Marketing ngành bán lẻ: Nhìn lại 2020-2021 và dự báo xu hướng trong năm 2022

Năm 2021 là một năm “ngấm đòn” COVID-19. Tuy nhiên, ngành bán lẻ nhìn chung lại có những biến chuyển tích cực nhờ áp dụng những phương pháp marketing mới. Năm 2022 vẫn trên cơ sở thích nghi với ảnh hưởng của dịch bệnh, những nhà bán lẻ sẽ phải nỗ lực thế nào để bứt phá? Cùng tham khảo dự báo của Novaon Comm về các xu hướng marketing ngành bán lẻ tương lai để tìm ra câu trả lời.

Theo báo cáo mùa thu của Colliers, tổng doanh thu của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trung bình 20% mỗi tháng so với năm 2019. Đó là một sự tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan rộng trong cộng đồng. Góp phần làm nên sự tăng trưởng ấy là sự thích nghi nhanh chóng của doanh nghiệp với những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng và áp dụng những giải pháp marketing mang tính cách mạng giai đoạn 2020-2021.

1. Marketing đa kênh

2020-2021 là thời kỳ bùng nổ của marketing đa kênh với Omnichannel khi mô hình này được áp dụng rất nhiều bởi các thương hiệu từ lớn đến SME. Nhờ đó, những doanh nghiệp này không những “sống sót” qua đại dịch, mà còn gặt hái được nhiều thành quả trong doanh số.

Điển hình như ông ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhờ áp dụng mô hình Omnichannel mạnh mẽ trong năm 2020, thương hiệu bán lẻ trang sức này đã gặt hái được những kết quả vượt kỳ vọng về doanh số bán hàng cả trực tuyến và ngoại tuyến. Chỉ trong 6 tuần chạy chiến dịch Coversational Commerce trên nền tảng Messenger, PNJ đã đạt lợi nhuận thu từ chi phí quảng cáo tăng gấp 138 lần, tỷ lệ chuyển đổi từ Messenger là 10% và 17.000 cuộc hội thoại được tạo ra.

2. Influencer Marketing

Influencer Marketing là cái tên không còn xa lạ và chưa bao giờ hết nhiệt bởi độ hiệu quả không thể chối cãi. Khảo sát do Onfluencer thực hiện chỉ ra rằng 67% doanh nghiệp nói chung đã đo lường ROI từ các chiến dịch Influencer Marketing đã và đang chạy của họ và nhận được con số cải thiện hơn 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với ngành B2C, đặc biệt là ngành bán lẻ thì Influencer Marketing là giải pháp hiệu quả, đã được chứng minh. Nhắc đến Influencer Marketing trong ngành bán lẻ & thương mại điện tử (TMĐT), người Việt đã quen với những chiến dịch kết hợp giữa Shopee, Lazada với những người nổi tiếng. Chiến lược Influencer Marketing xuyên suốt trong dịp siêu Sale 11.11 vừa qua là ví dụ rõ nét nhất, đã góp phần làm nên những con số ấn tượng của 2 sàn TMĐT Shopee và Lazada. Trong đó, Shopee với hơn 2 tỷ sản phẩm được bán ra và Lazada với doanh thu tăng gấp 2 lần chỉ trong dịp Mega Sale 11.11.

3. Marketing tự động hoá

Trước khi dịch bệnh bùng phát chúng ta đã quen với marketing tự động hoá – Marketing Automation qua email, tin nhắn SMS, chatbot tự động khi online trên các nền tảng số. Phải công nhận rằng, những lời nhắc giỏ hàng bỏ quên, hay những đề xuất sản phẩm, dịch vụ và chào hàng gửi đến người tiêu dùng hàng ngày góp phần thúc đẩy khách hàng tiến tới quyết định mua sắm thành công. Trong thời điểm dịch bệnh, hoạt động mua sắm trực tiếp bị hạn chế thì việc giữ tương tác với khách hàng lại càng quan trọng đối với thương hiệu.

