5 bước sáng tạo tên thương hiệu hay

Đặt tên thương hiệu hay là một trong những bước đầu tiên của quá trình xây dựng thương hiệu, vì vậy cần sự đầu tư, nghiên cứu và sáng tạo.

Mọi thương hiệu đều cần một cái tên, đó gần như là điều hiển nhiên. Tên thương hiệu hay có rất nhiều công dụng, nó giúp khách hàng nhận ra, phân biệt và kết nối với thương hiệu. Cùng với logo và tagline, tên gọi là một trong ba yếu tố hạt nhân của bộ nhận diện hoàn chỉnh. Ta có thể xem tên thương hiệu hay là thành phần cơ bản nhất của một thương hiệu.

Thoạt nhìn tên thương hiệu hay không quá phức tạp. Nó chỉ là một, hai từ xếp cạnh nhau, tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nghe hợp tai và đảm bảo khách hàng viết đúng khi gõ. Thế nhưng, quy trình đặt tên thương hiệu hay lại không đơn giản như thế. Trên thực tế, đây là một việc cần nhiều thời gian và sự đầu tư nghiêm túc từ nhà lãnh đạo.

Có những lúc chúng ta nghĩ mình đã tìm thấy một tên gọi hoàn hảo, nhưng rồi phát hiện ra nó đã được người khác sử dụng và buộc lòng phải suy nghĩ lại từ đầu. Cứ như vậy cho đến khi ta tìm được tên thương hiệu hay và phù hợp nhất.

5 bước sáng tạo tên thương hiệu hay (ảnh: vudigital.co)

5 bước sáng tạo tên thương hiệu hay (ảnh: vudigital.co)

Theo thống kê của trang SimplyInsurance, khoảng 30 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại xứ sở cờ hoa, trong đó, mỗi tháng có hơn nửa triệu công ty bước chân vào thị trường. Và đúng vậy, tất cả những doanh nghiệp đó đều cần đặt cho mình một cái tên.

Trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay, việc cạnh tranh giữa các công ty còn khốc liệt hơn. Một thương hiệu viết phần mềm Việt Nam sẽ không chỉ phải “dè chừng” với những thương hiệu Việt khác, mà còn là những công ty phần mềm trên toàn thế giới. Do đó, áp lực cho việc nghĩ ra một cái tên sẽ tương đối lớn.

Michelangelo đã từng viết trong lá thư gửi một học trò của mình như sau:

Mỗi khối đá đều ẩn chứa một kiệt tác bên trong và nhiệm vụ của nhà điêu khắc là khám phá ra nó.

Tương tự, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo hay đội ngũ sáng tạo chính là tìm ra cái tên khắc họa rõ nét thương hiệu và thể hiện được những giá trị thương hiệu hướng đến (mà còn phải là một thứ chưa ai đăng ký bản quyền). Đây vừa là một thử thách vừa mang đến những trải nghiệm sáng tạo thú vị.

Vậy quy trình đặt tên thương hiệu hay bao gồm những bước nào và đâu là những điểm cần lưu ý khi lựa chọn ý tưởng đặt tên? Vũ sẽ đề cập trong phần sau của bài viết. Còn bây giờ, hãy cùng tìm hiểu tổng quan về tên thương hiệu.

Tên thương hiệu hay là điểm khởi đầu

Lão Tử – triết gia vĩ đại của nhân loại – đã viết:

Hành trình vạn dặm khởi đầu từ bước chân đầu tiên.

Mọi dự định, suy tính đều chỉ thành hiện thực khi chúng ta thật sự bắt đầu. Trong kinh doanh cũng thế, tất cả kế hoạch đều chỉ là … kế hoạch nếu chỉ nằm trên giấy hay trong suy nghĩ của nhà lãnh đạo. Và thông thường, tên thương hiệu hay chính là điểm khởi đầu khi chúng ta muốn phát triển một công ty của riêng mình.

Ta không thể đăng ký doanh nghiệp mà để trống phần tên. Ta không thể thiết kế website mà lại chưa biết phải gọi nó là gì. Ta không thể thuê người xây dựng văn phòng hay cửa hàng mà không có bảng tên gắn ở phía trước.

