Tỷ lệ vàng và 4 ứng dụng khi thiết kế

Tỷ lệ vàng là một tỷ lệ toán học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật, kiến trúc cho đến thiết kế đồ họa.

Tỷ lệ vàng. Chắc hẳn bạn đã nghe về cụm từ này ít nhất một lần. Tỷ lệ vàng ở đây, tỷ lệ vàng ở kia, tỷ lệ vàng ở khắp mọi nơi. Kim tự tháp người Ai Cập, nụ cười huyền bí của nàng Mona Lisa, hay những thứ hiện đại hơn như logo Pepsi, logo Twitter,… đều được xem như kết quả của việc thiết kế dựa trên nguyên tắc của tỷ lệ vàng.

Vậy cụ thể, tỷ lệ vàng là gì? Làm sao để chúng ta ứng dụng được con số 1,618 nổi tiếng vào thiết kế? Và quan trọng nhất, liệu tỷ lệ vàng có “thần thánh” như lời đồn thổi được người đời truyền nhau từ thời xa xưa không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài chia sẻ lần này.

Tỷ lệ vàng là gì?

Tỷ lệ vàng, theo định nghĩa đơn giản nhất có thể, xuất hiện khi một đường thẳng được chia thành 02 đoạn thẳng – đoạn dài hơn (a) chia cho đoạn ngắn hơn (b) sẽ bằng tổng chiều dài của hai đoạn (a+b) chia cho (a). Kết quả của hai phép tính trên là một số vô tỷ và xấp xỉ với con số 1,618. Định nghĩa này được nhà toán học Euclid lần đầu mô tả trong tác phẩm “Elements” (tạm dịch: Các nguyên tố) của ông, khoảng năm 300 TCN.

Nhưng đừng vội bỏ cuộc nếu bạn thấy diễn giải trên quá khó hiểu, hãy xem hình bên dưới để hiểu hơn về phép tính.

Định nghĩa tỷ lệ vàng theo công thức toán học (ảnh: Curemath)

Định nghĩa tỷ lệ vàng theo công thức toán học (ảnh: Curemath)

Một cách diễn đạt khác của tỷ lệ vàng mà chúng ta quen thuộc hơn chính là một đường xoắn ốc. Nó được tạo nên từ vòng cung của những hình vuông phát triển theo dãy số Fibonacci (thứ chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần sau). Dãy Fibonacci dựa trên nguyên tắc: số này sẽ bằng tổng của hai số trước nó, bắt đầu với 0 và 1. Cụ thể là 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8,…

Khi sắp xếp các hình vuông có độ dài cạnh tăng theo cấp số Fibonacci như hình bên dưới, ta sẽ có được một biểu đồ tỷ lệ vàng (Golden Ratio Diagram). Và nếu vẽ một vòng cung trong mỗi hình vuông, ta sẽ có một đường “Xoắn ốc vàng”.

tỷ lệ vàng

Đường xoắn ốc vàng tạo nên từ những hình vuông có độ dài cạnh tăng dần theo dãy số Fibonacci (ảnh: pngegg)

Trong lĩnh vực thiết kế, tỷ lệ vàng thường được dùng để hoàn thiện tính thẩm mỹ, sự hài hòa và tổng thể chung của tác phẩm. Nó có thể mang lại cảm giác nghệ thuật, một nhân tố X, một sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự hài hòa tạo ra từ tỷ lệ vàng đã xuất hiện trong hàng thế kỷ: từ Kim tự tháp ở Giza đến điện Pantheon ở Athens; từ kiệt tác “Sự tạo thành Adam” của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine cho đến nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci; từ logo National Geographic cho đến logo Toyota…

Thậm chí, nhiều người còn phát hiện ra cơ thể, khuôn mặt của chúng ta hay những cấu tạo của những sinh vật trong tự nhiên cũng được phân chia theo một tỷ lệ gần như tương đồng với tỷ lệ vàng. Chắc hẳn bạn đã rất quen thuộc với những ví dụ về tỷ lệ vàng được lấy từ những bông hoa hướng dương, vỏ ốc sên hay quỹ đạo hệ mặt trời.

