Kantar – FMCG Monitor Q3/2022: Ngành hàng thức uống trỗi dậy mạnh mẽ sau hai năm giảm sâu vì dịch

Báo cáo FMCG Monitor Q3/2022 mới nhất của Kantar (12 tuần kết thúc vào 11/09/2022) tổng hợp và cập nhật những xu hướng phát triển của ngành hàng FMCG tại 4 thành phố (TP) chính và nông thôn Việt Nam.

Cùng với sự phục hồi kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng Việt cũng lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong thời gian tới, tỷ lệ người đồng ý cũng cao hơn so với các quý trước và trở lại con số ở thời điểm trước dịch.

Bức tranh FMCG

Tăng trưởng FMCG dần hạ nhiệt tại thành thị 4 thành phố sau đại dịch. Ngược lại, khu vực nông thôn tăng trưởng cao hơn so với quý III năm ngoái. Giá trung bình là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi tích cực về giá trị FMCG.

Tăng trưởng theo ngành hàng

Đối với khu vực thành thị 4 thành phố, mức tăng trưởng FMCG chững lại do hai ngành hàng được tích trữ nhiều nhất trong mùa dịch là sữa và các sản phẩm từ sữa, cũng như thực phẩm đóng gói, hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, các ngành hàng không được ưu tiên lựa chọn mùa COVID-19 đã hồi phục trong quý III năm nay.

Đối với khu vực nông thôn, ngành hàng thức uống hồi phục và dẫn dắt tăng trưởng, trong khi thực phẩm đóng gói giữ nguyên giá trị nhờ tăng giá trung bình. Điều này giúp tổng giá trị của ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng đến 2 chữ số trong quý III.

Ngành hàng tiêu biểu

Kể từ đầu năm nay khi các quy định của chính phủ về an toàn dịch bệnh được nới lỏng, ngành hàng thức uống tăng trưởng trở lại sau hai năm giảm sâu vì đại dịch. Thậm chí mức tăng trưởng này còn cao hơn so với thời điểm quý III năm 2019. Top ngành hàng dẫn dắt tăng trưởng bao gồm nước ngọt và bia.

Toàn cảnh thị trường bán lẻ

Tính đến quý III/2022, kênh siêu thị & đại siêu thị quay lại tăng trưởng dương so với quý III năm ngoái. Bức tranh tương tự đang diễn ra với các kênh truyền thống từng bị hạn chế trong thời gian giãn cách như chợ và cửa hàng chuyên doanh. Kênh mua sắm trực tuyến đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số.

Tiêu điểm chính

Dựa trên nghiên cứu về hành vi uống của người tiêu dùng Việt, trung bình 1 tuần, người thành thị chọn 7 loại thức uống khác nhau và con số của người sống tại nông thôn là 5 loại thức uống. Khi nhìn vào ngành hàng mà họ lựa chọn, 3 nhóm ngành chiếm thị phần lớn nhất ở cả thành thị và nông thôn là trà, thức uống dinh dưỡng và cà phê.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Kantar