YouNet Media: Tủ thuốc gia đình “lên ngôi” giữa mùa dịch

Các thương hiệu thuốc đang chiếm được sự chú ý lớn của người dùng trên mạng xã hội trong chùm thảo luận về “Tủ thuốc gia đình”, vậy thương hiệu nào đang được thảo luận sôi nổi & cơ hội nào dành cho các nhãn hiệu thuốc trong tương lai? Cùng YouNet Media khám phá!

Trong bối cảnh giãn cách ở các thành phố lớn và việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, nhu cầu dự trữ “tủ thuốc gia đình” trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Công cụ Social Listening từ SocialHeat ghi nhận trong 3 tuần gần đây, có đến hơn 300,000 thảo luận liên quan đến “tủ thuốc gia đình”, việc lựa chọn loại thuốc gì & nhãn hiệu thuốc nào đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và tăng đột biến.

Tham gia thảo luận, không chỉ có nhóm đối tượng là các bậc phụ huynh, mà còn có các bạn trẻ độc thân bắt đầu chủ động tìm hiểu và đặt mua các loại thuốc quan trọng. Bên cạnh những thảo luận tập trung vào các nhóm thuốc cần thiết như vitamin C, thuốc hạ sốt, men tiêu hóa..., các nhãn hàng thuốc OTC và một số trang thiết bị y tế nổi lên trong mùa dịch cũng liên tục được “gọi tên”.

Nhóm thuốc & trang thiết bị y tế cần thiết trong tủ thuốc gia đình

Trước dịch, 3 nhóm thuốc “Tiêu hoá”, “Hạ sốt” và “Cảm cúm” đã là bộ ba thuốc chủ yếu mà các mẹ thường chia sẻ với nhau. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, tủ thuốc gia đình đã trở nên đa dạng và mở rộng hơn. Bởi lẽ, bên cạnh chuẩn bị thuốc để chữa các bệnh thông thường, người dùng đã ý thức hơn về chuyện “phòng bệnh”, bổ sung sức đề kháng, tăng cường sức khoẻ. Vì vậy, các thảo luận “tăng cường sức đề kháng” bằng các bài thuốc dân gian như “trà gừng sả”, bổ sung các loại trái cây chứa nhiều Vitamin C cũng được người dùng tích cực chia sẻ gần đây.

Bên cạnh đó, tâm lý chuẩn bị trước cho trường hợp xấu khi người thân trong gia đình trở thành ca nhiễm COVID-19 đã đưa các nhóm thuốc “Giảm đau, hạ sốt” cũng như nhóm các trang thiết bị y tế như nhiệt kế, khẩu trang, xịt sát khuẩn hay kính chống giọt bắn trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trong những tuần qua.

“Hạ sốt”, “Viên sủi bổ sung vitamin C”, “Thuốc ho”, “Men vi sinh” là 4 loại thuốc được quan tâm chủ yếu với hơn 60% thảo luận. Bên cạnh đó, những loại thuốc như “men tiêu hoá”, “nước muối sinh lý” hay “bù điện giải” và các trang thiết bị y tế như “nhiệt kế”, “khẩu trang”, “kính chống giọt bắn” “máy đo nồng độ oxy” được xem là những trang bị cần phải có trong tủ thuốc gia đình.

Thuốc hạ sốt – mối bận tâm hàng đầu về sức khoẻ mùa dịch và nguy cơ ảnh hưởng bởi tin giả

Với tâm lý lo lắng lan truyền trên mạng xã hội, thuốc hạ sốt đã trở thành tâm điểm của sự quan tâm. Người dùng mạng xã hội bắt đầu chia sẻ các loại thuốc hạ sốt nên dự trữ sẵn trong tủ thuốc gia đình. Một ghi nhận đặc biệt nổi bật trong chùm thảo luận này, đó là họ có xu hướng săn lùng đúng tên loại thuốc để mua, thay vì để nhân viên tư vấn bán thuốc quyết định.

Nổi bật nhất là loạt tin tức “Tylenol có thể chữa trị COVID-19 thành công” được lan truyền, “Tylenol” cũng vì vậy được người dùng săn lùng trên các hội nhóm, cộng đồng. Ngay sau đó, các bác sĩ có uy tín đã chia sẻ về tính xác thực của tin đồn này và khuyến khích người dùng mua các thuốc hạ sốt có chứa paracetamol để dự trữ, thay vì chỉ tập trung tích trữ “Tylenol”. Trong luồng quan tâm này, top 3 các thương hiệu hạ sốt khác lần lượt là Hapacol thuộc Công ty Dược Hậu Giang DHG Pharma, Panadol – Công ty Cổ phần Dược phẩm Sanofi hay Efferalgan 500mg .