Việc tìm thấy tỷ lệ vàng vào những thứ “không phải do con người tạo ra” càng khiến niềm tin của con người vào một khái niệm thần kỳ ngày càng được củng cố. Điều này khiến chúng ta xem tỷ lệ vàng như một chuẩn mực bất di bất dịch trong thiết kế hay sáng tạo. Nhưng câu hỏi nên được đặt ra là liệu có cần thiết phải như thế không? Vũ sẽ cùng bạn đọc bàn luận về vấn đề này trong phần sau của bài viết. Còn bây giờ hãy cùng tìm hiểu một chút về lược sử của khái niệm “thần thánh” này.

Lược sử về tỷ lệ vàng

Tạm gác lại các phép tính và công thức phức tạp, chúng ta cùng quay ngược dòng lịch sử để tìm hiểu một vài sự kiện chính trong suốt quá trình mà tổ tiên ta đã ứng dụng tỷ lệ vàng.

Mặc dù đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, nhưng các nhà khoa học không thể xác định chắc chắn được thời điểm tỷ lệ vàng được nhân loại “phát hiện” và áp dụng một cách có chủ đích. Một giả thuyết được đặt ra là con người đã khám phá ra tỷ lệ vàng ở nhiều thời gian và địa điểm khác nhau, điều này giải thích vì sao nó có nhiều tên gọi trong suốt chiều dài lịch sử.

Chính vì lẽ đó, việc tổng hợp toàn bộ sự kiện mà các họa sĩ, kiến trúc sư hay nhà thiết kế sử dụng tỷ lệ vàng vào tác phẩm của mình sẽ cần nhiều thời gian và nhiều bài viết chuyên sâu khác. Trong phạm vi bài chia sẻ này, Vũ sẽ cùng bạn đọc điểm qua những cột mốc chính của khái niệm “tỷ lệ vàng”.

1. Tỷ lệ vàng trong kiến trúc Ai Cập và Hy Lạp cổ đại

Khoảng năm 2600 TCN, người Ai Cập cổ đại được cho là đã ứng dụng tỷ lệ vàng trong quá trình thiết kế và xây dựng các Kim Tự Tháp – một trong bảy kỳ quan thế giới. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tỷ lệ vàng ở hầu hết mọi cấu trúc hình học của công trình vĩ đại này.

Ví dụ, nếu lấy tổng diện tích của bốn mặt bên chia cho diện tích đáy, chúng ta sẽ có kết quả là 1,618. Hoặc nếu chia mặt cắt dọc của kim tự tháp thành một hình tam giác vuông (như hình bên dưới), ta sẽ có kết quả của cạnh huyền (186m) chia cho cạnh đáy (115m) cũng sẽ gần bằng 1,618.

Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề của cuộc tranh luận, và hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn rằng liệu các Pharaoh có yêu cầu người dân của mình, ngoài việc vác gạch ra, còn phải tính toán kỹ càng để xếp chúng theo các tỷ lệ này hay không.

tỷ lệ vàng

Các kích thước của kim tự tháp (ảnh: Doug Patt)

Trong khi đó, người Hy Lạp cổ được cho rằng đã xây dựng công trình kiến trúc nổi tiếng “Điện Pantheon” dựa trên những nguyên tắc của tỷ lệ vàng. Kết luận này, cũng như trường hợp kim tự tháp, vẫn còn gây tranh cãi và nhiều người cho rằng áp con số 1,618 vào công trình trên là “cố tình” và “gượng ép”.

Không chỉ xuất hiện trong kiến trúc, mà tỷ lệ vàng còn được dùng trong các tác phẩm về triết học hay toán học.

Triết gia Plato (428 TCN – 347 TCN), khi bàn luận về khoa học tự nhiên và vũ trụ học trong tác phẩm “Timaeus”, đã xem tỷ lệ vàng là con số ràng buộc trong tất cả các mối quan hệ toán học và là “chìa khóa giải đáp mọi bí ẩn của cuộc đời”. Hay nhà toán học Euclid cũng đã mô tả công thức toán học của tỷ lệ vàng trong các tác phẩm của ông.

