Các hãng smartphone Việt định vị thương hiệu và định giá sản phẩm như thế nào?

Những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thương hiệu smatphone Việt như: Mobistar, VNPT, Viettel, Asanzo, Vinsmart, Bphone với hi vọng cạnh tranh với các sản phẩm của Samsung, Oppo đang chiếm lĩnh tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, trên thị trường gần như chỉ còn lại Bphone. Vậy, các hãng này họ đã có định vị như thế nào khi ra mắt sản phẩm?

Các nhà mạng như VNPT, Viettel làm điện thoại để bán kèm giá cước với mục tiêu “vợt thêm thuê bao” là chính, vì vậy đã không để lại dấu ấn trên thị trường. Mobistar, Asanzo, Vinsmart có điểm chung là sản phẩm theo hình thức ODM (ODM - Original design manufacturer – là thuê một công ty thiết kế và sản xuất một sản phẩm, theo quy định, cuối cùng được đổi thương hiệu để bán) ban đầu khi ra mắt cũng có một thị phần nhất định trên thị trường, nhưng dần dần “đuối sức” trong cuộc chiến về giá là không thể cạnh tranh được với các hãng đến từ Trung Quốc như: Oppo, Xiaomi … Nguyên nhân của sự “đuối sức” là do định vị phân khúc giá rẻ vì vậy bị cuốn vào cuộc chạy đua về cấu hình cao, giá rẻ, đối đầu trực tiếp với các hãng đến từ “thủ phủ giá rẻ”. Hơn nữa khi đã làm giá rẻ thì phải luôn nghĩ làm thế nào để rẻ hơn, và rẻ hơn nữa, việc đó đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt giảm rất nhiều thứ kể cả lợi nhuận và chấp nhận lỗ khi bán ra thị trường. Cứ như vậy, sẽ không thể có sức “chiến đấu lâu dài” , khách hàng sẽ định vị đây là hãng bán sản phẩm giá rẻ, khi đó, nếu muốn làm sản phẩm ở phân khúc giá cao hơn sẽ rất khó khăn. Ngay cả một ông lớn như Vingroup, được kì vọng là sẽ thành công thì đến giữa năm 2021 vừa qua đã chính thức rút khỏi thị trường.

Hãng còn lại là Bkav, khi ra mắt Bphone hãng đã có những phát ngôn gây sốc mạnh mẽ như: tốt nhất thế giới, điện thoại chất thậm chí tuyên bố cạnh tranh với các hãng apple, Samsung … Cách làm của Bkav đi ngược việc định giá sản phẩm với các hãng smartphone Việt khác. Bkav đã định vị là smartphone cao cấp và giá bán không hề rẻ, thế hệ Bphone 1 ra mắt giá khởi điểm phiên bản thấp nhất là 9,9 triệu có bản mạ vàng lên tới hơn 20 triệu. Những phiên bản Bphone ra mắt sau đó, hãng này cũng định giá sản phẩm trong những phân khúc từ cận cao cấp trở lên. Với mức giá cao như vậy, Bphone của Bkav đã chịu không ít những “gạch đá” từ cư dân mạng. Nói về việc này, CEO Bkav cho rằng, họ định vị là nhà sản xuất gốc (OEM - Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc, tự thiết kế và sản xuất sản phẩm), làm sản phẩm cao cấp, nên chấp nhận đi từ “khó đến dễ” để tránh bẫy định vị thương hiệu của các hãng đã làm giá rẻ ngay tư đầu. Ông Quảng cho biết, Bkav muốn làm chủ công nghệ, định vị thương hiệu nhà sản xuất cao cấp trước, thì đến khi họ làm giá rẻ, làm theo kiểu ODM sẽ dễ dàng hơn tiếp cận khách hàng hơn. Theo công bố của Bkav, Bphone đang chuẩn bị cho ra mắt dòng sản phẩm ở phân khúc giá rẻ trong năm 2021 này.

Trong một bối cảnh thị trường smartphone bão hòa và nhiều cạnh tranh đến từ các nhà sản xuất nước ngoài, định vị thương hiệu và định giá sản phẩm smartphone thế nào để các hãng Việt thành công được trên sân nhà đến giờ chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời. Liệu hãng smartphone Việt duy nhất hiện tại là Bphone có làm nên chuyện trong tương lai? Tuy thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra câu trả lời nhưng hi vọng rằng, Việt Nam sẽ có một hãng Smartphone đúng nghĩa, thành công và cạnh tranh ngang hàng với các hãng smartphone khác trên thế giới.