Lựa chọn tên thương hiệu hay là một trong những quyết định quan trọng nhất khi phát triển thương hiệu. Chỉ trong một hoặc hai từ, chúng ta đã có khả năng tóm gọn được bản sắc, ý nghĩa, câu chuyện hay tầm nhìn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tính chất đơn giản trong cách thể hiện mà nhiều người lại đánh giá thấp khả năng ảnh hưởng của tên thương hiệu đối với hành vi mua hàng.

Người dùng chỉ lựa chọn thương hiệu mình biết đến (ảnh: Daria Volkova)

Người dùng chỉ lựa chọn thương hiệu mình biết đến (ảnh: Daria Volkova)

Sự thật là người dùng lựa chọn một sản phẩm, dịch vụ dựa trên tên gọi của nó. Ở cửa hàng, chúng ta hiếm khi nào mất thời suy đi tính lại giữa nhiều sản phẩm khác nhau, ta chỉ chọn thương hiệu mình biết tên.

Nếu bạn đang có nhu cầu mua bột giặt, bạn sẽ phân vân giữa những thương hiệu nào? Có thể là OMO, có thể là Tide, có thể Arial, hoặc không loại nào trong số đó. Nhưng điều quan trọng là bạn sẽ không mua sản phẩm mà bạn chưa bao giờ nghe đến.

Cái tên thành phần không thể thiếu đối với mọi quyết định mua sắm của khách hàng. Họ có thể hiểu tất cả các tính năng và lợi ích của sản phẩm, nhưng họ biết thương hiệu dựa vào tên gọi. Đó là cầu nối để tâm trí khách hàng xác định, phân loại và nhớ đến thương hiệu. Tên gọi là nền tảng của mọi thương hiệu, và chúng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nhà lãnh đạo sẵn sàng đầu tư chi phí, thời gian để tìm đến các chuyên gia tư vấn thương hiệu để nhận được lời khuyên, ý tưởng về một cái tên thương hiệu hay.

Tên thương hiệu hay không phải là thương hiệu

Trong quá trình tư vấn, có một sai lầm mà Vũ nhận thấy nhiều nhà lãnh đạo thường gặp phải: cho rằng tên, hoặc logo, hoặc cả hai chính là thương hiệu.

Nếu bạn cũng có suy nghĩ như thế thì đây là lúc để củng cố lại kiến thức của mình. Thương hiệu là sự nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp, và nó được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau như sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, thời gian giao hàng, màu sắc bạn sử dụng cho logo, ca khúc bạn chọn làm nhạc nền website,… Những yếu tố này nếu chỉ đứng riêng lẻ, chắc chắn, sẽ không thể nào làm nên một thương hiệu hoàn chỉnh.

Nhà nhà sáng lập Flickr – trang web chia sẻ hình ảnh lớn nhất thế giới – Caterina Fake từng cho biết, dù nhóm của bà ban đầu rất thích từ “Flicker” (tạm dịch: nhấp nháy) nhưng đáng tiếc thay, thời điểm đó nó đã được đăng ký trước và người sở hữu lại không muốn bán.

Tốn công đàm phán nhưng không mang đến kết quả, họ chấp nhận loại bỏ một chữ “E” và ra sức thuyết phục những cổ đông khác chấp thuận cái tên này, dù tất cả đều biết nó sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn với “Flicker gốc”.

Tên thương hiệu Flickr được bỏ đi chữ “E” vì từ gốc đã được người khác đăng ký (ảnh: LaTercera)

Trước khi được Yahoo đầu tư và mua lại tên miền Flicker.com vào năm 2005 với giá 600.000 đô la, Flickr đã mất đi hơn 3 triệu lượt truy cập cho trang web này. Điều này tương đối dễ hiểu, người dùng không thể nào phân biệt được hai địa chỉ khi chúng phát âm hoàn toàn giống nhau, và hiện tại nhiều người cũng chưa biết cách đọc từ “Flickr” đúng cách là như thế nào.

Mặc cho tất cả những điều đó, Flickr đã trở thành một thương hiệu phổ biến toàn cầu, được định giá hơn 25 triệu đô la, và có lẽ không dân chụp ảnh nào lại không biết đến họ.

