degree), nghĩa là sinh viên sẽ sở hữu hai bằng của hai trường đại học khác nhau sau khi hoàn thành học kỳ trao đổi.

Mặt khác, Schmalkalden University of Applied Sciences là một trường quốc tế với nhiều người bạn đến từ các vùng đất khác nhau như Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Sự giao thoa giữa nhiều ngành, nhiều nhóm văn hóa khác nhau cũng khiến Dung thấy rất thú vị, là cơ hội để giao lưu, kết thêm bạn.

Schmalkalden University of Applied Sciences.
Nguồn: takt-magazin.de

* Trong các khâu chuẩn bị cho việc đăng ký học tại trường, chị Dung có những trải nghiệm khó quên nào muốn chia sẻ cùng các bạn cộng đồng marketer trên Brands Vietnam?

Ban đầu, mình có ý định “nhờ” trung tâm tư vấn du học giải quyết các bước đăng ký liên quan đến giấy tờ, thậm chí là viết thư ứng tuyển (application letter) để nâng cao tỉ lệ đăng ký thành công. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều trung tâm và lúc sắp đặt bút ký hợp đồng trị giá hơn 100 triệu với bên tư vấn, linh tính mách bảo mình dừng lại và tin tưởng vào khả năng của bản thân. Mình đã tự chuẩn bị hồ sơ từ công chứng giấy tờ đến dịch thuật và viết thư ứng tuyển cho từng trường với chi phí chỉ trong khoảng 20-30 triệu.

Từ trải nghiệm “thực chiến”, mình nghĩ các bạn đang có ý định du học hãy tự tìm hiểu, lên kế hoạch và tự chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn phát triển kỹ năng sắp xếp và quản lý, mà còn giúp tiết kiệm một khoản chi phí không cần thiết. Khi đã quen dần với việc làm giấy tờ, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với cuộc sống “tự do tự lo” ở nơi đất khách quê người hơn.

* Chị Dung có thể chia sẻ một số bí quyết chuẩn bị giấy tờ chỉn chu để nộp vào các trường ở Đức?

Đối với Đức thì quá trình chuẩn bị sẽ hơi khắt khe hơn một chút. Đặc biệt, với các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Mông Cổ thì những du học sinh tương lai còn phải qua một kỳ thi APS.

APS bao gồm hai phần thi viết và phỏng vấn.

Tự tìm hiểu, lên kế hoạch và tự chuẩn bị các giấy tờ cần thiết không chỉ giúp bạn phát triển kỹ năng sắp xếp và quản lý, mà còn tiết kiệm một khoản chi phí không cần thiết.

Phần thi viết tập trung vào những câu hỏi về các môn học chuyên môn trong 4 năm học đại học. Ví dụ, trước đây mình học về ngành quản trị kinh doanh nhưng công việc lại là Marketing. Bài thi sẽ hỏi sâu hơn vào kiến thức thuộc nhóm môn học về Marketing. Cách Dung đã áp dụng lúc đó là dành 1 tháng trước ngày thi để liệt kê tất cả những môn học trong khoảng thời gian bốn năm đại học, tổng hợp nội dung chính của môn học và kiến thức. Làm thế nào để tổng hợp tất cả trong 1 tháng? Dung đã cầu cứu “bác” Google với những từ khóa liên quan đến môn học để quá trình tổng hợp được nhanh hơn.

Đối với phần phỏng vấn, người phỏng vấn sẽ hỏi những câu hỏi nhằm xác minh lại những điểm được thể hiện trong bài thi viết. Bí kíp cho vòng thi này chỉ gói gọn trong 2 chữ “thành thật”. Người phỏng vấn là những chuyên viên dày dặn kinh nghiệm nên sẽ dễ dàng phát hiện những thông tin mà đáp viên “tô vẽ” thêm. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả kiểm tra.

Thứ hai, bạn cần chuẩn bị hồ sơ với nhiều lý luận chặt chẽ để tăng tính thuyết phục trong bối cảnh tỷ lệ chọi giữa những du học sinh ngoại quốc rất cao. Theo mình tìm hiểu, những trường đại học danh tiếng ở Đức như Goethe Frankfurt chỉ dành chỉ tiêu 2% trên tổng số suất học cho sinh viên quốc tế. Do đó, việc có thêm một thư giới thiệu (recommendation letter) từ giáo sư ở trường đại học hay sếp lớn tại nơi làm cùng nhiều hoạt động ngoại khóa và công việc tình nguyện sẽ giúp “đánh bóng” bộ hồ sơ, tăng khả năng được duyệt.

Thứ ba, bạn nên biết cách làm việc với bên trung gian khi làm nộp hồ sơ ứng tuyển. Đối với du học Châu Âu, một số trường sẽ tự nhận hồ sơ và một số khác phải qua bên thứ ba. Với những trường thông qua trung gian, bạn cần tìm hiểu về các trường và khóa học đang mở thông qua website của họ, sau đó gửi hồ sơ của mình và liên tục giữ liên lạc để cập nhật tiến độ, kết quả gửi hồ sơ đăng ký.

