Data Station #25 – Digital 2022: Số người dùng Việt quan ngại về an toàn dữ liệu giảm gần 1 nửa so với năm 2020

Theo We Are Social, người dùng Việt ngày càng có thêm sự tin tưởng vào doanh nghiệp ở việc dùng dữ liệu cá nhân để mang lại trải nghiệm tốt hơn. Theo đó, phần trăm người tham gia khảo sát bày tỏ quan ngại về vấn đề an toàn dữ liệu sụt giảm dần qua các năm từ 60% (2020) giảm còn 30,7% (2022).

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

Sự thay đổi trong phương thức tổng hợp báo cáo

Báo cáo Digital 2022 được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau gồm công ty nghiên cứu thị trường, nền tảng truyền thông xã hội, Internet, Cơ quan Chính phủ… Trong khi đó, báo cáo Digital từ năm 2021 trở về trước chủ yếu được thực hiện dựa trên dữ liệu có nguồn gốc từ các công cụ quảng cáo self-service của các nền tảng mạng xã hội. Nhưng với báo cáo năm nay, We Are Social không đưa dữ liệu này vào số liệu người dùng Internet nữa. Bởi số lượng người dùng được các nền tảng mạng xã hội báo cáo thường dựa trên tài khoản người dùng được kích hoạt và có thể không đại diện cho 1 cá nhân duy nhất. Hay một số tài khoản còn đại diện cho vật nuôi, nhân vật lịch sử, doanh nghiệp…

Một thay đổi khác là trong quý IV/2021, Meta thực hiện một số thay đổi với công cụ quảng cáo self-service báo cáo phạm vi tiếp cận tiềm năng trên các nền tảng của mình. Thế nên, lưu ý không nên so sánh số liệu đối tượng quảng cáo của Facebook, Messenger trong báo cáo này với những phiên bản trước đó.

Báo cáo Digital 2022: Việt Nam khai thác hành vi của người dùng Việt Nam trên: Internet, mạng xã hội, thiết bị di động, e-Commerce; và tổng quan chi tiêu quảng cáo số tại thị trường này.

Hành vi trên Internet của người dùng Việt Nam

Báo cáo ghi nhận tổng dân số Việt Nam tính đến tháng 2/2022 là 98,56 triệu dân, tăng từ 97,96 triệu người (năm 2021). Trong đó, có 72,10 triệu người dùng Internet tương ứng với tỷ lệ thâm nhập là 73,2% - tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo cũng phát hiện có 26,46 triệu người không dùng Internet vào đầu năm 2022, tương đương với 26,8% dân số.

Đào sâu hơn vào hành vi dùng Internet tại Việt Nam, có 2 điểm đáng chú ý là thiết bị được dùng để vào mạng và thời lượng online.

Thời gian online trung bình mỗi ngày giảm 2,2% (khoảng 9 phút) xuống 6 tiếng 38 phút. Trong đó, thời lượng truy cập Internet qua điện thoại di động chiếm đến 53,2% tương đương 3 tiếng 32 phút, còn qua desktop và máy tính bảng là 3 giờ 6 phút. Top 3 lý do chính của việc dùng Internet thường xuyên là giữ liên lạc với bạn bè (71,4% người tham gia khảo sát), tra cứu thông tin (69%), và cập nhật tin tức (68,4%).

Báo cáo năm 2021 ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong lượng người dùng điện thoại di động (+147%) và máy tính bảng (+67%) để truy cập Internet. Tuy nhiên trong báo cáo năm 2022, điện thoại cơ bản (featurephone), game console, và connected TV (CTV) lại là 3 thiết bị ghi nhận sự gia tăng vượt bậc trong lượng người dùng, lần lượt là +89,7%, +28,9%, và +18,5%.

Slide 33 là bảng xếp hạng top những website được nhiều người “thăm” nhiều nhất. Dẫn đầu vẫn là “kẻ mạnh” google.com với tổng số 226 triệu lượt truy cập. Trong khi đó, youtube.com và facebook.com lội ngược dòng giành lấy vị trí thứ 2 và 3 từ tay vnexpress.net (hạng 4) và 24h.com.vn (hạng 9). Bảng xếp hạng cũng “chào đón” 3 “người chơi” mới là shopee.vn, wikipedia.org, và zalo.me.