Vậy cái tên Flickr có gây nhầm lẫn không? Có. Vậy thương hiệu Flickr có thất bại chỉ vì cái tên gây nhầm lẫn đó không? Không.

Điều Vũ muốn nhấn mạnh qua ví dụ trên chính là cái đóng vai trò như một yếu tố giúp tạo nên toàn bộ thương hiệu. Nó tựa như một chiếc hộp chứa đựng ý nghĩa, giá trị của thương hiệu và giúp người khác nhận ra khi đọc, nghe thấy. Do đó, nếu ai khẳng định tên gọi đồng nghĩa với thương hiệu thì hoàn toàn sai lầm.

Nếu muốn, chúng ta có thể đánh giá sự thành công của tên thương hiệu bằng hai câu hỏi sau: “Liệu cái tên đó có phù hợp với thương hiệu không” và “thương hiệu đó có đang tạo ra nhận thức tích cực cho khách hàng không”.

Thương hiệu là một tập hợp bao gồm nhiều yếu tố (ảnh: Blocks)

Thương hiệu là một tập hợp bao gồm nhiều yếu tố (ảnh: Blocks)

Apple sở hữu một cái tên thuộc hàng “huyền thoại”, nhưng quan trọng hơn, nó gắn liền với một công ty có doanh thu hàng năm lên đến 200 tỷ đô la và mang lại giá trị cho hàng triệu người dùng. Nếu một cửa hàng bán đồ lưu niệm địa phương nào đó lấy tên Apple và đăng ký bảo hộ trước khi Steve Jobs kịp nghĩ ra, có thể nó đã không giá trị đến vậy.

Điều này cũng đúng với Starbucks, adidas, Virgin, Puma,… Hoàn toàn không có chuyện mọi người ngưỡng mộ những thương hiệu này nếu chúng không tạo ra giá trị cụ thể. Một thương hiệu tác động đến khách hàng bằng nhiều yếu tố khác nhau, và cái tên chỉ là một trong số đó.

Tên thương hiệu hay có thể là lợi thế cạnh tranh

Tên gọi tuy không đảm bảo thành công nhưng nó có thể giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Vì thế chúng ta cần đầu tư kỹ lưỡng cho việc sáng tạo một tên thương hiệu hay.

cái tên xuất sắc sẽ đại diện cho thương hiệu, và xa hơn nữa, nó có thể đại diện cho cả một ngành nghề, một khi thương hiệu tạo ra giá trị và được khách hàng ủng hộ. Hãy nhìn cách Grab, Google, Tesla,… khiến chúng ta liên tưởng đến những lĩnh vực kinh doanh của họ mà không cần suy nghĩ quá lâu.

Tên thương hiệu hay là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu (ảnh: Josué Soto)

Tên thương hiệu hay là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu (ảnh: Josué Soto)

Một cái tên xuất sắc sẽ giúp chúng ta liên tưởng đến những giá trị về mặt tinh thần. Khi nghe đến Lamborghini, ta nghĩ đến một thương hiệu cá tính, đầy tốc độ và mạnh mẽ. Khi nghĩ tới Nike, trong tâm trí ta hiện lên hình ảnh của những vận động viên không ngừng theo đuổi thành công.

Mặt khác, tên thương hiệu hay còn có khả năng tạo ra một trào lưu. Chẳng hạn như trường hợp Flickr ở trên. Sau khi Flickr trở nên nổi tiếng, hàng loạt công ty khác bắt đầu đặt tên theo kiểu bỏ đi chữ cái nguyên âm như Grindr, Qzzr, Scribd,… hay cả các nghệ sĩ như The Weeknd.

Đặt tên thương hiệu hay là cả một quá trình

Chọn được tên thương hiệu hay rất quan trọng. Cái tên sẽ tồn tại trong một thời gian dài, 10 năm, 20 năm hay thậm chí là 1 thế kỷ. Thương hiệu có thể đổi ngành nghề kinh doanh, đổi phân khúc khách hàng, đổi sản phẩm,… nhưng đối với cái tên, thì không nên thay đổi quá nhiều, trừ những trường hợp bắt buộc.