Từ trường hợp này, có thể thấy ngành hàng dược phẩm dễ rơi vào tin giả (fake news), người dùng sẽ bị định hướng bởi tin tức có độ lan truyền cao và ảnh hưởng đến các thương hiệu. Các nhãn hàng cần nắm bắt sớm những thời điểm nhạy cảm này để có hướng điều tiết dư luận phù hợp, hỗ trợ người dùng có góc nhìn đúng đắn về sản phẩm dược nói chung và hiệu quả từng loại thuốc nói riêng.

Viên sủi vitamin C – giải pháp tăng cường sức đề kháng tiện lợi tại nhà ai cũng biết, nhưng các thương hiệu lại chưa được chú ý

Là giải pháp tiện lợi và nhanh gọn, viên sủi vitamin C đã trở thành giải pháp tăng cường sức đề kháng với vị dễ uống và dễ tìm thấy tại các cửa hàng. Thương hiệu nổi bật trong chùm thảo luận lần lượt là: Berocca của Bayer, Bocalex của Dược Hậu Giang, MyVita của Công ty Cổ phần SPM, Swiss Energy thương hiệu đến từ Thuỵ Điển & Heilusan thương hiệu đến từ Đức.

Một số thương hiệu viên sủi vitamin C đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động sôi động, có thể kể đến như: Berocca chia sẻ lại chiến dịch Berocca x Isaac x Lou Hoàng với điệu nhảy 2PM; thương hiệu Bocalex triển khai các bài đăng tương tác, ưu đãi khi mua sắm; thương hiệu MyVita cũng nhanh tay triển khai loạt minigame, content tương tác và kết hợp nội dung phòng chống dịch.

Mặc dù vậy, tổng thảo luận đề cập đến các thương hiệu cụ thể còn khá khiêm tốn (3.847 thảo luận), trong khi tổng thảo luận về viên sủi vitamin C khá sôi động (62.992 thảo luận). Vì vậy, đây cũng là thời điểm để các thương hiệu viên sủi vitamin C nói riêng và các thương hiệu tăng sức đề kháng nói chung ghi dấu ấn với người dùng.

Lo xa không ai qua các mẹ – phòng dịch sao thiếu men vi sinh?

Ở nhà chống dịch, nhưng “sức khoẻ tiêu hoá” của con vẫn là mối quan tâm của mẹ. Các thảo luận về tình hình tiêu hoá của trẻ và các loại men vi sinh nên có, phân tích men tiêu hoá và men vi sinh luôn là chủ đề các mẹ quan tâm. Lo lắng cho con mình khi gặp vấn đề tiêu hoá vào mùa dịch nhưng bị hạn chế ra ngoài mua thuốc hoặc khám bệnh, các mẹ có xu hướng tìm đến các diễn đàn hoặc bác sĩ trực tuyến để được tư vấn, vì vậy các thương hiệu có thể triển khai các hoạt động livestream, workshop kết hợp cùng bác sĩ để tương tác với người dùng.

Các thương hiệu được chia sẻ và nhắc tới nhiều lần lượt là BioGaia Protectis của Công ty BiovaGen Việt Nam, BioAmicus của Bioamicus Việt Nam, Bio-Acimin Gold của Công ty Dược phẩm Việt Đức và Enterogermina của Công ty Sanofi.

Đề xuất từ YouNet Media

Sự tác động mạnh mẽ của đại dịch đang hình thành những xu hướng và hành vi mới của người tiêu dùng. Từ phân tích thảo luận của người dùng mạng xã hội, YouNet Media chia sẻ một số gợi ý trong việc nắm bắt xu hướng, hành vi của người dùng, từ đó tối ưu hoá kế hoạch marketing, truyền thông:

  • Một đặc thù của ngành hàng dược là người dùng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị định hướng bởi tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Vì vậy, việc lắng nghe, theo dõi người dùng và truyền tải nội dung qua các kênh thông tin chính thống để giúp họ hiểu đúng về sản phẩm là cơ hội giúp thương hiệu xây dựng lòng tin với khách hàng.
  • Những xu hướng sống mới đã và đang hình thành, tác động tới thói quen và hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là ý thức bảo vệ sức khoẻ và tăng cường đề kháng. Các thương hiệu cần nghiên cứu người dùng mạng xã hội nhằm thấu hiểu và nắm bắt xu hướng hành vi mới này để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp thị, truyền thông phù hợp sau đại dịch.
  • Theo dữ liệu từ YouNet Media, 70% người theo dõi các bác sĩ là phụ nữ, họ thường xuyên cập nhật và chia sẻ những thông tin từ Facebook của các bác sĩ uy tín trong ngành. Vì vậy, đây cũng là nhóm influencer để các thương hiệu dược khai thác và lan toả thông điệp của mình đến người dùng. Một số hoạt động có thể kết hợp cùng bác sĩ như triển khai workshop, livestream...