Tư vấn thương hiệu là gì, khi nào doanh nghiệp cần tư vấn thương hiệu?

Tư vấn thương hiệu là quá trình mà đội ngũ tư vấn dành thời gian thấu hiểu và sử dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình nhằm đề nghị một chiến lược thương hiệu phù hợp với doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu từ Oberlo, số người Mỹ tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 227,5 triệu của năm 2020 lên đến hơn 230 triệu người ở thời điểm năm 2021, đạt tỉ lệ tăng trưởng 132%.

Còn theo trang Statista, tổng số người mua sắm trực tuyến trên thế giới năm 2021 đã đạt 2,14 tỷ. Chiếm khoảng 27% dân số toàn cầu. Nghĩa là cứ 4 người ở xung quanh bạn thì có ít nhất một người đang chờ điện thoại từ nhân viên giao hàng (chưa tính bạn).

Những thống kê này nói với chúng ta điều gì? Rất dễ để nhìn ra rằng người tiêu dùng đang ngày càng chi mạnh tay hơn cho việc mua sắm, điều này dẫn đến cơ hội cũng như thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho những rủi ro có thể gặp và tính cạnh tranh gay gắt khi phát triển thương hiệu. Nhưng việc chuẩn bị như thế nào lại dẫn đến một bài toán khác. Lúc này, người bạn cần đến chính là một nhà tư vấn thương hiệu.

Trong bài viết lần này, Vũ sẽ chia sẻ đến các bạn vai trò của nhà tư vấn thương hiệu đối với doanh nghiệp và quy trình, giải pháp tư vấn thương hiệu của đội ngũ Vũ Digital.

tư vấn thương hiệu

Tư vấn thương hiệu đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp (ảnh: vudigital.co)

Vai trò của nhà tư vấn thương hiệu

Tư vấn thương hiệu là quá trình hoạch định chiến lược, bao gồm việc tìm ra những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp, đề xuất giải pháp phù hợp và nếu cần, nhà tư vấn thương hiệu sẽ trực tiếp thực hiện những giải pháp đó.

Điều này thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng để tìm ra chính xác rào cản đang gây khó khăn cho thương hiệu thì không phải ai cũng làm được. Vai trò của nhà tư vấn thương hiệu cũng gần giống với bác sĩ trong lĩnh vực y học và huấn luyện viên trong lĩnh vực thể thao.

Ví dụ, chúng ta khi đau đầu thì đa số đều đau cùng một kiểu và đôi khi còn có những triệu chứng tương tự nhau. Nhưng ít ai lại tự chữa đau đầu theo một đơn thuốc “trôi nổi” trên mạng hay dựa theo kinh nghiệm cá nhân mà không cần đến sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ hay nhân viên tại các nhà thuốc.

Tại sao lại thế? Quá đơn giản. Chúng ta không có đủ kiến thức và cũng không đủ kỹ năng chuyên môn để xử lý những vấn đề hệ trọng như sức khỏe. Chúng ta rõ ràng sẽ an tâm hơn khi tìm đến bác sĩ, vì chúng ta biết họ có khả năng xử lý vấn đề của mình, vì họ đã trải qua nhiều năm đèn sách và đã tư vấn nhiều trường hợp bệnh khác nhau. Bác sĩ hơn những người khác ở điểm này. Họ có kiến thức và kinh nghiệm.

Điều tương tự cũng diễn ra trong thể thao. Những vận động viên nổi tiếng như Serena Williams (quần vợt), LeBron James (bóng rổ) hay Cristiano Ronaldo (bóng đá) đều cần đến những huấn luyện viên cá nhân, những người giúp họ hoàn thiện bản thân theo thời gian.

Dù cho họ có tài năng hay giỏi đến mức nào, nếu không được đào tạo đúng cách thì cũng rất khó vươn đến đỉnh cao. Những vận động viên có khả năng, còn huấn luyện viên sẽ có nhiệm vụ tối đa hóa khả năng đó. Điểm khác biệt vẫn nằm ở chỗ huấn luyện viên có kiến thức và kinh nghiệm hơn những người khác.

Tư vấn thương hiệu

Đội ngũ Vũ Digital trong quá trình tư vấn thương hiệu (ảnh: vudigital.co)

Áp dụng trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, nguyên tắc này cũng không khác là mấy. Doanh nghiệp đã có nguồn lực, có nhân sự, có thị trường, có khách hàng, nhưng nếu nhà lãnh đạo muốn phát triển thương hiệu của mình lên một tầm cao hơn, họ cần đến những chuyên gia tư vấn thương hiệu. Bởi vì những nhà tư vấn thương hiệu sẽ có kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển thương hiệu hơn nhiều người khác.