Đặt tên thương hiệu hay, độc đáo không dành cho người thiếu kiên nhẫn. Đây là cả một quá trình phức tạp, sáng tạo và có tính lặp đi lặp lại nhiều lần. Nó đòi hỏi kiến thức, hiểu biết về ngôn ngữ, truyền thông, marketing, cùng với đó là sự nghiên cứu chi tiết về khách hàng, doanh nghiệp và thị trường.

Thành viên Vũ Digital trong quá trình brainstorm tên thương hiệu hay (ảnh: vudigital.co)

Thành viên Vũ Digital trong quá trình brainstorm tên thương hiệu hay (ảnh: vudigital.co)

Ngay cả với các chuyên gia, việc tìm kiếm một tên thương hiệu hay, phù hợp, khác biệt và có thể bảo hộ cũng là một thách thức lớn. Hàng trăm, hay thậm chí hàng nghìn cái tên sẽ được đề xuất và xem xét trong quá trình sáng tạo. Việc loại bỏ hay lựa chọn ý tưởng cũng cần đến những kỹ năng cần thiết.

Vì vậy, nếu không có một quá trình làm việc hiệu quả và tỉ mỉ, việc đặt tên thương hiệu sẽ biến thành một cơn ác mộng. Chúng ta có thể sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian để tìm kiếm ý tưởng trên Internet để rồi không thu lại được kết quả gì. Điều này dẫn đến vấn đề tiếp theo: đâu là quy trình để đặt tên thương hiệu hay? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

Quy trình 5 bước sáng tạo tên thương hiệu hay

Như Vũ đã chia sẻ, tìm ra một tên thương hiệu hay là một quá trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị. Có những doanh nghiệp cần đến vài tháng để chọn được một cái tên thương hiệu hay và hiệu quả. Cũng có nhiều trường hợp ý tưởng xuất hiện từ những khoảnh khắc “Eureka” – tức bật ra một cách bất ngờ và chúng ta biết chắc không có gì phù hợp hơn nó.

Như nhiều yếu tố khác trong quá trình thiết kế thương hiệu, chúng ta cần một quy trình hoàn chỉnh để đặt tên. Không ai lại mới vào lại suy nghĩ ngay về ý tưởng A, ý tưởng B mà bỏ qua các công đoạn tìm hiểu vấn đề hay thảo luận. Ngay cả khoảnh khắc “Eureka” cũng chỉ xuất hiện sau khi chúng ta tổng hợp đầy đủ thông tin và dữ kiện cần thiết.

Tùy vào nhu cầu, bối cảnh dự án hay ngân sách, mỗi người sẽ có một cách diễn giải khác nhau về quy trình sáng tạo tên thương hiệu hay. Nhưng về mặt tổng thể, công đoạn đặt tên sẽ bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Phân tích

Chúng ta không nên vội vã bước ngay vào giai đoạn sáng tạo khi đặt tên thương hiệu. Điều này cũng rủi ro hệt như việc xỏ giày vào chạy một chặng marathon 50km mà không thèm khởi động vậy.

Một vận động viên dù có giỏi đến mức nào, như Usain Bolt chẳng hạn, cũng đều phải làm nóng cơ thể trước khi bước vào đường đua, vì họ biết rằng việc này sẽ giảm thiểu tối đa những nguy cơ chấn thương không đáng có cũng như mang lại sự tự tin cho bản thân (vì đã chuẩn bị kỹ càng).

Tương tự, một dự án sáng tạo mà thiếu đi các bước đặt câu hỏi cũng tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực, dù bạn đang làm việc với đội ngũ sáng tạo hay tự làm một mình. Vũ gọi đây là bước phân tích. Phân tích bản thân, phân tích thương hiệu, phân tích thị trường. Chỉ khi phân tích chúng ta mới đủ dữ kiện để tiến tới các bước tiếp theo.

