Logo Twitter và hành trình cán mốc 44 tỷ đô

Logo Twitter đã trải qua nhiều phiên bản với những thay đổi lớn, góp phần làm nên hình ảnh của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Ngày 25/04 vừa qua chứng kiến một cột mốc mới trong kỷ nguyên công nghệ. Twitter – một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất – đã được mua lại bởi tỷ phú Elon Musk. Hội đồng quản trị Twitter đồng ý bán công ty cho Musk với giá 54,20 đô la/cổ phiếu. Sự kiện này định giá Twitter ở mức 44 tỷ đô la.

logo Twitter

Elon Musk chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Twitter (ảnh: TheGuardian)

Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Twitter đã phát triển nhanh chóng và trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Facebook. Thậm chí, Twitter còn là nơi quen thuộc để những nhân vật nổi tiếng như Donald Trump hay Elon Musk bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề của xã hội.

Trải qua hơn 15 năm hoạt động, Twitter là đại diện tiêu biểu cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, logo Twitter với biểu tượng chú chim xanh đã trở thành một hình ảnh thương hiệu phổ biến với công chúng.

Logo Twitter phiên bản đầu tiên

Đồng sáng lập của Twitter – Jack Dorsey, lần đầu có ý tưởng về Twitter vào năm 2006. Ban đầu, Dorsey hình dung mình sẽ xây dựng Twitter theo định hướng của một nền tảng truyền thông dựa theo hình thức SMS (tin nhắn), nhưng sau đó đã chuyển hướng xây dựng thành một trang web.

logo Twitter

Đồng sáng lập Twitter: Jack Dorsey (ảnh: reuters)

Hiện nay, Twitter là cái tên quen thuộc trong danh sách top những website được truy cập nhiều nhất thế giới hàng năm với hơn 500 triệu người dùng. Logo Twitter cũng là một trong những logo dễ nhận diện nhất vì nó xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Thế nhưng, một điều thú vị là khi mới thành lập, Twitter thậm chí còn không được gọi là “Twitter”. Lấy cảm hứng từ nền tảng chia sẻ ảnh Flickr và độ dài 5 ký tự của mã SMS tại Mỹ, những nhà sáng lập ban đầu đặt tên cho trang web là “twttr”. Cái tên này vẫn được tìm thấy trong tweet đầu tiên mà nhà sáng lập Jack Dorsey đăng tải.

Được tạo ra từ trước khi ra mắt trang web, logo Twitter đầu tiên được nhà đồng sáng lập Noah Glass thiết kế. Tuy nhiên, logo này hoàn toàn khác biệt so với những phiên bản sau đó và chúng ta có lẽ còn phải tự hỏi liệu đây có phải là một logo của một công ty Twitter nào đó khác hay không.

Twttr Logo 2005 2006

Logo Twitter phiên bản đầu tiên của Noah Glass (ảnh: logoworld)

Thay cho màu xanh da trời nhẹ nhàng mà chúng ta đã quen thuộc, logo Twitter phiên bản “nguyên sơ” được thể hiện bằng một màu xanh lá cây kém hấp dẫn. Kèm theo đó là hiệu ứng “giọt nước” khiến logo Twitter càng thêm rối mắt. Glass cho biết logo này “truyền cảm hứng về sự trẻ trung” và rằng “những phong cách thiết kế cũ thật nhàm chán, và không có gì tệ hơn sự nhàm chán”.

Bất chấp những tuyên bố trên, thật khó để hình dung nếu Twitter sử dụng tên gọi và logo này cho đến hôm nay thì sẽ như thế nào. Rất may, thương hiệu cùng với logo Twitter đã được cập nhật lại cho lần ra mắt năm 2006.

Logo Twitter phiên bản chính thức (2006)

Thời điểm đánh dấu sự ra đời phiên bản chính thức của logo Twitter diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 2006, khi ban lãnh đạo tìm đến nhà thiết kế đồ họa Linda Gavin.

Gavin chỉ có thời hạn một ngày để sáng tạo ra logo Twitter trước khi nó được giới thiệu chính thức trên Internet. Logo Twitter phiên bản này được thiết kế với hình thức wordmark (tên thương hiệu) đơn giản. Gavin sử dụng kiểu chữ Pico Alphabet Black với hình dạng tròn ấn tượng, các ký tự được viết thường và không có dấu cách giữa chúng.

logo Twitter

Logo Twitter phiên bản chính thức của Linda Gavin (ảnh: logoworld)

Gavin sử dụng màu xanh là màu chủ đạo của logo Twitter. Trong lĩnh vực đồ họa, màu xanh thường được lựa chọn khi thiết kế logo vì đây là màu mang tính ổn định, và là biểu tượng của sự tin cậy, bình yên. Xanh dương cũng là gam màu trung tính phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Điều này hỗ trợ cho mục tiêu phát triển trong tương lai của Twitter. Màu xanh này đã đồng hành cùng logo Twitter trong hơn 6 năm sau đó, trước khi thương hiệu đổi sang một sắc xanh đậm hơn vào năm 2012.

Logo Twitter phiên bản chính thức tập trung vào sự tinh gọn. Gavin đã loại bỏ những yếu tố cũ kỹ và có phần lỗi thời để đơn giản hóa thiết kế. Logo kết hợp với phong cách thiết kế tổng thể của trang web đã giúp người dùng càng thêm yêu thích thương hiệu. Logo Twitter phiên bản trên được sử dụng trong khoảng bốn năm trước khi hãng thực hiện thay đổi với sự góp mặt của chú chim quen thuộc.

Logo Twitter với sự xuất hiện của chú chim xanh (2010)

Sau bốn năm sử dụng logo phiên bản wordmark, các nhà lãnh đạo đã quyết định thay đổi để phản ánh rõ hơn bản sắc của thương hiệu. Đó là lúc chú chim xanh được áp dụng chính thức vào logo Twitter. Biểu tượng này được lấy cảm hứng từ loài chim xanh sống ở vùng núi Bắc Mỹ. Hình ảnh chim xanh đại diện cho sự tự do, sức sống mãnh liệt và sự sáng tạo, những yếu tố làm nên bản sắc Twitter.

Nhưng ít ai biết rằng, trước khi nổi tiếng như hiện tại, chú chim xanh đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa với nhiều phiên bản khác nhau. Và một điều đặc biệt khác, đó là những thiết kế chim xanh trước năm 2012 đều được gọi với cái tên “Larry The Bird”, đặt theo biệt danh của huyền thoại Larry Bird thuộc đội bóng rổ nhà nghề Mỹ Boston Celtics. Bây giờ, Twitter chỉ gọi biểu tượng của mình đơn giản là “chú chim Twitter” (Twitter Bird).

Logo Twitter

Những phiên bản đầu tiên của chú chim xanh (ảnh: github)

Chú chim “Larry The Bird” đầu tiên được thiết kế bởi Simon Oxley, một nhà thiết kế đồ họa người Anh, người cũng đã sáng tạo ra nhiều logo cho các công ty khác. Chú chim xanh ban đầu chỉ là một hình minh họa mà anh đăng tải trên trang iStock vào năm 2006.

Sau đó, một nhân viên Twitter đã mua nó với giá khoảng 15 đô la. Khi được Twitter liên hệ để mua lại thiết kế, Oxley thậm chí còn không biết về sự tồn tại của họ. Tuy nhiên, vì các công ty không được phép sử dụng hình ảnh iStock trong logo thương hiệu, nên Twitter đã sớm loại bỏ chú chim của Oxley.

Năm 2007, Biz Stone – một thành viên điều hành của Twitter – đã đề xuất ý tưởng về chú chim mới nhằm tạo ra một nhân vật đại diện cho thương hiệu. Phiên bản thứ hai của “Larry The Bird” sau đó được nhà thiết kế Philip Pascuzzo hoàn chỉnh dựa trên ý tưởng của Stone.

Có thể thấy phiên bản này khác hoàn toàn so với thiết kế của Oxley. Đây cũng được xem như phiên bản gốc của logo Twitter ngày nay. Pascuzz đã thêm vào hai đôi cánh, phần thân trước, và loại bỏ đi hai chân. Nhưng nếu so sánh với logo Twitter hiện tại, có thể thấy thiết kế này vẫn có phần kém tinh tế hơn nhiều.

Đến phiên bản năm 2009, chúng ta nhận thấy được tính hoạt hình được các nhà thiết kế đưa vào biểu tượng chú chim. Những chi tiết như đôi mắt, bộ lông, đôi cánh được vẽ trau chuốt hơn để tạo cảm giác chân thật và thú vị cho nhân vật.

