Chuyển đổi số ngành chứng khoán: Để khai thác và phục vụ thế hệ nhà đầu tư mới

Nhà đầu tư hiện nay đã thay đổi quan điểm đầu tư rất nhiều. Nếu ngày xưa nhóm người đầu tư thường là tầng lớp trung niên có tiền tích lũy và nghĩ đến việc sinh lợi một cách chủ động trên đồng tiền tiết kiệm của mình, thì ngày nay thế hệ nhà đầu tư lại tập trung nhóm người trẻ. Trong đó, thế hệ mới này nhờ công nghệ mà có tiếp cận đầu tư sớm hơn, chưa kể tư duy của họ cũng khác hơn.

Bên cạnh mảng bán lẻ, chuyển đổi số cũng đang trở thành công cụ cấp thiết và được đẩy mạnh trong thị trường tài chính. Đặc biệt với giới đầu tư chứng khoán, khi dư địa thị trường còn rất lớn và thế hệ nhà đầu tư mới thuộc giới trẻ (đối tượng rất nhạy với công nghệ), ông Jack Nguyễn – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Insider bày tỏ. Trong đó, Insider đang là đối tác chiến lược chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp tài chính lớn như VPBank, MBBank, ACB, Viettel Money,…

Tại buổi trò chuyện mới đây, bà Lục Kim Thanh – Giám đốc Dịch vụ Trực tuyến tại Chứng khoán SSI – cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành đầu tư tài chính hiện nay. Bởi, nhà đầu tư hiện nay đã thay đổi quan điểm đầu tư rất nhiều. Nếu ngày xưa nhóm người đầu tư thường là tầng lớp trung niên có tiền tích lũy và nghĩ đến việc sinh lợi một cách chủ động trên đồng tiền tiết kiệm của mình, thì ngày nay thế hệ nhà đầu tư lại tập trung nhóm người trẻ. Trong đó, thế hệ mới này nhờ công nghệ mà có tiếp cận đầu tư sớm hơn, chưa kể tư duy của họ cũng khác hơn.

(Xem ngay podcast phỏng vấn bà Lục Kim Thanh – Giám đốc Dịch vụ Trực tuyến tại Chứng khoán SSI cùng ông Jack Nguyễn – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Insider)

"Đây còn là đối tượng khách hàng chính của các doanh nghiệp dich vụ tài chính trong thời gian tới. Và chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu thế hệ nhà đầu tư mới này là bài toán rất nhiều công ty đang phải giải. Riêng chứng khoán, thách thức là với giới trẻ bây giờ làm sao cho họ hiểu được đầu tư là một bộ môn khoa học, có tính toán, có rủi ro và phải có tính kỷ luật", bà Thanh nói.

Dĩ nhiên, trong đầu tư, khách hàng phải là người chủ động về thông tin, họ phải hiểu được bản chất đầu tư và câu chuyện doanh nghiệp, để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn. Ngày xưa, các nhà đầu tư thường là những người có kiến thức mới tham gia. Song, trong giai đoạn 2020-2021 khi thị trường bùng nổ lực lượng nhà đầu tư mới (gọi chung là F0), để có thể định hướng được khách hàng để họ chủ động nắm bắt thông tin, đầu tư một cách sáng suốt, có kỷ luật thì chúng ta cần thời gian để thực hiện. Tức, không thể một sớm một chiều mà thị trường cần thêm thời gian để hoàn thiện, và chuyển đổi số sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ quá trình này.

Thị trường chứng khoán 21 năm qua đã phát triển và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn giai đoạn 2011- 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Số lượng nhà đầu tư tham gia cũng tăng ấn tượng từ mức 3.000 (năm 2000) lên 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, năm 2021 ghi nhận số lượng nhà đầu tư mới tăng hơn 50%, đưa tổng số nhà đầu tư vượt mức trên 3% dân số.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam đã 21 năm tuổi, trải qua rất nhiều biến động, thậm chí những năm trở lại đây ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc nhưng tỷ lệ người tham gia vẫn chỉ đâu đó 3-4% dân số đầu tư. Con số này là chỉ số những nhà đầu tư đúng đắn. Chúng ta thấy được gì, số tham gia hiện rất bé so với tiềm năng của ngành.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao 21 năm thị trường chứng khoán chưa thể phát triển nhanh?

Đó cũng là câu hỏi liệu nhà đầu tư đã hiểu về đầu tư được bao nhiêu, và họ chấp nhận rủi ro như thế nào?", bà Thanh đặt vấn đề.

Theo vị này, đó cũng là câu hỏi mà các công ty chứng khoán luôn trăn trở, bao gồm SSI. Công ty được biết bên cạnh hệ thống giao dịch, tương tác thông tin qua các kênh hiện nay còn đang xây thêm các kho kiến thức, tổ chức nhiều hội thảo qua nhiều kênh hơn để thông tin đến khách hàng…

Trong giai đoạn thị trường biến động như hiện nay, bà Thanh cũng đặc biệt cho biết các công ty chứng khoán còn nỗ lực để đưa ra các thông tin khuyến nghị. Khuyến nghị ở đây không phải đẩy khách hàng thực hiện mua bán mà giúp họ hiểu hơn về đầu tư, giúp họ có kỳ vọng đúng hơn. Với những giải pháp công nghệ, thực tế các công ty đang tương tác một cách sát hơn với khách hàng, để họ cảm thấy luôn có người kế bên quan tâm cùng đồng hành.