Lượng người xem video online giảm nhẹ khoảng 3% so với năm 2021 còn 94,3%. Không dừng lại ở đó, báo cáo năm 2022 còn khai thác thêm những nội dung video được xem nhiều nhất gồm video ca nhạc (58,8%), livestream (41,9%), và video đánh giá sản phẩm (35,8%).

Như đã đề cập, lượng người dùng TV để truy cập Internet có dấu hiệu tăng và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian sắp tới. Điều này thể hiện qua số liệu 94,5% người dùng từ 16-64 tuổi xem nội dung online bằng TV. Và họ dành trung bình 1 tiếng 24 phút/ ngày để xem, chiếm đến 50,3% thời gian sử dụng TV.

Báo cáo ghi nhận thời lượng mà người Việt dành để nghe podcast mỗi ngày hầu như không thay đổi, khoảng 44 phút (slide 22). Trong khi đó, số giờ nghe nhạc trên các nền tảng music streaming lại tăng 4,3% so với năm trước là 1 tiếng 12 phút. Theo đó, nhạc trên nền tảng music streaming dẫn đầu trong số các nội dung online audio được nghe nhiều nhất trong năm qua, chiếm 36,9%. Tiếp đến là audio books với 23,4%, và theo sau là radio (17,4%), podcast (14,1%).

Về thiết bị dùng để chơi game trực tuyến, báo cáo ghi nhận không có sự thay đổi nào đáng kể. Chẳng hạn, phần trăm người dùng smartphone, console, để chơi game lần lượt tăng nhẹ 1,6%, 1,8%. Riêng handheld game console và media streaming có sự gia tăng trong lượng người dùng lần lượt là +4,4%, +3,6%. Trái lại, laptop hay máy tính để bàn, máy tính bảng lại có sự sụt giảm khá mạnh ở lượng người dùng để chơi game so với năm trước, và giảm 9,4%, 1,3%.

Bàn về hành vi online, không thể thiếu các hoạt động liên quan đến quyền riêng tư. Đáng chú ý khi số người có cài đặt những công cụ như chặn quảng cáo (ad blocker) tăng cao. Cụ thể, phần trăm người dùng ad blocker giảm mạnh từ 43% (năm 2020) xuống 34,7% (2021) nhưng lại tăng mạnh 10% trong báo cáo năm 2022 lên 44,7%.

Trái lại, người dùng Việt ngày càng có thêm sự tin tưởng vào doanh nghiệp ở việc dùng dữ liệu cá nhân để mang lại trải nghiệm tốt hơn. Theo đó, phần trăm người tham gia khảo sát bày tỏ quan ngại về vấn đề an toàn dữ liệu sụt giảm dần qua các năm từ 60% (2020) giảm còn 30,7% (2022).

Hành vi trên mạng xã hội

Slide 49 khái quát hành vi phổ biến trên mạng xã hội. Đến tháng 2/2022, số tài khoản mạng xã hội được kích hoạt là 76,95 triệu, tương ứng với mức độ thâm nhập là 78,1%. Con số này tăng gần 5 triệu so với cùng kỳ năm trước, và tăng mạnh đến gần 12 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi ngày họ dành 2 tiếng 28 phút để truy cập mạng xã hội, tăng nhẹ 7 phút so với cùng kỳ năm trước.

Trung bình mỗi người dùng khoảng 7,4 nền tảng mạng xã hội khác nhau để phục vụ những nhu cầu như liên lạc với bạn bè, gia đình, đọc tin tức, “bắt trend”, xem livestream… Đáng ngạc nhiên khi We Are Social ghi nhận YouTube lọt ra khỏi bảng xếp hạng top 15 nền tảng mạng xã hội được truy cập nhiều nhất mỗi tháng trong năm 2022. Theo đó, Facebook “vượt mặt” YouTube vươn lên vị trí dẫn đầu với 93,8% người dùng dùng thường xuyên hàng tháng, và Zalo vươn lên vị trí thứ 2 với 91,3%. Theo sau là Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Twitter…

Tương tự, Facebook tiếp tục dẫn đầu trong số các nền tảng được dùng để dẫn đến các website của bên thứ 3, chiếm đến 69,79%. Xếp thứ hai là YouTube với 13,01%. Và theo sau là Pinterest (7,45%), Twitter (3,72%), Instagram (3,16%), Reddit (1,78%).

