Inbound Marketing là gì? 3 giai đoạn giúp thương hiệu chinh phục khách hàng

Inbound Marketing là chiến lược thu hút, tạo dựng sự kết nối và khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu bằng cách chia sẻ, cung cấp những nội dung hữu ích, giúp giải quyết vấn đề của họ.

Dù là ở thời điểm nào, nhiệm vụ của người làm marketing về cơ bản vẫn là quảng bá và khuyến khích nhóm khách hàng tiềm năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ thương hiệu.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, nhà tiếp thị sẽ sử dụng tập hợp những công cụ như TVC (quảng cáo truyền hình), Print (quảng cáo in ấn), Email Marketing, Telesales (điện thoại bán hàng)… Mục đích chung là để tiếp cận khách hàng và liên tục, liên tục thuyết phục họ sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, cách triển khai này đang dần trở nên kém hiệu quả với sự xuất hiện của Internet và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.

Trước khi có điện thoại di động, TV là phương tiện giải trí phổ biến nhất. Quảng cáo truyền hình từng là cách đảm bảo thương hiệu sẽ tiếp cận được lượng người xem khổng lồ và truyền đạt thông điệp đến họ. Nhà tiếp thị biết rằng người xem cũng chẳng buồn chuyển kênh trong lúc đang xem chương trình mình yêu thích, cùng lắm họ sẽ chỉ tặc lưỡi cho qua và kiên nhẫn xem hết đoạn phim mà thương hiệu đã cất công dàn dựng.

Nhưng ở hiện tại, 10 giây quảng cáo trên YouTube, Netflix, Spotify là đủ để khiến khách hàng khó chịu và ấn nút tắt ngay khi có thể. Họ sẵn sàng trả tiền mua các gọi dịch vụ cao cấp, không quảng cáo để có trải nghiệm tốt hơn. Những email spam, cuộc gọi bán hàng… thì khỏi phải nói. Khách hàng sẽ bỏ qua hoặc thậm chí là chặn toàn bộ địa chỉ họ cho là phiền phức.

Điều này chứng tỏ người dùng dần “chán ngấy” với cảnh bị làm phiền bởi những chiến dịch truyền thông nhắm đến họ mà không cần quan tâm họ đang làm gì, nghĩ gì hay cần gì. Các thương hiệu buộc phải nghĩ đến cách làm khác thân thiện, tích cực và bền vững hơn. Đây là lúc Inbound Marketing xuất hiện.

Inbound Marketing là khái niệm tương đối phổ biến thời gian gần đây. Không chỉ phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh, Inbound Marketing còn chứng minh được tính hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển mối quan hệ tích cực với khách hàng. Nhưng nguồn thông tin đồ sộ trên Internet khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm hiểu về Inbound Marketing. Chưa kể đến việc một số trang còn cố tính biến Inbound Marketing thành một khái niệm phức tạp, khó nuốt, khiến người đọc càng lúc càng hiểu sai về nó.

Với mục tiêu chia sẻ kiến thức thương hiệu bổ ích đến bạn đọc, đội ngũ Vũ Digital muốn giới thiệu chủ đề Inbound Marketing. Inbound Marketing là gì? Điều gì khiến Inbound Marketing phổ biến? Và liệu có phải ai cũng có thể thành công với Inbound Marketing? Tất cả sẽ được giải đáp bên dưới!

Inbound Marketing là gì?

Inbound Marketing được giới thiệu đến thế giới lần đầu tiên vào năm 2004, bởi nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Brian Halligan của HubSpot – công ty phát triển và kinh doanh phần mềm Marketing có trụ sở tại Mỹ.

Theo Halligan, Inbound Marketing là chiến lược tập trung vào việc chia sẻ những thông tin hữu ích, mang tính hỗ trợ và cung cấp giải pháp cho khách hàng. Thông qua đó, thương hiệu sẽ tạo ra sự kết nối, khuyến khích khách hàng tương tác thường xuyên hơn, hình thành sự quan tâm về sản phẩm và cuối cùng là chuyển đổi họ thành khách hàng của thương hiệu.