Xét về khía cạnh khác là mục đích đầu tư, có thể nói giới trẻ hôm nay học đầu tư vì sự khao khát tìm hiểu và trải nghiệm, trong khi mục đích của thế hệ trước đó khi bắt đầu là muốn kiếm tiền.

Thực tế, đầu tư có tiền thì ai cũng hưng phấn, nhưng khi mất tiền phải biết điều tiết ra sao mới là điều quan trọng, để từ đó công ty chứng khoán có thể giữ chân được khách hàng, và thị trường ghi nhận thêm những nhà đầu tư thực thụ, đúng đắn.

"Có thể nói, nhà đầu tư trẻ sẽ là nhóm đi dài nhất với ngành và cũng là đối tượng chính cho thị trường chứng khoán thời gian tới. Chúng ta phải làm sao để họ không hồ hởi đến nhưng rồi vội vàng rời bỏ thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay?

Trong đó, bản chất việc rời bỏ hay không thì cần nhất là sự hiểu biết của nhà đầu tư. Nhiệm vụ của những người cung cấp dịch vụ là phổ cập thông tin kiến thức cho nhà đầu tư. Bởi, đầu tư chung quy lại là một bộ môn khoa học, phải xác định được mức lời bao nhiêu là vừa, và đặc biệt lỗ bao nhiêu là cắt. Và, chuyển đổi số sẽ là công cụ giải quyết được bài toán lớn", vị này cho biết.

Dù vậy, muốn chuyển đổi số không phải đơn giản. Đại diện SSI cũng nêu rõ, chúng ta chỉ mới số hoá công ty chứng khoán chứ chưa phải là chuyển đổi số. Theo đó, còn rất nhiều việc phải làm. Và để chuyển đổi số cần quan tâm 3 yếu tố quan trọng, gồm:

Thứ nhất, con người: Trong đó, tầm nhìn của lãnh đạo là quan trọng.

Ông Jack Nguyễn bổ sung: "Từ kinh nghiệm của Insider, có thể thấy nhanh hay chậm liên quan mật thiết đến kế hoạch chuyển đổi của nhà quản lý. Có những công ty muốn làm luôn làm ngay, như các tập đoàn lớn gồm ngân hàng, công ty chứng khoán… và tiền các bên này chi tiêu cho chuyển đổi số nhiều hơn bán lẻ vì giá trị lớn hơn cũng như mô hình kinh doanh phức tạp hơn.

Ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ muốn làm nhưng chưa biết sẵn sàng làm bao nhiêu. Chưa kể chuyển đổi số ở mảng này thường không nhanh chong thấy được kết quả dẫn đến việc các bên dễ bỏ cuộc giữa chừng, đến khi dịch Covid bùng phát họ với nhận thức rõ ràng được tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Mảng tài chính thì khác bán lẻ. Người mua không còn mua bằng cảm xúc (tức thích thì mua thích thì ở lại), giá trị chi tiêu nhỏ nên doanh nghiệp dễ chạm đến cảm xúc khách hàng; mà với tài chính người mua phải bỏ ra số tiền lớn và làm sao để họ quyết định bỏ tiền vào đầu tư là điều khó khăn. Thường người mua mảng tài chính sẽ có quyết định khá cồng kềnh".

Thứ hai, hệ thống có thực sự được định hướng chuyển đổi số: Ở đây phải có sự thống nhất và đồng điệu giữa tất cả các phòng ban trong một công ty.

Cuối cùng là quy trình: Càng ngày thì quy trình đòi hỏi phải đơn giản và hiệu quả hơn.

3 yếu tố trên được ví như kiềng 3 chân cho chuyển đổi số thành công, chúng song hành cùng nhau. Bởi, quy trình không thể đi trước nếu hệ thống chưa có, mà có cả hai nhưng con người không sẵn sàng thì cũng không được .

Insider là nền tảng quản lý dữ liệu và tối ưu trải nghiệm người dùng theo thời gian thực (CDxP). Hành trình trải nghiệm có thể được kết nối qua các kênh như website, app... Insider hiện đang là kỳ lân công nghệ B2B SaaS thứ 2 tại châu Á.

Đầu năm 2022, Công ty đã công bố trị giá vòng cấp vốn Series D là 121 triệu USD do QIA dẫn dắt, với mức định giá đạt 1,22 tỷ USD. Các nhà đầu tư khác tham gia vòng này bao gồm Sequoia, Riverwood Capital, 212, Wamda Capital, Esas Private Equity và Endeavour Catalyst.

Tại Việt Nam, Insider được thành lập vào năm 2017 với hơn 35 nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao, và là đối tác chiến lược của hơn 120 đối tác như VPBank, MBBank, ACB, BamBoo Airways, Vietnam Airlines, BE, Viettel Money, The Body Shop, Decathlon, Watson, Điện Máy Thiên Hoà , Vinpearl, Oppo... có văn phòng đại diện được đặt tại Tp.HCM và Hà Nội.

Tri Túc

Theo Trí thức trẻ