Cũng theo Facebook (slide 60), số lượng người dùng tiềm năng mà quảng cáo trên Facebook có thể tiếp cận là 70,4 triệu người, tức 71,4% dân số Việt Nam. YouTube cũng không hề kém cạnh với lượng người dùng có thể tiếp cận được là 62,5 triệu người. Bên cạnh đó, báo cáo năm 2022 có thêm sự hiện diện của TikTok (slide 67). Số tài khoản mà quảng cáo trên TikTok có thể tiếp cận được là 39,91 triệu, tương ứng với mức độ thâm nhập là 40,5%. Con số này đưa TikTok trong top 4 những nền tảng mạng xã hội hấp dẫn của ngành quảng cáo Việt.

Hành vi trên thiết bị di động

Dữ liệu từ GSMA Intelligence cho thấy Việt Nam hiện có 156 triệu thuê bao di động, giảm 480.000 thuê bao so với cùng kỳ năm 2020. Lưu ý rằng số lượng thuê bao có thể nhiều hơn tổng dân số vì một người có thể dùng nhiều hơn 1 thuê bao phục vụ cho các mục đích khác nhau như cuộc sống cá nhân, công việc, học tập. Trong đó, có 72,6% thuê bao kết nối 3G, 4G, và 5G.

Ở slide 75, có thể thấy số lượng ứng dụng di động được tải xuống là 3,37 triệu, tăng đến 21% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trung bình hàng năm, tổng chi tiêu của người Việt dành cho ứng dụng di động là 416 triệu USD, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2021. Ba slide kế tiếp là bảng xếp hạng các ứng dụng cụ thể được sắp xếp theo số lượng download, active user, số tiền chi trong ứng dụng…

Hành vi trên e-Commerce

Slide 81 chỉ ra có 58,2% người Việt từng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ online mỗi tuần. Ngoài ra, có 27,3% người đặt hàng tạp hoá, 16,5% mua đồ “second-hand”. Một số dịch vụ đáng chú ý được người Việt dùng để tối ưu quá trình mua sắm như dịch vụ so sánh giá cả online (23,9%), mua trước trả sau (15,7%).

Các ưu đãi hấp dẫn là một trong những động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng Việt mua sắm online ngày càng nhiều. Theo GWI, có 51,8% người tham gia khảo sát cho biết miễn phí vận chuyển là nguyên nhân hàng đầu khiến họ chuộng mua sắm online. Hay xem đánh giá sản phẩm trước khi mua, nhận coupon, giảm giá, dễ đổi trả… cũng là những động lực dẫn đến nhiều người Việt thích mua sắm online hơn.

Ở slide 83, có thể thấy tổng số người mua hàng trên mạng trong năm qua là 51,78 triệu người, tăng đến 6,2 triệu người; và tổng số tiền chi cho hoạt động này là 12,42 tỷ USD, tăng 3,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo, slide 84 liệt kê những ngành hàng phổ biến có giá trị mua hàng cao trên e-Commerce gồm thực phẩm (+86,3%), thức uống (+50,7%), đồ chơi (+43,7%), thời trang (+39,4), thiết bị điện tử (+29,7%)…

Trước tình cảnh đại dịch hoành hành mạnh mẽ vào năm 2021, giao dịch phi tiền mặt tiếp tục là hình thức thanh toán được ưa chuộng. Điều này thể hiện qua số lượng người thanh toán phi tiền mặt tăng thêm 6,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, lên 51,78 triệu người. Tổng số tiền giao dịch phi tiền mặt là 14,38 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD.

Chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số

Mở đầu phần chi tiêu quảng cáo số là bảng xếp hạng các kênh mà người dùng dùng để khám phá những thương hiệu mới. Search và quảng cáo trên TV vẫn là 2 kênh dẫn đầu. Trong báo cáo năm nay, thứ hạng của kênh Review khách hàng và bình luận ở nền tảng mạng xã hội đổi chỗ cho nhau, lần lượt xếp thứ 3 và 4. Xem slide 91 dưới đây để biết thêm các kênh được người dùng ưa thích truy cập để khám phá thương hiệu mới.

