Học được gì qua cách Huawei giải quyết khủng hoảng truyền thông?

Huawei là một thương hiệu vẫn luôn gặp những khó khăn từ năm 2019 khi vấp phải những cản trở của Mỹ và các nước đồng minh. Tuy nhiên, khác với những dự đoán tiêu cực, thương hiệu này vẫn giữ vững vị thế trên thị trường và mức tăng trưởng doanh thu.

Cáo buộc của Mỹ đối với Huawei về vấn đề an ninh (2019)

Vào năm 2019, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi bị tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc hãng này có hành vi đánh cắp các bí mật thương mại. Do vậy, hãng đã bị Mỹ đưa vào bản danh sách đen thương mại vào tháng 5 năm 2019 và thực hiện một chiến dịch chống Huawei với lý do quan ngại an ninh quốc gia. Hành động này của Mỹ đã khiến Huawei gặp phải những trở ngại trong hoạt động kinh doanh khi hàng loạt các hãng công nghệ khác như Google và Intel từ chối cung cấp dịch vụ cho thiết bị của Huawei. Các nước đồng minh của Mỹ như Anh và Đức sau đó cũng có những động thái nghiêm cấm và cản trở hãng công nghệ này ở châu Âu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường của Huawei và kế hoạch phát triển mạng 5G. Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc CFO và cũng là con gái của nhà sáng lập Huawei, Mạnh Vãn Chu, có hành vi gian lận chuyển tiền và giao dịch với Iran khiến bà bị quản thúc ở Canada trong suốt 3 năm.

Huawei đối diện với các cáo buộc của Mỹ vào năm 2019. Nguồn: ETime

Đối với những cáo buộc của Mỹ và các nước đồng minh, Huawei đã có những động thái đáp trả mạnh mẽ theo 3 nguyên tắc

1. Chuẩn bị sẵn sàng

Luôn chuẩn bị trước các kế hoạch dự phòng và kịch bản cho mọi trường hợp để có thể thích ứng và đưa ra cách xử lý thích đáng trong mọi trường hợp. Những chuẩn bị của Huawei trong mảng công nghệ đã giúp hãng công nghệ viễn thông này giảm thiểu được tổn hại khi bị các hãng công nghệ khác như Google, Intel và Android từ chối cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn như sử dụng hệ điều hành Hongmeng OS thay thế cho Android, cho ra đời dòng điện thoại mới Mate X, P40 Pro và Huawei Watch GT 2e với những chiến dịch truyền thông và tính năng thu hút.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường có xu hướng bỏ qua bước này vì cho rằng các kế hoạch dự phòng rất tốn thời gian và công sức nhưng khi xảy ra khủng hoảng, những kế hoạch này lại có lợi thế khi giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực khi các thành viên trong nhóm có thể nhanh chóng phản ứng.

2. Phản ứng nhanh

Điều quan trọng nhất trước khi xử lý bất kỳ một khủng hoảng nào là nhận thức được nó ngay tức khắc. Sau khi nắm bắt được tình hình, cá nhân hoặc tổ chức cần lập tức đưa ra phản hồi để hạn chế tối đa những tin đồn, đặc biệt trên mạng xã hội do sự phát triển của các kênh earned media trên phương tiện truyền thông này, và giành lại quyền chủ động kiểm soát tình hình.

Trong hơn 3 năm vướng phải những cản trở của Mỹ và các nước đồng minh, Huawei luôn luôn nhanh chóng đáp trả lại các cáo buộc và động thái của Mỹ. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể giảm thiểu những tin đồn tiêu cực. Ngoài ra, việc nhanh chóng hợp tác và duy trì quan hệ với những tập đoàn như Samsung, TomTom và Telenor để hạn chế những thiệt hại công nghệ và duy trì vị thế của Huawei trong kế hoạch phát triển mạng 5G.

3. Minh bạch

Các phát ngôn và các hành động được đưa ra nhằm giải quyết khủng hoảng cần được đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Chỉ cần một thông tin sai lệch cũng có thể khiến danh tiếng đang bị ảnh hưởng tiêu cực của cá nhân hay doanh nghiệp hoàn toàn sụp đổ trong mắt công chúng và hệ lụy kéo theo sẽ còn nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra trước đó rất nhiều. Vậy nên cá nhân hay doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm, nói ra sự thật và không bao giờ thực hiện hành vi che đậy, gian dối hoặc phi đạo đức dưới bất kỳ hình thức nào.

Sau khi nhận phải những cáo buộc trên, Huawei đã công khai cung cấp những thông tin cần thiết để bảo vệ danh tiếng an toàn bảo mật trong suốt 30 năm của hãng. Nhà sáng lập và CEO của Huawei Nhậm Chính Phi cũng đã nhiều lần lên án những cáo buộc chống lại tập đoàn của ông và lệnh bắt giữ con gái ông, Mạnh Vãn Chu, bắt nguồn từ những mục đích chính trị. Những thông tin, lý do và quan điểm của ông và Huawei được công khai với truyền thông và công chúng qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp và phát ngôn chính thức để giải thích tình hình. Ngoài ra, thắng lợi trong phiên tòa của bà Mạnh Vãn Chu cũng phần nào chứng minh được sự minh bạch của Huawei.

Bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc sau 3 năm bị quản thúc ở Canada. Nguồn: CNN

Nhờ kế hoạch xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, Huawei đã thành công hướng sự chú ý của dư luận theo định hướng của công ty. Ngoài ra, về mặt doanh thu, công ty cũng thành công giữ vững vị thế trên thị trường và tăng trưởng doanh thu vào năm 2020 bất chấp những cản trở của Mỹ và các nước đồng minh.

Có thể nói, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra ở bất cứ đâu và đối với bất kỳ thương hiệu nào. Vậy nên, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch và kịch bản trong mọi tình huống. Ngoài ra, đứng trước những tác động tiêu cực đó, các doanh nghiệp cần bình tĩnh để đưa ra những động thái trong thời gian sớm nhất một cách minh bạch và chính xác để hạn chế những tin đồn không đáng có ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp.

Mibrand Vietnam là Công ty Tư vấn Thương hiệu, cung cấp các giải pháp Nghiên cứu thị trường; Đo lường hiệu quả truyền thông thương hiệu, sức khỏe thương hiệu; Định giá thương hiệu. Mibrand Vietnam từng có nhiều dự án tư vấn thành công cho các đối tác lớn như Vietcombank, BIDV, VPBank, HDBank…