Nhượng quyền thương hiệu phải làm như thế nào? Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những bước gì? Truyền thông nội bộ bắt đầu ra sao?

Bạn có thể tìm kiếm đáp án trên Google. Nhưng áp dụng chúng vào thực tế là một câu chuyện khác. Cần nhớ một điều: không có giải pháp, câu trả lời, kết quả nào là bất biến trong kinh doanh. Câu trả lời bạn nghĩ là đúng có khi lại chẳng áp dụng được gì cho trường hợp của doanh nghiệp.

Bạn cũng có thể tự bắt tay vào làm mọi thứ. Nhưng thương trường không giống như khi đi học, mọi sai lầm của doanh nghiệp lầm đều phải trả giá bằng rất nhiều chi phí, thời gian và nguồn lực. Vậy tại sao bạn không sử dụng “quyền trợ giúp” cho phần thi của mình, thông qua những nhà tư vấn thương hiệu?

Khi nào cần tư vấn thương hiệu

Như Vũ đã chia sẻ, vai trò của chuyên gia tư vấn thương hiệu là rất quan trọng khi doanh nghiệp muốn tham vấn hay lập chiến lược về những quyết định kinh doanh mang tính bước ngoặt.

Những nhà tư vấn thương hiệu sẽ nhìn ra được vấn đề mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng tìm ra và mang đến những giải pháp hiệu quả, thích hợp. Khả năng này được đúc kết từ quá trình làm việc cùng rất nhiều doanh nghiệp của nhà tư vấn thương hiệu.

Trong phần tiếp theo, Vũ sẽ chia sẻ đến bạn đọc những trường hợp cần đến vai trò của tư vấn thương hiệu. Đồng thời, Vũ sẽ sử dụng case study từ những thương hiệu nổi tiếng để các bạn có góc nhìn thực tế hơn.

a. Tư vấn thương hiệu khi doanh nghiệp ra mắt thương hiệu mới

Ra mắt một thương hiệu hay một sản phẩm mới cũng tương tự như vẽ một bức tranh từ tờ giấy trắng. Nếu doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, việc chuẩn bị cho sản phẩm, cạnh tranh, nghiên cứu khách hàng,… sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí ngay cả với những công ty đã hoạt động lâu năm, phát triển những kế hoạch kinh doanh mới cũng là một việc đầy thử thách. Hãy cùng tìm hiểu ví dụ của Netflix.

Năm 2011, Netflix – nền tảng phim trực tuyến lớn nhất thế giới thời điểm đó – quyết định phân chia lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Với mục đích tách riêng dịch vụ streaming phim và cho thuê đĩa DVD, CEO Reed Hastings công bố thương hiệu mới Qwikster – chuyên kinh doanh đĩa DVD dành cho khách hàng ở Mỹ.

Điều này đồng nghĩa, Qwikster và Netflix sẽ là hai thứ hoàn toàn tách biệt với nhau, và người dùng giờ đây phải truy cập 2 website, phải tạo 2 tài khoản và phải trả 2 loại phí khác nhau (phí thành viên của Netflix cũng đã tăng so với trước đó).

Tất nhiên, khách hàng của Netflix không hề hứng thú với động thái này từ thương hiệu. Họ “chào đón” Qwikster bằng cách hủy hàng loạt tài khoản thành viên, chuyển sang các dịch vụ đối thủ của Netflix như Amazon, Hulu,…

Tư vấn thương hiệu

Qwikster là thất bại đáng quên của Netflix (ảnh: vudigital)

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Netflix thông báo rằng họ đã mất khoảng một triệu khách hàng. Những nỗ lực sau đó của Netflix chẳng thể nào cứu vãn được tình hình và chưa đầy một tháng sau khi đã cố đưa ra nhiều giải pháp, CEO Hastings đã thông báo rằng Netflix sẽ hủy toàn bộ dự án Qwikster.

Bạn thấy đó, ngay cả ông lớn như Netflix cũng gặp sai sót trong việc ra mắt một thương hiệu mới, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong khi những quyết định này hoàn toàn có thể được tính toán kỹ lưỡng hơn và những rủi ro hoàn toàn có khả năng được dự báo trước trong quy trình tư vấn thương hiệu.

Vậy chúng ta rút ra được bài học gì qua câu chuyện trên? Thứ nhất, nghiên cứu và lập kế hoạch là bước rất quan trọng trong quá trình tư vấn thương hiệu. Thứ hai, những con số trên giấy không phải lúc nào cũng đúng, và một thương hiệu mới phải đối mặt với rất nhiều rủi ro không lường trước được.