Tất nhiên, ở thời điểm này cái tên mà chúng ta quen thuộc là “tỷ lệ vàng” chưa được biết đến, nó chỉ được các nhà khoa học sử dụng bằng những cụm từ diễn giải trừu tượng.

2. Khoảng năm 1200: Dãy số Fibonacci

Dãy số Fibonacci được đặt theo tên của Leonardo Pisano Bonacci – một nhà toán học người Ý sinh vào khoảng năm 1175 sau Công nguyên. Người đời sau này thường gọi ông bằng cái tên Leonardo Fibonacci. Fibonacci vốn là từ viết tắt của Filius Bonaccio, dịch từ tiếng Ý nghĩa là “Con trai của Bonaccio”.

Về cơ bản, dãy Fibonacci là dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng 0 và 1, các số tiếp theo sẽ bằng tổng của hai số liền trước nó. Cụ thể, dãy số Fibonacci sẽ bao gồm: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610,… cho đến vô cùng.

tỷ lệ vàng

Dãy số Fibonacci (ảnh: Researchubs)

Fibonacci khám phá ra dãy số trên trong thời gian học tập cùng một thầy giáo người Ả Rập ở Bắc Phi, do cha ông khi đó là thanh tra hải quan ở thành phố Bougie nằm trên bờ biển phía bắc của châu Phi.

Tác phẩm “Liber Abaci”, được Fibonacci xuất bản năm 1202, đã giới thiệu công trình này đến giới toán học Tây Âu thông qua ví dụ về sự sinh sản của loài thỏ.

Dù vậy, Fibonacci không phải là người đầu tiên phát hiện ra nguyên lý toán học trên. Bản thân dãy số đã được mô tả vào thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước Công nguyên trong các công trình của Acharya Pingala, một nhà toán học Ấn Độ.

Vậy dãy số này liên quan gì đến tỷ lệ vàng? Trên thực tế, hai khái niệm này có mối liên hệ tương đối chặt chẽ. Nếu bạn lấy số sau chia cho số đứng trước trong dãy Fibonacci, ví dụ 1 chia 1, 3 chia 2, hoặc 21 chia 13,… thì sẽ ra được kết quả gần với con số 1,618. Điểm đặc biệt chính là cặp số càng lớn thì kết quả phép tính sẽ càng gần với tỷ lệ vàng. Nói cách khác, điểm giới hạn của dãy Fibonacci (nếu có) chính là con số tỷ lệ vàng.

Những đóng góp của Pingala và Fibonacci là rất quan trọng, nhưng đáng tiếc không nhiều người khi ấy nhận ra sự liên kết của nó với tỷ lệ vàng, cho đến gần 3 thế kỷ sau đó.

3. “Tỷ lệ thần thánh” và thời đại Phục Hưng

Khoảng những năm 1500, danh họa Leonardo Da Vinci đã nhận lời vẽ minh họa cho một luận văn do người bạn của ông là Luca Pacioli xuất bản. Luận văn có tựa đề “De Divina Proportione”, nhằm bàn luận một tỷ lệ bí ẩn đã xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc từ thời xa xưa. Kể từ khi Da Vinci minh họa cho De Divina Proportione, người ta dần truyền tai nhau rằng ông đã sử dụng tỷ lệ vàng như một phép toán bí mật đằng sau những bức tranh tuyệt đẹp của mình.

Vitruvian Man - một trong những hình minh họa của Leonardo DaVinci trong tác phẩm “De Divina Proportione” (ảnh: wikipedia)

Vitruvian Man – một trong những hình minh họa của Leonardo DaVinci trong tác phẩm “De Divina Proportione” (ảnh: wikipedia)

Tác phẩm này có lẽ là tài liệu tham khảo sớm nhất trong giới học thuật về một tên gọi cụ thể cho tỷ lệ vàng: “Divine Proportion” hay tạm dịch là “Tỷ lệ thần thánh”.

Ngoài ra, những nghệ sĩ thời Phục hưng đã sử dụng tỷ lệ vàng một cách rộng rãi trong các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của họ để đạt được sự cân bằng và vẻ đẹp hoàn chỉnh.

