Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Kantar – Brand Footprint Việt Nam 2021: Thị trường FMCG cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận mức tăng kỷ lục năm 2020

Ngày 18/6, Kantar công bố báo cáo bảng xếp hạng thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại thị trường Việt Nam. Trong đó, top 3 nhà sản xuất FMCG được chọn mua nhiều nhất Việt Nam không có gì thay đổi so với năm 2019. Vinamilk tiếp tục là nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất tại thành thị 4 TP chính, trong khi Unilever duy trì vị thế dẫn đầu ở khu vực nông thôn.

Bảng xếp hạng Brand Footprint cung cấp thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế, được xây dựng dựa trên thước đo Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng (CRP). Đây là một thước đo mang tính sáng tạo nhằm đo lường bao nhiêu hộ gia đình trong phạm vi nghiên cứu có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua). Thước đo này chính là đại diện chân thực nhất về sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Trong báo cáo Brand Footprint tại thị trường Việt Nam, Kantar công bố top 10 nhà sản xuất trong ngành hàng FMCG và top 10 thương hiệu trong các lĩnh vực Sức khoẻ & Sắc đẹp, Sản phẩm chăm sóc gia đình, Thực phẩm, Đồ uống, Sữa và các sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị 4 thành phố (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam.

Bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất

Top 3 nhà sản xuất FMCG được chọn mua nhiều nhất Việt Nam không có gì thay đổi so với năm 2019. Vinamilk tiếp tục là nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất tại thành thị 4 TP chính, trong khi Unilever duy trì vị thế dẫn đầu ở khu vực nông thôn.

Xét trong top 5, hai ông lớn Unilever và Masan đều ghi nhận tăng trưởng tốt về CRP ở cả thành thị 4 TP chính và nông thôn Việt Nam. Trong khi đó, các sản phẩm của Nestlé được người tiêu dùng thành thị chọn mua nhiều hơn, tăng 3% điểm tiếp cận người tiêu dùng so với năm ngoái. Đồng thời, thương hiệu này cũng nắm giữ vị trí số 3 trong top 10 nhà sản xuất tăng trưởng nhanh nhất khu vực thành thị 4 TP chính năm qua.

Một trong những nhà sản xuất trong ngành hàng dầu ăn – Calofic toả sáng khi được vinh danh là thương hiệu có tốc tộ tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất FMCG được chọn mua nhiều nhất. Mức tăng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ tăng trưởng đáng ghi nhận của các sản phẩm nấu ăn nói chung, và ngành hàng dầu ăn nói riêng trong năm 2020 khi người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn từ tác động của đại dịch.

Bảng xếp hạng thương hiệu theo lĩnh vực

Chăm sóc sắc đẹp

Unilever tiếp tục thống trị bảng xếp hạng các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp với 6 thương hiệu ở khu vực thành thị 4 TP chính và 5 thương hiệu ở khu vực nông thôn có mặt trong top 10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất.

P/S giữ vững vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng thương hiệu chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp trong 9 năm liền. Thương hiệu này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt về CRP, đặc biệt ở khu vực nông thôn khi hơn 60 triệu lượt chọn mua được ghi nhận trong năm 2020 – gấp đôi thương hiệu xếp liền sau.

Đáng chú ý, Lifebuoy – một thương hiệu khác của Unilever – không chỉ là thương hiệu dẫn đầu về tăng trưởng CRP nhanh nhất trong bảng xếp hạng mà còn là thương hiệu thu hút nhiều hộ gia đình mới nhất ở cả thành thị 4 TP chính và nông thôn Việt Nam. Lifebuoy thành công nhờ vào các chiến lược marketing tốt, cũng như không ngừng phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh và diệt khuẩn trong thời kỳ dịch bệnh.

Chăm sóc gia đình

Bảng xếp hạng những thương hiệu chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam tiếp tục được dẫn đầu bởi những thương hiệu đến từ Unilever: Sunlight, Omo và Comfort.

Sunlight là thương hiệu duy nhất được người tiêu dùng ở thành thị 4 TP chọn mua hơn 10 triệu lần trong năm qua. Cùng lúc đó ở khu vực nông thôn, Sunlight cũng giữ vững ngôi đầu bảng trong top 10 với tốc độ tăng trưởng CRP đáng ghi nhận là 9%, cũng như thu hút thêm hơn 330.000 hộ gia đình mới.

Surf là ngôi sao mới trên bảng xếp hạng này khi tăng 3 bậc và lần đầu ghi tên vào top 10. Ngoài 2 sản phẩm mới cho phân khúc nước xả vải, Surf không ngừng đầu tư truyền thông cũng như chiến lược giá hợp lý. Nhờ đó, thương hiệu đã tăng trưởng CRP mạnh mẽ ở mức 26%.