Không gì đảm bảo bạn không mắc phải những sai lầm tai hại như Netflix, dù bạn chỉ đang kinh doanh một thương hiệu trà sữa, thức ăn nhanh hay thời trang. Bạn vẫn mất tiền và thất bại như thường dù cho có tự nghiên cứu hàng trăm sai lầm khác.

Trong trường hợp này, vai trò của nhà tư vấn thương hiệu càng trở nên rõ ràng hơn. Những chuyên gia tư vấn thương hiệu sẽ giúp bạn rút ngắn quá trình lập kế hoạch và thực hiện những kế hoạch đó.

Nhà tư vấn thương hiệu sẽ biết đối với sản phẩm A cần tiếp cận khách hàng qua kênh truyền thông nào, hoặc với lĩnh vực B thì website như thế nào sẽ tối ưu nhất,… Như Vũ đã chia sẻ, những chuyên gia tư vấn thương hiệu có kiến thức và kinh nghiệm, thứ mà những người khác không có.

b. Tư vấn thương hiệu khi doanh nghiệp cần thiết kế lại một bộ nhận diện thương hiệu

Vào một ngày đẹp trời, bạn bỗng cảm thấy tên thương hiệu của mình sao khó đọc quá, logo thương hiệu của mình sao nhàm chán quá, tagline của mình sao khó nhớ quá,… Bạn quyết định thay đổi bộ nhận diện của mình, mang lại một hình ảnh mới hoàn toàn cho thương hiệu, dù cho khách hàng của bạn đã quen thuộc với bộ nhận diện cũ.

Nếu bạn cho rằng thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu là chuyện một sớm một chiều như vậy, thì hãy xem qua câu chuyện của Tropicana – thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm nước cam đóng hộp.

Năm 2009, ban lãnh đạo Tropicana quyết định tung ra một bộ vỏ hộp sản phẩm hoàn toàn mới. Dù cho trước đó, khách hàng đã quen thuộc với hình ảnh trái cam tươi cùng chiếc ống hút sọc đỏ trắng, thứ làm nên hình ảnh biểu tượng của Tropicana.

Tư vấn thương hiệu

Phiên bản bao bì truyền thống (bên trái) và thay đổi của Tropicana (ảnh: thinkegghead)

Bao bì mới, giờ đây, hiển thị một ly nước cam kéo dài theo chiều cao hộp. Thiết kế mới đơn giản, hiện đại và trẻ trung hơn phiên bản “tiền nhiệm” của mình. Ít nhất đó là những gì những người đứng đầu tập đoàn Tropicana đã nghĩ.

Thế nhưng trong một thời gian ngắn ngủi, doanh số của thương hiệu nước cam này tuột dốc không phanh. Những khách hàng trung thành với hãng đột nhiên không nhìn thấy hình ảnh trái cam cắm ống hút sọc quen thuộc. Họ cứ thế đi qua hoặc mua một sản phẩm khác thay thế. Luồng dư luận trái chiều cũng bắt đầu lan nhanh với tốc độ chóng mặt, đa phần đều cho rằng vỏ hộp Tropicana mới là một thất bại thảm hại.

Như một lẽ tất yếu, Tropicana quyết định thu hồi sản phẩm bao bì mới và mang trở lại “trái cam cắm ống hút” thân quen ngày nào. Thất bại này tiêu tốn của công ty hơn 50 triệu đô la và khiến hãng mất đi thị phần vào tay các đối thủ khác.

Thay đổi hay làm mới bộ nhận diện thương hiệu đều cần đến những sự nghiên cứu tỉ mỉ, dù đó là logo, tagline, bao bì, hay thậm chí là bộ màu, kiểu chữ… Nhưng làm sao để biết khi nào là lúc thương hiệu phải đổi mới? Không thể dựa vào hứng thú nhất thời mà thay đổi bộ nhận diện, việc này chỉ dẫn đến những sai lầm khi phát triển thương hiệu.

Nhà tư vấn thương hiệu sẽ tìm ra được vấn đề thật sự mà doanh nghiệp đang gặp phải và đưa ra giải pháp phù hợp. Có thể thương hiệu muốn thay đổi tagline, nhưng phông chữ mới là thứ khiến khách hàng không có “cảm tình” với thương hiệu; hay nhà lãnh đạo muốn làm mới logo nhưng bộ màu không phù hợp mới là nguyên nhân gây sao nhãng cho khách hàng. Nhà tư vấn thương hiệu sẽ “chẩn đoán” bệnh và “kê đơn” cho thương hiệu của bạn.

c. Tư vấn thương hiệu khi doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thương hiệu

Một trường hợp khác mà nhà lãnh đạo cần đến những chuyên gia tư vấn thương hiệu là khi họ có nhu cầu xây dựng một hệ thống thương hiệu cho doanh nghiệp của mình.

