Chiến lược cạnh tranh là gì? Tìm hiểu 3 chiến lược cạnh tranh phổ quát?

Chiến lược cạnh tranh là hệ thống các phương pháp định hướng mọi hoạt động trong thị trường của doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp đều có chiến lược cạnh tranh của riêng mình, dù là rõ ràng hay chỉ là những chiến lược cạnh tranh ẩn dấu.

Một chiến lược cạnh tranh thành công phải xác định đúng lợi thế cạnh tranh và cách thực hiện để đạt lấy lợi thế đó.

Lược sử chiến lược cạnh tranh

Giáo sư Michael E.Porter là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh và lý thuyết lợi thế cạnh tranh.

Michael Porter là một trong những giáo sư uyên bác trong lịch sử của Đại học Harvard. Những cuốn sách kinh điển của ông có thể kể đến như “Chiến lược cạnh tranh” (Competitive Strategy), “Lợi thế cạnh tranh” (Competitive Advantage) và “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” (Competitive Advantage of Nations) là sách “gối đầu giường” của nhiều chiến lược gia khắp thế giới.

Giáo sư, Michael Porter
Nguồn: harvardmagazine

5 yếu tố ảnh hưởng chiến lược cạnh tranh

Dưới đây là 5 yếu tố quyết định mức độ cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận của ngành, yếu tố mạnh nhất sẽ quyết định tới việc hoạch định chiến lược cạnh tranh.

  • Sự gia nhập ngành của đối thủ tiềm năng: Những doanh nghiệp mới với khả năng sáng tạo và nguồn lực dồi dào cạnh tranh trực tiếp với khát vọng giành thị phần lớn.
  • Áp lực từ sản phẩm/ dịch vụ thay thế: Những sản phẩm khác cùng chức năng như sản phẩm doanh nghiệp đang kinh doanh, hoặc những sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn.
  • Sức mạnh của khách hàng: Khách hàng ép giá bán hoặc mặc cả đòi tăng chất lượng hoặc gia tăng dịch vụ buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau.
  • Sức ép từ nhà cung cấp: Nhà cung cấp yêu cầu tăng giá hoặc giảm chất lượng nguyên vật liệu.
  • Cường độ cạnh tranh của các đối thủ hiện hữu: Các mặt trận cạnh tranh là nhiều hay ít, như giá, quảng cáo, marketing…

3 chiến lược cạnh tranh phổ quát

Theo Michael Porter, để giải quyết 5 yếu tố cạnh tranh có 3 chiến lược cạnh tranh hiệu quả, giúp doanh nghiệp có thể thành công và dẫn đầu ngành, gồm: Chiến lược tổng chi phí thấp (Low Cost Strategy), Chiến lược khác biệt hoá (Differentiation Strategy), Chiến lược tập trung (Concentration Strategy), Vũ sẽ chia sẻ về 3 chiến lược này với 3 nội dung: nền tảng, quản trị và rủi ro của từng chiến lược.

1. Chiến lược tổng chi phí thấp (Low Cost Strategy)

Tổng chi phí sản xuất thấp nhất trong ngành thông qua những chính sách cải tiến hiệu suất và kế hoạch thực hiện hiệu quả.

Yêu cầu nền tảng:

  • Đầu tư vốn liên tục và có khả năng tiếp cận những nguồn vốn lớn
  • Có kinh nghiệm và năng lực về sản xuất
  • Quản lý tốt lực lượng lao động và quy trình sản xuất
  • Các sản phẩm được thiết kế đơn giản và dễ dàng sản xuất
  • Mô hình phân phối không tốn nhiều chi phí

Yêu cầu quản trị:

  • Kiểm soát chi phí sát sao
  • Báo cáo được thành lập liên tục
  • Hệ thống phân chia công việc và trách nhiệm rõ ràng
  • Tạo ra những mục tiêu có thể đo được bằng các con số chi tiết

Rủi ro:

  • Công nghệ mới làm các khoản đầu tư tối ưu không còn hiệu quả
  • Thương hiệu mới gia nhập ngành bắt trước hoặc đầu tư và thiết bị mới để tối ưu chi phí
  • Không nhạy bén về thị trường và marketing vì tập trung quá nhiều vào chi phí
  • Lạm phát làm thu hẹp sự khác biệt giá bán

Chiến lược cạnh tranh

Southwest Airlines khai thác hơn 500 máy bay Boeing 737 tại 63 thành phố nhằm tối ưu chi phí bảo trì và sửa chữa.
Nguồn: Southwest Airlines

2. Chiến lược khác biệt hoá (Differentiation Strategy)

Tạo ra sự đổi mới nhằm sở hữu những đặc tính khác biệt với toàn bộ đối thủ trong ngành, chiến lược khác biệt hoá có thể là sản phẩm hoặc thương hiệu.

Yêu cầu nền tảng:

  • Năng lực sáng tạo
  • Đội ngũ marketing mạnh, nhạy bén
  • Có năng lực, quy trình thiết kế sản phẩm sáng tạo
  • Tài sản thương hiệu tốt
  • Có sự am hiểu về lịch sử ngành
  • Nắm bắt nhu cầu thị trường và hợp tác tốt với các kênh phân phối

Yêu cầu quản trị:

  • Phối hợp tốt giữa bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm và marketing
  • Chấp nhận những giả định và sáng kiến chủ quan hơn là số lượng
  • Văn hoá thương hiệu truyền cảm hứng
  • Thu hút và giữ chân các nhân tài chủ chốt

Rủi ro:

  • Khách hàng có thể không đặt yếu tố khác biệt lên trên giá bán
  • Nhu cầu của khách hàng về các yếu tố khác biệt giảm theo thời gian khi người tiêu dùng thông minh hơn
  • Sự sao chép của đối thủ

Chiến lược cạnh tranh

Apple, thương hiệu thực hiện chiến lược khác biệt hoá thành công

3. Chiến lược tập trung (Concentration Strategy)

Doanh nghiệp tập trung vào một nhóm khách hàng hoặc một phân khúc thị trường cụ thể.

Yêu cầu nền tảng:

  • Đội ngũ nhạy bén và sẵn sàng mạo hiểm
  • Sở hữu quản trị của chiến lược chi phí thấp và chiến lược khác biệt hoá, sau đó dồn toàn lực vào một thị trường cụ thể

Yêu cầu quản trị:

  • Sở hữu quản trị của chiến lược chi phí thấp và chiến lược khác biệt hoá, sau đó dồn toàn lực vào một thị trường cụ thể
  • Duy trì chiến lược khác biệt hoá hoặc chiến lược chi phí thấp như trên

Rủi ro:

  • Giá bán của đối thủ chi phí tối ưu có thể quá tốt khiến khách hàng bỏ qua yếu tố phù hợp
  • Thị trường bị thu hẹp
  • Các đối thủ tìm thấy thị trường nhỏ hơn trong thị trường ngách mà doanh nghiệp đang hoạt động và tập trung hơn cả thị trường doanh nghiệp đang tập trung

Chiến lược cạnh tranh

Thay vì “sống mái” với các thương hiệu quay chụp hàng đầu, Gopro đã lựa chọn phân khúc khách hàng hẹp là những người ưa mạo hiểm
Nguồn: Gopro

Chiến lược cạnh tranh là hệ thống các phương pháp mà bất kỳ người kinh doanh nào cũng cần biết và hiểu rõ, Michael E.Porter đã nghiên cứu và cho rằng rất nhiều doanh nghiệp không ý thức rõ về các chiến lược cạnh tranh.

Không lựa chọn và tập trung và một chiến lược cụ thể khiến các doanh nghiệp bị “mắc kẹt giữa dòng sông”, bế tắc giữa các chiến lược. Những doanh nghiệp “mắc kẹt” này sẽ hoạt động không hiệu quả và có lợi nhuận dưới trung bình của ngành. Hy vọng rằng bài chia sẻ được lược trích từ kiến thức của Michael E.Porter sẽ giúp bạn đọc nhận thức và lựa chọn một chiến lược cạnh tranh phù hợp với nguồn lực.

* Nguồn: Vũ Digital