Ở khu vực nông thôn, Net nổi bật là thương hiệu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng CRP 25% trong top 10 thương hiệu chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất. Thương hiệu này thành công thu hút gần 530.000 hộ gia đình mới trong năm 2020 nhờ mức giá cạnh tranh đi cùng với nhiều chương trình khuyến mãi và mạng lưới phân phối rộng khắp ở khu vực nông thôn.

Thực phẩm

Hảo Hảo Nam Ngư lần lượt giữ vị trí đầu bảng trong top thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở thành thị 4 TP chính và nông thôn Việt Nam. Được tin dùng với tỷ lệ 3 trên 4 hộ gia đình, Hảo Hảo tiếp tục thu hút thêm gần 95.000 hộ gia đình mới ở khu vực thành thị trong năm 2020. Đây cũng chính là kết quả của chuỗi hoạt động quảng bá sản phẩm không ngừng, đặc biệt là tập trung vào các công tác từ thiện để xây dựng và duy trì hình ảnh đến với mọi người.

Maggi – từ nhà sản xuất Nestlé, thành công ghi tên vào top 5 những thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất tại khu vực thành thị 4 TP. Việc mở rộng danh mục sản phẩm sang thị trường tương ớt giúp Maggi nắm bắt các dịp ở nhà ngày càng tăng, thành công đạt được tốc độ tăng trưởng CRP nhanh nhất trong top 5.

Thị trường nước chấm có một năm thuận lợi với mức CRP tăng trưởng dương ở hầu hết các thương hiệu. Ghi nhận mức tăng CRP 15%, Cholimex xuất sắc tiến thêm 2 bậc lên vị trí thứ 6, đồng thời dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong bảng xếp hạng ở khu vực thành thị 4 TP. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, Chin-su ghi tên mình là thương hiệu thu hút nhiều người mua mới nhất (hơn 1 triệu hộ) trong top 10. Đó là nhờ Chin-su mở rộng danh mục sản phẩm của mình để nắm bắt nhu cầu ăn uống tại nhà gia tăng trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Thương hiệu dầu ăn Simply tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng ở khu vực thành thị 4 TP và 2 bậc trên trong bảng xếp hạng ở nông thôn. Simply không ngừng đẩy mạnh phân phối trên kênh truyền thống lẫn kênh hiện đại, đặc biệt là cả kênh trực tuyến – kênh mua sắm tăng trưởng nhanh nhất mùa dịch.

Thức uống

Mặc dù ngành hàng thức uống chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 bởi đại dịch, Coca-Cola vẫn ghi nhận những kết quả ấn tượng. Thương hiệu đồ uống này không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu tại khu vực thành thị 4 TP mà còn tiếp tục tăng trưởng tại thị trường nông thôn, vươn lên vị trí số 3 trong bảng xếp hạng.

Nescafé nắm giữ vị trí số 2 trong top 5 thương hiệu đồ uống được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị 4 TP và nông thôn Việt Nam. Nescafé thành công trong việc dần mở rộng mạng lưới người tiêu dùng ở khu vực nông thôn với mức tăng CRP 6%.

Tăng 6 bậc, C2 lần đầu góp mặt trong top 10 thương hiệu thức uống được chọn mua nhiều nhất tại khu vực thành thị 4 TP chính với tốc độ tăng trưởng CRP vượt trội 30%. Thương hiệu trà uống liền này đã có một năm chuyển mình ấn tượng nhờ việc không ngừng đổi mới sáng tạo, cho ra mắt nhiều sản phẩm có hương vị bắt kịp xu hướng như trà sữa đóng chai, hồng trà hương quất, vải hoặc đào. Không chỉ vậy, C2 còn đầu tư khôn khéo vào các sản phẩm quảng cáo ngắn và vui nhộn, giúp tăng độ nhận diện thương hiệu. Nhờ đó, nhãn hàng này thu hút thêm 150.000 hộ mua mới ở khu vực thành thị 4 TP.

G7 – thương hiệu cà phê chủ lực của Trung Nguyên, lần lượt duy trì vị trí số 5 và 6 trên bảng xếp hạng các thương hiệu thức uống được chọn mua nhiều nhất ở thành thị 4 TP và nông thôn Việt Nam. Nhiều chiến dịch quảng cáo nhắm tới các dịp tiêu dùng tại nhà trong thời kỳ giãn cách xã hội mang lại hiệu quả đáng ghi nhận với 110.000 hộ mua mới tại khu vực thành thị 4 TP và tăng trưởng CRP hai chữ số ở khu vực nông thôn.

