6 quy tắc "vàng" trong thiết kế logo của luxury brand

Logo của một thương hiệu sang trọng phải phản ánh được giá trị và tính độc quyền của thương hiệu đó. Cùng Rubyk "giải phẫu" logo từ các thương hiệu xa xỉ trên thế giới để cùng tìm hiểu những quy tắc vàng trong thiết kế logo của các thương hiệu này nhé.

Less is more

Các thương hiệu ngành hàng bán lẻ, tiêu dùng nhanh có thể tự do sáng tạo với logo bằng cách "chơi đùa" với hình ảnh, màu sắc, văn bản. Nhưng với các thương hiệu xa xỉ, cách tiếp cận này sẽ trở nên không phù hợp.

"Less is more" trở thành triết lý thiết kế của các thương hiệu xa xỉ, điều này được thể hiện rõ nhất trong logo của thương hiệu. Sự sang trọng đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế, không cần quá cầu kỳ, "lời ít ý nhiều" là điều mà các thương hiệu xa xỉ muốn hướng tới. Một thiết kế logo sang trọng cần được "update" nhưng không nên xa đà vào việc cố gắng trở nên hợp trend, hợp thời.

Như câu nói để đời của huyền thoại thời trang Coco Chanel: "Fashion changes, but style endures" (Tạm dịch: Thời trang luôn thay đổi, nhưng phong cách thì trường tồn).

Màu đen - sắc màu "vĩnh cửu" của các thương hiệu cao cấp

Mặc dù các sản phẩm của một thương hiệu cao cấp có thể có đầy đủ màu sắc, nhưng logo của họ thì không.

Thương hiệu cao cấp có thể chọn màu sắc gắn liền với thương hiệu, chẳng hạn "Hermes cam" hay "Boodles hồng". Tuy nhiên, thiết kế logo của thương hiệu cao cấp thường có màu đen và trắng hoặc xám đậm. Màu đen được coi là sắc màu "vĩnh cửu", tồn tại cùng năm tháng mặc các xu hướng luôn chuyển động và biến đổi.

Đó cũng là lý do vì sao màu đen luôn xuất hiện trong logo hoặc danh mục sản phẩm của các thương hiệu bởi nó không làm giảm giá trị của sản phẩm, có phong cách vượt thời gian không bao giờ lỗi mốt.

Font chữ - câu "thần chú" của sự sang trọng

Có thể bạn chưa biết, nhưng logo các hãng thời trang danh tiếng thường bắt nguồn từ một nguồn font chữ giống nhau. Tuy nhiên, những font chữ này đều đã được cải tiến về màu sắc, khoảng cách, độ cao... để tạo nên sự khác biệt và phù hợp hơn với cá tính của thương hiệu. Font chữ được chọn có thể tối giản nhưng phải thanh lịch, tinh tế, khoảng cách giữa các ký tự phù hợp, dễ đọc và rõ ràng.

Font chữ của một số thương hiệu thời trang sang trọng. Ảnh: Slamxhype.com

Một số thương hiệu xa xỉ thích sử dụng những font thể hiện được lịch sử và tuổi đời của họ (chẳng hạn như Cartier), nhưng một số khác lại lựa chọn font serif nhưng được tinh chỉnh theo cách tối giản và mới mẻ (như Gucci).

Monogram

Monogram là một họa tiết được tạo ra bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều chữ cái hoặc grapheme khác lại với nhau để tạo thành một biểu tượng. Nói một cách dễ hiểu, monogram chính là "chữ lồng" - một biểu tượng rất thường gặp trong thiết kế logo, biểu tượng cá nhân, thiệp cưới...

Monogram rất phổ biến, chúng ta dễ dàng bắt gặp biểu tượng này trên logo của các thương hiệu nổi tiếng bằng cách lồng các chữ cái viết tắt tên của công ty để tạo nên một phiên bản nhỏ của logo chính, hay còn được gọi là logo monogram.

Logo monogram của Volkswagen được tạo nên từ các chữ cái đầu của công ty với chữ “V” được đặt trên chữ “W”

Những logo monogram này có vai trò quan trọng trong hoạt động nhận diện và thương mại của doanh nghiệp. Monogram trở thành biểu tượng đại diện cho thương hiệu, chỉ cần nhìn vào là khách hàng có thể nhận ra sản phẩm của thương hiệu ngay lập tức. Ngoài ra, sự tinh giản trong thiết kế monogram giúp biểu tượng này dễ dàng được in ấn và sử dụng trên các chất liệu và sản phẩm khác nhau, nhưng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa về mặt nhận diện. Chẳng hạn, logo monogram "YSL" của Yves Saint Laurent dễ dàng được in/khắc trên một không gian nhỏ như gọng kính một cách tính tế và hiệu quả.

Monogram được in trên sản phẩm. Ảnh: ysl.com

Họa tiết (Pattern) biểu tượng của thương hiệu

Burberry, Louis Vuitton và Goyard là những thương hiệu hàng đầu trong việc sử dụng họa tiết đặc trưng trong sản phẩm của mình. Những họa tiết này quen thuộc đến nỗi chỉ cần nhìn vào đó là khách hàng liên tưởng ngay đến thương hiệu, đồng thời toàn bộ các sản phẩm đều được thiết kế chủ đạo bằng những họa tiết này.

Ngoài ra, pattern có thể được tạo ra từ chính logo, chẳng hạn như pattern của Fendi được tạo nên từ chữ F trong tên của thương hiệu.

Họa tiết chữ F kép nổi tiếng của Fendi. Ảnh: fashionbible

Cải tiến thương hiệu

Một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị của các thương hiệu xa xỉ chính là nhờ bề dày lịch sử của họ, tuy nhiên, muốn tiếp tục phát triển, các thương hiệu phải cập nhật, phải thay đổi để trở nên phù hợp hơn với xu hướng mới và hành vi tiêu dùng ngày càng thay đổi của người tiêu dùng.

Burberry thay đổi logo (logo cũ trên - logo mới dưới) sau hai thập kỷ nhằm khẳng định lại bản sắc của nhà mốt

Những xu hướng gần đây tác động khá nhiều đến quyết định thay đổi trong thiết kế logo của một số thương hiệu. Đối với các thương hiệu cao cấp, việc thay đổi để phù hợp với thời đại mà mua sắm online đang thống trị là điều cần thiết. Tuy nhiên thay đổi không được phép làm ảnh hưởng đến giá trị của thương hiệu và sự tối giản trong thiết kế logo phải phù hợp với bối cảnh chung của thiết kế logo thương hiệu cao cấp.

Theo Thedrum

Rubyk Agency