Tiếp thị thương hiệu điểm đến trong thời kỳ Covid-19

Năm 2020 khi đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề lên ngành du lịch, đây cũng là thời điểm mà các nhà tiếp thị thương hiệu điểm đến phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ việc tiếp thị thúc đẩy hành động đi du lịch đã chuyển thành khuyến khích du khách hãy ở nhà của mình. Trong bối cảnh nhiều biến động, hơn bao giờ hết điểm đến cần duy trì thương hiệu để giữ vị thế cạnh tranh và cũng là chuẩn bị cho mình một vị trí tốt trên con đường phục hồi sắp tới.

Sức mạnh của thương hiệu trong việc phục hồi của điểm đến

Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ tháng 12-2019 và không có dấu hiệu nào cho thấy rằng nó sẽ kết thúc, ít nhất là tới thời điểm hiện tại. Đây là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe vì vậy không có gì ngạc nhiên khi an toàn trở thành yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến quyết định của du khách. Tuy nhiên, chúng ta thử nghĩ về một tương lai không xa, khi việc tiêm vaccine trở nên rộng rãi, các điểm đến đều an toàn, yếu tố an toàn đã trở thành yếu tố cốt lõi thì sẽ như thế nào? Lúc này thì thương hiệu sẽ quan trọng hơn bao giờ hết vì là yếu tố để du khách nhận biết điểm đến. Thậm chí vai trò của nó còn lớn hơn trước khi đại dịch xảy ra vì sự cạnh tranh hồi phục là khốc liệt hơn bao giờ hết.

Thế giới thay đổi, chúng ta hành động

Khi các chính sách, thủ tục về di chuyển, hoạt động vẫn liên tục thay đổi đã mang lại không ít những thách thức cho việc xây dựng các chiến dịch tiếp thị điểm đến. Chiến dịch tiếp thị thương hiệu cũng cần khéo léo hơn, thông điệp truyền tải phải linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm. Dưới đây là một số giải pháp để điểm đến có thể giao tiếp với du khách và duy trì thương hiệu của mình:

  • Xác nhận tình hình & Duy trì thông điệp: Điều du khách muốn biết ở thời điểm hiện tại không phải là biển của bạn đẹp ra sao, giá rẻ như thế nào mà chính là tình hình của điểm đến. Hãy trung thực với du khách của bạn về sự an toàn, tình hình Covid hiện tại và những chính sách tại địa phương. Liên tục tương tác, thông tin với du khách cũng là cách mà bạn nhắn gửi với khách hàng về sự hiện diện của điểm đến.
  • Chiến dịch “ngay bây giờ”: Hãy giải quyết những vấn đề du khách muốn biết ở hiện tại để giao tiếp với họ. Các nhà tiếp thị thương hiệu cần nỗ lực và cho thấy được khả năng linh hoạt của mình để giải quyết nhanh chóng và cung cấp những thông tin mà du khách quan tâm, làm sao để nổi bật và đi trước đối thủ cạnh tranh.
  • Tăng cường kết nối cảm xúc: Sức mạnh của thương hiệu điểm đến nằm ở khả năng tận dụng các đặc điểm độc đáo của mình theo cách hấp dẫn đối tượng mục tiêu về mặt cảm xúc. Đó là một cơ chế đã được chứng minh để khơi dậy mong muốn trong người tiêu dùng bằng cách truyền đạt trải nghiệm mà không điểm đến nào khác có thể cung cấp. Những chiến dịch về mặt cảm xúc sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong thời điểm hiện tại.
  • Tiếp cận đúng thời điểm, đúng phương thức và đúng đối tượng: Những chiến dịch chung chung đã không còn hiệu quả trong thời đại cá nhân hóa nữa. Điểm đến cần những chiến dịch cụ thể cho từng thị trường khách mục tiêu, đặc biệt là thị trường khách nội địa. Thời điểm để truyền tải thông điểm cũng vô cùng quan trọng, tiếp thị online qua mạng xã hội, Youtube hay thậm chí là qua truyền hình sẽ hiệu quả hơn hết khi du khách đang phải dành hầu hết thời gian ở nhà.

Sự phát triển của ngành du lịch đã cho thấy nhiều bứt phá trước đây, vì vậy chúng ta có lý do tin rằng ngành sẽ đủ sức mạnh để hồi phục trong tương lai. Với các điểm đến, duy trì thương hiệu là một trong những giải pháp giúp tăng lợi thế cạnh tranh và hồi phục sau đại dịch. Thích ứng và linh hoạt hơn trong việc giao tiếp với du khách để chúng ta duy trì được thương hiệu của mình trong tâm trí họ. Trong thời kỳ đầy nhạy cảm, hãy khéo léo trong việc giao tiếp với du khách. Thay vì bạn nói rằng “Xin chào, tôi đang ở đây” hãy thay thế bằng “Bạn khỏe không?” cũng là cách cho du khách biết rằng bạn đang hiện diện, đang giao tiếp và quan tâm tới họ.