Sữa và sản phẩm thay thế sữa

Với điểm tiếp cận người tiêu dùng ấn tượng, Vinamilk tiếp tục giành trọn sự chú ý trên bảng xếp hạng Sữa và các sản phẩm từ sữa. Danh mục sản phẩm đa dạng, cũng như mức độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ qua các chiến dịch truyền thông là yếu tố chính giúp thương hiệu Việt Nam này giữ vững vị trí đầu bảng của mình.

Các sản phẩm sữa đặc có một năm 2020 đáng chú ý, với sự xuất hiện của hai thương hiệu Ngôi Sao Phương NamÔng Thọ trong top 5 khi đạt được mức tăng CPR tốt ở cả Thành thị 4 TP chính và Nông thôn Việt Nam.

TH True là một thương hiệu thành công khác ở khu vực thành thị 4 TP chính, đạt mức tăng trưởng CRP 7%. Thương hiệu sữa này thu hút hơn 100.000 hộ gia đình mới vào mạng lưới người tiêu dùng cũng như được chọn mua bởi hơn một nửa số hộ gia đình ở thành thị 4 TP chính.

Ghi nhận mức tăng CRP 33% ở thành thị 4 TP, Yakult xuất sắc dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng CRP không chỉ trong ngành hàng Sữa và các sản phẩm thay thế sữa mà còn trong toàn ngành hàng FMCG nói chung. Thương hiệu Nhật Bản nhấn mạnh thông điệp về giá trị dinh dưỡng cũng như chức năng tăng cường hệ miễn dịch mà sản phẩm có thể mang lại, đặc biệt thích hợp trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Ông Fabrice Carrasco

Ông Fabrice Carrasco – Giám đốc Điều hành Vietnam & Philippines kiêm Giám đốc các dự án chiến lược của Châu Á tại Worldpanel, Kantar nhận xét: “Thị trường FMCG cho tiêu dùng tại nhà đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong năm qua dưới tác động của COVID-19. Chúng tôi thấy một sự thay đổi rõ của người tiêu dùng Việt trong việc ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, nấu ăn và vệ sinh tẩy rửa cũng như sự dịch chuyển các hoạt động thường ngày ở bên ngoài vào trong nhà. Theo đó, Thực phẩm là ngành hàng tăng trưởng rất tốt trong năm 2020 và có phần chiếm ưu thế hơn trên các bảng xếp hạng năm nay.

Thêm vào đó, mức độ tiếp cận người tiêu dùng vẫn là yếu tố then chốt. Việc gia tăng số lượng người tiêu dùng duy trì tầm quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng của các thương hiệu, trong đó cải tiến sản phẩm đóng vai trò chủ lực để thu hút những người mua mới. Đây là những điểm chung mà chúng tôi nhận thấy ở top các thương hiệu tăng trưởng mạnh nhất năm 2020.

Năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách. Để có thể tăng trưởng, các thương hiệu cần phải có một sự hiểu biết không ngừng về những thay đổi liên tục của người tiêu dùng và phải phản ứng nhanh chóng trước những xu hướng tiêu dùng mới trong cả nhu cầu về mặt sản phẩm chức năng (tiện lợi, tốt cho sức khoẻ hay giá cả hợp lý chẳng hạn) và cả về mặt lựa chọn kênh mua sắm (kênh online hay siêu thị nhỏ như là các kênh mới nổi đang tăng trưởng rất tốt”.

Về báo cáo Brand Footprint

Phương pháp: Bảng xếp hạng hoàn chỉnh của các thương hiệu trên toàn thế giới ở các lĩnh vực Thức uống, Thực phẩm, Sữa và sản phẩm từ sữa, Chăm sóc sức khoẻ & sắc đẹp và Chăm sóc gia đình. Thực phẩm tươi sống, Pin và Thức ăn cho vật nuôi không được đưa vào bản xếp hạng, tuy nhiên ở một vài quốc gia, các ngành hàng này vẫn có thể được đo lường.

Tất cả các dữ liệu đều liên quan đến mua sắm cho tiêu dùng tại nhà từ cơ sở nghiên cứu dữ liệu thuộc bộ phận Worldpanel.

Cơ sở nghiên cứu: Nghiên cứu Brand Footprint do Kantar thực hiện trên 72% dân số thế giới, với tổng cộng 1 tỉ hộ gia đình tại 52 quốc gia, 5 lục địa, với tổng mức đóng góp trong GDP toàn cầu là 85%.

Thời gian nghiên cứu: Dữ liệu Brand Footprint được thu thập trong 12 tháng tính đến 11/2020.

Để tìm hiểu thêm bảng xếp hạng toàn cầu, theo khu vực, theo quốc gia, theo ngành hàng và chỉ số so sánh giữa các thương hiệu trong Top 50 toàn cầu, vui lòng truy cập www.kantarworldpanel.com/brandfootprint.

* Nguồn: Kantar