Tiếp theo, We are social bổ sung thông tin thể hiện những hoạt động nổi bật mà người dùng Internet từ 16-64 tuổi thực hiện khi online. Dựa vào slide 92, ta thấy phần trăm người dùng tìm hiểu thương hiệu trên mạng trước khi mua chiếm đến 57,1%. Có 46,9% người tham gia khảo sát cho biết rằng họ thường xuyên truy cập website của thương hiệu trong 30 ngày qua. Số người thừa nhận họ nhấp vào ít nhất 1 banner hay bài viết quảng cáo trên mạng xã hội trong 30 ngày vừa qua lần lượt là 17% và 20,7%. Báo cáo cũng ghi nhận số người tải xuống 1 ứng dụng di động của thương hiệu cụ thể trong 30 ngày qua là 16,1%.

Tính đến tháng 2/2022, tổng chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam là 812,9 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiêu quảng cáo cho Search, banner, video, classified đều tăng. Riêng mức đầu tư vào Search Ads tăng mạnh nhất với +40,8% và đạt 360,9 triệu USD. Hai slide tiếp theo trình bày tổng quan về chi tiêu quảng cáo trên mạng xã hội và programmatic ads. Theo báo cáo, phần trăm chi tiêu programmatic ads chiếm đến 97,3%% tổng chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số, con số này là 54,6% đối với chi tiêu quảng cáo mạng xã hội.

Slide về chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số cũng khép lại báo cáo Digital 2022: Việt Nam. Tôi xin kết lại bài viết thông qua 2 lưu ý của ông Simon Kemp – Chief Analyst của DataReportal kiêm CEO của Kepios, trong một bài phân tích về báo cáo Digital 2022. Đây cũng là những điều mà doanh nghiệp có thể lưu ý cho những chiến lược phát triển của mình.

Thứ nhất là cải thiện kết nối Internet ở các cộng đồng không nhận được sự quan tâm đầy đủ (under-served community). Theo báo cáo State of Mobile Internet Connectivity Report 2021 của GSMA, phụ nữ lớn tuổi, ít học sống ở các vùng nông thôn của các nước đang phát triển có ít được tiếp cận Internet nhất hiện nay. Điều này khiến họ khó tiếp cận các nguồn lực giúp họ vượt qua những thách thức trong giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, tài chính… Nghiên cứu của GSMA chỉ ra rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận và chấp nhận Internet của phụ nữ nông thôn có thể tạo ra nhiều lợi ích lớn cho phần còn lại của dân số cũng như nền kinh tế.

Thứ hai, ông bàn về những công nghệ nào sẽ thống trị trong một thập kỷ tới? Chẳng hạn, nhiều báo cáo ngày nay thường xoay quanh tiềm năng của metaverse và blockchain. Nhưng đối với ông Kemp, sẽ có một công nghệ hoàn toàn mới thay đổi đáng kể mối quan hệ của chúng ta với công nghệ kỹ thuật số như cách smartphone đã làm trong hơn 1 thập kỷ trước.

Mặt khác, dù tốc độ chuyển đổi số liên tục tăng nhanh, nhưng có vẻ mong muốn, nhu cầu cốt lõi của con người lại ổn định hơn nhiều. Do đó, ông tin rằng chính những thiết bị và nền tảng đáp ứng được những nhu cầu này chính là công nghệ thống trị trong thập kỷ tiếp theo.

Như câu nói “chỉ sự thay đổi mới là bất biến”, và sự thay đổi đó diễn ra nhanh hơn cả trong thế giới kỹ thuật số. Vì vậy, hãy chú ý theo dõi và quan sát. Mọi thứ có thể thú vị hơn trong 10 năm tới và ông mong muốn giúp người đọc hiểu được những thay đổi đó qua loạt báo cáo Digital Report.

Xem báo cáo đầy đủ tại đây.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
*Nguồn: DataReportal