Từ Yahoo đến Pokémon Go: Doanh nghiệp rút ra điều gì?

Yahoo vừa 'khai tử' messenger. Pokémon Go vừa 'khai sinh' tại Việt Nam. Một bên là gã khổng lồ đã sụp đổ, bên kia là kẻ tí hon lên ngôi trong chớp mắt. Bài học cho doanh nghiệp là gì?

Kinh doanh không phải là cuộc chơi dành cho sự bảo thủ hay ngại đổi mới. Trường hợp sụp đổ của những tập đoàn từng là đế chế một thời như Nokia và mới đây nhất là Yahoo đã chứng minh rằng việc doanh nghiệp thích nghi với những thay đổi của thời đại là một trong những điều kiện tiên quyết cho hoạt động kinh doanh.

Thực tế cho thấy những tổ chức cho dù từng thống lĩnh thị trường một thời nhưng khi va vấp với những thay đổi của thời đại mà chậm hoặc không đổi mới thì đã gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Từ thất bại cay đắng mang tên Nokia và thương vụ buồn của ‘đế chế’ Yahoo

Có lẽ đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử người ta chứng kiến sự sụp đổ của những tập đoàn lớn từng làm mưa làm gió thống trị thị trường một thời.

“Chúng tôi chẳng làm gì sai cả, nhưng vì lý do nào đó mà chúng tôi đã thất bại” là phát biểu của đại diện Nokia trong ngày tàn của tập đoàn từng thống lĩnh hơn 50% thị phần điện thoại di động toàn cầu. Một bài đăng của Ziyad Jawabra cho biết, với sự thay đổi của thời đại thì chúng ta không cần làm điều gì sai, chỉ cần đối thủ của chúng ta nắm bắt được thời thế và làm điều đúng là đã đủ để ta từ giã cuộc chơi.

Hình 1: Thị phần của Nokia qua các năm – by Statistica.

Albert Einstein cũng có câu: “Nếu bạn chưa từng làm gì sai thì chứng tỏ bạn chẳng bao giờ làm gì mới.”, dịch ngược lại câu ‘chúng tôi chẳng làm điều gì sai’ chính là ‘chúng tôi chẳng làm điều gì mới’, và có lẽ đó chính là sai lầm lớn nhất đã đẩy tập đoàn hùng mạnh này đến bờ vực phá sản.

Một trường hợp gần đây nhất là thương vụ bán lại Yahoo với mức giá chỉ bằng chưa đến 5% giá trị của công ty thời hoàng kim. Từng manh nha mua lại cả Google và Facebook, Yahoo giờ đây được bán lại với 4.8 tỉ đô la về tay Verizon. Rất nhiều ý kiến và phân tích được đưa ra về nguyên nhân cho sự lụi tàn của công ty công nghệ lừng danh này, nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, không thể phủ nhận trong đó có nguyên nhân do Yahoo chậm tiếp cận những xu hướng mới của người dùng, và chậm đổi mới để thích ứng với những thay đổi của thời đại.

Hình 2: Câu chuyện buồn của Yahoo từng một thời hoàng kim, nay chỉ như đống tàn tro.

Nhưng trên đây chỉ là một vài câu chuyện nổi trội trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ khác phải đối mặt với nguy cơ giải thể mỗi năm.

Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thiếu vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Nhưng còn những doanh nghiệp lớn thì sao? Hầu hết những tập đoàn hùng mạnh thất bại không phải vì khó khăn tài chính, theo thông tin từ Analytics Magazine - tạp chí chuyên về các nghiên cứu trong kinh doanh – thì lời giải thích hợp lý nhất dường như là vì họ quá bám vào những mô thức cũ kỹ của quá khứ mà thiếu những bước đi mạo hiểm có tính toán để đáp ứng với những thay đổi của thời đại. Nói cách khác, họ thiếu sự đổi mới.

Điều này cho thấy, cho dù quy mô là gì đi nữa, đổi mới cũng luôn là chuyện thiết yếu đối với doanh nghiệp để trường tồn và phát triển. Thay đổi là thứ không thể tránh khỏi, nó thậm chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, đổi mới không chỉ cần để phát triển, mà còn cần để sống sót. Chiến lược đổi mới doanh nghiệp vì thế có thể coi là một trong những bước đi sống còn trước những biến chuyển của thời đại.

