Tiêu điểm xu hướng: YouTube phản đối thống nhất tiêu chuẩn đo lường, Meta có nhiều động thái mới

Paramount+ khởi động dự án “Đo lường truyền hình đa nền tảng” (Cross-Platform TV Measurement) để thống nhất một tiêu chuẩn chung cho quảng cáo nghe nhìn nhưng lại vấp phải sự phản đối từ YouTube; Meta có nhiều động thái mới xoay quanh các bản cập nhật quảng cáo Instagram và kế hoạch hợp nhất Messenger – Facebook... cùng nhiều tiêu điểm đáng chú ý khác.

Tiêu điểm 1|Tiến bộ mới trong quảng cáo nghe nhìn – Paramount+ lên kế hoạch thống nhất các chỉ số đo lường, nhưng vấp phải sự phản đối của YouTube

Quá trình đo lường quảng cáo âm thanh và video đang ngày càng phát triển. Khi loại quảng cáo này trở nên phổ biến hơn, để thu hút nhiều thương hiệu đặt quảng cáo, các nền tảng nghe nhìn cần khắc phục vấn đề liên quan đến đo lường hiệu suất quảng cáo một cách chính xác và thiếu vắng các tiêu chuẩn đo lường thống nhất.

Vào giữa tháng 3 vừa rồi, Warner Bros. Discovery (WBD) thông báo sẽ hợp tác với các công nghệ đo lường của VideoAmp và Comscore, với kỳ vọng thu được kết quả dự đoán quảng cáo cụ thể hơn, bao gồm các dữ liệu như lượng người xem, thời gian xem và trải nghiệm xem. WBD cũng kỳ vọng củng cố các báo cáo hiệu suất quảng cáo nghe nhìn để có thể thu hút nhiều thương hiệu đăng quảng cáo hơn.

Bên cạnh đó, nền tảng Paramount+ cũng đã khởi động dự án “Đo lường truyền hình đa nền tảng” (Cross-Platform TV Measurement), với mục đích hợp tác với các nền tảng khác bao gồm Hulu, NBCUniversal, Fox... để thống nhất một tiêu chuẩn chung cho quảng cáo nghe nhìn.

Trước mắt, dự án vẫn đang được Paramount+ lên kế hoạch, nhưng nền tảng này đã bước đầu nhận được sự ủng hộ từ các nền tảng và chương trình TV khác. Xét cho cùng, việc thiếu vắng các tiêu chuẩn đo lường quảng cáo vẫn luôn là một điểm nhức nhối lớn trong ngành. Nếu dự án này có thể thành hiện thực, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của quảng cáo nghe nhìn và tiến tới những cột mốc quan trọng tiếp theo.

Nguồn: Paramount Advertising

Nhiều nền tảng rất vui mừng và mong đợi sự thống nhất các tiêu chuẩn đo lường quảng cáo, duy chỉ có YouTube bỏ phiếu phản đối và đưa ra các tiêu chuẩn đo lường của riêng mình.

Hầu hết các phương pháp đo lường quảng cáo được hỗ trợ bởi các chương trình truyền hình và nền tảng nghe nhìn đều dựa trên CPM. Đồng thời, với số lượng người xem quảng cáo thực tế trong vòng 3 hoặc 7 ngày được lấy làm cơ sở để tính phí, việc đo lường càng minh bạch và cởi mở hơn.

Tuy nhiên, YouTube lại đo lường dựa trên tỷ lệ xem trong 2 giây (Representational Viewability). Việc tính toán số lượt xem quảng cáo trong 2 giây có độ chính xác cao hơn, nhưng phương pháp đo lường này lại kém minh bạch và thiếu độ tin cậy.

Nguyên nhân khiến YouTube và các nền tảng nghe nhìn khác đối chọi lẫn nhau vẫn là do mức ảnh hưởng đến lợi ích đôi bên. Các nền tảng khác lo lắng rằng tiêu chuẩn đo lường không thống nhất sẽ làm giảm sự tin tưởng của chủ thương hiệu và khiến họ giảm đầu tư vào quảng cáo nghe nhìn. Bởi nếu quảng cáo được đo lường một cách thống nhất thì điều này có thể sẽ làm giảm số lượng quảng cáo từng được đánh giá là hiệu quả, dẫn đến tụt giảm doanh thu.

Tiêu điểm 2 | Meta thêm slot quảng cáo trên Instagram, Messenger quay lại với Facebook làm quảng cáo tự động trở nên đáng lo ngại

Gần đây các nền tảng mạng xã hội của Meta đã có thêm nhiều cập nhật mới. Đơn cử như Instagram với thông báo vào giữa tháng 3 rằng họ sẽ cập nhật hai vị trí quảng cáo, “Reminder Ads” và “quảng cáo tìm kiếm” (ads in search result).

“Reminder Ads” nằm trong story hoặc bài đăng chung; nhưng khi người dùng nhấp vào quảng cáo do thương hiệu tạo ra, họ có thể nhấp vào nút “Nhắc nhở” cho một sự kiện cụ thể và sẽ được nhắc khi còn 1 ngày trước sự kiện, 15 phút trước sự kiện và khi sự kiện bắt đầu.

Trong khi đó, với quảng cáo tìm kiếm, kết quả đề xuất sẽ xuất hiện ngay sau khi người dùng tìm kiếm từ khóa trên nền tảng này. Hiện tính năng này vẫn còn đang được Instagram thử nghiệm với một số thương hiệu đối tác.

Nguồn: Instagram

Ngoài các bản cập nhật quảng cáo Instagram, Meta cũng có những bước phát triển mới trong việc phát triển toàn bộ nền tảng. Sau những đợt tổn thất và sa thải từ Metaverse, trọng tâm phát triển của Meta hướng tới ứng dụng công nghệ tự động hóa cũng như tăng tỷ lệ tương tác và tham gia của người dùng. Với chiến lược phát triển này, các nguồn tin chính thức chỉ ra rằng họ đang có kế hoạch hợp nhất app nhắn tin Messenger với Facebook, vốn đã được tách ra vào năm 2014. Hiện bản cập nhật này vẫn đang được thử nghiệm.

Dù công nghệ tự động hóa là một trong những mục tiêu phát triển của Meta, gần đây, nhiều thương hiệu đã bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát dịch vụ quảng cáo tự động Adventure+ Campaign của nền tảng này.

Quảng cáo tự động của Meta đã chứng minh được khả năng giúp các thương hiệu giảm chi phí phân phối và tăng hiệu quả quảng cáo, nhưng đồng thời quy trình phân phối tự động cũng khiến thương hiệu khó kiểm soát hình ảnh của mình hơn.

Facebook hiện đang tích cực hỗ trợ khách hàng làm quen với quy trình tự động của mình, đồng thời đề xuất sử dụng AI và phương pháp rà soát thủ công để đảm bảo an toàn cho hình ảnh thương hiệu. Phương pháp máy học ngẫu nhiên cũng được sử dụng rộng rãi hơn trong phân phối quảng cáo kỹ thuật số. Vì vậy, các nền tảng quảng cáo, doanh nghiệp và thương hiệu cần chú ý hơn đến sự cân bằng giữa quy trình phân phối quảng cáo tự động và bảo đảm hình tượng của mình.

Tiêu điểm 3 | Google nắm bắt cơ hội kinh doanh mảng du lịch – Nâng cấp và mở rộng ra năm ngành chính với quảng cáo tự động độc quyền và quảng cáo dịch vụ địa phương

Dịch bệnh giờ đã lắng xuống và ngành du lịch đang trên đà phát triển trở lại. Theo khảo sát của Google, lượng tìm kiếm từ khóa “đặt vé máy bay” đã tăng hơn 70% vào năm 2022 và có đến 40% khách du lịch nói rằng họ đã dành nhiều thời gian lên kế hoạch du lịch sau dịch bệnh.

Nhắm đến tiềm năng này trong mảng du lịch, gần đây, Google đã cho ra mắt dịch vụ quảng cáo mới có tên là “Tối đa hóa hiệu suất cho khách sạn” (Performance Max for Hotels), nhằm giúp các nhà điều hành khách sạn và cơ sở lưu trú tiếp thị hiệu quả hơn và nắm bắt được nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

Các chủ khách sạn có thể sử dụng dịch vụ quảng cáo tự động mới này của Google để tự động phân phối và hiển thị quảng cáo trên các vị trí và nền tảng khác nhau của Google, bao gồm kết quả tìm kiếm, Google Maps, YouTube và các trang web đối tác khác. Chỉ cần tạo thông tin khách sạn làm phần nền cho quảng cáo, bạn đã có thể xem trước chi tiết quảng cáo và phân phối một cách nhanh chóng. Trong khi đó, một sự kiện có thể hiển thị tối đa thông tin của 100 khách sạn và homestay.

Bản cập nhật quảng cáo này dự kiến sẽ được tung ra trong vài tháng tới và Google đã đưa ra thông tin rằng họ sẽ tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 11/4 để giới thiệu chi tiết về dịch vụ này cho các chủ sở hữu thương hiệu.

Nguồn: Google

Ngoài việc tung ra dịch vụ quảng cáo mới, quảng cáo dịch vụ địa phương (Local Services Ads) của Google cũng đã bổ sung thêm 5 ngành trong danh sách ứng dụng của mình. Quảng cáo dịch vụ địa phương này có thể đưa danh sách doanh nghiệp của người dùng lên trên các kết quả tìm kiếm và các vị trí được đề xuất trên Google Maps.

Ban đầu, quảng cáo dịch vụ địa phương chỉ phân phối cho các ngành thuộc “Dịch vụ gia đình” và “Dịch vụ chuyên nghiệp”, như Tài chính, Bất động sản và Luật. Giờ đây, 5 danh mục ứng dụng chính đã bao gồm Giáo dục, Chăm sóc cá nhân, Chăm sóc thú cưng, Sức khỏe và Chăm sóc y tế, với tối đa 70 loại doanh nghiệp.

Theo Google, tìm kiếm các doanh nghiệp và dịch vụ tại địa phương là một trong những hành vi tiêu dùng chính của khách hàng ở nhiều khu vực. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động tạo ra tương tác trong hành trình mua sắm trực tuyến và nhắm mục tiêu khách hàng tiềm năng để quảng cáo.

Nguồn: Google

Tiêu điểm 4|Bùng nổ cơn sốt AI: Canva ra mắt trải nghiệm công nghệ mới, Adobe AI kết hợp CDP tạo ra nhiều ứng dụng

Từ khi ChatGPT tạo nên cơn sốt chưa từng thấy trên Internet, ngày càng có nhiều công ty công nghệ bắt chước và tung ra các sản phẩm sáng tạo mới với AI. Đồng thời, các nhà tiếp thị thương hiệu và ngành quảng cáo kỹ thuật số cũng đang tích cực khám phá các cách áp dụng công cụ thông minh để tối ưu hóa ứng dụng dữ liệu và chất lượng phân phối quảng cáo. Nhiều nhà tiếp thị thích sử dụng Notion AI để viết bài đăng, bài báo hoặc nhập những thông tin cần thiết khi brainstorming để cung cấp cảm hứng sáng tạo cho người dùng.

Gần đây, Canva cũng đã kết hợp công nghệ AI tổng hợp để phát hành các tính năng mới bao gồm công cụ quản lý tài sản thương hiệu và thiết kế với AI. Trong công cụ quản lý tài sản thương hiệu, người dùng có thể tải những tài sản về mặt hình ảnh của thương hiệu lên và đảm bảo tính nhất quán của thiết kế thông qua AI. Bộ chức năng này được đặt tên chính thức là “Magic Design”, cho phép người dùng nhập lệnh để tạo văn bản, tài liệu và hình ảnh thiết kế, giúp tối ưu hóa đáng kể hiệu quả và tính đa dạng của chất liệu quảng cáo.

Nguồn: Canva

Adobe, cũng tập trung vào các công cụ thiết kế và đã ra mắt công cụ AI của riêng mình – Sensei thế hệ đầu tiên – vào đầu năm 2016. Công cụ này đã được áp dụng cho các nền tảng sản phẩm khác nhau của Creative Cloud, cho phép người dùng thu thập tài liệu, chỉnh sửa lớp hình ảnh và chỉnh sửa bản thảo hiệu quả hơn.

Trong cuộc họp báo vào nửa cuối tháng 3, Adobe đã thông báo rằng họ sẽ tích hợp công cụ AI Sensei vào nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform — CDP), để các nhà tiếp thị doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng các công cụ AI để lấy được hồ sơ khách hàng cần thiết.

Ví dụ, các nhà bán lẻ có thể đưa hướng dẫn cho AI theo dạng đối thoại, từ đó nắm được nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp nhất cho chiến dịch tiếp thị mùa lễ hội. Hoặc các công ty cũng có thể sử dụng AI để hoạch định chiến lược tiếp thị cho các nhóm khách hàng ít active hơn.

Hiện tại, các chức năng AI này chưa được cập nhật trong CDP chính thức, Adobe cho biết họ dự kiến sẽ phát hành thêm thông tin chi tiết về công cụ Sensei trong vài tháng tới.

Nguồn: Adobe

* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)