Marketer SR Fashion Business School
SR Fashion Business School

Style Republik Fashion Media and Education Company

14 chiến lược bán hàng hiệu quả cho thương hiệu thời trang trực tuyến (Phần 2)

Hãy tưởng tượng bộ quần áo mà bạn đang mặc ngay bây giờ. Tại sao bạn mua chúng? Mẫu mã có phải là thứ bạn luôn yêu thích? Hay là giá cả, chất liệu? Câu trả lời có thể là tất cả những yếu tố nói trên. Nhưng nếu bạn dừng lại để suy nghĩ thêm, ví dụ làm thế nào bạn thấy được mẫu quần áo đó để mua? Và bạn sẽ bất ngờ nhận ra rằng: Bạn đã thấy nó ngay trên Instagram của mình!

Nối tiếp phần 1, bài viết dưới đây là 7 chiến lược còn lại để bạn có thể quảng bá thành công thương hiệu quần áo của mình trên các kênh online.

8. Triển khai các chiến dịch tặng quà

Chạy một chiến dịch quà tặng là cách để thương hiệu thu hút sự chú ý của khách hàng. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn không chỉ tặng những mẫu thử miễn phí mà hãy coi quà tặng là một cách để người theo dõi thử và khoe trang phục của thương hiệu. Việc lựa chọn các thành viên tích cực hay khách hàng trung thành trong các nhóm hay mạng xã hội của bạn để tặng quá, thử trang phục là chiến dịch hiệu quả. Nếu bạn muốn tăng cường sự tham gia của cộng đồng thì hãy đưa ra nhiều ưu đãi hơn.

Có nhiều cách để triển khai tặng quà như khuyến khích người dùng thích hoặc theo dõi thương hiệu trên mạng xã hội. Ví dụ: 20 người đầu tiên thích bài đăng của bạn sẽ được nhận áo thun miễn phí. Hoặc, có thể tất cả những người theo dõi mới trong một khung thời gian cụ thể sẽ có cơ hội giành được một món đồ thời trang.

Chiến dịch tặng quà cũng là một cách khuyến khích những người theo dõi tương tác với bài đăng của bạn. Tặng quà cho những người chia sẻ video/ review về sản phẩm, hay những ai chia sẻ và sử dụng hashtag có thể khiến khách hàng của bạn cảm thấy như họ là một phần của điều gì đó đặc biệt. Đồng thời, cách làm này còn tạo ra tiếng vang cho thương hiệu, và đổi lại, người tham gia cũng thu được lợi ích gì đó thực tế. Càng nhiều người chia sẻ bài đăng và sử dụng hashtag của thương hiệu, bạn càng xuất hiện nhiều và tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Ngoài ra, khi một trong những người theo dõi của bạn giành được quà tặng, hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách chúc mừng họ một cách công khai, thông qua một bài đăng hoặc trên Story.

@Riot Society là một ví dụ. Họ ghim những người chiến thắng vào Story để khiến bất kỳ ai truy cập trang đều cảm thấy mình giống như những người “nổi tiếng”. Điều này có thể biến một người theo dõi thành đại sứ thương hiệu và gia tăng sự kết nối với cộng đồng. Nhưng đừng quên xin phép người chiến thắng đồng ý để bạn chia sẻ về họ một cách công khai.

9. Giảm giá và khuyến mãi theo mùa

Một cách khác để tiếp thị thương hiệu thời trang trên trực tuyến là khai thác các sự kiện hàng năm để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Sự phấn khích đi kèm với sự thay đổi của các mùa dễ dàng chuyển thành nhu cầu mua sắm và cơ hội để biến họ thành khách hàng trung thành của thương hiệu.

Bạn có thể kết hợp những gì vào chiến lược tiếp thị theo mùa của mình? Đầu tiên, đó chính là các sự kiện giảm giá lớn. Cập nhật các thời điểm mua sắm hàng năm như mùa tựu trường, Black Friday… để tạo các chương trình giảm giá riêng.

Ví dụ như vào tháng 3, bạn có thể cung cấp đợt giảm giá “dọn dẹp mùa xuân”, giảm giá tất cả các mặt hàng phổ biến nhất của bạn trong một thời gian giới hạn sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm. Khách hàng sẽ háo hức giành lấy ưu đãi trước khi chương trình kết thúc.

Bạn cũng có thể thử làm nổi bật các sản phẩm theo chủ đề hoặc bảng màu trang phục của bất kỳ mùa nào trong năm. Hãy tạo sự khác biệt cho thương hiệu bằng việc thử một vài khẩu hiệu hay đặt tên bộ sưu tập theo mùa thật hấp dẫn. Khách hàng của bạn sẽ hào hứng với những tác phẩm kinh điển theo mùa và những thiết kế mới mà bạn tạo ra trong suốt cả năm.