Nhà bán lẻ thời trang H&M là một ví dụ thành công trong ứng dụng chatbot nâng cao hiệu quả doanh số. Do ảnh hưởng của COVID-19, nhãn này đã phải giảm thiểu số lượng cửa hàng ở các quốc gia và tham gia vào thị trường mua bán trực tuyến. Nhờ có hệ thống chatbot thông minh và được cá nhân hoá chỉn chu giúp thương hiệu tăng tỷ lệ chốt đơn và chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Giao diện chatbot thân thiện của H&M

Marketing chính là thích nghi với hành vi và tâm lý khách hàng, hành động theo sát những xu hướng tiêu dùng mới để tiếp cận tệp khách hàng tiềm năng. Vì vậy, nhìn vào những hoạt động marketing vừa qua, chúng ta có thể phần nào suy luận được những thay đổi trong hành vi mua sắm, cũng như mong muốn khách hàng để dự đoán cho xu hướng marketing ngành bán lẻ 2022.

1. Người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm và tiêu dùng

Người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã quen với sự tiện ích tại gia, khi mà thông tin và hàng hoá được cung ứng đến họ nhanh chóng và thuận tiện thông qua các kênh mua sắm online và các dịch vụ giao hàng tận nhà.

Trong hoàn cảnh bị hạn chế các hoạt động tiêu dùng và dịch vụ, người dân dành phần lớn thời gian ở trong nhà và thực hiện mọi thao tác trực tuyến thay vì đến cửa hàng trực tiếp. Mọi công đoạn mua sắm trở nên an toàn, tiện lợi và nhanh chóng hơn thông qua các kênh mạng xã hội và thương mại điện tử/giao hàng nhanh/ đánh giá trực tuyến.

Số liệu từ Sách trắng thương mại điện tử năm 2021 cho thấy, tỷ lệ người dùng tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng lên 88% kể từ khi bùng dịch vào năm 2022.

Tuy nhiên, việc không được tận tay trải nghiệm sản phẩm trước khi mua hàng cũng dẫn đến một đặc điểm trong tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, đó là kỹ càng chọn lựa. Con đường đến quyết định mua hàng trở nên gian nan hơn do sự do dự, cân nhắc của khách hàng đẩy lên cao khi hoài nghi về chất lượng sản phẩm online. Điều đó cũng lý giải tại sao Influencer Marketing lại thành công đến vậy. Thông qua những blog, review thực tế và hiệu ứng người có tầm ảnh hưởng, nhãn hàng có thể truyền tải được giá trị sản phẩm đến người tiêu dùng một cách thuyết phục hơn.

2. Người tiêu dùng mong muốn điều gì?

Như vậy, sau khi tổng kết lại những thay đổi và hành vi người tiêu dùng trong giai đoạn này, có thể phần nào hiểu được những mong muốn ngầm hiểu của họ khi thực hiện tiêu dùng.

  • Mua sắm dễ dàng và toàn diện – Không thể phủ nhận, việc thao tác và theo dõi thông tin mua – áp dụng voucher – giao – nhận hàng hoá trên thiết bị điện tử có thể khiến khách hàng bị choáng ngợp và bối rối nếu không được thiết kế thân thiện và quản lý một cách khoa học. Đặc biệt là nhóm khách hàng bận rộn, hoặc nhóm đối tượng ở độ tuổi trung niên trở lên sẽ mong muốn có một trải nghiệm mua sắm online dễ dàng và hiệu quả. Một hệ sinh thái mua sắm trực tuyến với giao diện thân thiện, hỗ trợ khách hàng toàn diện từ khâu tiếp cận thông tin – đặt hàng – thanh toán – giao vận – chăm sóc có thể sẽ đáp ứng được mong muốn ấy.
  • Giá trị sản phẩm chân thực – Mua sắm online mang lại sự tiện lợi, an toàn cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng đem lại cho họ cảm giác hoài nghi chất lượng sản phẩm. Rất nhiều trường hợp mua hàng và kỳ vọng vào sản phẩm để rồi nhận lại sự thất vọng, bức bối khi nhận hàng với chất lượng kém, không thể sử dụng hoặc không xứng với số tiền họ bỏ ra. Có thể thấy, trong bối cảnh mua hàng qua mạng chỉ có thể thấy sản phẩm bằng mắt, điều khách hàng cần nhất là giá trị sản phẩm được phản ánh chân thực qua các hoạt động quảng cáo và truyền thông mà nhãn hàng thực hiện