Phân tích là công đoạn quan trọng khi đặt tên thương hiệu hay (ảnh: Unspalsh)

Phân tích là công đoạn quan trọng khi đặt tên thương hiệu hay (ảnh: Unspalsh)

Nhà lãnh đạo cần trả lời cụ thể và rõ ràng nhất có thể những câu hỏi sau:

  • Mục đích: Tại sao bạn tạo ra thương hiệu này?
  • Tầm nhìn: Trong 5 năm, 10 năm tới, thương hiệu của bạn sẽ như thế nào?
  • Sứ mệnh: Làm thế nào để bạn tạo ra tương lai như đã liệt kê ở trên?
  • Giá trị: Giá trị nào hướng bạn đến việc xây dựng thương hiệu?
  • Thị trường: Ai là người mua và sử dụng sản phẩm? Họ có đặc điểm gì?
  • Đặc điểm nổi bật: Đâu là điểm mạnh của thương hiệu mà bạn tự tin nhất?

Đây là bộ câu hỏi mà bạn đọc có thể tham khảo khi chuẩn bị cho việc đặt tên thương hiệu hay, bạn có thể thêm hoặc bớt đi những câu hỏi để phù hợp với dự án.

Chỉ có một điểm Vũ muốn lưu ý: càng trả lời những câu hỏi trên một cách chi tiết, bạn càng giúp những cộng sự, đối tác, nhân viên và cả chính mình hiểu rõ về thương hiệu hơn. Nó giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về câu chuyện của thương hiệu và những đặc điểm, giá trị nào mà ý tưởng cuối cùng nên chứa đựng.

Bước 2: Tìm ra sự khác biệt

Mục tiêu của bước 2 là để nhà lãnh đạo và đội ngũ sáng tạo tên thương hiệu tìm ra điểm khác biệt của thương hiệu, và tập trung đề xuất hướng phát triển dựa trên những yếu tố đặc biệt đó.

Biết điều gì làm nên sự độc đáo là chìa khóa để xây dựng thương hiệu. Không có sự khác biệt, thương hiệu sẽ rất khó “chen chân” vào nhận thức của khách hàng. Họ sẽ không biết thương hiệu mang lại được giá trị gì để khiến họ có đủ động lực sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.

Hãy tìm ra điểm khác biệt của thương hiệu, và tập trung đề xuất hướng phát triển dựa trên những yếu tố đặc biệt đó (ảnh: Turbologo)

Hãy tìm ra điểm khác biệt của thương hiệu, và tập trung đề xuất hướng phát triển dựa trên những yếu tố đặc biệt đó (ảnh: Turbologo)

Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cảm xúc yêu thích và sự quen thuộc. Mọi người thường có xu hướng thích những gì mà họ đã quen và thuộc về “vùng an toàn” của nhận thức.

Điều đó có nghĩa: những cái tên “dễ mến” sẽ rất khó nổi bật giữa một loạt những cái tên “dễ mến khác”. Trong khi “khác biệt” lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng và phát triển thương hiệu.

Không có điểm khác biệt cụ thể, thương hiệu rất dễ đi vào ngõ cụt và điều đó sẽ rất tốn kém về chi phí, thời gian, ngay cả với những thương hiệu nổi tiếng. Hãy cùng tìm hiểu ví dụ sau đây.

Năm 1955, ban lãnh đạo tập đoàn Ford đã thuê Marianna Moore – nhà thơ từng đạt giải thưởng Pulitzer danh giá – để tìm kiếm ý tưởng đặt tên thương hiệu hay cho một dòng sản phẩm mới.

Điều đáng nói là đội ngũ Ford và Moore đã không thảo luận chi tiết về chiến lược tiếp cận dự án. Ban lãnh đạo Ford chỉ đưa ra yêu cầu chung chung là một cái tên “ý nghĩa, hấp dẫn, sang trọng, phi thường, bao gồm các yếu tố hiện đại, phải gợi nên một hình ảnh đáng mơ ước về tuổi trẻ.”

Nhà thơ Marianne Moore từng được Ford mời hợp tác nhưng không tìm tiếng nói chung (ảnh: Times)

Nhà thơ Marianne Moore từng được Ford mời hợp tác nhưng không tìm tiếng nói chung (ảnh: Times)

Moore sau đó gửi lại cho Ford một danh sách bao gồm những cái tên như: Intelligent Whale, Pastelogram hay Mongoose Civique. Tất nhiên, ban lãnh đạo Ford gạt phăng tất cả những ý tưởng của Moore vì cho rằng chúng không phù hợp với sản phẩm hay khách hàng.

