Tái định vị thương hiệu không chỉ đơn giản là thay đổi Logo

Tái định vị thương hiệu (Rebrand) không chỉ đơn giản là thay đổi logo mà đó là cả một chiến lược tổng thể, một sự thay đổi mang tính “cách mạng” quyết định đến sự thành bại của một thương hiệu.

Tái định vị thương hiệu là gì?

Tái định vị thương hiệu hay Rebrand là một chiến lược marketing nhằm xây dựng bản sắc thương hiệu mới, làm “sống lại” thương hiệu trong tâm trí khách hàng và trên thị trường thông qua việc thay đổi tên, logo, slogan, tầm nhìn, sứ mệnh, màu sắc, bao bì, hay tất cả các yếu tố nhận diện thương hiệu khác.

Hiểu một cách đơn giản:

  • Rebrand là việc làm mới thương hiệu hiện có
  • Mục đích của Rebrand không phải là tạo ra một thương hiệu mới mà là để mang đến cho thương hiệu hiện tại một “làn gió mới”, một sự đổi mới để có thể cạnh tranh trong thị trường luôn thay đổi
  • Rebrand không chỉ tập trung vào hình ảnh thương hiệu mà còn đẩy mạnh các hoạt động nội bộ điều hành thương hiệu

Có nhất thiết phải Rebrand không?

Trong một thế giới nơi mà các xu hướng không ngừng cập nhật và thay đổi liên tục, các doanh nghiệp cần nhanh chóng “nâng cấp” những yếu tố không còn hợp thời để thu hút khách hàng mới, đồng thời trở nên phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

Doanh nghiệp nên thực hiện Rebrand hay không phụ thuộc nhiều vào mục tiêu, định hướng mà thương hiệu muốn hướng đến. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, có rất nhiều điều đã thay đổi như mục tiêu, tầm nhìn của doanh nghiệp không còn phù hợp, sản phẩm lỗi thời, hành vi của khách hàng mục tiêu hiện tại không còn giống trước kia...

Do vậy, nếu không thay đổi doanh nghiệp khó có thể tồn tại và phát triển trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay. Bởi vậy mà ngay cả những thương hiệu lớn từ trong nước như Viettel, VPBank, be… đến quốc tế như Coca-Cola, Burger King, Apple cũng quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới.

Rebrand: Cơ hội càng cao, rủi ro đi kèm càng lớn

Tái định vị thương hiệu rất phức tạp, tốn kém và mang lại rủi ro đi kèm lớn, ngay cả những thương hiệu lớn cũng không miễn nhiễm. Đã có rất nhiều chiến dịch Rebrand tạo ra tác dụng ngược, khiến thương hiệu mất nhiều hơn được. Chẳng hạn như khách hàng không hiểu được hoặc hiểu sai ý nghĩa trong những thay đổi của doanh nghiệp, làm nảy sinh nhiều ý kiến tiêu cực và chỉ trích đến từ chính khách hàng trung thành của thương hiệu…

Màn “thay áo” của Be nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều của người tiêu dùng.
Nguồn: Be

Vậy khi nào doanh nghiệp nên thực hiện Rebrand?

Có rất nhiều lý do để một doanh nghiệp quyết định triển khai chiến dịch Rebrand. Tuy nhiên, để việc Rebrand mang lại hiệu quả tốt nhất, hãy cân nhắc một số lý do chính sau:

Sáp nhập và mua lại

Khi các công ty tiến hành sáp nhập và mua lại, để thể hiện những điểm tốt nhất của mỗi doanh nghiệp, lấy được lòng tin của khách hàng, tăng nhận diện về thương hiệu và tránh nhầm lẫn, việc Rebrand là rất cần thiết. Ngoài ra, thông qua Rebrand, doanh nghiệp có thể dễ dàng thâm nhập vào các thị trường mới, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính, thu được nhiều lợi nhuận hơn, đồng thời mở rộng tệp khách hàng mới.

Thay đổi nhóm nhân khẩu học mục tiêu

Nhân khẩu học mục tiêu của mỗi thương hiệu có thể thay đổi theo thời gian do những thay đổi về xu hướng, công nghệ, hành vi... hoặc thay đổi từ chính sự phát triển của thương hiệu. Để chinh phục nhóm khách hàng mới này, thương hiệu cần thực hiện tái nhận diện thương hiệu để duy trì sức hấp dẫn và thu hút những đối tượng này.