Theo MetaforBusiness đã khảo sát, đối với những người thay đổi thương hiệu và trang web mua hàng, độ tin cậy và giá trị là những lý do được nhắc đến nhiều nhất, bất kể ở quốc gia nào.

Dựa vào sự tương đồng trong bối cảnh dịch bệnh và minh chứng từ thành công của marketing bán lẻ 2020-2021, có thể dự đoán, xu hướng marketing bán lẻ 2022 sẽ phát huy những thế mạnh giai đoạn trước và thực hiện cải tiến dựa trên tiêu chí tập trung vào con người nhiều hơn, lắng nghe những nhu cầu của khách hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm cá nhân (Personalized Marketing).

1. Influencer Marketing: Sẽ tiếp tục là xu hướng với phương cách tiếp cận mới đến từ doanh nghiệp

Nhìn vào tương lai ngành bán lẻ năm 2022, Influencer Marketing vẫn sẽ là một xu hướng tiềm năng nhờ tiếp bước thành công năm 2021 và sự phát triển của ngành giải trí, đặc biệt là giải trí số trong thời điểm dịch bệnh. Số lượng KOL, Micro Influencer trên các nền tảng số như TikTok, YouTube, Instagram... tăng nhanh chóng và có lượng tương tác “khủng”. Các chương trình truyền hình “hot” liên tục sản sinh ra nhiều người nổi tiếng thế hệ mới có độ nhận diện và yêu thích cao như Rap Việt, The Face... trở thành nguồn tài nguyên phong phú để Influencer Marketing bùng nổ.

Hiệu ứng tích cực của công chúng dành cho các chiến dịch Influencer Marketing Biti’s, Tiki... hoặc gần đây là màn kết hợp giữa Rap Việt và Juno đã chứng tỏ sức mạnh của giải pháp tiếp thị này. Cụ thể hơn, thông qua sự góp mặt của Hydra – Nul cùng siêu mẫu Minh Tú, MV Juno Black Friday của Juno đã thành công thu về hơn 1,6 triệu views, thu hút sự quan tâm của công chúng với thông điệp Siêu Sale Siêu Đứng.

Xét trên phương diện tâm lý của công chúng về lòng tin đối với những sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, Influencer Marketing lại càng phát huy được thế mạnh.

Người tiêu dùng thường coi những người nổi tiếng là nguồn thông tin giao tiếp đáng tin cậy (Goldsmith và cộng sự, 2000).

Tuy nhiên, mục tiêu năm 2022 đặt ra sẽ là hướng tiếp cận mới cho Influencer Marketing để đáp ứng được mong muốn về giá trị chân thực mà người tiêu dùng tìm kiếm trong thời kỳ mua sắm trực tuyến lên ngôi.

Influencer Marketing 2022 sẽ là thời đại của Influencer vừa và nhỏ, những người sáng tạo nội dung giải trí tự do trên các nền tảng xã hội số như TikTok, Instagram, YouTube... Hình thức và nội dung quảng cáo sẽ không chỉ dừng lại ở những blog, video ngắn, vlog review sản phẩm mà cần phải hướng đến cả những giá trị khác sâu sắc hơn, truyền tải giá trị chân thực của thương hiệu và khơi gợi được hảo cảm trong lòng công chúng. Trong năm tới, nội dung quảng cáo sẽ do Influencer đồng sáng tạo cùng thương hiệu và được lồng ghép khéo léo trong những sản phẩm “mang chất” của Influencer đó. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề về sức khoẻ và trách nhiệm cộng đồng cũng là mối quan tâm hàng đầu của công chúng. Những nhà sáng tạo nội dung liên quan đến giáo dục, sức khoẻ, giải trí và trải nghiệm sẽ là đối tác tiềm năng cho thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu mới.