Nhóm marketing của Ford đã quyết định lựa chọn cái tên ban đầu họ nghĩ ra – Edsel – dựa theo tên của người cháu Edsel Ford của huyền thoại Henry Ford. Nhưng đáng tiếc cho Edsel, sản phẩm đặt theo tên ông đã là một thất bại thảm hại, dù cho Ford đã liên tục cải tiến đến tận 18 phiên bản khác nhau. Ba năm sau khi ra mắt, Ford đã loại bỏ dòng xe này và Edsel mãi mãi được gắn với một thất bại thương mại.

Sản phẩm Ford Edsel (ảnh: Wikipedia)

Sản phẩm Ford Edsel (ảnh: Wikipedia)

Một cách hiệu quả để tiết kiệm thời gian hơn là liệt kê ra những từ khóa giúp hệ thống lại khối lượng thông tin đồ sộ liên quan đến thương hiệu. Hãy lựa chọn từ khóa thật sự liên quan đến thương hiệu để làm bước đệm cho quá trình sáng tạo sau đó.

Bước 3: Brainstorm

Brainstorm là giai đoạn mà các ý tưởng xuất hiện. Hãy ghi lại mọi cái tên mà bạn nghĩ ra, miễn chúng có liên quan đến bộ từ khóa thương hiệu hoặc những điểm khác biệt chính.

Brainstorm là giai đoạn các ý tưởng xuất hiện (ảnh: vudigital.co)

Brainstorm là giai đoạn các ý tưởng xuất hiện (ảnh: vudigital.co)

Có nhiều hình thức tên thương hiệu hay khác nhau mà bạn có thể tham khảo. Sau đây là những kiểu đặt tên phổ biến:

  • Nhà sáng lập: Nhiều công ty lựa chọn tên nhà sáng lập để đặt cho thương hiệu của mình: Ford, McDonald’s, Christian Louboutin, Chanel,… Chúng thể hiện cá tính và cái tôi của thương hiệu. Đôi khi nó cũng dễ dàng hơn cho việc truyền thông nếu nhà sáng lập sở hữu một cái tên độc đáo.
  • Từ mô tả: Kiểu đặt tên này mô tả chính xác lĩnh vực kinh doanh của thương hiệu. Một vài ví dụ tiêu biểu như: Toys “R” Us, Evernote, CitiBank,… Ưu điểm của hình thức này là truyền tải được thông tin về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu đến khách hàng. Nhưng nếu thương hiệu đặt mục tiêu mở rộng sang các lĩnh vực khác, thì nó sẽ trở thành một vấn đề đáng lưu tâm.
  • Từ mới: Pinterest, Kodak, Google. Tất cả những tên thương hiệu này đều được tạo nên từ những từ hoàn toàn mới và đôi khi… vô nghĩa. Hãy nghĩ ra một cụm từ nào đó mới lạ và có thể, nó sẽ giúp thương hiệu có được sự độc đáo, nổi bật mà không đối thủ nào khác có. Nhưng để khiến khách hàng nhận thức và nhớ đến, thương hiệu sẽ phải đầu tư nhiều về mặt truyền thông và các hoạt động marketing khác.
  • Ẩn dụ: Đồ vật, địa điểm, động vật, thần thánh, trái cây, người nổi tiếng,… chúng đều là những nguồn cảm hứng để bạn tìm ra được tên thương hiệu hay và phù hợp. Ẩn dụ là hình thức rất phổ biến và được nhiều doanh nghiệp áp dụng: Nike, Amazon, Tesla, Neptune,… cùng rất nhiều ví dụ khác. Chúng cũng giúp thương hiệu có được một câu chuyện thú vị để kể.
  • Viết tắt: Tên thương hiệu loại này tương đối khó để khách hàng hiểu và ghi nhớ, chưa kể đến vấn đề bảo hộ bản quyền. IBM và GE chỉ trở nên phổ biến sau khi công ty đã đạt được thành công trên toàn cầu và giải thích chi tiết tên của họ. Thương hiệu cần truyền thông nhiều để khiến khách hàng ghi nhớ.
  • Ghép từ: Bạn cũng có thể ghép các từ đơn lại cùng nhau để tạo nên một cái tên mới, chẳng hạn như Facebook, GoPro, VinaMilk, Tiki,…

