CEO BHO Phan Đức Nhật: “Web3 trao trả quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng” 

Web3 là một từ khóa được giới công nghệ và các tỷ phú như Elon Musk, Jack Dorsey hay Marc Andreessen nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Web3 cũng vừa là một xu hướng đầu tư lớn trong lĩnh vực blockchain và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp.

Hôm nay, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Phan Đức Nhật, một nhà đầu tư lâu năm và là Nhà đồng sáng lập & Giám đốc của dự án blockchain nền tảng BHO.

Phan Đức Nhật - Đồng sáng lập và Giám đốc dự án BHO

Chào anh Phan Đức Nhật, anh có thể giải thích đơn giản Web3 là gì và tại sao Web3 lại thu hút sự chú ý của cộng đồng như vậy?

Web3 là giai đoạn thứ ba của Internet. Hiểu một cách đơn giản, đây là giai đoạn mà dữ liệu trên Internet sẽ được phi tập trung hóa, không chịu ảnh hưởng bởi những người quản trị.

Trước đó, Web1 dùng để chỉ thời đại "web tĩnh", nơi người dùng chỉ có thể tiếp nhận thông tin một chiều từ nhà cung cấp. Web2 là giai đoạn người dùng có thể tương tác hay tự xây dựng nội dung, như tham gia các mạng xã hội, viết blog... nhưng dữ liệu vẫn được kiểm soát bởi những người đứng sau. Web3 được thúc đẩy bởi những công nghệ như AI, blockchain, NFT đưa quyền kiểm soát toàn bộ vào tay người sử dụng.

Web3 đang có sức hút rất mạnh tới cộng đồng vì nó trao cho người dùng quyền sở hữu dữ liệu. Trong xu thế phát triển như hiện nay thì dữ liệu người dùng là một tài nguyên vô cùng quý giá, sẽ rất rủi ro khi chúng ta không biết bảo vệ nó.

Theo anh, Web3 có thể được ứng dụng theo các hướng như thế nào trong các ngành công nghiệp?

Web3 mang lại cho người dùng cũng như các doanh nghiệp quyền kiểm soát riêng tư về cách họ tương tác với các ứng dụng Web hay các tổ chức tài chính. Người dùng có quyền riêng tư kiểm soát tất cả dữ liệu cá nhân đến tài chính, thông tin y tế, lịch sử tiêu dùng của mình; trong khi các doanh nghiệp có thể tương tác tự do với nhau - trao đổi thông tin và giá trị, mà không lo bị lợi dụng.

Tại Metaverse hình thành bởi Web3, người dùng được tham gia vào thế giới ảo hoàn toàn tự do và tự chủ, mọi quy tắc hoạt động hay luật lệ đều dựa trên việc bỏ phiếu đồng thuận thông qua các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).

Nếu những mục tiêu của Web3 trở thành sự thật, người dùng sẽ được sử dụng một mạng Internet công bằng hơn, mỗi cá nhân trở thành người có quyền với dữ liệu của bản thân. Với khả năng Al, Big Data cũng như ứng dụng loT kết nối vạn vật vào Internet được phát huy sức mạnh thì chắc chắn tiềm năng của Web3 là rất lớn cho các ngành công nghiệp hiện tại.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng nền tảng của Web3 là web ngữ nghĩa (semantic web) và trí tuệ nhân tạo? Anh có thể lý giải thêm một chút về điều này?

Ban đầu, Web3 được ông Tim Berner-Lee, người phát minh World Wide Web gọi là Semantic Web. Hệ thống được tạo ra với mục đích trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn. Trên Semantic Web, máy móc sẽ xử lý nội dung giống con người. Để máy móc có thể xử lý nội dung giống con người, trí tuệ nhân tạo là yếu tố then chốt.

Nhiều tỷ phú cho rằng mặc dù Web3 là một ý tưởng đầy hứa hẹn, nhưng việc triển khai nó trong thực tế là đầy khó khăn. Cụ thể, tỷ phú Elon Musk cho rằng phải mất vài chục năm Web3 mới trở nên phổ biến đối với người dùng. Từ quan điểm của một người làm công nghệ, anh chia sẻ như thế nào về điều này?

Tốc độ của Web3 còn khá chậm do mọi thông tin đều phải được xác thực và xác nhận bởi các Node trong mạng. Ngoài ra, việc sử dụng Web3 còn đòi hỏi một số phần cứng và cơ sở hạ tầng phù hợp, cũng như việc người dùng phải có một hiểu biết nhất định về Blockchain.

Mặt khác, người dùng có thể dùng Web3 hoàn toàn ẩn danh nên đây là cơ hội cho nhiều tổ chức, cá nhân xấu đưa thông tin không hợp lệ lên mạng mà không sợ bị phát hiện. Với công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, chúng ta có niềm tin rằng các chuyên gia sẽ khắc phục những điều còn thiếu sót của Web3 ở hiện tại cũng như cải tiến để chúng trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Cuối cùng, Web3 sẽ phát triển như thế nào trong năm 2022?

Về cơ bản, các dự án Web3 chia làm 2 hướng: cơ sở hạ tầng và ứng dụng đến người dùng cuối. Ở phía cơ sở hạ tầng, nhiều giao thức và các mô hình lưu trữ dữ liệu đang được triển khai. Ở hướng ứng dụng, DeFi, Metaverse và DAO cũng là một phần của các dự án Web3 bởi hình thức sử dụng một tài khoản cho nhiều trang, dịch vụ một cách liền mạch. Ngoài ra, nhiều dự án Web3 đang hướng đến các dịch vụ thu hút nhiều người dùng cuối hơn như các nền tảng phát nhạc trực tuyến, mạng xã hội, trang web chia sẻ nội dung…

Cảm ơn anh!