Suy nghĩ và hành động một cách chiến lược (Phần 2): Các nguyên tắc chiến lược cần biết

Có hay không công thức tạo ra chiến lược thành công?

Câu trả lời là “Không”. Sẽ không tồn tại một công thức chung nào đảm bảo thành công trong chiến lược. Mỗi doanh nghiệp và nhãn hàng có đặc điểm riêng với sản phẩm và dự án khác nhau, do đó không có một mô hình duy nhất phù hợp với tất cả. Tương tự, không thể có quy trình cụ thể để đảm bảo một chiến lược xuất sắc và cũng không có quy tắc tuyệt đối để đạt được thành công.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cách nào để đạt được chiến thắng. Người xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Nguyên tắc chiến lược

Như đã đề cập ở Phần 1, trước khi bắt đầu xây dựng chiến lược, hãy tìm hiểu thách thức mà doanh nghiệp và nhãn hàng đang đối mặt để có thể thiết kế quy trình hành động cần thiết. Nhà quản trị có thể sử dụng mô hình 5 câu hỏi:

  1. Chúng ta đang ở đâu?
  2. Chúng ta đã đến đây bằng cách nào?
  3. Chúng ta muốn đi đâu?
  4. Chúng ta sẽ đến đó bằng cách nào?
  5. Làm thế nào để biết chúng ta sẽ đến đích?

Sau đó, hãy áp dụng các nguyên tắc sau để xây dựng chiến lược một cách hiệu quả.

Nguồn: Pexels

Chiến lược nhằm giải quyết vấn đề

Chúng ta thường vội vã trong giai đoạn bắt đầu, xu hướng thường thấy là sẽ dừng lại ở một vấn đề hời hợt hoặc không thú vị, hoặc một mục tiêu kinh doanh. Nhưng xác định vấn đề thực sự là khía cạnh có giá trị nhất trong việc phát triển chiến lược.

Một vấn đề thực sự mới chính là phần khó mở khóa nhất, đó là lý do tại sao nó xứng đáng chiếm phần lớn năng lượng chiến lược của chúng ta. Rất nhiều nhà hoạch định chiến lược tin rằng, tìm kiếm ra đúng vấn đề đồng nghĩa với việc đã giải quyết được một nửa vấn đề đó.

Lời khuyên cho doanh nghiệp và nhãn hàng là hãy tập trung tìm ra chân tướng của vấn đề, thay vì dành quá nhiều thời gian và năng lực để đưa ra giải pháp. Trong đó, doanh nghiệp và nhãn hàng cần tập trung tìm hiểu vấn đề mang yếu tố “con người” phía sau những vấn đề mang yếu tố kinh doanh. Bởi chỉ khi xác định được chính xác nhu cầu thực sự của con người, thì mới có thể tìm ra cơ hội mà sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp và nhãn hàng có thể giải quyết nhu cầu đó.

Xác định vấn đề thực sự là khía cạnh có giá trị nhất trong việc phát triển chiến lược.
Nguồn: Envato

Chiến lược nhằm tìm kiếm sự thật

Một chiến lược thương hiệu được đánh giá là hiệu quả khi nó được xây dựng trên 3 nền tảng: Tính chân thực của thương hiệu, tính xác thực của thương hiệu và uy tín của thương hiệu đó.

Chúng ta đều biết, mục tiêu tối cao của việc xây dựng thương hiệu là tạo ra những kết nối có ý nghĩa với khách hàng. Tính chân thực có thể tạo ra những sự kết nối có ý nghĩa lớn. Chúng ta trên thực tế đều luôn tìm cách có được cảm giác an toàn hơn trong cuộc sống, để cảm thấy được kết nối nhiều hơn với những người xung quanh và những điều mà chúng ta cho là quan trọng.

Bằng cách phối kết hợp những sự thật có cả cơ sở lý luận và cảm xúc, pha trộn những sự thật hợp lý và cảm xúc thành một loại cocktail ý nghĩa mới, mạnh mẽ hơn, chúng ta giúp thương hiệu tồn tại và phát triển theo những cách thức hấp dẫn và độc đáo hơn. Những sự thật có ý nghĩa này thúc đẩy lời hứa của thương hiệu, đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng và nhân viên, và tiến xa hơn các đối thủ cạnh tranh.

Một chiến lược thương hiệu được đánh giá là hiệu quả khi xây dựng trên 3 nền tảng: Tính chân thực, tính xác thực và uy tín của thương hiệu.

Chiến lược phải đặt khách hàng làm trọng tâm

Đã không còn tồn tại nhận thức sản phẩm là trung tâm của doanh nghiệp, ngày nay, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, khách hàng mới là phần quan trọng nhất của sinh tồn của một doanh nghiệp hoặc nhãn hàng. Những phản hồi, nhu cầu, mong muốn của khách hàng thúc đẩy tăng trưởng về doanh thu, tạo ra tiếng vang cho sản phẩm cũng như nhãn hàng sẽ được biết đến nhiều hơn.

Xây dựng chiến lược tập trung vào khách hàng có nghĩa các quyết định quan trọng, từ thiết kế sản phẩm, tính năng sản phẩm, các chiến dịch và kênh truyền thông, cho tới các kênh bán hàng và hậu mãi, đều cần phải bắt đầu và kết thúc với tư duy những bước này sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng của nhãn hàng hoặc doanh nghiệp.

Bất cứ ai cũng luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khách hàng của chúng ta cũng vậy. Nên để khám phá những yếu tố kích hoạt, những hành vi tiêu dùng và niềm tin của khách hàng, trước tiên và vô cùng quan trọng, doanh nghiệp và nhãn hàng cần phải có sự đồng cảm sâu sắc để từ đó tạo ra nền tảng cho chiến lược thương hiệu.

Ngày nay, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, khách hàng mới là phần quan trọng nhất của sinh tồn của một doanh nghiệp hoặc nhãn hàng.
Nguồn: ivelinradkov

Chiến lược phải tạo ra sự khác biệt, chứ không chỉ là tốt hơn

Hầu hết các thương hiệu đều cố gắng truyền đạt thông điệp “Tốt nhất” hoặc “Đỉnh cao” hoặc “Chất lượng”. Mặc dù mang nhiều vỏ bọc bằng những từ ngữ hoa mỹ khác nhau, tựu trung, điều doanh nghiệp và nhãn hàng muốn gửi tới người tiêu dùng, đó là “chúng tôi tốt hơn”.

Đó thực tế lại là một cái bẫy. “Tốt hơn” đồng nghĩa với việc chúng ta đang tham gia cuộc chiến thương trường theo luật chơi của những người chơi khác, những đối thủ cạnh tranh. Chúng ta vô tình kìm kẹp bản thân mình trong nhu cầu thiết lập niềm tin của khách hàng, và khiến cho chính chúng ta bị ràng buộc với đối thủ cạnh tranh khi nhiều bên cùng tranh giành sản phẩm của ai có giá trị tốt hơn.

“Tốt hơn” cũng níu giữ chúng ta trong một cuộc tranh đấu liên tục không hồi kết. Một khi chúng ta luôn phải khẳng định mình giỏi hơn ở một thứ gì đó,vô tình khiến chúng ta phải không ngừng cải thiện để luôn dẫn đầu, bất kể chi phí hay mức độ phù hợp của người tiêu dùng.

“Tốt hơn” cũng chỉ là một lợi thế tạm thời và ngắn hạn. Chúng ta chỉ có thể trở nên tốt hơn tạm thời, bởi vì sẽ luôn có ai đó ngoài kia phấn đấu để trở thành phiên bản tốt hơn chúng ta và chính họ ngày hôm nay.

Chiến lược thương hiệu của Volvo là một trong những ví dụ điển hình về tư duy khác biệt.
Nguồn: Best Ads On TV

Để không rơi vào chiếc bẫy ngọt ngào của sự “tốt hơn”, doanh nghiệp và nhãn hàng cần chuyển sự tập trung ra khỏi những người chơi khác trên thị trường, xác định rõ chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành gì, tránh xa những suy nghĩ và kỳ vọng phải trở nên “tốt hơn”. Doanh nghiệp và nhãn hàng cũng cần xác định rõ một khung tham chiếu cho thương hiệu của mình. Thương hiệu không chỉ là tính năng hoặc lợi ích đem lại cho người tiêu dùng, cho khách hàng; mà đó là còn một lối sống, một quan điểm, một tầm nhìn xa về tương lai và một hệ thống niềm tin. Bên cạnh đó, chúng ta phải dám thách thức chuẩn mực sẵn có trên thị trường của số đông, bằng cách dám khác biệt, dám thử nghiệm khác biệt và dám khẳng định sự khác biệt của mình.

Asaf Rosen – Giám đốc Chiến lược, Dinosaur Vietnam