Cho đến Pokémon Go – một “thiên nga đen” lên ngôi trong chớp mắt

Trong cuốn sách “Thiên Nga Đen” của Nassim Taleb – một chuyên gia hàng đầu phố Wall về chống khủng hoảng kinh tế – ông đã chỉ ra khái niệm về “thiên nga đen”: “Thiên nga đen” là sự việc dường như không tưởng nhưng lại thực sự xảy ra khi người ta không thể dự đoán được, và tạo nên những biến chuyển lớn cũng như có sức ảnh hưởng khổng lồ đến những gì tiếp xúc với nó.

Theo đó, Google có thể xem là một “thiên nga đen”, cũng như Facebook và những tập đoàn mà chỉ trong vài năm đã chiếm lĩnh vị trí ngôi vương mà những công ty khác có thể mất đến hàng thập kỷ và thậm chí thế kỷ để gầy dựng nên. Tương tự, sự sụp đổ chóng vánh của những doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi cũng có thể là “thiên nga đen”. Và gần đây nhất là sự lên ngôi với tốc độ chưa từng có tiền lệ của Pokémon Go – trò chơi di động đang tạo cơn sốt trên thế giới, nhất là đối với thế hệ Y (millennials) – khi chỉ trong chưa đầy 2 tháng kể từ ngày ra mắt nó đã tạo nên một làn sóng khổng lồ ảnh hưởng đến không chỉ về kinh tế mà còn nhiều vấn đề xã hội khác. Đây không phải là trò chơi di động đầu tiên tạo nên cơn lốc, nhưng điều đáng nói ở đây là ngay cả với những trường hợp tương tự đã xảy ra trước đây, người ta cũng không thể dự đoán được chuyện này, vì nó không giống với bất kỳ mẫu hình nào trước đó. Dĩ nhiên, còn quá sớm để có thể khẳng định nó là tốt hay không, nhưng nó đã góp phần rất lớn để chứng minh rằng thế giới đầy bất định và khó ước đoán ngay cả với những tính toán tinh vi nhất của con người.

Hình 3: Pokémon Go – “kẻ thống trị hành tinh” mới sẽ ‘ngự trị được bao lâu trên ngai vàng của mình?

Nguyên nhân của việc này, theo Nassim Taleb thì một phần là do những thiếu sót của con người nói chung và khá nhiều doanh nghiệp nói riêng khi chỉ chú ý đến những chi tiết nhỏ lẻ, rời rạc, mà thiếu một tầm nhìn đủ sâu rộng về bức tranh toàn cảnh. Dĩ nhiên, thuyết của Nassim Taleb không chỉ dừng ở đó, nhưng quan trọng là từ đó cuốn sách chỉ ra rằng sự thay đổi là một thứ không thể chống lại, và bất định là điều duy nhất bất biến, do đó thứ tệ nhất người ta có thể làm là bám vào một mô thức hay mẫu hình nào quá lâu, quá cứng nhắc cho dù nó từng hiệu quả, và thứ tốt nhất để làm là chuẩn bị thật sẵn sàng nhằm đón đầu, đối mặt và tiến lên cùng sự thay đổi để phát triển.

Doanh nghiệp có thể rút ra điều gì?

Nhìn chung, mọi mẫu hình đều có giá trị trong một thời gian và điều kiện nhất định, và chúng cần thường xuyên được cập nhật, đổi mới để tương thích với những đổi thay của thời thế. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thường liên tưởng kinh doanh như chơi lướt sóng: chúng ta không thể bắt biển ngừng vỗ sóng, cũng như bắt thế giới ngừng biến động, càng không thể bắt những con sóng phải theo tầng suất và hình thái như ý muốn, giống như ta chẳng thể bắt sự thay đổi diễn ra theo cách mình muốn, vậy thì cách duy nhất để giữ thăng bằng là học lướt ván, ứng biến và thích nghi với những con sóng, sẵn sàng đối mặt và lướt qua mà không bị nó nuốt chửng, và đó là cách người chơi giỏi dùng để chinh phục những làn sóng của sự thay đổi tất yếu trong môi trường kinh doanh.

