Chiến lược xây dựng thương hiệu gia đình (branding family) của ADC và Cholimex có gì khác nhau?

Chiến lược xây dựng thương hiệu gia đình (branding family) có một vài ưu điểm như gia tăng tài sản thương hiệu, người tiêu dùng có trải nghiệm tốt với một vài sản phẩm sẽ có thái độ tốt với những sản phẩm cùng tên khác của công ty. Do vậy, chiến lược này còn dùng để mở rộng chủng loại sản phẩm khi công ty muốn xâm nhập vào thị trường mới. Chiến lược này cũng giúp giảm ngân sách quảng cáo cho sản phẩm mới.

Điều này có thể thấy rõ ở thương hiệu của ADC. ADC là một công ty chuyên về các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long được thành lập vào ngày 09/9/1999.

Sau khi phát triển ổn định thì đến năm 2005, ADC tham gia vào ngành dược phẩm và cho ra đời thương hiệu ADC PHARMA.

Tiếp theo đó, đến năm 2006, ADC tham gia vào ngành thực phẩm và ra đời thương hiệu ADC FOODS.

Năm 2006, ADC tham gia vào lĩnh vực thuỷ sản với tên gọi ADC Aquatic Nutrition.

Năm 2013, ADC tham gia vào ngành gạo và cho ra đời ADC RICE.

ADC đã sử dụng sức mạnh thương hiệu của mình ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long trong lĩnh vực nông nghiệp để đầu tư và phát triển thêm các lĩnh vực mới. Khi một sản phẩm mới được tung ra thị trường, trước mắt sẽ được đứng dưới tên gọi ADC + Ngành, sau một khoảng thời gian khi ngành đó phát triển thì sẽ ADC sẽ thành lập một công ty con chuyên về ngành đó. Từ đây, thương hiệu mới có thể phát triển độc lập và hạn chế các rủi ro về cạnh tranh giữa các thương hiệu trong cùng tập đoàn.

Còn đối với Cholimex, công ty Cholimex được thành lập ngày 15/4/1981. Giai đoạn năm 1983-1985 công ty Cholimex có xí nghiệp chế biến Hải sản và thực phẩm xuất khẩu gọi tắt là Cholimexfood, ban lãnh đạo Cholimexfood bắt đầu nghiên cứu sản xuất tương ớt, và một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh để tăng lợi thế cạnh tranh và bắt kịp nhu cầu tiêu dùng. Năm 2006 Cholimexfood bắt đầu cổ phần hoá, đến năm 2018 doanh thu của công ty đã đạt 1.954 tỷ đồng.

Trên đây là chiến lược branding family mà 2 thương hiệu ADC và Cholimex áp dụng để mở rộng và phát triển những ngành mới. Với chiến lược này, nếu thương hiệu con thuộc ngành mới phù hợp với thị trường thì sẽ có tốc độ phát triển nhanh chóng hơn cả thương hiệu gốc ban đầu. Cụ thể là doanh thu và lợi nhuận của Cholimexfood hơn cả của công ty Cholimex.

Tuy nhiên, rủi ro của chiến lược này là có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các sản phẩm của cùng công ty nên cách tiếp cận này chỉ mang lại hiệu quả khi sản phẩm mới cạnh tranh với sản phẩm của đối thủ và giúp thu hút khách hàng mới.