Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

Lãnh đạo cần sở hữu & cải thiện tư duy phản biện - tìm hiểu ngay 4 chiến thuật này

Tư duy phản biện cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo. ​​Tư duy phản biện (Critical thinking) là: “Sử dụng logic và lập luận để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các giải pháp, đưa ra kết luận và cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề”. Tư duy này được đánh giá là một trong 3 kỹ năng quan trọng nhất của tương lai theo Báo cáo Nghề nghiệp tương lai năm 2018 (The Future of Jobs Report) của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum).

Ở bài viết này, TOPPION sẽ trình bày về tầm quan trọng này cũng như đề xuất những giải pháp giúp nâng tầm tư duy phản biện, góp phần thúc đẩy hiệu quả lãnh đạo.

I. Tư duy phản biện của nhà lãnh đạo

Không có tư duy phản biện và tự phản biện, liệu lãnh đạo có thể bước ra thế giới, hay bị trói buộc trong lối mòn?

Chúng tôi tin rằng để trở thành những quản lý, lãnh đạo thì việc sở hữu tư duy phản biện là tất yếu. Bởi nó là kỹ năng thiết yếu để nhà lãnh đạo đàm phán, thương lượng trong kinh doanh và thu phục nhân tài. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức và phát huy được hết vai trò của nó trong hành trình lãnh đạo.

Hơn nữa, muốn lãnh đạo đội ngũ, trước hết phải lãnh đạo bản thân. Theo đó, người lãnh đạo đòi hỏi phải có tư duy tự phản biện để nhận định, đánh giá nhằm nhận diện khắc phục những “điểm mù” của bản thân. Đó là tư duy cần có để hội nhập vào thị trường “phẳng” ở tầm vóc toàn cầu.

II. Phương pháp cải thiện tư duy phản biện

Marshall Golsmith – bậc thầy lãnh đạo trên thế giới đã đề xuất 7 bước để cải thiện hiệu quả lãnh đạo như sau: Hỏi (Ask) - Nghe (Listen) - Cảm ơn (Thank) - Ngẫm (Think) - Phản hồi (Respond) - Hành động (Action) - Góp ý cho tương lai (Feed forward). Mô hình này cũng tương tự như quá trình thực hành tư duy phản biện.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng mô hình này vào quá trình lãnh đạo cũng như tư vấn, huấn luyện năng lực lãnh đạo cho nhiều doanh nghiệp, Chuyên gia của TOPPION đúc kết một số “chiến thuật” để cải thiện tư duy phản biện như sau:

1. Đặt câu hỏi đúng và có trọng tâm

Việc đặt câu hỏi có chủ đích và đúng trọng tâm sẽ giúp trau dồi tư duy phản biện.

Người xưa cũng đã từng nói: “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Không phải ngẫu nhiên mà “học” và “hỏi” lại trở thành một cụm từ để chỉ quá trình tìm tòi, nghiên cứu, làm giàu vốn hiểu biết. Đặt câu hỏi cũng được xem là một “nghệ thuật” trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hoạt động lãnh đạo và coaching, mentoring.


Kỹ thuật đặt câu hỏi vốn đã quá quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là công thức 5W1H. Đây là công thức cơ bản nhất nhưng luôn đem lại hiệu quả về mặt thông tin, kiến thức.
Tuy nhiên, đối với quá trình rèn luyện và cải thiện tư duy phản biện, bên cạnh công thức quen thuộc này thì không thể không kể đến những câu hỏi “mở”. Kỹ thuật coaching (huấn luyện) cũng sử dụng những dạng câu hỏi này như là một liệu pháp tâm lý, giúp coachee (người được huấn luyện) tự phản biện để nhận thức và khắc phục những vấn đề của bản thân.


Vậy, những câu hỏi như thế nào sẽ giúp ích cho quá trình cải thiện tư duy phản biện?
Ứng dụng công thức 5W1H để đưa ra câu hỏi có chủ đích như:

  • Câu hỏi mang tính ứng dụng

  • Câu hỏi mang tính phân tích

  • Câu hỏi mang tính tổng hợp

  • Câu hỏi mang tính diễn giải

  • Câu hỏi mang tính đánh giá

Việc đặt câu hỏi có chủ đích và đúng trọng tâm như thế cũng giống như ấn nút khởi động cho hoạt động tư duy, phân tích và lập luận, từ đó trau dồi tư duy phản biện.

2. Bồi đắp thông tin, làm giàu tri thức

Cùng với kiến thức khoa học, thông tin từ thực tiễn chính là chất liệu cơ bản cho những góc nhìn đa chiều và những nhận định sâu sắc.

Về mặt sinh học, con người trước khi muốn học chạy thì phải biết đi. Quá trình tư duy cũng thế. Trước khi có thể đưa ra những góc nhìn đa chiều, mới lạ hay những nhận định, đánh giá về các vấn đề, chúng ta cần phải có kiến thức làm cơ sở. Không một ai có thể phân tích, lập luận một cách sắc bén nếu như không có vốn kiến thức, kinh nghiệm để làm chất liệu.


Học - đương nhiên là một quá trình suốt đời, đặc biệt là đối với những nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, song song với quá trình bồi đắp hiểu biết bằng kiến thức và trải nghiệm của bản thân, những nhà lãnh đạo cũng cần một khả năng quan sát và lắng nghe để có được những góc nhìn đa chiều thực tiễn. Lắng nghe người khác, quan sát và suy ngẫm từ những tình huống thực tế đôi khi sẽ mang đến những bài học thiết thực và giá trị bất ngờ.

3. Lập luận

Đừng biến mình thành “thầy bói xem voi” chỉ vì những lập luận không thuyết phục

Lập luận là một trong những hoạt động quan trọng trong tư duy phản biện. Đó là quá trình sắp xếp lý lẽ một cách có hệ thống để trình bày, nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề. Hoặc cũng có thể được hiểu là hoạt động dựa trên nền tảng kiến thức, logic để đưa ra những lý lẽ minh chứng hay thuyết phục về một giải pháp.


Trong quá trình lãnh đạo nói chung, nhà lãnh đạo làm thế nào để thuyết phục đội ngũ đi theo định hướng, chiến lược khi không có những lập luận đủ vững để thuyết phục? Trên thực tế, nếu không có sự thuyết phục thì chiến lược vẫn có thể được thực thi. Nhưng nếu như đội ngũ thực thi không hiểu thấu đáo về mục đích và phương pháp thì cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Lập luận chính là cách giúp nhà lãnh đạo làm chủ tình huống, dẫn dắt và thuyết phục. Vậy làm thế nào để lập luận một cách chặt chẽ?


Các phương pháp như so sánh, phân tích hay diễn giải là những phương tiện hữu ích giúp những nhà lãnh đạo sắp xếp những lý lẽ, ngôn từ theo logic khoa học. Từ đó có được cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết, làm cơ sở cho quá trình đưa ra kết luận.

4. Thể hiện chính kiến, quan điểm của bản thân

Tầm vóc của nhà lãnh đạo được thể hiện qua khả năng linh hoạt trong giao tiếp với từng đối tượng riêng biệt

Là lãnh đạo, quản lý, hẳn nhiên chúng ta phải là những người có lập trường, chính kiến và quan điểm của cá nhân. Tuy nhiên, không phải bất cứ lãnh đạo nào cũng có thể thể hiện chính kiến, quan điểm của mình một cách hiệu quả.


Trong nhiều năm làm việc và tiếp xúc với lãnh đạo, TOPPION nhận ra rằng một số lãnh đạo, quản lý có phong cách giao tiếp chỉ phù hợp với một nhóm người nhất định. Thực trạng này xảy ra khi bản thân người lãnh đạo chưa thể hiện chính xác, rõ ràng chính kiến, quan điểm của chính mình. Từ đó dẫn đến việc chỉ một số người có cùng chuyên môn hoặc phong cách ngôn ngữ mới có thể hiểu và tương tác. Đây cũng là một trong những “điểm mù” phổ biến được phân tích nhiều lần trong khóa học Leader Mindset – Thay đổi tư duy lãnh đạo của TOPPION.


Một trong những năng lực và nhiệm vụ của nhà lãnh đạo chính là dùng người và phát triển con người. Sẽ như thế nào nếu lãnh đạo tự hạn chế mình bằng việc chỉ giao tiếp hiệu quả với một vài đối tượng?
Để khắc phục “điểm mù” này cũng như thay đổi phương thức giao tiếp, việc chúng ta cần làm là thực hành sơ đồ hóa vấn đề một cách súc tích và rõ ràng. Bởi những gì đơn giản nhất là những gì dễ tiếp thu nhất. Hãy linh hoạt trong việc trình bày quan điểm tùy thuộc vào từng đối tượng tiếp nhận.

Trên đây là 4 phương pháp cơ bản để cải thiện tư duy phản biện nói chung mà TOPPION đã đúc kết dựa trên kiến thức và những trải nghiệm thực tiễn.
Biết rằng rằng để có thể ngồi được ở vị trí “thuyền trưởng”, bất kỳ nhà lãnh đạo, quản lý nào cũng có khả năng tư duy phản biện. Tuy nhiên, “ngọc không mài không sáng”, nếu không phát huy và cải thiện, kỹ năng nào cũng có thể rơi vào tình trạng lạc hậu. Trong khi đó, Tư duy phản biện được ví như là “Tư duy của tư duy”. Có thể nói, Tư duy này chính là nền tảng để nâng tầm và cải thiện năng lực lãnh đạo.

Nguồn: Toppion Group.