Đầu tư vào Thương hiệu: Chìa khóa ứng phó với Lạm phát của các doanh nghiệp

Doanh nghiệp quyết định cắt giảm chi tiêu cho hoạt động marketing trong thời kỳ lạm phát liệu có thực sự đúng đắn?

Thực trạng lạm phát tác động lên thương hiệu

Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng lo lắng khi thu nhập không đủ chi tiêu, hành vi tiêu dùng từ đó cũng thay đổi, còn các doanh nghiệp lo lắng vì bị bóp chặt lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, các thương hiệu phải nhanh chóng thích ứng với những hành vi và kỳ vọng đang thay đổi của khách hàng trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh để phục hồi.

Lạm phát tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương hiệu. Ảnh: Freepik

Tình trạng này cũng khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành ngày một lớn, "miếng bánh" lợi nhuận đã nhỏ nay lại phải chia cho nhiều doanh nghiệp khác nhau. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các thương hiệu khi họ phải đối mặt với những áp lực mới về giá cả, quản lý danh mục đầu tư, đổi mới, quảng cáo và rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Một trong những tác động dễ nhận thấy nhất của lạm phát lên thương hiệu chính là việc cắt giảm chi tiêu cho hoạt động quảng cáo, PR, website...

Tại sao tập trung làm thương hiệu là giải pháp tốt nhất?

Trong giai đoạn này, các thương hiệu thường có xu hướng cắt giảm chi tiêu quảng cáo, vì đây được coi là một chi phí dễ cắt giảm để tập trung vào các hoạt động Performance Marketing nơi tác động của nó có thể đo lường ngay lập tức. Tuy nhiên, càng những lúc thế này, doanh nghiệp càng nên tập trung vào làm thương hiệu bởi những lý do chính sau:

Duy trì và đảm bảo mối quan hệ lâu dài với khách hàng

Trong bất kỳ tình huống nào, duy trì kết nối với khách hàng là điều vô cùng quan trọng. Thông qua việc giữ gìn mối quan hệ thân thiết với khách hàng, doanh nghiệp có thể gia tăng nhận diện thương hiệu, hỗ trợ hoạt động marketing và giảm áp lực cạnh tranh so với đối thủ khác.

Cho dù ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng những hoạt động mua sắm cần thiết vẫn phải diễn ra, do đó nếu không tiếp tục truyền thông thông tin, hình ảnh đến khách hàng, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi cơ hội phục hồi trước mắt.

Tăng khả năng cạnh tranh trong tâm trí khách hàng

Chiếm lĩnh vị trí top of mind trong tâm trí khách hàng là mục tiêu mà bất kỳ thương hiệu nào cũng muốn hướng đến. Và cách để đạt được điều này không gì khác ngoài hoạt động marketing.

Marketing thực chất là cuộc chiến chiếm lĩnh tâm trí khách hàng thông qua việc tạo nên dấu ấn riêng biệt cho thương hiệu giữa muôn vàn đối thủ. Khi thương hiệu chạm đến cảm xúc khách hàng, hình ảnh của họ sẽ tạo được sự tin tưởng và luôn được khách hàng nhớ đến.

Trong giai đoạn khó khăn, người tiêu dùng thường tìm kiếm sự yên tâm khi mua hàng, do đó các doanh nghiệp có nền tảng thương hiệu mạnh mẽ chắc chắn sẽ tạo được lợi thế.

Những yếu tố quyết định việc đầu tư vào thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity)

Bộ nhận diện thương hiệu là thuật ngữ bao hàm những yếu tố có thể nhìn thấy và tạo sự liên tưởng đến thương hiệu như logo, màu sắc thương hiệu, website, bao bì, icon, typo… Nói cách khác, nhận diện thương hiệu chính là “giao diện” của thương hiệu.

Đẩy mạnh đầu tư bộ nhận diên thương hiệu của doanh nghiệp là điều cần thiết. Ảnh: Freepik

Bộ nhận diện thương hiệu là yếu tố mà khách hàng nhớ đến trước tiên khi đề cập đến một thương hiệu, vì vậy nó cần phải nổi bật. Ngoài việc bắt kịp xu hướng và phù hợp với mong đợi của khách hàng, bộ nhận diện thương hiệu cần phải đủ khác biệt để trở nên nổi bật trong rất nhiều đối thủ cạnh tranh hiện tại.

Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp

Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của thương hiệu. Do đó, tất cả những yếu tố này cần kết hợp với nhau để cùng tạo nên một bức tranh tổng thể rằng bạn là ai, bạn muốn gì và bạn làm gì.

Thông điệp thương hiệu (Brand Message)

Thông điệp thương hiệu là tiếng nói của thương hiệu. Cũng giống như đặc điểm bộ nhận diện thương hiệu, thông điệp giúp bạn kết nối với cơ sở khách hàng của mình để mang lại trải nghiệm tốt hơn. Đó có thể là ngôn ngữ/giọng điệu bạn sử dụng trên website, trong các bài đăng trên mạng xã hội và trong các cuộc trò chuyện với chính khách hàng… Nhưng tất cả đều phải nhất quán.

Khác biệt thương hiệu (Brand Differentiation)

Khác biệt thương hiệu là những yếu tố làm cho bạn trở nên độc đáo, khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, là những điều mà khách hàng của bạn không thể nhận được ở bất kỳ nơi nào khác.

Sự khác biệt của thương hiệu có thể đến từ giá cả, nhưng bạn rất dễ bị loại khỏi thị trường theo cách này. Thay vào đó, hãy cung cấp một tính năng, dịch vụ hoặc giá trị độc đáo mà đối thủ cạnh tranh của bạn khó có thể sao chép hoặc bắt chước. Những thương hiệu tạo nên sự khác biệt sẽ đạt được thành công về lâu dài. Đây cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp đối phó được với những bất lợi từ thị trường.

Trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience)

Trải nghiệm thương hiệu là cảm nhận của khách hàng khi trực tiếp kết nối hoặc tương tác với sản phẩm, dịch vụ, nhân viên và các điểm chạm khác nhau trong quá trình tìm kiếm và sử dụng sản phẩm (chẳng hạn như social media, website…)

Cung cấp trải nghiệm vượt trội có thể tạo nên kết nối lâu dài với khách hàng. Không chỉ dừng lại ở đó, những khách hàng đã có trải nghiệm tốt với thương hiệu sẽ tiếp tục kể cho bạn bè và gia đình của họ biết, từ đó phát triển và mở rộng tệp khách hàng của doanh nghiệp.

Kết luận

Tùy thuộc vào mục tiêu, nguồn lực và tầm nhìn của doanh nghiệp, quyết định cắt giảm chi tiêu cho hoạt động marketing hay không sẽ mang lại kết quả khác nhau. Nhưng nhìn chung, việc duy trì đầu tư vào thương hiệu, vào hoạt động marketing là điều cần thiết ngay cả trong thời điểm khó khăn.


Rubyk Agency