Bước 4: Loại trừ

Đây có lẽ là phần khó khăn nhất trong quá trình sáng tạo tên thương hiệu hay và phù hợp. Chẳng ai lại muốn loại đi ý tưởng mà mình cất công nghĩ ra. Nhưng nó bắt buộc phải diễn ra, vì chúng ta không thể lựa chọn hay phân vân giữa hàng trăm ý tưởng.

Rút gọn danh sách để giữ lại những ý tưởng xuất sắc và phù hợp nhất (ảnh: Will H McMahan)

Rút gọn danh sách để giữ lại những ý tưởng xuất sắc và phù hợp nhất (ảnh: Will H McMahan)

Hãy thu hẹp danh sách xuống khoảng 3 – 5 lựa chọn và đảm bảo đó là những cái tên xuất sắc nhất. Nếu tất cả đều không phù hợp hoặc đã được lấy bởi những thương hiệu khác, chúng ta sẽ quay lại bước Brainstorm và sàng lọc lại các ý tưởng. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian và lặp lại nhiều lần.

Như Vũ đã chia sẻ, đặt tên thương hiệu hay không dành cho người thiếu kiên nhẫn, đặc biệt là khi chúng ta mãi không chọn được cái tên ưng ý. Do đó, lời khuyên của Vũ là hãy làm tốt từ bước 1 và 2, sau đó phát triển theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau để có được kết quả cuối cùng.

Bước 5: Thử nghiệm

Khi đã thống nhất được tên gọi cho thương hiệu, việc cần làm là kiểm tra tính pháp lý và ứng dụng lên các sản phẩm thiết kế đồ họa khác. Bạn có thể thử nghiệm theo nhiều cách sau:

  • Tạo logo với tên thương hiệu
  • Ứng dụng lên website thông qua Mockup
  • Khảo sát nhanh những người không tham gia dự án
  • Kiểm tra với nhiều phông chữ khác nhau

Việc làm này giúp chúng ta hình dung được tên thương hiệu sẽ được hiển thị như thế nào khi được áp dụng thực tế. Đến bước này xem như bạn đã hoàn thành việc thiết kế tên thương hiệu hay và cũng là lúc chuyển sang các hạng mục khác như sáng tạo logo, tagline,…

Trên đây là quy trình 5 bước sáng tạo tên thương hiệu hay mà Vũ tin rằng sẽ phù hợp với bạn đọc. Những bước phân tích, đặt câu hỏi đóng vai trò vô cùng quan trọng, không kém gì công đoạn sáng tạo. Vì thế, sẽ rất cần thiết để các bên liên quan thảo luận và tìm hiểu vấn đề cốt lõi trước khi bắt đầu khám phá ý tưởng.

Lời kết

Tên thương hiệu hay là bước khởi đầu cho cả quá trình xây dựng thương hiệu trong tương lai. Đó là một sự đầu tư. Nhà lãnh đạo phải có những nghiên cứu chi tiết và đầu tư nghiêm túc cho công việc này.

Tên thương hiệu hay giúp bạn phát triển những yếu tố khác của bộ nhận diện thương hiệu như logo, bao bì, ấn phẩm văn phòng,… Tên thương hiệu hay sẽ giúp khách hàng biết đến, nhận ra và phân biệt được sản phẩm, dịch vụ của công ty. Tên thương hiệu hay sẽ mang đến một sức sống mới cho thương hiệu.

Qua bài chia sẻ này, đội ngũ Vũ Digital hy vọng bạn đọc đã nắm được các bước để thiết kế tên thương hiệu hay, từ đó áp dụng vào công việc của mình và ngày càng tạo dựng được nhiều thương hiệu mang đến giá trị tích cực cho cộng đồng.

Xin chân thành cảm ơn,



Nguồn: Vũ Digital