Những trường hợp đó bao gồm: mở rộng thương hiệu, sáp nhập thương hiệu, nhượng quyền thương hiệu,… Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của nhà tư vấn thương hiệu. Nhiều người sẽ gặp lúng túng khi tự mình xây dựng và phát triển hệ thống thương hiệu, từ đó dễ dẫn đến những hệ quả tiêu cực như chất lượng sản phẩm giảm hay khách hàng không còn hài lòng như trước.

Một ví dụ rất hay để minh họa cho vấn đề trên là Starbucks và câu chuyện thâm nhập thị trường Úc của thương hiệu này.

Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên của mình ở Úc vào thời điểm năm 2000. Đến năm 2008, thương hiệu có 87 cửa hàng trên toàn vương quốc Kangaroo, nhưng vào thời điểm năm 2021, chỉ còn hơn 20 cửa hàng hoạt động. Tại sao một thương hiệu nổi tiếng như Starbucks lại không thể thành công ở một quốc gia có văn hóa uống cà phê như Úc?

Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra chính là việc Starbucks đã quá tập trung vào việc mở rộng số lượng cửa hàng. Thương hiệu cà phê này bỗng nhiên có mặt ở khắp nơi. Từ những thành phố lớn cho đến các vùng ngoại ô và thậm chí ở nhiều thị trấn nhỏ, đâu đâu cũng xuất hiện Starbucks. Sự phổ biến nhanh chóng vô tình đã làm mất đi giá trị của thương hiệu trong mắt người dân Úc. Họ cảm thấy Starbucks không còn “riêng biệt” nữa, nó đã trở thành một thương hiệu phổ thông mà ai cũng tiếp cận được.

Tư vấn thương hiệu

Starbucks mắc phải những sai lầm nghiêm trọng ở thị trường Úc (ảnh: pexels)

Không nghiên cứu cẩn thận về nhóm khách hàng mục tiêu là nguyên nhân tiếp theo dẫn đến sự thất bại của Starbucks. Các nhà lãnh đạo tin rằng những đối thủ mà họ phải đối mặt tại vương quốc Kangaroo cũng là những công ty mà họ đã quá “quen mặt” như: Costa Coffee, Dunkin Donuts,… Đúng, những thương hiệu này đều có mặt ở Úc. Tuy nhiên, Starbucks đã quên mất một chướng ngại vật còn đáng gờm hơn: những cửa hàng địa phương.

Người Úc có cách thưởng thức cà phê mang tính cá nhân hơn những thị trường khác. Họ không hứng thú với những không gian quá rộng rãi, lúc nào cũng đầy ắp khách hàng và tiếng trò chuyện rôm rả. Người Úc có những tiệm quen của mình, nơi mà họ có thể đến tận hưởng thức uống trong không gian nhỏ hơn, yên tĩnh và hình thành các mối quan hệ thân thiết với những người xung quanh. Và thậm chí, giá sản phẩm ở những cửa hàng này cũng rẻ hơn Starbucks rất nhiều.

Lý do cuối cùng được cho là vì Starbucks đã không điều chỉnh sản phẩm của mình để phù hợp với khẩu vị người dân Úc. Họ giữ nguyên công thức đã làm nên thành công của mình ở Mỹ. Trong khi với người Úc, cà phê của Starbucks lại quá ngọt.

Số lượng cửa hàng quá nhiều, giá cao, không gian thiếu tính cá nhân, còn cà phê thì lại quá ngọt. Starbucks đã mắc phải những sai lầm đáng tiếc và kết cục là phải đóng cửa hàng chục cửa hàng.

Nhiều người cho rằng Starbucks là một thương hiệu toàn cầu, nên việc sai sót trong vận hành của họ sẽ không thể tránh khỏi. Nhưng Vũ cho rằng, việc mở một văn phòng ở một quốc gia khác và việc khai trương cửa hàng mới ở quận 1 cũng không khác nhau quá nhiều về mặt bản chất. Chúng đều yêu cầu nhà lãnh đạo phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm xử lý các vấn đề có thể phát sinh. Trong trường hợp này, nhà tư vấn thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị các kế hoạch để hạn chế rủi ro có thể gặp.