Hình ảnh thương hiệu lỗi thời, không còn phù hợp

Đây là một trong những lý do phổ biến nhất để một doanh nghiệp đưa ra quyết định tái nhận diện thương hiệu. Bạn có thể tìm thấy điều này ở hầu hết các thương hiệu lớn, những yếu tố trong nhận diện như đường nét, hình dạng logo, màu sắc, font chữ... dần được thay đổi để trở nên phù hợp hơn với xu hướng hiện tại của người dùng và thị trường.

Sau hơn 60 năm tồn tại và phát triển, Kem Tràng Tiền dần mất đi vị thế “độc tôn” trong thị phần ngành kem Việt Nam với bộ nhận diện mờ nhạt, dễ bị đạo nhái và khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Những vấn đề này đã thôi thúc Kem Tràng Tiền “lột xác”, khoác lên mình bộ áo mới để từng bước tìm lại vị thế “thương hiệu kem quốc dân” một thời.

Rubyk phối hợp triển khai chiến dịch rebranding của Kem Tràng Tiền.

Một chiến dịch tái định vị thương hiệu toàn diện đã được triển khai, tất cả các yếu tố nhận diện đều được “thay da đổi thịt” từ logo, slogan, biển hiệu, màu sắc, font chữ, bao bì… mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn gợi nhớ về miền ký ức xưa của Hà Nội. Toàn bộ không gian bên trong Kem Tràng Tiền cũng được thiết kế lại với nhiều dấu ấn của kiến trúc pha lẫn cổ điển và hiện đại: tinh tế, xanh mát và ngập tràn ánh sáng.

Cụ thể, logo hình kem ốc quế trên nền đỏ nâu trước đây được thay bằng logo kem que màu trắng trên nền xanh mát mắt. Đây chính là cây kem cốm – hương vị “signature ”của thương hiệu lâu đời này.

Có thể thấy, những thay đổi nhanh chóng và kịp thời của Kem Tràng Tiền đã mang lại kết quả rất tích cực cho thương hiệu.

Sự xuất hiện của công nghệ mới

Thông thường, sự ra đời của công nghệ mới là chất xúc tác mạnh mẽ khiến một thương hiệu quyết định đổi mới để trở nên phù hợp hơn. Tuy nhiên, hoạt động tái nhận diện thương hiệu trong trường hợp này có thể không phải là một sự lột xác hoàn toàn mà chỉ đơn giản là một sự thay đổi trong các đặc điểm của thương hiệu như logo thương hiệu, tagline, màu sắc...

Sứ mệnh – tầm nhìn – giá trị của doanh nghiệp thay đổi

Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp là yếu tố định hướng, chi phối mọi quyết định của doanh nghiệp, bao gồm cả các quyết định về thương hiệu. Nếu sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp thay đổi, doanh nghiệp cần thực hiện Rebrand để thông báo cho khách hàng, đối tác về những định hướng hoạt động của mình trong tương lai.

Viettel công bố tái định vị thương hiệu, khẳng định Viettel không còn là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần mà đã trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số với sứ mệnh mới “Tiên phong kiến tạo xã hội số”.

Tái định vị thương hiệu không chỉ đơn giản là thay đổi Logo!

Nếu thường xuyên theo dõi hoạt động của các thương hiệu, bạn sẽ thấy đa phần những lần Rebrand của họ chủ yếu tập trung vào logo. Tuy nhiên, tái định vị thương hiệu không chỉ đơn giản là thay đổi logo mà đó là cả một chiến lược tổng thể, một sự thay đổi mang tính “cách mạng” quyết định sự thành bại của một thương hiệu. Những sự thay đổi trong logo về kiểu dáng, font chữ, màu sắc… mà chúng ta nhìn thấy chính là kết quả của những nỗ lực tái định vị mà thương hiệu đang thực hiện.

Tái định vị thương hiệu là chiến lược tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp hãy luôn trong trạng thái sẵn sàng để thay đổi, chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với sự cạnh tranh hiện có, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và xu hướng của thị trường.