International Business and Economics là một ngành học khá rộng, tập trung vào kỹ năng quản trị cùng những kiến thức bổ trợ khác liên quan đến Công nghệ và Marketing.
Nguồn: Hochschule Schmalkalden

* Chị có thể chia sẻ tổng quan về chương trình học của mình tại Đức? Đây sẽ là chương trình phù hợp cho những bạn có định hướng như thế nào?

Thật ra, International Business and Economics là một ngành học khá rộng, tập trung vào kỹ năng quản trị cùng những kiến thức bổ trợ khác liên quan đến Công nghệ và Marketing.

Mình luôn ưu tiên lựa chọn những môn học bản thân cảm thấy hứng thú. Chẳng hạn, mình từng học môn “Automotive Technology Management” về quản lý công nghệ ô tô. Đây là một môn khá sát với ngành xe – lĩnh vực mình yêu thích. Ngoài ra, mình cũng lựa chọn chủ yếu nhóm môn học về quản lý và kinh tế quốc tế như Luật Liên bang Châu Âu hay Kinh tế tiền tệ. Nhưng do không có nhiều thời gian nên mình luôn bám sát theo định hướng chung là phát triển sâu về kỹ năng quản lý, kiến thức chuyên môn về ngành xe và ngành Marketing.

Tuy nhiên, nếu có đủ thời gian, Dung sẽ cân nhắc tham gia học kỳ trao đổi của để có cơ hội tiếp cận với những môn học chuyên ngành tại các trường thuộc hệ thống đối tác. Ngoài ra, Schmalkalden University of Applied Sciences cũng là nơi phù hợp với các bạn mong muốn có song bằng (double-degree) hoặc bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Nhưng để đăng ký học MBA, bạn sẽ cần chuẩn bị chứng chỉ GMAT với số điểm tốt.

* Chị có thể chia sẻ một vài điểm thú vị và một vài khoảnh khắc đáng nhớ nhất về ngành học hay môi trường học tập?

Trải nghiệm học tập và sinh sống ở Đức đã mang lại cho chị Dung nhiều kỷ niệm đáng nhớ và đặc biệt gắn với con người nơi đây.

Trải nghiệm học tập và sinh sống ở Đức đã mang lại cho mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ và đặc biệt gắn với con người nơi đây.

Một trong những thách thức đầu tiên mà Dung gặp phải chính là rào cản ngôn ngữ. Trước khi đến Đức, trình độ tiếng Anh của mình chỉ ở mức trung bình. Khi đặt chân đến đất nước này thì mình nhận ra rằng tiếng Anh là cầu nối duy nhất giúp mình “tồn tại” và hòa nhập với các bạn học và mọi người xung quanh. Dù vốn tiếng Anh cũng được cải thiện khá nhiều nhưng bản thân Dung vẫn chủ động học thêm một số câu giao tiếp tiếng Đức cơ bản để có thể giao tiếp với người dân địa phương, đặc biệt là các cô chú lớn tuổi. Bởi người Đức họ vẫn sử dụng tiếng bản địa hơn là tiếng Anh để giao tiếp trong đời sống hàng ngày.

Ngoài ra, áp lực tài chính cũng là một thách thức đáng kể. Để tự lo chi phí sinh hoạt, mình đã quyết định vừa học vừa làm. Dung từng thử làm việc tại DHL – đơn vị vận chuyển hàng đầu Đức với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, công việc quá sức buộc mình từ bỏ. May mắn sau đó mình nhận được một cơ hội phù hợp hơn tại công ty startup về E-commerce. Quá trình làm việc ở đây diễn ra khá thuận lợi và mình còn nhận được lời đề nghị chính thức làm việc sau tốt nghiệp.

* Trong quá trình du học, chị Dung đã may mắn gặp gỡ vị giáo sư nào để lại ấn tượng sâu sắc?

Vị giáo sư đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong mình chính là thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Mình ngưỡng mộ thầy không chỉ vì những góc nhìn sâu sắc về ngành Marketing mà còn bởi phong cách giảng dạy nhiệt huyết.

Thầy đã từng làm việc cho hãng hàng không quốc gia Đức – Lufthansa nên lượng kiến thức, kinh nghiệm thầy chia sẻ trong chương trình học rất đa dạng và thực tiễn. Một điểm đặc biệt khiến Dung ngưỡng mộ thầy đó là sự tận tâm với từng buổi học. Vì một biến cố mà thầy mất khả năng nghe nên phương tiện giao tiếp chính giữa thầy và trò là viết ra giấy hoặc thông qua dụng cụ trợ thính. Vì thính giác không được tốt nên thầy khó kiểm soát được âm lượng cũng như tông giọng của mình, việc giao tiếp giữa đôi bên cũng mất nhiều thời gian. Do đó, lớp của thầy thường có ít sinh viên theo học. Dù vậy, ở mỗi tiết giảng, thầy vẫn cần mẫn, vẫn giảng bài và thảo luận cùng sinh viên vô cùng nhiệt huyết và tận tâm.

Chính bởi lượng kiến thức đa dạng và sự tận tâm ấy nên mình quyết định mời thầy làm giảng viên hướng dẫn cho luận văn tốt nghiệp. Có thể nói, thành tích tốt của bài luận văn là nhờ phần lớn vào sự hướng dẫn, tham vấn nhiệt tình của thầy.