Quy trình tư vấn thương hiệu tại Vũ Digital

Tại Vũ, chúng tôi thực hiện quy trình tư vấn thương hiệu theo mô hình 5T. Mô hình 5T là phương pháp tinh gọn, hiệu quả và giúp giải quyết được vấn đề cốt yếu mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Đây là quy trình được đội ngũ Vũ Digital đúc kết sau thời gian tư vấn thương hiệu cho rất nhiều doanh nghiệp và đã được chứng minh hiệu quả thông qua các dự án tư vấn thương hiệu chúng tôi thực hiện. Mô hình tư vấn thương hiệu 5T bao gồm các bước sau.

T1: Thấu hiểu

“Thấu hiểu” là cách tiếp cận của đội ngũ Vũ Digital đối với bất kỳ dự án tư vấn thương hiệu nào. Chúng ta đều biết “thấu hiểu” là nền tảng để phát triển mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Đối với lĩnh vực tư vấn thương hiệu cũng tương tự, Vũ cần phải hiểu về doanh nghiệp; và ngược lại, nhà lãnh đạo cũng cần hiểu cách làm việc của chúng tôi.

Vũ không chỉ muốn biết vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, chúng tôi còn muốn biết lý do mà thương hiệu được thành lập, tầm nhìn của ban lãnh đạo, mục tiêu của họ đối với thương hiệu và chiến lược hiện tại của thương hiệu.

Ngoài ra, những hiểu biết về khách hàng, đối thủ và thị trường hoạt động của thương hiệu cũng vô cùng cần thiết. Nói cách khác, Vũ muốn hiểu mọi thứ về thương hiệu.

tư vấn thương hiệu

Thấu hiểu là bước khởi đầu của quy trình tư vấn thương hiệu (ảnh: vudigital.co)

Những hiểu biết hời hợt, nông cạn sẽ dẫn đến những chiến lược và kết luận sai lầm. Nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng về thương hiệu, có lẽ chúng tôi cũng sẽ giống như những “thầy bói” trong truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”, chỉ biết phán xét vô tội vạ mà không chỉ ra đúng thứ cần giải quyết.

Mặt khác, nhà lãnh đạo cũng cần hiểu về cách tư vấn thương hiệu và làm việc của Vũ. Chúng tôi có quy trình sáng tạo và tư vấn thương hiệu riêng của mình. Vũ không chỉ nhắm vào ngân sách của doanh nghiệp, mà tập trung vào sự hiệu quả của dự án tư vấn thương hiệu. Vì vậy, sự tâm huyết và đồng hành từ nhà lãnh đạo sẽ là một trong những yếu tố chúng tôi quan tâm nhất.

Ngoài ra, xây dựng và phát triển dự án tư vấn thương hiệu là một quá trình cần nhiều sự đầu tư về thời gian lẫn chất xám. Rất hy vọng doanh nghiệp khi hợp tác với chúng tôi sẽ không yêu cầu những tác phẩm “sao cũng được” hay đặt ra thời hạn hoàn thành “càng sớm càng tốt”.

T2: Thảo luận

Đội ngũ Vũ Digital hiểu rằng, ẩn sau mỗi quyết định kinh doanh của nhà lãnh đạo là cả một câu chuyện cần được lắng nghe. Có những doanh nghiệp tìm đến Vũ với yêu cầu làm mới bộ nhận diện, đặt tên cho một thương hiệu, hay làm mới website… Vũ có thể bắt tay vào làm ngay mà không cần xem xét quá nhiều, như một số đơn vị khác. Nhưng chúng tôi không lựa chọn cách làm như thế. Trước khi thực hiện dự án, Vũ sẽ cùng ban thảo luận sâu hơn về những vấn đề thương hiệu đang gặp phải.

Chỉ khi tham gia thảo luận, Vũ mới có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ vô cùng thú vị đằng sau các quyết định đổi mới trên. Đó là nỗi khát khao mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Đó là sự quyết tâm “làm mới” thương hiệu của những người đứng đầu trong bối cảnh hiện đại. Đó là sự nhiệt huyết của một thương hiệu trẻ lần đầu bước chân vào thương trường… Chính những câu chuyện này mới là thứ làm nên sức sống của thương hiệu.

tư vấn thương hiệu

Thảo luận là bước quan trọng của quá trình tư vấn thương hiệu (ảnh: vudigital.co)

Mặt khác, trong quá trình tư vấn thương hiệu, Vũ nhận thấy rằng có nhiều doanh nghiệp không thật sự hiểu vấn đề cốt lõi mà thương hiệu của mình đang vấp phải. Sẽ có những trường hợp doanh nghiệp yêu cầu thiết kế lại logo, trong khi tagline thương hiệu mới là thứ cần thay đổi; hoặc khách hàng chỉ muốn đặt lại tên thương hiệu, nhưng không hiểu rằng khi đó toàn bộ hình ảnh cũng cần được điều chỉnh.

Trong quá trình tư vấn thương hiệu, đội ngũ Vũ Digital sẽ chỉ ra rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp cần vượt qua. Khi đã xác định được vấn đề, Vũ sẽ đề xuất các giải pháp tương ứng và phù hợp với doanh nghiệp.

T3: Thiết lập

“Thiết lập” là bước thứ ba trong mô hình tư vấn thương hiệu 5T. Đây là thời điểm khởi động quá trình thực hiện sau khi doanh nghiệp đã đồng ý với những vấn đề và giải pháp mà Vũ trình bày.

Ở giai đoạn này, Vũ sẽ cùng doanh nghiệp xác định những mục tiêu, khối lượng công việc, kế hoạch chi tiết, thời hạn và ngân sách của dự án. Đây là bước quan trọng để các bên thống nhất với nhau về những hạng mục công việc, trước khi Vũ bắt đầu xây dựng các giải pháp cho dự án tư vấn thương hiệu.

T4: Thực hiện

Giai đoạn “Thực hiện” là lúc đội ngũ Vũ Digital bắt đầu xây dựng và phát triển các giải pháp phù hợp với vấn đề của thương hiệu.

Khi tư vấn thương hiệu, Vũ sẽ tập trung vào ba yếu tố chính: bản sắc thương hiệu, chiến lược thương hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Nếu so sánh với việc một tác giả sáng tạo ra nhân vật trong tiểu thuyết của mình, thì bản sắc sẽ là việc xây dựng cuộc đời, tính cách của nhân vật, chiến lược sẽ là việc định hướng phát triển của nhân vật và bộ nhận diện sẽ là mô tả bề ngoài của nhân vật đó.

a. Đối với hạng mục xây dựng bản sắc thương hiệu

Bản sắc thương hiệu là tập hợp các yếu tố nhận thức cảm tính và lý tính, do đội ngũ phát triển thương hiệu tạo ra nhằm nâng cao khả năng nhận diện và giúp xây dựng tệp khách hàng trung thành.

Trong đó, nhận thức cảm tính là những thứ ngay lập tức chi phối cảm xúc người tiêu dùng, nhằm gia tăng mức độ nhận biết về thương hiệu thông qua sản phẩm. Còn nhận thức lý tính chỉ có khi người tiêu dùng đã trải qua một thời gian đủ lâu trải nghiệm và đánh giá về sản phẩm.

Từ định nghĩa trên, các yếu tố làm nên bản sắc cho một thương hiệu sẽ được chia thành hai nhóm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.

tư vấn thương hiệu

Bản sắc thương hiệu bao gồm những nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính (ảnh: SamLion)

Nhận thức cảm tính trong tư vấn thương hiệu bao gồm:

  • Tầm nhìn và sứ mệnh thương hiệu
  • Slogan và tagline của thương hiệu
  • Lời hứa thương hiệu

Nhận thức lý tính trong tư vấn thương hiệu bao gồm:

  • Giá trị thương hiệu
  • Tài sản thương hiệu
  • Đặc tính thương hiệu
  • Câu chuyện thương hiệu

Một thương hiệu bền vững cần xây dựng và phát triển cả hai nhóm nhận thức này. Nhưng không phải cứ viết đại loại một vài câu nói nghe “đao to búa lớn” là sẽ ra tầm nhìn thương hiệu; cũng không phải tagline thương hiệu nào cũng phải nghe có vần thì mới là tagline.

Bản sắc thương hiệu phải xuất phát từ doanh nghiệp, từ nhân viên, từ sản phẩm và những giá trị mang thương hiệu thật sự muốn mang đến cho khách hàng. Chỉ khi có một bản sắc hoàn chỉnh, thương hiệu mới có thể đi đúng hướng, giống như một con tàu ngoài biển khơi cần có la bàn để đến đích.

