Marketer Đặng Công Sang
Đặng Công Sang

Senior Journalist @ Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Nhượng quyền thương hiệu #2: CEO GUTA – “Chuỗi cà phê vẫn nóng”

Nhượng quyền chuỗi cà phê là mô hình sôi động nhất ở Việt Nam, thậm chí trong thời điểm dịch bệnh, sức hút của mô hình này vẫn chưa suy giảm. Tuy nhiên, sự phổ biến của mô hình này cũng đòi hỏi các nhà đầu tư phải có kiến thức nhất định để bảo vệ mình trước bối cảnh luật nhượng quyền ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên thực tế, thị trường có 2 mô hình phổ biến. Một là nhà nhượng quyền chỉ tập trung vào việc kinh doanh thiết bị, nguyên phụ liệu hoặc gói thiết kế mặt bằng và việc vận hành được đưa về phía người nhận nhượng quyền. Nhóm thứ hai là nhóm tự vận hành và nhà đầu tư chỉ đóng góp vốn.

Brands Vietnam đã có buổi trao đổi chuyên sâu với ông Nguyễn Minh Thế, CEO chuỗi cà phê GUTA về các vấn đề mà các nhà đầu tư cần quan tâm xung quanh việc đầu tư nhượng quyền chuỗi cà phê.

* Ông có thể chia sẻ một chút về GUTA không thưa ông?

Cửa hàng đầu tiên của GUTA khai trương vào ngày 13/10/2016, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có 100 điểm bán hàng, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông TP.HCM.

GUTA là từ ghép giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Trong đó, “Gu” hay “gout” (tạm dịch là khẩu vị, phong cách) của tiếng Pháp và “ta” là từ tiếng Việt, kết hợp lại nghĩa là “Phong cách của chúng tôi”.

Menu của GUTA gồm nước uống (5 loại cà phê, 8 loại nước uống phổ thông khác) và đồ ăn sáng. Mức giá trung bình từ 20.000-50.000 đồng.

GUTA hiện có 100 điểm bán hàng, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông TP.HCM
Nguồn: Hires

“Cà phê vỉa hè” – từ lâu đã là một nét đặc trưng văn hoá của người Việt, thông qua những chiếc “ghế cóc”. Những câu chuyện râm ran bên những ly cà phê thơm ngon trao tay mỗi sáng.

GUTA Cafe ra đời với mong muốn lưu giữ nét văn hoá độc đáo ấy, gánh vác trên mình sứ mệnh mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời, lưu giữ nét đẹp truyền thống trong nhịp sống hiện đại.

* Báo cáo hồi quý IV/2020 của CBRE cho thấy, mặt bằng cà phê vẫn đạt tăng trưởng dương trong khi các ngành khác đều âm, vì sao có hiện tượng này thưa ông?

Theo quan điểm cá nhân của chúng tôi, có hai nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, cà phê đã trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày, nhất là các phân khúc phổ thông, nên không nằm trong danh sách cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

Thứ hai, khi tính tổng thời gian tất cả các đợt cách ly lại, thì các chuỗi cà phê cũng chỉ bị gián đoạn kinh doanh chưa đến 2 tháng trong năm 2020. Chính vì thế, thiệt hại nhìn chung ít hơn so với nhiều ngành nghề khác.

GUTA nhượng quyền toàn phần để đảm bảo 2 mục tiêu: lợi nhuận cho bên nhận nhượng quyền và giá trị thương hiệu cho bên nhượng quyền.

* Nhưng ông có nghĩ rằng thị trường hiện nay đã quá chật chội hay không?

TP.HCM hiện có hơn 10 triệu người sinh sống và làm việc, chỉ cần 10% trong số đó sử dụng cà phê thì cần ít nhất 1.000 điểm bán hàng để phục vụ nhu cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào ở TP.HCM có quy mô đủ để phục vụ thị trường này. Chính vì thế, chúng tôi nhìn nhận rằng, đây là thị trường vẫn còn nhiều quy mô để tăng trưởng.

* GUTA hiện nhượng quyền theo hình thức là bán phần hay toàn phần thưa ông?

Chúng tôi nhượng quyền theo mô hình toàn phần, tức là các nhà đầu tư chỉ góp sức bằng vốn hoặc mặt bằng, phần vận hành bao gồm tuyển dụng, công thức pha chế, tổ chức quán là phạm trù của GUTA.

Lý do, chất lượng phục vụ, sản phẩm đồng nhất là yếu tố quan trọng trong việc phát triển của chuỗi cửa hàng trong ngành F&B. Mô hình nhượng quyền vào Việt Nam từ rất sớm và đã có nhiều bài học kinh nghiệm về việc quản lý, trên cơ bản mặc dù nhà nhượng quyền có quy định rõ bên nhận nhượng quyền phải tuân theo các điều khoản về quy trình sản xuất, chế biến nhưng các ràng buộc này không đủ mạnh mẽ. Một số cải tiến là bên nhượng quyền đưa vào đội ngũ kiểm soát nhưng chi phí sẽ tăng theo quy mô.

Chính vì thế, chúng tôi chọn cách nhượng quyền toàn phần để đảm bảo hai mục tiêu: lợi nhuận cho bên nhận nhượng quyền và giá trị thương hiệu cho bên nhượng quyền.

* Các khoản đầu tư cần thiết và tỉ suất lợi nhuận mang lại cho đối tác từ GUTA như thế nào thưa ông?

Các chi phí trên chưa bao gồm chi phí cải tạo mặt bằng và các chi phí phát sinh khác. Nhìn chung, chi phí trung bình để hình thành GUkiosk là khoảng 300 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với GUstore.

Nếu cửa hàng nhượng quyền tuân thủ quy trình vận hành và những KPIs do GUTA Cafe đề ra, thì chủ đầu tư nhượng quyền sẽ được thưởng bằng cách được nhận hoàn lại 40% phí bản quyền/tháng (tương đương 2% doanh thu/tháng). Khoản thưởng này (nếu có) sẽ được GUTA Cafe hoàn lại mỗi 3 tháng (mỗi quý).

* Ông nghĩ gì về xu hướng O2O trong F&B hiện nay và liệu GUTA có đầu tư ứng dụng không?

Hiện nay, nhu cầu mua online tăng cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh và quan trọng hơn là nhờ sự trợ giá rất lớn từ các ứng dụng giao hàng quốc tế, nên cần thời gian để nhìn nhận xu hướng này hoặc ít nhất là định hình thị trường khi các ứng dụng ngừng trợ giá.

GUkiosk
Nguồn: Tense Grit A

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chưa đầu tư vào ứng dụng riêng cho GUTA vì tạo ra một ứng dụng không quan trọng, quan trọng là chúng ta phải đầu tư như thế nào để khách hàng tải về ứng dụng của GUTA và tương tác với GUTA ít nhất 1 tuần một lần. Đó là con số đầu tư rất lớn mà chúng tôi phải cân nhắc. Trước mắt, chúng tôi vẫn hướng đến việc hợp tác với các nền tảng giao nhận.

* Ông có thể chia sẻ kế hoạch của GUTA trong thời gian tới thưa ông?

Mở rộng mạng lưới và đa dạng menu là hai mục tiêu chúng tôi hướng tới. Về mở rộng, GUTA sẽ mở thêm các điểm bán tiện lợi hơn với ba mô hình là xe đẩy, kiosk và cửa hàng. Trước mắt GUTA vẫn tập trung ở TP.HCM.

Còn về phần menu thì thay đổi vẫn xoay quanh hai tiêu chí là thuận tiện hơn và hướng đến các san phẩm tốt cho sức khoẻ hơn. Chúng tôi sẽ sớm cập nhật với các nhà đầu tư về kế hoạch cụ thể.

* Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này là gì?

Có 3 điều các nhà đầu tư cần phải quan tâm:

  • Thông tin nhượng quyền phải được minh bạch, rõ ràng.
  • Phải đích thân đi đến các chi nhánh nhượng quyền của doanh nghiệp để quan sát tình hình kinh doanh của họ như thế nào.
  • Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, phải tìm hiểu về kế hoạch rút lui trong trường hợp không thành. Như GUTA, chúng tôi sẽ cùng với nhà đầu tư tìm kiếm giải pháp cải thiện nguồn thu, trong trường hợp xấu nhất là chia sẻ kinh phí cùng nhà đầu tư tìm kiếm các mặt bằng kinh doanh khác.

* Xin cảm ơn ông.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Công Sang / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam