Nhà khởi nghiệp có thể học được gì từ việc Influencer ra mắt thương hiệu riêng?

Ngày càng có nhiều Influencer trên khắp Châu Á đang phát triển thương hiệu và sản phẩm của riêng mình, trực tiếp kinh doanh đến người tiêu dùng (hoặc người theo dõi). Họ đang tận dụng thương hiệu cá nhân để tạo ra các sản phẩm phù hợp với người hâm mộ. Mặc dù, đây là một hướng khởi nghiệp khá độc đáo nhưng cũng đem đến những bài học thú vị cho doanh nghiệp và các nhà sáng lập.

Bài viết là quan điểm của ông Kosuke Sogo, CEO và Đồng sáng lập AnyMind Group.

Không còn ngạc nhiên khi thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến khắp Châu Á. Đại dịch COVID-19 cùng việc hạn chế di chuyển đã một phần tạo lực đẩy cho xu hướng này phát triển khi khách hàng buộc phải tìm kiếm và mua sản phẩm trực tuyến.

Cũng trong thời gian này, doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh để phục vụ cho nhóm khách hàng chuộng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai dịch vụ kỹ thuật số một cách nhanh chóng để phục vụ khách hàng.

Vậy đâu là mối liên hệ giữa xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) và Influencer?

Mọi khía cạnh trong kinh doanh đều được xây dựng dựa trên khách hàng

Hầu hết Influencer được “sinh ra” trong thời đại kỹ thuật số nhưng doanh nghiệp nên lưu ý rằng: Thương hiệu của người ảnh hưởng được tạo ra từ tâm trí người hâm mộ. Vì vậy, xây dựng điểm tiếp xúc với khách hàng là việc cần ưu tiên hàng đầu – từ việc có một cổng thông tin trực tuyến nơi khách hàng có thể trực quan hoá sản phẩm, tìm kiếm thông tin và giao dịch, đến tương tác với khách hàng mục tiêu thông qua mạng xã hội hoặc quảng cáo trực tuyến.

Thương hiệu của người ảnh hưởng được tạo ra từ tâm trí người hâm mộ.

Influencer thấu hiểu đâu là điểm tiếp xúc khách hàng hiệu quả và có thể phát triển mức độ nhận diện thương hiệu thông qua các bài đăng cho phép mua sắm (Shoppable Content), mở cửa hàng trực tuyến hoặc bán sản phẩm thông qua kênh TMĐT.

Trên thực tế, việc phát triển nhận diện thương hiệu, thiết kế sản phẩm và xác định điểm tiếp xúc của khách hàng đều dựa trên sở thích của người hâm mộ (hay còn gọi là khách hàng tiềm năng). Nếu người ảnh hưởng tạo ra thương hiệu trái ngược với mong đợi của khách hàng, điều này trước hết sẽ tạo ra những phản ứng trái chiều và trường hợp xấu nhất có thể xảy đến là đánh mất người hâm mộ.

Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp thường đi theo hướng ngược lại – xây dựng nhận diện thương hiệu, thiết kế sản phẩm và xác định điểm tiếp xúc của khách hàng dựa trên suy đoán về nhân khẩu học khách hàng. Đây cũng chính là lý do tại sao việc liên tục đánh giá lại những tiêu chí này hàng năm trở nên quan trọng, bởi điều này sẽ đảm bảo sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp.

Nguồn: Envato

Nền tảng kinh doanh kỹ thuật số

Influencer không có nguồn lực dồi dào so với một doanh nghiệp (tương tự như các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu) – không có đội ngũ chịu trách nhiệm thu mua, marketing, phát triển kinh doanh, bán hàng hoặc sản xuất. Thay vào đó, họ đang khai thác cơ sở hạ tầng từ các nền tảng đám mây và phần mềm trực tuyến để điều hành kinh doanh; không phải lo lắng về những rào cản từ các “phòng ban”, kênh online/ offline và thậm chí từ phân khúc khách hàng.

Tìm kiếm điểm cân bằng giữa con người và công nghệ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn mở rộng quy mô kinh doanh. Tôi tin rằng công nghệ nên được tận dụng để thay thế các công việc lặp đi lặp lại, giải phóng con người và giúp họ sáng tạo hơn. Đó là lý do vì sao việc xây dựng một cơ sở hạ tầng kinh doanh mạnh mẽ bao gồm công nghệ và nền tảng có thể giúp mở rộng kinh doanh là điều vô cùng quan trọng, ngay từ những giai đoạn đầu của một doanh nghiệp. Người sáng lập sau đó có thể tập trung vào việc xây dựng nguồn nhân lực phù hợp khi công ty phát triển.

Nội dung và cách kể chuyện phù hợp

Influencer vận dụng nghệ thuật kể chuyện (Storytelling) vào kinh doanh. Ví dụ, một Influencer chuyên về fitness sẽ không đột nhiên ra mắt nội dung liên quan đến các sản phẩm ô tô. Thay vào đó, họ có nhiều khả năng ra mắt các sản phẩm về fitness. Đây là sự tiếp nối cho câu chuyện và thương hiệu cá nhân mà họ đã tạo dựng. Từ đó, họ có thể sáng tạo các nội dung về các sản phẩm mang thương hiệu của riêng họ nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Influencer vận dụng nghệ thuật kể chuyện (Storytelling) vào kinh doanh.
Nguồn: Envato

Tương tự với nhiều nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp, họ nhận thấy một khoảng trống có thể được lấp đầy trong thời gian làm việc cho một công ty và từ đó xây dựng một công ty khởi nghiệp để lấp đầy khoảng trống đó. Đó là lý do tại sao người làm việc trong ngành tài chính sẽ có khả năng ra mắt một công ty khởi nghiệp fintech hoặc người phát triển phần mềm có thể xây dựng một công ty khởi nghiệp về công nghệ.

Để mắt tới những Influencer

Influencer cũng có thể trở thành một nhánh khởi nghiệp mới và họ có kinh nghiệm kết nối cũng như xây dựng tập khách hàng trung thành (và người theo dõi) thông qua các nền tảng công nghệ. Có rất nhiều bài học khác có thể được rút ra từ việc xây dựng, ra mắt và phát triển thương hiệu của Influencer, thậm chí có thể có nhiều bài học hơn nữa khi thị trường này phát triển. Đây chính là điều mà tất cả chúng ta cần để mắt đến.