Brian Halligan – người giới thiệu khái niệm Inbound Marketing đến thế giới.
Nguồn: Inc

Halligan cất công nghiên cứu và tìm hiểu về Inbound Marketing sau khi ông phát hiện rằng, người dùng không muốn bị làm phiền bởi những quảng cáo xuất hiện liên tục, những email bán hàng hay các cuộc gọi điện thoại dài đằng đẵng. Giờ đây, họ sẽ cần và chủ động tìm đến thông tin, nội dung có ích thật sự hoặc mang lại giá trị cụ thể. Ông từng chia sẻ:

Không ai muốn bị làm phiền hay là bị quấy rầy bởi các nhà tiếp thị hay nhân viên bán hàng. Mọi người chỉ muốn nhận sự giúp đỡ mà thôi.

Không cần đến quảng cáo đắt tiền, Inbound Marketing sẽ dẫn dắt, thu hút khách hàng tiềm năng đến với thương hiệu thông qua các kênh như Google, trang blog và mạng xã hội. Bằng cách sản xuất đúng nội dung, ở đúng nơi và vào đúng thời điểm, Inbound Marketing sẽ tạo ra giá trị thật sự cho khách hàng, giúp họ tìm được giải pháp cho vấn đề của mình. Đó cũng là lý do mà Halligan gọi Inbound Marketing là phương pháp tiếp thị “dựa trên tinh thần nhân văn”.

Nói cách khác, Inbound Marketing sẽ dựa trên nội dung để tạo nên sự kết nối tích cực với người xem, từ đó chuyển đổi họ trở thành khách hàng và xây dựng lòng trung thành thương hiệu.

Inbound Marketing và Outbound Marketing

Như bạn có thể suy luận, Outbound Marketing là những gì ngược lại với Inbound Marketing. Nếu Inbound là “kéo” – tức thu hút khách hàng đến với thương hiệu một cách chủ động, thì Out nghĩa là “đẩy”.

Theo Brian Halligan – người đặt ra khái niệm Inbound Marketing, Outbound Marketing là tập hợp các phương pháp tiếp thị vốn nhằm mục đích thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách chen ngang vào hoạt động thường ngày của họ.

Brian Halligan sử dụng thuật ngữ “Outbound” vì ông cho rằng marketer sử dụng chiến lược này đang cố gắng “đẩy” thông điệp truyền thông ra bên ngoài (outside) mà không cần quan tâm khách hàng nghĩ gì hay cần gì, hy vọng khách hàng sẽ quan tâm rồi tìm đến thương hiệu.

Trước đây, cách “dội bom” này sẽ mang lại hiệu quả. Thế nhưng với những thay đổi trong hành vi của khách hàng cùng sự phát triển của Internet, Outbound Marketing dần trở thành phương pháp tốn kém chi phí, hiệu quả không cao và thậm chí còn khiến khách hàng khó chịu vì bị làm phiền. Theo Marketo, những khác biệt giữa Inbound và Outbound Marketing có thể được liệt kê như sau:

Bảng so sánh Inbound Marketing và Outbound Marketing.
Nguồn: vudigital.co

Mặt khác, nhiều người sẽ cho rằng “Outbound Marketing” là phương pháp lỗi thời và sẽ dần biến mất hoàn toàn. Vũ cho rằng quan điểm này chưa chính xác, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Vì nói như thế chẳng lẽ mọi người không nên quảng cáo truyền hình, tổ chức sự kiện nữa sao? Chúng chắc chắn vẫn mang lại hiệu quả cho thương hiệu nếu chứa đựng thông điệp ý nghĩa, có tính kết nối và được triển khai một cách hiệu quả.

Sẽ tương đối nực cười nếu khuyên bảo Unilever hay Heineken bớt quảng cáo lại và chăm viết blog hơn để “mang lại giá trị thật cho khách hàng”. Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng đều có những đặc điểm riêng và marketer có nhiệm vụ tìm ra phương pháp tối ưu nhất cho vấn đề của doanh nghiệp.

Do đó, chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai khái niệm Inbound và Outbound để tránh mắc phải sai lầm khi triển khai. Ví dụ, nếu bạn thực hiện các chiến dịch Email Marketing chỉ nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm, gửi mã giảm giá hay quảng bá các sự kiện thì đây là Outbound. Bởi vì chúng không tạo được bất kỳ sự kết nối nào và cũng không mang lại giá trị gì cho người đọc.

Ngược lại, nếu bạn gửi những email với nội dung chất lượng, cung cấp thông tin có ích cho người đọc và tạo đủ sức hút để họ truy cập vào trang web của thương hiệu thì đây lại là Inbound Marketing. Đặc điểm này cũng áp dụng cho sự kiện, tư vấn qua điện thoại… Đó chỉ là công cụ, điểm khác biệt nằm ở mục đích và cách triển khai của người sáng tạo nội dung.

Điều gì khiến Inbound Marketing trở nên phổ biến?

Như Vũ đã chia sẻ, nhiệm vụ của người làm Marketing không thay đổi quá nhiều theo thời gian. Thứ đổi mới là cách mà khách hàng mua sắm và tự chủ nguồn thông tin.

Về khía cạnh mua sắm, khách hàng giờ đây sử dụng Internet là công cụ tham chiếu đáng tin cậy trước khi chi tiền cho bất cứ món hàng nào. Không còn là truyền hình, báo chí hay radio; Google, Facebook, Instagram, Tiktok… mới là nơi khách hàng lựa chọn.

Khách hàng sẽ tự mình tìm kiếm, chọn lọc thông tin, đánh giá, để từ đó đưa ra quyết định của chính mình, hơn là nghe điện thoại tư vấn, đọc một email dài dòng hay xem đi xem lại một quảng cáo. Để tin tưởng một trang web, khách hàng thường sẽ dành thời gian “dạo vài vòng” trước khi đánh giá liệu nó có đáng tin không.

Khách hàng sẽ tự mình tìm kiếm, chọn lọc thông tin, đánh giá, để từ đó đưa ra quyết định của chính mình.
Nguồn: Solen Feyissa

Ngoài ra, việc spam (dội bom) hay tiếp cận khách hàng với tần suất dày đặc cũng không còn mang lại hiệu quả như trước. Dành hàng đống tiền chi cho quảng cáo không đảm bảo thành công về mặt doanh số lẫn danh tiếng cho thương hiệu.

Chẳng hạn, YouTube chỉ “mượn” người dùng khoảng 10 giây trong mỗi video để quảng cáo nhưng đã đủ để khiến nhiều người khó chịu. Bạn đọc hẳn đã từng vài lần mất hứng khi đang xem đến đoạn cao trào để rồi bị chen ngang vì một quảng cáo từ đâu hiện ra. Đến nỗi mà các phần mềm chặn quảng cáo (adblock) nổi lên như một công cụ đắc lực giúp người xem không bị làm phiền nữa.

Điều đó nói lên rằng: Mọi người có quyền tự chủ nguồn thông tin mà họ tiếp nhận. Khách hàng sẽ ngó lơ nội dung mà họ cho rằng không có giá trị hay đang cố gắng lôi kéo họ. Ngược lại, khách hàng sẽ chấp nhận nội dung, thông tin họ đánh giá là hữu ích hoăc giúp họ giải quyết được vấn đề đang gặp phải.

Mỗi thương hiệu sẽ có phương pháp tiếp cận khách hàng khác nhau.
Nguồn: istocks

Mặt khác, khi đặt ra khái niệm Inbound Marketing, nhà sáng lập Hubspot đã ngụ ý đây sẽ là phương pháp phù hợp cho các công ty nhỏ, khởi nghiệp (yếu tố càng làm cho nó trở nên nổi tiếng). Không phải ai cũng dư dả ngân sách để thực hiện một chiến dịch rầm rộ kéo dài hàng tháng trời hay mời những ngôi sao ca nhạc làm đại diện cho thương hiệu. Và khi không thể cạnh tranh về ngân sách, các công ty nhỏ buộc phải tìm ra một sân chơi mới: Tập trung vào nội dung và phân phối chúng hiệu quả để thu hút được nhiều người xem hơn.

Hành vi thay đổi, khả năng chọn lọc thông tin của khách hàng và sự phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh cùng rất nhiều ưu điểm khác. Tất cả khiến Inbound Marketing hiển nhiên trở thành một từ khóa có sức hấp dẫn kỳ lạ với nhiều người. Tuy nhiên, hiểu là một chuyện, còn ứng dụng Inbound Marketing vào thực tế lại là một câu chuyện khác.

Ai cũng có thể thành công với Inbound Marketing?

Nếu Inbound Marketing là phương pháp đem đến kết quả rõ ràng cho thương hiệu như chúng ta đã tìm hiểu, vậy tại sao không có mấy người thực hiện thành công chiến lược này?

Ngay cả những trang tin suốt ngày “hô hào” về Inbound Marketing như một trào lưu không-thể-không-nhắc-đến của lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) nói riêng và tiếp thị nói chung, cũng chưa chắc đã triển khai hiệu quả Inbound Marketing. Trên tinh thần chia sẻ kiến thức mà đội ngũ Vũ Digital luôn theo đuổi, chúng tôi muốn phân tích các yếu tố sau – vốn là yếu tố chủ yếu và đôi khi cũng là rào cản trong việc triển khai Inbound Marketing.

Inbound Marketing cần thời gian

Inbound Marketing là phương pháp thu hút người xem bằng cách chia sẻ thông tin hữu ích, mang tính hỗ trợ và cung cấp giải pháp, từ đó khuyến khích họ truy cập trang web thường xuyên, xây dựng sự kết nối, và cuối cùng là trở thành khách hàng của thương hiệu.

Chúng ta đều thấy đây là một hành trình tương đối dài, cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, “kiên nhẫn” không phải lúc nào cũng là đức tính được đặt lên hàng đầu trong kinh doanh. Có một sự thật rằng ta không thể biến ai đó từ một người chưa biết gì trở thành khách hàng chỉ bằng… một hay hai bài viết. Thực tế này ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng chấp nhận.

Đặc điểm chung của nhiều người khi xây dựng thương hiệu là muốn thấy kết quả ngay lập tức. Doanh thu, khách hàng, lợi nhuận… họ muốn tất cả phải đến trong vài ngày, vài tuần, hay chậm nhất là vài tháng. Họ bồn chồn mỗi lần nhìn thấy đối thủ khoe khoang bảng thành tích kinh doanh. Họ không muốn “ngồi yên” chờ đợi khách hàng tìm đến mình, điều vốn là bản chất của Inbound Marketing.

Inbound Marketing cần thời gian để mang lại kết quả cho thương hiệu.
Nguồn: Stephen Dawson

Tâm lý này khiến mọi người lại tìm đến các phương thức mang lại kết quả tức thời, ví dụ như dồn hết ngân sách để quảng cáo sản phẩm, giảm giá, sao chép bài viết của người khác, sử dụng thủ thuật nhằm qua mặt Google… Chúng khiến Inbound Marketing, dù nghe rất hay, dần biến thành một mục tiêu xa vời.

Cho đến khi những chiến thuật kia trở nên kém hiệu quả vì nhiều lý do, họ lại loay hoay tìm cách thực hiện Inbound Marketing như một cứu cánh. Nhưng kịch bản chung thường là họ sẽ bỏ cuộc sau khoảng năm, sáu bài blog mà không thấy kết quả.

Ở đây, yếu tố Vũ muốn nhấn mạnh chính là thời gian khi triển khai Inbound Marketing. Có thể bạn sẽ khởi đầu rất chậm, nhưng ai cũng khởi đầu như thế. Ít có thương hiệu nào nổi tiếng chỉ sau một đêm, trừ khi họ có sản phẩm ai cũng thèm muốn hoặc đang gặp khủng hoảng truyền thông.

Inbound Marketing cần bạn đầu tư thời gian cho nó. Mất bao lâu để Inbound Marketing mang lại doanh thu, khách hàng và lợi nhuận? Không ai có câu trả lời rõ ràng, nó phụ thuộc vào từng công ty, nhóm khách hàng và nội dung mà bạn cung cấp cho họ. Và điều quan trọng là chúng ta phải làm với sự tin tưởng và chăm chút.

Inbound Marketing cũng giống như xây dựng thương hiệu. Cả hai đều là quá trình, không phải đích đến. Chúng ta càng vội vã bao nhiêu, thì kết quả có được sẽ khiến ta thất vọng bấy nhiêu. Ngược lại, kết quả sẽ đến chậm, nhưng khi đã qua được điểm “hòa vốn” thì những gì có sau đó sẽ là “lợi nhuận”.

Inbound Marketing cần nội dung tạo ra giá trị thật sự

Để thành công với Inbound Marketing, một số trang tin đưa ra nhiều hướng dẫn, thủ thuật nhằm thu hút lượng truy cập và tăng thứ hạng từ khóa. Tuy nhiên, theo quan điểm của Vũ, điều đáng lưu tâm duy nhất khi thực hiện Inbound Marketing chính là nội dung.

Nhắc đến Inbound Marketing là nhắc đến nội dung. Có thể xem nội dung là xương sống của mọi hoạt động Inbound Marketing. Để chiến lược Inbound Marketing mang lại hiệu quả, bên cạnh thời gian thì nội dung của thương hiệu phải tạo ra giá trị thật sự cho người dùng.

Chúng ta tìm kiếm một từ khóa, truy cập một trang web hay mua một sản phẩm không phải vì chúng ta cần đến bản thân sản phẩm đó. Thứ chúng ta tìm kiếm là giải pháp mà bài viết, sản phẩm đó cung cấp. Đối với Inbound Marketing, nội dung chính là thứ mang đến giải pháp cho người dùng. Và bạn cứ nghĩ xem, nếu “giải pháp” chỉ là thứ sao chép, trống rỗng, liệu có ai cần đến chúng nữa?

Nếu bạn mong muốn xây dựng một trang blog về nấu ăn, hãy đảm bảo người xem sẽ tìm được những công thức giúp bữa ăn của họ thêm ngon miệng. Nếu bạn ấp ủ kế hoạch về một trang web về tài chính, hãy tìm hiểu xem vấn đề mọi người đang gặp với túi tiền của mình là gì và mang đến giải pháp cho họ.

Hãy cùng phân tích case study của GoPro. GoPro là một thương hiệu đến từ Mỹ chuyên sản xuất thiết bị điện tử với dòng sản phẩm nổi tiếng nhất là các mẫu camera hành động có thể đeo trên người, cho phép người dùng quay phim hay chụp ảnh ở mọi góc độ và mọi thời điểm.

Mặt khác, GoPro không chỉ bán camera, họ còn bán cả “trải nghiệm” khi sử dụng sản phẩm. Người xem của GoPro cũng không chỉ tìm hiểu về tính năng của máy, họ tìm kiếm những gì mà GoPro sẽ mang đến cho họ trước khi quyết định mua hàng. GoPro hiểu sự thật này và thương hiệu đã tập trung khai thác nhóm nội dung vô cùng độc đáo: Khoảnh khắc được chia sẻ từ chính khách hàng của họ trên khắp thế giới.

Những video của GoPro thu hút lượng người xem rất lớn.
Nguồn: GoPro

GoPro khuyến khích người đã sử dụng sản phẩm tham gia các thử thách mạo hiểm và chia sẻ về những chuyến phiêu lưu lên mạng xã hội. Bằng cách này, GoPro có quyền truy cập vào vô số nội dung thú vị, khác biệt, và đa dạng.

Quan trọng hơn hết, chúng cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. GoPro không cần quảng bá quá nhiều, người xem tự động tìm đến trang YouTube của thương hiệu để khám phá những video mạo hiểm. Chúng mang đến giá trị cho họ và cho phép họ kết nối với thương hiệu ở một mức độ cao hơn.

Ngoài ra, nội dung chất lượng sẽ giúp Google “đánh giá tốt” và xếp hạng trang web cao hơn. Tháng 8 vừa qua, Google thông báo sẽ cập nhật các quy tắc xếp hạng tìm kiếm tự nhiên. Hãng sẽ ưu tiên nội dung chuyên sâu, chất lượng cao và nguyên bản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng.

Thông báo này đồng nghĩa để tương thích được với các cập nhật của Google, chiến lược tốt nhất vẫn là tạo ra nội dung có giá trị, liên quan và cung cấp thông tin mà người tìm kiếm đang cần. Bạn đọc có thể tìm hiểu về cập nhật của Google tại đây.

Inbound Marketing cần thực hiện theo quy trình

Ý tưởng này có vẻ hiển nhiên nhưng lại là rào cản với nhiều người khi triển khai Inbound Marketing. Trường hợp thường gặp là chúng ta sẽ thu hút được lượng lớn người truy cập để rồi không biết làm thế nào để chuyển đổi họ trở thành khách hàng của thương hiệu. Hay khi họ đã mua hàng, ta lại loay hoay tìm cách để khuyến khích họ mua thêm nhiều lần nữa và giới thiệu đến những người khác.

Không có quy trình, ta rất dễ bỏ cuộc ở thời điểm ban đầu vì không biết mình đang hướng đến điều gì. Không có quy trình, ta sẽ nhầm lẫn giữa những mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn để rồi kết quả nhận lại chỉ là con số không tròn trĩnh. Vậy cụ thể Inbound Marketing có các bước nào?

Quy trình của Inbound Marketing

Có ba bước cơ bản trong quy trình Inbound Marketing chúng ta cần tìm hiểu: Thu hút – tương tác – làm hài lòng.

1. Thu hút (Attract)

Mục tiêu là thu hút nhóm khách hàng tiềm năng bằng những nội dung chất lượng, nhằm mục đích củng cố niềm tin, giúp họ nhìn nhận thương hiệu như một người có năng lực, kiến thức và đáng tin cậy. Điều này cực kỳ quan trọng, vì Inbound Marketing hoạt động theo phương châm cung cấp thông tin, giải pháp cho khách hàng. Và nếu bạn đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của họ, đây sẽ là một điểm cộng lớn trong việc tạo ra sự kết nối giữa hai bên.

Từ khóa mấu chốt ở đây là “nội dung có giá trị”. Bạn có thể bắt đầu bằng blog, video, hoặc podcast, hoặc bất kỳ hình thức nào mà bạn thích… Nhưng hãy đảm bảo chúng mang lại được giá trị, kiến thức cụ thể cho người xem để họ có lý do để truy cập website.

Giai đoạn thu hút.
Nguồn: vudigital.co

Vũ đã phân tích luận điểm này ở trên và muốn nhấn mạnh lại một lần nữa. Nội dung chất lượng là một trong những yếu tố chính làm nên thành công của chiến lược Inbound Marketing. Và ở giai đoạn thu hút, nó lại càng đóng vai trò quan trọng.

Quay trở lại với case study của GoPro. Thương hiệu này thành công vì họ sở hữu những video kích thích trí tò mò của nhiều người. Chúng ta đều muốn biết cảm giác lặn dưới độ sau vài trăm mét, bay lượn trên bầu trời hay đua xe giữa sa mạc là như thế nào. GoPro khiến người chưa có nhu cầu mua camera cũng bị thu hút bởi các video như vậy. Vì thế, mọi người tìm đến nội dung của GoPro theo một cách rất tự nhiên.

2. Tương tác (Engage)

Mục tiêu ở giai đoạn “Tương tác” là cung cấp giải pháp cho vấn đề mà nhóm khách hàng tiềm năng đang gặp, từ đó khuyến khích họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ thương hiệu.

Để biến nhu cầu tương tác thành hành động mua sắm, thương hiệu lúc này cần đưa ra giải pháp phù hợp với khúc mắc, mục đích của khách hàn. Hay nói cách khác, hãy để khách hàng hiểu được bạn đang muốn mang đến giá trị gì cho họ.