  • Leonardo Da Vinci (một lần nữa) đã sử dụng nó để xác định tất cả các tỷ lệ phối cảnh trong kiệt tác “Bữa tối cuối cùng”, từ kích thước của chiếc bàn mà Chúa Kitô và các môn đồ ngồi cho đến tỷ lệ của các bức tường và cửa sổ. Ngoài ra, các tác phẩm “Sự kiện truyền tin” (The Annunciation) hay Salvator Mundi của ông cũng thể hiện tỷ lệ vàng.
  • Một thiên tài cùng thời đại với Da Vinci là Michelangelo cũng hoàn thành tác phẩm “Sự tạo thành Adam” (The Creation of Adam) trên trần nhà nguyện Sistine với những khoảng cách được chia theo tỷ lệ thần thánh.
  • Bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ nữ” (Birth of Venus) của danh họa Botticelli được vẽ trên một tấm vải mà bản thân nó chính là một hình chữ nhật vàng, các yếu tố quan trọng của tác phẩm cũng nằm ở các điểm tỷ lệ vàng giao giữa chiều cao và chiều rộng của bức tranh.
  • “Trường học ở thành Athens” (School of Athens) của Raphael có một hình chữ nhật vàng được đặt ở phía trước và trung tâm của bức tranh. Khung cảnh chủ đạo cũng cho thấy tỷ lệ vàng trong bố cục.

Đây chỉ là một vài trong số nhiều rất nhiều ví dụ về cách mà các nghệ sĩ ứng dụng tỷ lệ vàng.

Tác phẩm “Sự tạo thành Adam” (The Creation of Adam) của Michelangelo với khoảng cách được chia theo tỷ lệ thần thánh (ảnh: Medium)

Tác phẩm “Sự tạo thành Adam” (The Creation of Adam) của Michelangelo với khoảng cách được chia theo tỷ lệ thần thánh (ảnh: Medium)

Johannes Kepler (1571-1630), người khám phá ra quỹ đạo hình Elip của các hành tinh xung quanh mặt trời, đã từng nhận định như sau:

Hình học có hai kho báu vĩ đại: một là định lý Py-ta-go; và thứ còn lại, là tỷ lệ thần thánh.

Kepler cũng là người đã chỉ ra mối liên hệ giữa dãy số Fibonacci và tỷ lệ vàng.

4. “Tỷ lệ vàng” được đặt ra vào những năm 1800

Theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, Martin Ohm (1792–1872) có thể được xem là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “vàng” (Golden) để mô tả tỷ lệ vàng.

Năm 1815, ông xuất bản quyển sách “Die reine Elementare-Mathematik” (tạm dịch: Toán học cơ bản thuần túy). Cuốn sách sau này trở nên nổi tiếng với việc sử dụng thuật ngữ “goldener schnitt” (tỷ lệ vàng).

5. Thuật ngữ “Phi” không được sử dụng cho đến những năm 1900

Cho đến những năm 1900, nhà toán học người Mỹ Mark Barr mới sử dụng chữ cái Hy Lạp phi (Φ), như một tên gọi khác của tỷ lệ vàng. Nó được xuất hiện trong cuốn “The Curves of Life” vào năm 1914 của Theodore Andrea Cook.

Biểu tượng Phi (ảnh: Goldennumber)

Biểu tượng Phi (ảnh: Goldennumber)

Trước thời điểm này, con số 1,618 sở hữu nhiều tên gọi khác nhau như: điểm trung bình vàng, con số vàng, tỷ lệ vàng hay tỷ lệ thần thánh.

Phi là chữ cái đầu tiên trong tên của Phidias, người đã sử dụng tỷ lệ vàng trong các tác phẩm điêu khắc của mình. Phi trong tiếng Hy Lạp cũng tương đương với chữ “F”, chữ cái đầu của tên Fibonacci. Hơn nữa, Phi cũng là chữ cái thứ 21 trong bảng chữ cái Hy Lạp, và 21 là một số thuộc dãy Fibonacci..

Tỷ lệ vàng trong thiết kế

Vậy chúng ta ứng dụng tỷ lệ vàng trong thiết kế như thế nào? Một trong những ưu điểm của tỷ lệ vàng là nó cho chúng ta con số cụ thể để phân chia cấu trúc, bố cục hoặc các yếu tố khác của thiết kế. Cụ thể, có bốn lĩnh vực mà Designers có thể áp dụng những kiến thức của tỷ lệ vàng như sau:

1. Typography

Trong thiết kế đồ họa, Typography đóng vai trò tương đối lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến một tác phẩm. Như Vũ đã chia sẻ ở nhiều bài viết trước, typography nói riêng và Graphic Design nói chung đều có những nguyên tắc để giúp tác phẩm hoàn thiện hơn về mặt bố cục và thu hút người xem. Trong đó, “Hierarchy” (Phân cấp) là một nguyên lý mà chúng ta có thể sử dụng đồng thời với tỷ lệ vàng.

Ứng dụng tỷ lệ vàng trong Typography (ảnh: invisionapp)

Ứng dụng tỷ lệ vàng trong Typography (ảnh: invisionapp)

Hierarchy là thuật ngữ dùng để chỉ sự phân chia thông tin thành các nhóm chính và phụ. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng. Nếu mọi thành phần trong thiết kế của bạn đều trông giống nhau, hoặc không có thứ gì thật sự nổi bật, thì người xem sẽ cảm giác rất nhàm chán và họ cũng chẳng biết mục đích của thiết kế là gì.

Có nhiều cách để phân cấp Typography, trong đó đơn giản và phổ biến hơn cả chính là Scale (kích thước). Ví dụ, nếu bạn muốn nhấn mạnh tiêu đề thì hãy phóng to nó hơn những yếu tố còn lại. Vậy làm sao để biết nên chọn cỡ chữ bao nhiêu? Tỷ lệ vàng có thể sẽ giúp bạn bớt phân vân hơn.

Giả sử khi bạn đang muốn phân cấp giữa: văn bản rất quan trọng (A), văn bản quan trọng (B) và văn bản không quá quan trọng (C). Nếu kích thước phông chữ nhỏ nhất của bạn cho C là 10px, thì hãy nhân nó với 1,618 để có kết quả cho A và B.

2. Logo

Một logo hiệu quả vừa đảm bảo yếu tố độc đáo, vừa thể hiện được bản sắc, tinh thần và câu chuyện của thương hiệu, ngoài ra còn phải phù hợp để ứng dụng trong một khoảng thời gian đủ dài. Mặt khác, yếu tố thẩm mỹ của logo cũng là một chủ đề được nhiều người quan tâm khi muốn tái thiết kế lại hình ảnh cho thương hiệu của mình.

Designers có thể sử dụng tỷ lệ vàng khi thiết kế logo để thu hút người xem và đảm bảo tính chính xác về mặt thông số.

Tỷ lệ vàng

Một vài logo nổi tiếng ứng dụng tỷ lệ vàng (ảnh: PIxelio Studio)

Trong thực tế, có rất nhiều logo nổi tiếng được thiết kế dựa theo nguyên tắc của tỷ lệ vàng. Logo Pepsi được tạo nên từ hai vòng tròn có đường kính tuân theo tỷ lệ 1:1,618. Hình tròn nhỏ hơn tuy không hiển thị trực tiếp nhưng đóng vai trò định dạng cho phần màu trắng tại trung tâm logo. Logo Twitter cũng là trường hợp sử dụng các vòng tròn tỷ lệ vàng (dù phức tạp hơn).

Một ví dụ khác là National Geographic, hình chữ nhật đại diện cho thương hiệu có kích thước hai cạnh dài và rộng hoàn toàn khớp với tỷ lệ “thần thánh”. Chúng tạo nên một sự hài hòa nhất định khi người xem nhìn thấy biểu tượng nổi tiếng này.

3. Bố cục

Việc sắp xếp thông tin như thế nào để điều hướng mắt người xem cũng là một điều vô cùng quan trọng khi thiết kế. Thay vì phải phân vân nên đặt hình ảnh A ở đâu, hoặc đoạn text B ở chỗ nào cho hợp lý, bạn có thể tận dụng tỷ lệ vàng như một công cụ giúp tiết kiệm thời gian.

Ví dụ, hình bên dưới đây minh họa cho đường xoắn ốc của tỷ lệ vàng, những thông tin quan trọng sẽ được đặt vào ô vuông lớn nhất, và những thông tin ít quan trọng hơn sẽ được cho vào các hình vuông nhỏ hơn.

tỷ lệ vàng

Ứng dụng tỷ lệ vàng trong bố cục (ảnh: DesignHack)

Liệu tỷ lệ vàng có thật sự “thần thánh”?

Tỷ lệ vàng đã và vẫn đang là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử loài người. Do tính chất huyền bí của nó, chúng ta có xu hướng tôn thờ tỷ lệ vàng như một quy luật bất biến, ít nhất là trong lĩnh vực thiết kế (đặc biệt là thiết kế logo) hay các loại hình sáng tạo nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, liệu có cần thiết phải sốt sắng quan tâm đến tỷ lệ vàng trong mọi tác phẩm thiết kế? Theo quan điểm của Vũ, chúng ta không nên xem tỷ lệ vàng như một nguyên tắc “thần kỳ”, vì những lý do sau.

Tỷ lệ vàng hoàn hảo không tồn tại

Ôn lại kiến thức một tí. Nếu ta có một hình chữ nhật và tỷ lệ cạnh dài so với cạnh ngắn là 1:1.618 thì theo lẽ thường, chúng ta sẽ mặc định đó chính xác là tỷ lệ vàng. Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý, ngoại trừ một vấn đề: tỷ lệ vàng là một con số vô tỷ, nghĩa là nó kéo dài đến vô hạn.

Chúng ta sử dụng số 1,618 như một cách rút gọn và không biết từ khi nào lại tin rằng nó 100% là tỷ lệ vàng. Con số gần chính xác hơn với tỷ lệ vàng phải là như thế này:

Tỷ lệ vàng là một số vô tỷ (ảnh: boxentriq)

Tỷ lệ vàng là một số vô tỷ (ảnh: boxentriq)

Do đó nếu ai đó tự tin tuyên bố logo Pepsi hay khuôn mặt của Amber Heard tuân theo tỷ lệ vàng một cách hoàn hảo thì xem chừng không hợp lý cho lắm và chúng ta chỉ nên hiểu theo nghĩa tương đối. Nói cách khác, hiếm có thứ gì trong thế giới thật sự “chạm” được đến tỷ lệ vàng hoàn hảo.

Chúng ta chỉ có thể ước chừng một con số gần nhất với nó và chúng ta chọn 1,618. Nó cũng tương tự như số pi, một vòng tròn hoàn hảo sẽ không bao giờ xuất hiện. Ta chỉ được dạy là dùng bán kính bình phương nhân 3,14 để tính diện tích hình tròn, nhưng nếu đúng thì thầy cô chúng ta phải dạy là: bán kính bình phương nhân với 3,14159265359… Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ mang tính tham khảo.

Điều Vũ muốn nhấn mạnh ở đây chính là: tỷ lệ vàng gần như sẽ không thể được áp dụng một cách hoàn toàn chính xác 100%. Nó sẽ luôn luôn có một khoảng sai lệch nhất định. Vì vậy, việc chăm chú căn chỉnh tỷ lệ vàng để có được tính cân bằng tuyệt đối trong thiết kế cũng giống như việc chạy theo một sự hoàn hảo không bao giờ có.

Có nhiều thứ khác quan trọng hơn tỷ lệ vàng khi thiết kế

Vậy chúng ta nên giữ góc nhìn như thế nào về tỷ lệ vàng? Theo quan điểm của Vũ, hãy xem tỷ lệ vàng như một công cụ hỗ trợ, không nên xem nó như một quy tắc cứng ngắc.

Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng bố cục tỷ lệ vàng khi chụp ảnh. Nhưng nếu không thích chúng ta hoàn toàn có thể dùng nguyên tắc “một phần ba”. Ngoài ra, một bức ảnh đẹp còn được tác động từ những yếu tố khác như màu sắc, ánh sáng, kỹ thuật người chụp,… Việc chỉ chăm chăm canh chừng tỷ lệ vàng sẽ không dẫn bạn đi đến đâu cả.

tỷ lệ vàng

Một thiết kế hiệu quả được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau (ảnh: vudigital.co)

Khi thiết kế logo, tỷ lệ vàng đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự cân đối về mặt tổng thể (cũng như để thuyết phục khách hàng). Nhưng trong nhiều trường hợp, việc có hay không có tỷ lệ vàng cũng không tạo ra quá khác biệt.

Tỷ lệ vàng chúng ta hay mặc định được sử dụng trong logo của Apple vốn đã được chứng minh là không chính xác. Trên thực tế, con số tỷ lệ giữa các đường tròn trong biểu tượng táo khuyết là khoảng 1:1,73, chênh lệch rất lớn so với tỷ lệ vàng. Nhưng biểu tượng Apple vẫn là một trong những sản phẩm thiết kế thành công và dễ nhận biết nhất mọi thời đại. Không phải ai cũng chịu khó tìm hiểu và chỉ ra điểm sai trong thiết kế của Apple.

Kiến trúc sư người Mỹ Dorothy Draper đã từng nói:

Nếu một thiết kế trông hợp lý, vậy thì nó hợp lý.

Vũ hoàn toàn không có ý phủ định sự tồn tại và ảnh hưởng của tỷ lệ vàng đến cuộc sống chúng ta. Điều Vũ muốn nhấn mạnh chính là hãy xem tỷ lệ vàng như một công cụ hỗ trợ trong công việc thiết kế, chứ đừng xem nó như một con số “thần thánh”.

Một thiết kế hiệu quả sẽ giải quyết được vấn đề của người thiết kế, của thương hiệu, của khách hàng. Dù cho bạn có làm đẹp như thế nào hay sáng tạo ra sao chỉ cần khách hàng không hiểu được thông điệp thì đồng nghĩa với thất bại. Bên cạnh tỷ lệ bố cục, những thành phần khác như hệ thống lưới, phông chữ, màu sắc,… cũng góp phần đáng kể trong việc tạo nên một thiết kế hiệu quả.

Lời kết

Qua bài viết này, Vũ hy vọng bạn đọc đã hiểu về định nghĩa, lược sử của tỷ lệ vàng và cách ứng dụng nó trong lĩnh vực thiết kế. Mặt khác, chúng ta cũng nên có những góc nhìn khách quan hơn về tỷ lệ vàng.

Có rất nhiều quan niệm trái chiều và sai lầm về tỷ lệ vàng. Một số người tin tưởng nó một cách thái quá và cho rằng tỷ lệ vàng tồn tại ở khắp mọi nơi, ngay cả những trường hợp rõ ràng là không hề có. Ngược lại, có những người chỉ chăm chăm chứng minh rằng tỷ lệ vàng là một lời bịa đặt. Cả hai trường hợp thường chỉ lặp lại những gì mà họ đã nghe người khác nói hơn là tự mình kiểm chứng sự thật.

Tỷ lệ vàng có phải là quy luật để xác định đâu là cái đẹp? Không. Tỷ lệ vàng có phải là điểm đặc biệt trong toán học, thường được tìm thấy trong tự nhiên, được nhiều người sử dụng trong nghệ thuật thiết kế và hữu ích như một công cụ để tạo ra vẻ đẹp hài hòa? .

Tỷ lệ vàng có phải thành phần bắt buộc để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời không? Không. Tỷ lệ vàng có hỗ trợ việc sáng tác hay đánh giá các tác phẩm nghệ thuật về mặt bố cục không? .

Tỷ lệ vàng chắc chắn là một khái niệm đặc biệt với các tính chất độc đáo của nó. Giống như nhiều bí ẩn khác trong cuộc sống, nó cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu hơn về bản chất vạn vật. Với tất cả những thông tin hiện có, việc chúng ta cần làm là hãy tìm hiểu kỹ càng các nguồn dữ kiện và đưa ra kết luận của chính mình.

Xin chân thành cảm ơn,



*Nguồn: Vũ Digital