10. Tăng doanh số bán hàng với tiếp thị qua email

Tuy có nhiều cách mới và thú vị để quảng bá thương hiệu trực tuyến, nhưng email vẫn là kênh tiếp thị mà bạn nên cân nhắc bởi hầu hết mọi người kiểm tra email hàng ngày.

Một ưu điểm đó là nhiều người tiêu dùng sẽ chọn đăng ký nhận email từ bạn nhiều hơn so với việc họ sẽ liên lạc với bạn qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể vì lý do cá nhân họ không muốn xuất hiện công khai trên mạng. Những người bạn sẽ gửi email sẽ là những người dùng đã tương tác với thương hiệu của bạn. Có nghĩa là, nhiều khả năng họ sẽ có một số mức độ trung thành nhất định với thương hiệu.

Một điều khác bạn cần lưu ý trong tiếp thị qua email là nên chuẩn bị 2 loại nội dung khác nhau, ví dụ loại A và B. Bạn sẽ gửi hai phiên bản email khác nhau đến hai nhóm đối tượng khác nhau trong danh sách người đăng ký của thương hiệu. Sau đó, khi xem lại số người đã mở email hoặc nhấp vào liên kết, bạn sẽ có thể biết phiên bản nào của thông điệp hiệu quả hơn. Bằng cách đó, bạn có thể tinh chỉnh thông điệp của mình để tối đa hóa các nỗ lực tiếp thị.

11. Hợp tác với influencer

Hợp tác với influencer, đã có sẵn số lượng người hâm mộ nhất định, đặc biệt có lợi cho việc phát triển thương hiệu thời trang. Tuy số lượng người hâm mộ của họ còn ít nhưng micro influencer thường có mức độ tin cậy cao, điều này có thể nhanh chóng tăng thêm mức độ lan toả cho thông điệp.

Kết nối với một influencer có tầm ảnh hưởng nhỏ sẽ tăng cường tiếp xúc và cho khách hàng của bạn thấy những mặt tích cực của thương hiệu. Lợi ích chính của một người có ảnh hưởng tốt đó là sự tin tưởng. Khi họ nói với người hâm mộ rằng họ thích một sản phẩm, người hâm mộ sẽ tin lời họ.

Đâu là một influencer tốt, phù hợp với thương hiệu? Hãy suy nghĩ về mục tiêu marketing và đối tượng khách hàng mà thương hiệu đang hướng tới. Thương hiệu của bạn muốn tiếp cận với đối tượng mục tiêu nào thì hãy chọn influencer có nhóm người theo dõi tương đồng. Một gợi ý khác mà bạn nên cân nhắc là hãy kết nối với các blogger thời trang, những người chia sẻ giá trị và thẩm mỹ của thương hiệu.

Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để kết nối với micro influencer, thì hãy yên tâm vì điều này không khó như bạn tưởng. Bạn đã từng viết đơn xin việc hay thư xin việc chưa? Đó là một cách tiếp cận tương tự, nhưng khác ở chỗ là thông qua các trang mạng xã hội của họ.

Hãy đảm bảo viết ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề: Giới thiệu bản thân, cho biết rằng bạn biết họ làm gì và nêu bật lý do tại sao bạn đánh giá cao công việc của họ. Sau đó là thảo luận về những gì bạn có thể làm cho họ, cả về mặt vật chất và danh tiếng (thông qua lượng người theo dõi hoặc tăng trưởng).

Nếu bạn đã tìm hiểu và có thể kết nối với một đối tác phù hợp, đây sẽ là khởi đầu tốt cho một chiến dịch influencer marketing hiệu quả.

12. Nắm bắt xu hướng của văn hóa đại chúng

Trong thời đại ngày nay, các xu hướng đến và đi với tốc độ ánh sáng. Các sự kiện hiện tại cũng là cơ hội tốt để các thương hiệu củng cố bản sắc và duy trì sự liên kết.

Nếu có điều gì đó mới liên quan đến thị trường ngách hoặc phù hợp với giá trị thương hiệu, thì bạn nên thử và kết hợp điều đó vào sản phẩm của mình. Đó cũng là những gì Badass x Bonita đã làm, tiêu biểu nhất là các hoạt động ủng hộ và tiếp cận sở thích về các mẫu áo phông của người da nâu, da đen, Hồi giáo, LGBTQ, người bản địa…

13. Chạy quảng cáo trả phí

Sau khi đọc về tất cả các chiến lược tăng lượng người theo dõi một cách tự nhiên, có thể bạn sẽ nghĩ: “Tại sao tôi phải trả tiền để quảng cáo thương hiệu của mình trong khi tôi có thể tận dụng các phương tiện truyền thông và công cụ SEO nói trên?”.

Việc tăng tiếp cận tự nhiên đến nhiều người tiêu dùng là cần thiết, nhưng nó là một công việc khó khăn, phức tạp và chậm chạp. Trong khi đó, quảng cáo trả tiền hoạt động ngay lập tức và mang lại tác động mạnh mẽ hơn.

Ví dụ, Google Ads hoạt động bằng cách cho phép bạn đặt chi phí phải trả cho các từ khóa sẽ kích hoạt quảng cáo của bạn. Khi ai đó tìm kiếm từ khóa cụ thể liên quan đến thương hiệu, quảng cáo của bạn sẽ hiển thị ở đầu kết quả tìm kiếm.

Hầu hết người dùng Google sẽ nhấp vào một vài kết quả đầu tiên – đây cũng là vị trí của quảng cáo. Điều này giúp quảng cáo hoạt động ngay lập tức mà không cần đợi các chiến thuật SEO hay các thuật toán thu hút sự chú ý

Theo Google Economic Impact, người dùng Google Ads có thể kiếm được 8 USD cho mỗi 1 USD chi cho quảng cáo. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi ước tính có khoảng 63 nghìn lượt tìm kiếm được thực hiện mỗi giây trên Google.

Quảng cáo trên mạng xã hội cũng cho phép bạn siêu nhắm mục tiêu đối tượng hiệu quả. Ví dụ: Facebook và Instagram theo dõi nhiều dữ liệu đến mức bạn có thể đảm bảo rằng chỉ những người phù hợp mới xem được một số quảng cáo nhất định. Hãy bắt đầu với những người có sở thích liên quan đến thương hiệu hoặc những người đã tương tác với thương hiệu ở một mức độ nào đó trong quá khứ. Với quảng cáo, bạn có thể tập trung vào đối tượng mục tiêu của mình dễ dàng và hiệu quả hơn.

14. Sử dụng công cụ phân tích để tạo lợi thế riêng cho thương hiệu

Nếu bạn không biết liệu chiến lược của mình có tạo ra sự quan tâm và bán được hàng hay không thì các chiến dịch marketing cho thương hiệu sẽ khó thành công. Bằng cách sử dụng công cụ phân tích, bạn sẽ có thể nắm được thói quen, các từ khóa… mà người tiêu dùng thường sử dụng để tìm kiếm liên quan đến sản phẩm hay thông điệp của bạn. Bạn sẽ biết được điều gì hiệu quả và điều gì không.

Biết được ý nghĩa của các chỉ số khác nhau đối với thương hiệu cũng quan trọng như việc sở hữu chúng. Ví dụ: Số lần hiển thị của thương hiệu có thể rất lớn nhưng mức độ tương tác vẫn có thể thấp. Điều đó cho thấy người dùng đang xem bài đăng của bạn nhưng không quan tâm đến việc tương tác. Vì vậy, hãy nghĩ cách để bài đăng thu hút hơn.

Sử dụng công cụ phân tích cũng là một cách để tìm hiểu đối tượng người dùng. Ví dụ, với thông tin chi tiết về đối tượng của Facebook, bạn có thể tìm hiểu chuyên sâu về những người đang truy cập trang của bạn, như độ tuổi hoặc vị trí, hay những loại trang khác mà khách hàng đang truy cập. Với thông tin này, bạn có thể bắt đầu định hướng thông điệp của mình một cách hiệu quả hơn.

Trên Instagram cũng có một bộ công cụ tương tự, giúp xác định các bài đăng đang hoạt động hiệu quả để từ đó tiếp tục phát huy cho những bài đăng tiếp theo.

Tương tự, TikTok cũng có cách đo lường các bài đăng có hiệu suất cao nhất. Cụ thể là nền tảng này sẽ cho bạn biết người dùng dành bao nhiêu thời gian để xem video của bạn hoặc liệu họ có xem video đó nhiều lần hay không. Nó cũng sẽ cho bạn biết thời điểm mọi người bỏ qua để xem video tiếp theo, vì vậy bạn có thể biết phần nào của video đã gây ra việc này. Chẳng hạn như video của bạn mất quá nhiều thời gian để thu hút sự chú ý của họ sau 4 giây.

Bạn cũng có thể theo dõi lưu lượng truy cập video của mình đến từ đâu. Nếu lưu lượng truy cập đến từ trang “For You”, thì thương hiệu của bạn đang thu hút sự chú ý của thuật toán.

Làm chủ thị trường

Với sự tiện lợi của công nghệ thời nay, việc kết nối với khách hàng và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Mặc dù việc sử dụng các công nghệ mới có thể gặp đôi chút khó khăn, nhưng chúng rất đáng để bạn thử nghiệm. Tập trung vào tương tác trên mạng xã hội, tận dụng các tính năng mới và phân tích kết quả mang lại, bạn sẽ thấy rằng việc tiếp thị một thương hiệu quần áo dễ dàng hơn nhiều so với tưởng tượng.

* Nguồn: Style-Republik