Giai đoạn tương tác.
Nguồn: vudigital.co

Ở bước này, khách hàng tiềm năng đã dần hình thành niềm tin và nhu cầu sử dụng sản phẩm. Do đó, bạn nên kết hợp nhiều chiến thuật khác nhau bên cạnh việc đều đặn cung cấp nội dung. Tư vấn bán hàng, hỗ trợ trực tuyến, các nút kêu gọi hành động trong bài viết… Điều cần nhớ là hãy luôn đảm bảo bạn đang bán giải pháp cho khách hàng, hơn là một sản phẩm đơn thuần.

Tiếp cận khách hàng chưa bao giờ là một điều dễ dàng, kể cả với các doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm. Khách hàng có quay trở lại với thương hiệu hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng thành công của giai đoạn này. Vì thế, hãy ghi nhớ nguyên tắc trên để đưa đến cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời khi tương tác với thương hiệu của bạn.

3. Hài lòng (Delight)

Khi người dùng đã mua hàng rồi thì sao? Bạn sẽ muốn ngưng tại đó hay sẽ muốn khuyến khích họ tiếp tục quay lại và giới thiệu thương hiệu của bạn đến nhiều người hơn nữa? Vũ tin rằng chúng ta đều muốn viễn cảnh thứ hai xảy ra.

Mục tiêu của giai đoạn này là đảm bảo khách hàng hạnh phúc, hài lòng và được hỗ trợ lâu dài sau khi mua hàng. Bạn cần cho khách hàng thấy rằng thương hiệu thật sự chu đáo, quan tâm chứ không chỉ chăm chăm vào ví tiền của họ. Khi đó, khách hàng sẽ hoàn toàn hài lòng về sự chi trả của mình và có thêm động lực để đồng hành lâu dài cùng thương hiệu.

Giai đoạn làm hài lòng.
Nguồn: vudigital.co

Có nhiều cách để khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng. Chatbot, Google Form, Email và các cuộc gọi khảo sát là các phương án phổ biến. Nhưng công cụ nào cũng không quá quan trọng bằng việc thương hiệu thật sự tìm hiểu về vấn đề của khách hàng.

Cần nhớ một khách hàng hài lòng sẽ có khả năng trở thành người ủng hộ và truyền bá thương hiệu. Đây là điều mà ngay cả những thương hiệu nổi tiếng cũng khao khát. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, thương hiệu chắc chắn không thể nào sử dụng những cách thức xưa cũ nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng bằng mọi giá.

Tựu trung lại, bản chất của chiến lược Inbound Marketing là tập trung vào việc làm hài lòng khách hàng và hỗ trợ họ trong mọi tình huống, cho dù thương hiệu có thu được giá trị nào từ đó hay không. “Cho đi là nhận lại” – câu nói này tương đối phù hợp để mô tả khái niệm Inbound Marketing.

Hãy khiến khách hàng cảm thấy thương hiệu như một người bạn thật sự. Như vậy, doanh nghiệp sẽ gia tăng được thiện cảm, làm hài lòng người tiêu dùng, ghi điểm so với các đối thủ khác trên thị trường và tăng khả năng thành công cho chiến lược thương hiệu.

Lời kết

Đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đã hiểu được những kiến thức cần thiết về chủ đề Inbound Marketing. Đây là một chiến lược phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh, đặc biệt nếu thương hiệu của bạn không có quá nhiều ngân sách để đầu tư cho quảng cáo hay truyền thông. Tuy nhiên, không phải ai cũng triển khai thành công Inbound Marketing vì các lý do mà Vũ đã chia sẻ ở trên.

Hành vi của người dùng đã thay đổi. Thương hiệu không thể nào thu hút khách hàng bằng cách chen ngang vào hoạt động của họ. Để tạo sự kết nối với khách hàng trong kỷ nguyên Internet, thương hiệu cần cung cấp cho họ thông tin hữu ích, có giá trị và mang tính giải pháp nhiều hơn.

* Nguồn: Vũ Digital