Nếu doanh nghiệp chưa rõ ràng hay còn phân vân về bản sắc thương hiệu mình, Vũ sẽ giúp bạn. Đội ngũ Vũ Digital đã tư vấn, xây dựng thành công bản sắc cho nhiều thương hiệu và chúng tôi biết làm cách nào để giải quyết vấn đề của bạn.

b. Đối với hạng mục xây dựng chiến lược thương hiệu

Chiến lược thương hiệu là nhóm giải pháp, hướng dẫn và kế hoạch với mục tiêu khẳng định vị thế độc tôn của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, mà vẫn không xa vời so với nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển cho riêng mình. Không ai lại ngay lập tức lao vào lập kế hoạch để đạt doanh thu hay tìm kiếm khách hàng trước khi có một chiến lược phù hợp cả.

tư vấn thương hiệu

Mỗi thương hiệu cần có chiến lược phù hợp với mục tiêu và lợi thế cạnh tranh của mình (ảnh: EvaKlanduchova)

Nhưng làm sao để có một chiến lược phù hợp với từng mục tiêu riêng của thương hiệu. Chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, chiến lược truyền thông, chiến lược nhượng quyền,… Mỗi lĩnh vực đều yêu cầu cách tiếp cận khác nhau và nhiệm vụ của nhà tư vấn thương hiệu là giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích hợp nhất với mục tiêu.

c. Đối với hạng mục thiết kế bộ nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu là các yếu tố hữu hình và có khả năng kích thích các giác quan của người khác. Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cầm nắm hay chạm vào được, bao gồm:

  • Tên thương hiệu
  • Logo thương hiệu
  • Tagline/Slogan thương hiệu
  • Màu sắc, kiểu chữ thương hiệu
  • Bộ nhận diện thương hiệu ứng dụng văn phòng: brochure, sổ tay, chữ ký email,…
  • Bộ nhận diện thương hiệu online: Website, mạng xã hội,…
  • Bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời: billboard, banner,…
  • Các ấn phẩm quảng cáo khác

tư vấn thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu góp phần vào thành công của thương hiệu (ảnh: KarolinaPhotos)

Trong quá trình tư vấn thương hiệu, Vũ nhận thấy nhiều doanh nghiệp chỉ xem bộ nhận diện như một thành phần phụ, không đáng để tâm. Lý do có lẽ vì bộ nhận diện thương hiệu không phải là thứ trực tiếp mang lại doanh thu cho họ, để dành ngân sách ấy cho các hoạt động truyền thông, bán hàng sẽ hiệu quả hơn.

Họ giao phó nhiệm vụ thiết kế bộ nhận diện cho một nhân viên marketing nội bộ hoặc một designer tay ngang nào đó. Những người này lại lấy hình ảnh từ các trang stock miễn phí hay sao chép lại từ người khác. Kết quả thương hiệu nhận lại chỉ là một thứ vô hồn, không câu chuyện, không bản sắc và không khác biệt.

Cũng có những người hiểu tầm quan trọng của bộ nhận diện thương hiệu, nhưng lại loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Họ không biết thương hiệu của mình nên dùng logo dạng nào, phông chữ có chân hay không chân, màu nóng hay màu lạnh,… Họ không có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này, thứ mà những nhà tư vấn thương hiệu lại sở hữu.

Dịch vụ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu tại Vũ sẽ mang lại cho doanh nghiệp những giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Vì như chúng tôi đã từng chia sẻ, tính hiệu quả của quy trình tư vấn thương hiệu phải đi đôi với sự sáng tạo. Chính cách tiếp cận này đã làm nên thành công cho nhiều dự án tư vấn thương hiệu mà Vũ Digital thực hiện.

T5: Truyền tải

Khi đã có giải pháp, bước cuối cùng của quá trình tư vấn thương hiệu là xác định những phương pháp để truyền tải những giá trị đó đến nhóm đối tượng mục tiêu. Các nhóm mục tiêu chủ yếu bao gồm: nhân viên, khách hàng và đối tác.

a. Nhóm nhân viên

Nhân viên phải là những người đầu tiên hiểu về ý nghĩa, thông điệp và những giá trị mà thương hiệu muốn truyền tải. Họ phải thấm nhuần văn hóa của công ty và cảm thấy mình thuộc về thương hiệu. Nếu những người đang nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển thương hiệu mà còn không hiểu mục đích của công việc mình đang làm thì rất khó để những người khác hiểu được.

Starbucks là một trong những doanh nghiệp làm rất tốt điều này. Thương hiệu cà phê này thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo để giúp nhân viên hiểu được tầm quan trọng của công việc mình đang làm. Starbucks cũng xem nhân viên của mình là những “đối tác” và khuyến khích họ nêu ý kiến và đóng góp nhiều hơn tới công ty. Tất cả các đóng góp của nhân viên sẽ được thu nhận để cải thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh của Starbucks.

Cựu giám đốc điều hành Howard Schultz đã từng nói:

Là một nhà lãnh đạo, nhiệm vụ của tôi không bao giờ chỉ là giành thị phần hay kiếm tiền. Đó còn là sứ mệnh xây dựng một công ty vĩ đại và bền vững.

Vì vậy, một trong những công đoạn quan trọng của quá trình tư vấn thương hiệu tại Vũ Digital chính là giúp nhà lãnh đạo truyền đạt câu chuyện của mình đến đội ngũ thành viên trong công ty. Thông qua các hoạt động truyền thông nội bộ, đào tạo và huấn luyện, Vũ sẽ giúp đội ngũ nhân viên hiểu được văn hóa và câu chuyện của doanh nghiệp. Khi nhân viên đã hiểu, đã tin và đã yêu thương hiệu của mình, Vũ tin rằng họ sẽ lan tỏa tinh thần đó đến những người xung quanh.

b. Nhóm khách hàng

Khi tư vấn thương hiệu, những tuyên ngôn định vị, chiến lược truyền thông, bộ nhận diện thương hiệu,… nếu không tiếp cận được khách hàng thì cũng sẽ không mang lại lợi ích cụ thể nào cho doanh nghiệp.

Đầu tiên, thương hiệu phải tiếp cận được khách hàng của mình ở nhiều điểm chạm khác nhau. Không chỉ là xuất hiện trên newsfeed Facebook hay trang tìm kiếm Google, thương hiệu còn phải giao tiếp với khách hàng khi họ đến cửa hàng, vào website,… Vì sao Vũ lại nói như thế? Một sai lầm phổ biến của nhiều người khi làm truyền thông thương hiệu là họ chỉ chăm chăm thu hút sự chú ý của khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội, mà lại thờ ơ với những điểm chạm khác.

Một thương hiệu muốn phát triển bền vững thì phải đồng bộ và thống nhất với nhau ở tất cả khía cạnh. Trong bối cảnh khách hàng đang ngày càng khó tính và lại nhận được quá nhiều lựa chọn, việc thương hiệu sai sót trong cách truyền đạt sẽ khiến họ chuyển sang các đối thủ ngay tức khắc. Những case study mà Vũ chia sẻ ở trên là minh chứng cho kết luận này.

Nhưng tiếp cận được khách hàng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là thực hiện việc truyền tải một cách đúng đắn.

Nếu ngân sách quảng cáo của bạn mỗi tháng lên đến cả chục triệu mà khách hàng vẫn chưa hiểu được thông điệp bạn muốn truyền tải, bạn đang làm sai.

Nếu người khác nhìn vào logo của bạn mà lại cảm giác “giống giống” với một thương hiệu nào khác, bạn đang làm sai.

Nếu khách hàng cảm thấy hài lòng về sản phẩm nhưng không tiếp tục mua hàng, bạn đang làm sai.

Tương tự vậy, có rất nhiều lỗi sai khác mà một thương hiệu sẽ gặp phải khi kinh doanh. Chưa kể đến những đối thủ khác luôn tìm cách để giành giật lấy thị phần của bạn.

Vậy làm sao để làm đúng? Vũ sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này. Chúng tôi sẽ mang lại những giải pháp để khách hàng cảm nhận toàn vẹn những giá trị, cảm xúc mà thương hiệu muốn truyền tải, đồng thời là những giải pháp thiết kế sáng tạo nhằm khác biệt hóa thương hiệu, từ đó mang lại những khách hàng trung thành cho doanh nghiệp.

Lời kết

Bài viết này nhằm giải thích cho bạn đọc về vai trò của tư vấn thương hiệu và dịch vụ tư vấn thương hiệu của Vũ Digital. Tất nhiên, một bài viết không thể truyền tải hết mọi giá trị mà chúng tôi mong muốn mang đến cho doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu là một lĩnh vực còn xa lạ với nhiều lãnh đạo Việt, nhưng trên thế giới, đây là việc làm cơ bản tại nhiều tập đoàn, công ty lớn ngay khi họ vừa bắt đầu xây dựng doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại, thương hiệu chính là công cụ quan trọng để bạn chiến thắng những đối thủ khác.

Đối thủ có thể sao chép sản phẩm, cách làm truyền thông, hoặc tuyển dụng chính nhân viên của bạn, nhưng họ không thể sao chép thương hiệu của bạn. Bởi vì đây là thứ chỉ duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xây dựng (hoặc phá hủy) nó.

Vũ xin phép kết lại bài viết bằng câu chuyện ngụ ngôn từ châu Phi sau:

“Mỗi sáng, linh dương thức dậy và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị ăn thịt.

Mỗi sáng, sư tử thức dậy và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất nếu không muốn bị đói cả ngày.

Không quan trọng bạn là linh dương hay sư tử, khi mặt trời mọc, bạn đều phải chạy.”

Xin chân thành cảm ơn,



*Nguồn: Vũ Digital