Mặt khác, việc đổi mới một cách mù quáng cùng những sai lầm dễ mắc phải của đổi mới cũng dễ dẫn đến những hậu quả không mấy tốt đẹp cho doanh nghiệp. Vậy đổi mới cũng nguy hiểm, nhưng không đổi mới lại chết người. Đứng trong thế tiến thoái lưỡng nan, doanh nghiệp phải làm sao? Có lẽ, điều họ cần là một định hướng đổi mới vững chắc và hiệu quả theo từng thời kỳ để có thể điều hướng và lèo lái con tàu của mình đến đích.

Trong bản báo cáo xếp hạng Chỉ Số Đổi Mới của 141 quốc gia năm 2015, Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Toàn Cầu (WIPO) đã phân tích nhiều phương diện và lĩnh vực đời sống trong năm, và chỉ ra rằng đổi mới đã và luôn là yếu tố quan trọng thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội. Bảng báo cáo của WIPO cũng nêu rõ đổi mới không còn là đặc quyền của riêng những quốc gia có nền kinh tế phát triển nữa, mà những năm gần đây chính những quốc gia đang phát triển hay điều kiện kinh tế còn yếu kém cũng đang càng ngày càng tăng cường chính sách để gia tăng năng lực đổi mới của mình.

Hình 4: Top 10 quốc gia trong bảng xếp hạng 141 quốc gia theo chỉ số đổi mới toàn cầu, trong đó có các khía cạnh liên quan đến kinh tế.

Điều này cho thấy đổi mới là yếu tố quan trọng ở cả cấp độ vĩ mô như nền kinh tế chung của cả một quốc gia, và càng hết sức thực tiễn ở những tầng lớp vi mô hơn như mỗi tổ chức, doanh nghiệp cho đến từng phòng ban, bộ phận. Rõ ràng có sự song hành không thể tách rời của đổi mới và phát triển, nói cách khác, muốn phát triển thì buộc phải đổi mới. Không ngạc nhiên khi đứng đầu bảng xếp hạng là những quốc gia phát triển, có nền kinh tế mạnh trên thế giới. Năm 2015, tổ chức Dale Carnegie đã tiến hành nghiên cứu những doanh nghiệp thuộc các quốc gia này để tìm ra NHỮNG XU HƯỚNG ĐỔI MỚI TRỌNG YẾU đã giúp các công ty này vượt qua thử thách của thời hiện đại. Kết quả cho thấy, thời kỳ gần đây các doanh nghiệp thuộc những quốc gia đổi mới hàng đầu đã có những bước đi thuộc 6 xu hướng chính, từ đó đưa ra mô hình đổi mới 3+3:

Việt Nam đứng thứ 52 trong số 141 quốc gia về chỉ số đổi mới, điều này nói lên rằng chúng ta đang đứng trước một ngã ba đường với nhiều cơ hội và lựa chọn lẫn gian nan, thử thách. Đưa đổi mới theo từng thời đại làm chiến lược cốt lõi và liên tục tham khảo những xu hướng của các doanh nghiệp hiệu quả là việc không bao giờ thừa.

Bài học đắt giá từ những tập đoàn hàng đầu cũng như sự bất định và thay đổi vô chừng của thời thế khiến việc thường xuyên cập nhật và nắm bắt xu hướng để kịp thời đổi mới và thích nghi trở nên không còn là việc xa xôi, mà là thứ sống còn đối với tổ chức cho dù thuộc ngành nghề nào. Giữa mê cung đổi mới của thế giới hiện đại, việc tìm ra những xu hướng chính theo nguyên tắc 80/20 sẽ góp phần to lớn tạo nên lợi thế tối ưu cho doanh nghiệp.

Dành cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp: Tham gia khảo sát 10′ để nhận kết quả Nghiên cứu về xu hướng chiến lược kinh doanh trên thế giới và tại Việt Nam, trong đó có xu hướng đổi mới của doanh nghiệp các quốc gia có chỉ số đổi mới cao nhất toàn cầu.

* Bài viết này cũng đã được đăng tại Dale Carnegie Vietnam và trang Linked In cá nhân cùng với các nguồn tham khảo.