Những nội dung về giáo dục, sức khoẻ nhận được tương tác tích cực trên nền tảng TikTok

2. Marketing áp dụng công nghệ: Cơ hội lớn từ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR)

Marketing bán lẻ 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở Marketing Automation qua tin nhắn tự động đến khách hàng, mà sẽ xuất hiện sự bùng nổ công nghệ thực tế ảo tăng cường AR. Thực tế, các nhà bán lẻ đã rất chuộng công nghệ này trong hoạt động kinh doanh và marketing của mình. Hãng bán lẻ kính mắt EyeBuyDirect đã ứng dụng công nghệ AR cho việc thử kính mắt trên website của mình, lôi kéo được sự thích thú của khách hàng và tạo trải nghiệm sản phẩm vừa mới lạ, vừa tiện lợi.

Hãng bán lẻ kính mắt EyeBuyDirect đã ứng dụng công nghệ AR cho việc thử kính mắt trên website của mình

Với sự bùng nổ của thị trường công nghệ AR trong năm 2022, dự đoán, công nghệ AR sẽ không còn chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực lớn mà còn mở ra cơ hội cho các hãng bán lẻ SME.

Theo Statista, đến năm 2022, quy mô thị trường thực tế ảo tăng cường AR sẽ tăng lên 12,85 tí USD và đạt mức tăng trưởng 1,3 lần so với năm 2021, dự báo tiềm năng bùng nổ của ứng dụng của công nghệ AR vào các ngành kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ.

Trong bối cảnh người tiêu dùng còn phụ thuộc rất nhiều vào mua sắm trực tuyến vì đại dịch COVID-19, những nhãn hàng áp dụng công nghệ AR sẽ lấp được khoảng cách giữa kỹ thuật số và thực thể bằng cách mang lại trải nghiệm sản phẩm sinh động cho khách hàng thông qua sự hỗ trợ của công nghệ này. Nhiều thương hiệu tiêu dùng lớn đa quốc gia như IKEA, Home Depot, Target đã và đang có riêng hệ thống mua sắm thực tế ảo của riêng mình. Năm 2022, với sự phát triển lan toả của Metaverse, không chỉ thương hiệu lớn mà cả thương hiệu vừa và nhỏ cũng sẽ có động lực để thử sức với truyền thông áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường.

Kết quả ấn tượng đến từ ứng dụng AR của Shopify

Có thể khẳng định, các thao tác mua sắm và trải nghiệm sản phẩm sẽ trở nên sinh động, dễ dàng hơn thông qua công nghệ AR. Đây sẽ là xu hướng tất yếu trong mảng truyền thông chuyển đổi số mạnh mẽ đang tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tổng kết

Như vậy, Novaon Comm đã đưa ra dự đoán 2 xu hướng giúp nhãn hàng phần nào hình dung được bối cảnh marketing nhóm ngành bán lẻ trong năm 2022 tới. Sự thay đổi để bắt kịp xu hướng là điều sống còn để thương hiệu bán lẻ có thể trụ vững và phát triển trong bối cảnh đầy thử thách khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành.

Novaon Comm đã và đang là đơn vị tư vấn chiến lược Digital Marketing cho nhiều nhãn hàng lớn, hân hạnh đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình hội nhập với thời đại chuyển đổi đổi số với những giải pháp sáng tạo, giải quyết bài toán về đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tìm hiểu thêm về Novaon Comm và giải pháp tại đây.