Năm 2010, Twitter quyết định loại bỏ tất các chi tiết hoạt hình dư thừa và trở lại với hình dạng màu xanh duy nhất của chú chim. Bàn chân bị loại bỏ và phần miệng được làm giảm độ cong. Điều thú vị của phiên bản này là người xem có cảm giác như chú chim đang cất cánh bay lên, vì phần thiết kế đôi cánh đã được thay đổi.

Logo Twitter

Logo Twitter phiên bản năm 2010 với sự xuất hiện của chú chim xanh (ảnh: logoworld)

Từ đây, hình ảnh chú chim xanh được xem như biểu tượng đại diện của Twitter. Biểu tượng được đặt ở bên phải của logo Twitter. Mặt khác, wordmark logo không thay đổi về kiểu chữ, ngoại trừ việc chuyển màu sang đen để tạo sự tương phản với màu của chú chim.

Logo Twitter mang tính biểu tượng (2012 – Hiện tại)

Năm 2012, Twitter lại một lần nữa thay đổi diện mạo của mình. Họ đã trở nên quá phổ biến đến mức tên thương hiệu đặt trong logo Twitter trở nên không còn cần thiết nữa.

Ban lãnh đạo đã quyết định xóa đi wordmark “Twitter” trong logo và chỉ để lại hình ảnh chú chim xanh. Logo Twitter phiên bản hiện tại được thiết kế bởi Martin Grasser. Điều thú vị là Grasser chỉ vừa mới tốt nghiệp trường Art Center College of Design khi được giao công việc đầy thử thách này.

Logo Twitter

Logo Twitter phiên bản hiện tại (ảnh: logoworld)

Hình ảnh chú chim mới nhìn thoáng qua thì có vẻ vẫn giống như phiên bản logo twitter năm 2010. Thế nhưng, Grasser và đồng nghiệp của anh đã phải vẽ hàng nghìn bản phác thảo để chọn ra được hình dạng ưng ý nhất. Jack Dorsey đã nói với Grasser rằng ông muốn một thiết kế mới hoàn toàn, chứ không phải là chỉ điều chỉnh dựa trên phiên bản trước đó.

Logo Twitter phiên bản của Grasser được truyền cảm hứng từ hình dạng của loài chim ruồi (hummingbird). Tinh vi hơn, Grasser đã sử dụng 15 vòng tròng xếp chồng lên nhau để tạo ra đường nét hiện tại, mang lại cảm giác cân đối hơn cho logo.

Anh cho biết những vòng tròn này tượng trưng cho ý tưởng Twitter là một nền tảng dân chủ hóa thông tin và mang lại tiếng nói cho mọi người. Chúng cũng đại diện cho sự trung tính của nền tảng Twitter.

Logo Twitter

Logo Twitter được tạo nên từ 13 vòng tròn (ảnh: designhack)

Jack Grasser kể lại rằng sau vài tháng vẽ các loài chim và tinh chỉnh logo, cuối cùng anh đã giới thiệu 24 bản phác thảo đến Jack Dorsey. Tất cả đều trông tương đối giống nhau. “Nếu tôi đặt chúng trên một trang, bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt. Nhưng Jack [Dorsey], trong vòng hai giây, đã chỉ ngay vào chú chim đó.”

Màu sắc của logo Twitter cũng được thay đổi thành một màu xanh đậm hơn so với các phiên bản trước. Những điều chỉnh này giúp logo Twitter dễ nhận diện hơn và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Lời kết

Twitter tuy không quá phổ biến ở Việt Nam nhưng lại là một trong những mạng xã hội được yêu thích nhất toàn cầu. Góp phần vào thành công đó không thể không nhắc đến logo Twitter. Hình tượng logo Twitter với chú chim xanh sải cánh, đại diện cho tinh thần tươi trẻ của nước Mỹ, đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng toàn cầu.

Chúng ta chưa biết tương lai Twitter sẽ ra sao sau khi hoàn tất việc chuyển giao cho tỷ phú Elon Musk. Nhưng nhiều người cho rằng với tính cách và suy nghĩ khác thường của mình, doanh nhân gốc Nam Phi sẽ tiến hành nhiều thay đổi, biến Twitter thành một mạng xã hội mới mẻ, khác xa hiện tại.

Qua bài viết này, Vũ hy vọng các bạn đã hiểu thêm về lịch sử Twitter và các phiên bản logo Twitter đầu tiên.

Xin chân thành cảm ơn,

Nguồn: Vũ Digital