Với lợi thế của việc du học tại một quốc gia Châu Âu, chị Dung đã có cơ hội di chuyển trong khối Schengen để khám phá và trải nghiệm nhiều nền văn hóa đa dạng.

* Chị Dung đã làm thế nào để tối ưu thời gian, tối đa trải nghiệm tại Đức?

Với lợi thế của việc du học tại một quốc gia Châu Âu, Dung đã có cơ hội di chuyển tự do trong khối Schengen để khám phá và trải nghiệm nhiều nền văn hóa đa dạng. Mình đã đến đến Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Áo và Hungary với chi phí phải chăng bằng cách săn sale và sử dụng phương tiện công cộng. Ấn tượng nhất là mình đã săn sale thành công và mua vé tàu từ thành phố nơi mình sống đến thành phố Salzburg (Áo) chỉ với 10 Euro, tương đương khoảng 260.000 VNĐ.

Để có thể trải nghiệm tối đa cuộc sống nước ngoài, Dung đã chủ động học nấu ăn. Với ngân sách hạn chế và giá cả đắt đỏ của các nhà hàng, mình buộc phải học cách nấu các món ăn Việt Nam và những món Âu. Có thể thấy khoảng thời gian du học đã biến một cô gái với kinh nghiệm bếp núc gần như bằng 0 trở thành đầu bếp bán chuyên. Đây cũng là một điều khiến mình tự hào nhè nhẹ khi đi du học.

* 3 điểm chị Dung nhận được từ chuyến du học Đức vừa rồi?

Nhìn lại cả một hành trình với nhiều trải nghiệm thú vị thì Dung thấy bản thân đã hoàn thành được những mục tiêu ban đầu. Những năm tháng một mình vẫy vùng ở Đức đã giúp mình thay đổi bản thân cũng như khám phá thêm những kiến thức mới, những khả năng mới.

“Những năm tháng một mình vẫy vùng ở Đức đã giúp mình thay đổi bản thân cũng như khám phá thêm những kiến thức mới, những khả năng mới”.

Điểm đầu tiên mình nạp được nhiều nhất là kiến thức. Mình đã học được những kiến thức về Marketing và Quản lý (Management) ở tầng sâu hơn theo cách có hệ thống hơn. Những kiến thức đa tầng, đa chiều này giúp bản thân được mở rộng góc nhìn về lĩnh vực Marketing.

Thứ hai là trải nghiệm. Mình đã có cơ hội khám phá và trải nghiệm cuộc sống ở Đức cũng như ở các quốc gia lân cận, từ đó tích lũy thêm vốn sống cho những hành trình tiếp theo.

Thứ ba là sự trưởng thành. Mình đã học được cách tự quản lý chi tiêu, học cách nấu ăn và chăm sóc bản thân, trở thành một phiên bản tốt hơn so với trước khi đi du học.

* Dự định tiếp theo trong công việc của chị sau khi hoàn thành khoá học?

Dự định tiếp theo chính là áp dụng những kiến thức học được trong quá trình du học để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Marketing cho ngành hàng xe hơi (automotive) mà mình đam mê.

Biến bản thân thành “cuốn sách sống” với nhiều chương thú vị để tăng khả năng trúng tuyển nhưng vẫn thành thật trong trình bày hồ sơ và phỏng vấn.

Thứ hai, mình cũng mong muốn có cơ hội chia sẻ những trải nghiệm, đúc kết của bản thân trong những năm tháng tại xứ người đến những bạn trẻ có chung định hướng. Để hiện thực hóa dự định này, mình sẽ lên kế hoạch tham dự những buổi workshop, talkshow để chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm cũng như là giải đáp những thắc mắc thường gặp cho các bạn du học sinh tương lai.

* Chị có lời khuyên nào cho các bạn đang có định hướng du học cùng chuyên ngành của mình?

Mình có 3 lời khuyên rút ra được từ những trải nghiệm thực tế như sau:

Thứ nhất là hãy tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, đúng sở thích, đam mê để hồ sơ đăng ký của bạn trở nên nổi bật hơn. Hay nói cách khác, hãy biến bản thân thành “cuốn sách sống” với nhiều chương thú vị để tăng khả năng trúng tuyển.

Thứ hai là hãy thành thật trong trình bày hồ sơ và phỏng vấn. Đơn giản vì người xét duyệt sẽ dễ dàng nhận ra đâu là trải nghiệm thật và đâu là trải nghiệm bạn tự vẽ vời. Khi ứng viên trung thực với những suy nghĩ của mình, đồng thời tự tin chia sẻ với người phỏng vấn, họ sẽ đưa ra được đánh giá khách quan nhất để đảm bảo sự phù hợp giữa bạn và định hướng của trường.

Thứ ba là hãy lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, thời gian và sở thích khi muốn tìm việc trong quá trình du học. Điều này sẽ giúp bạn tối ưu hóa thời gian và có được những trải nghiệm bổ ích và thật sự có giá trị.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị và lời khuyên chân thành!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam