Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

Lòng vị tha, phẩm chất quan trọng được sở hữu bởi Nhà lãnh đạo kiệt xuất

Vị tha không có nghĩa là cổ súy hay dễ dãi với lỗi lầm của nhân viên, mà là chấp nhận việc họ có thể mắc sai lầm và bao dung nếu có thể.

Trong doanh nghiệp, sẽ có những lúc nhân viên của anh chị hoặc các phòng ban khác mắc lỗi. Những cảm xúc khó chịu, bực dọc hay tức giận xuất hiện là điều bình thường. Nhà lãnh đạo không bao dung sẽ chọn cách đay nghiến, dằn vặt đội ngũ về lỗi lầm quá khứ ấy. Giống như một ngọn lửa ngấu nghiến mọi thứ và toả ra không khí căng thẳng, nặng nề khiến cho những người xung quanh cũng cảm thấy ngột ngạt.

Nhưng một nhà lãnh đạo có lòng vị tha lại hoàn toàn khác, họ sẽ không để những thất bại đã qua cản bước sự phát triển của doanh nghiệp. Họ hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, bình thản trước những sai lầm của nhân viên và trao cơ hội cho họ được sửa sai, học hỏi và trưởng thành là điều nên làm. Cả đội ngũ sẽ cùng tập trung năng lượng và nguồn lực lại để tìm ra giải pháp tiếp theo, đảm bảo công việc luôn tăng trưởng.

🔱Mở lòng vị tha không hề dễ, bởi thế mà nó được coi là “phẩm chất quan trọng” của Nhà lãnh đạo kiệt xuất.

🔸Trước hết, hãy học cách vị tha với chính bản thân mình: Nhận biết được những cảm xúc như: bực tức, giận hờn, nổi nóng,…có khi biểu hiện qua cái nhíu mày, nhăn mặt, trợn mắt; qua lời nói la lối, quát tháo, dọa nạt…; hay qua hành động đập bàn, dậm chân, quăng ném đồ đạc,… Và cũng có khi lại không biểu hiện ra mà được giữ kín trong lòng.

🔸Khi quan sát bản thân đủ, bạn sẽ thấy ai cũng có những cảm xúc như nhau, chỉ khác nhau bởi thái độ và cách phản ứng. Và một nhà lãnh đạo có lòng vị tha sẽ thấu hiểu và dễ dàng đón nhận những lỗi lầm của người khác.

Tuy nhiên như đã nói: “Vị tha không có nghĩa là cổ súy hay dễ dãi với lỗi lầm của nhân viên”, nếu nhà lãnh đạo đã trao cho họ cơ hội nhưng vẫn không thấy sự thay đổi. Thậm chí còn tiếp tục mang đến nhiều hệ lụy xấu cho công ty, lúc này hãy cân nhắc việc “mời xuống xe”, kết thúc hành trình đi cùng tổ chức.

Hãy ghi nhớ, đừng để sự hằn học và đay nghiến trở thành cách cư xử dành cho cấp dưới khi họ phạm lỗi. Điều này chỉ mang lại những hậu quả tiêu cực trong suy nghĩ và hành vi khiến nhà lãnh đạo luôn cô đơn trong chính tổ chức của mình.

Nguồn: Toppion Group