Thương mại điện tử đa kênh: Chúng ta đang ở đâu?

Cách đây vài năm, chúng ta thường nói ở một thì tương lai xa về tiềm năng cũng như mức độ cấp thiết của thương mại điện tử đa kênh và tại sao đây lại là chiến lược quan trọng các thương hiệu cần nắm bắt. Tới giờ, mô hình đa kênh không còn là giấc mộng xa vời, mà nó đã ở đây, lúc này và đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tuy vậy, hầu hết đơn vị kinh doanh trong nước đều chưa nhận thức được rõ ràng hoàn cảnh hiện tại và không biết ta đang ở đâu trong quá trình thương mại điện tử. Hãy cùng Onshop tìm kiếm câu trả lời trong bài viết lần này!

1. Khách hàng đã và đang tiến tới trải nghiệm mua sắm đa kênh

Khách hàng luôn là mối quan tâm lớn đối với mọi doanh nghiệp, ở bất cứ đâu và tại bất kỳ thời điểm nào. Hiểu được khách hàng là tôn chỉ hoạt động cơ bản cho sự phát triển của mọi nền kinh tế.

Để làm rõ hơn quan điểm này, hãy thử hình dung một chút như sau:

Nếu ta hỏi ai đó vào năm 1000 điều gì sẽ cải thiện phương tiện đi lại cá nhân của họ, thì câu trả lời nhiều khả năng sẽ là một con ngựa lớn hơn hay một chiếc kiệu đẹp hơn, thay vì những chiếc ô tô hiện đại.

Lí do là bởi họ chẳng biết gì về thứ gọi là “ô tô” hay có đủ nhận thức (về công nghệ, ý tưởng,...) để hình dung sự xuất hiện của một phương tiện như vậy.

Thời điểm này, giả dụ bằng một cách thần kỳ có ra mắt một thứ như ô tô thì cũng chỉ nhận về sự nghi ngờ, chứ khó lòng được thị trường đón nhận.

Qua đây để chỉ ra rằng, thị trường muốn thay đổi thì phải cần cân nhắc sự phát triển của người tiêu dùng.

Vì vậy, để hiểu ta đang ở đâu trên chặng đường phát triển của thương mại điện tử đa kênh; biết được khách hàng đang ở đâu và liệu họ đã sẵn sàng để tiếp nhận mô hình kinh doanh mới này chưa là điều tiên quyết.

1.1 Người tiêu dùng đang ngày một “giỏi” hơn

Trong thế giới ngày càng xoay quanh sự phát triển của công nghệ, khách hàng dần “học” cách chán và nhanh chóng bỏ qua những thứ cũ kỹ, truyền thông và đồng thời nảy sinh những nhu cầu mới về trải nghiệm cao hơn trong mua sắm.

Mua sắm đa kênh (sử dụng kết hợp nhiều nền tảng Offline và Online trong quá trình mua sắm) là một trong điều mới mẻ đó.

Dễ thấy, người tiêu dùng đang tận dụng ngày càng tối đa các công nghệ hiện có. Họ lướt web trên điện thoại di động trong khi chờ một cuộc hẹn; xem các sản phẩm trên máy tính bảng tại nhà; tranh thủ lướt qua các sàn thương mại vào giờ giải lao; hay đi vào các cửa hàng bán lẻ để xem trực tiếp các sản phẩm đó....

Trích báo cáo của IDC về sức mua tiềm năng của khách hàng đa kênh, đặc biệt là mô hình Omnichannel, MyTotalRetail nhấn mạnh:

“(…) Người mua sắm trên hệ thống bán hàng đa kênh, đặc biệt hệ thống Omnichannel, là hình mẫu lý tưởng, là tiêu chuẩn vàng cho một người tiêu dùng hiện tại. Họ tiếp cận thông tin và sử dụng đồng thời tất cả các kênh bán từ cửa hàng, danh mục sản phẩm, đường dây tư vấn, website, (…)”

Khách hàng mong đợi trải nghiệm trên nhiều kênh bán và đồng thời ngày càng hy vọng một sự liền mạch, thống nhất giữa các kênh này.

1.2 Ưu tiên dành cho mua sắm truyền thống đang “mất dần”

Theo nghiên cứu của Koombea, thời gian qua vẫn có sự khác biệt khá lớn xét về số tiền khách hàng chi tiêu tại cửa hàng so với thanh toán trực tuyến.

Trung bình, những người tham gia khảo sát dành tới 64% ngân sách cho mua sắm tại cửa hàng, và chỉ 36% cho các sản phẩm Online.

Còn nếu xét riêng từng độ tuổi, không ngạc nhiên khi nhóm đối tượng càng trẻ thì càng dành nhiều ngân sách hơn cho mua sắm trên mạng. Cụ thể, nhóm người trẻ có thể dành tới 44% ngân sách vào mua hàng trên mạng, trong khi con số tương tự của nhóm người lớn tuổi chỉ là 22%.

Hay xét về yếu tố giới tính (Nam - nữ) hoặc vị trí địa lý (thành thị, nông thôn, ngoại ô), tỷ lệ mua sắm online giữa các nhóm là tương đối giống nhau và ngang với tỷ lệ trung bình.

Ngoài ra, nhóm “các bậc cha mẹ” cho thấy họ dành ngân sách cho mua sắm trực tuyến nhiều hơn nhóm chưa có con (40% so với 34%).

sự thay đổi của người tiêu dùng mở đường cho sự phát triển của thương mại điện tử đa kênh

Sự thay đổi của người tiêu dùng mở đường cho quá trình phát triển của Thương mại điện tử đa kênh

Tuy nhiên, so với trước khi đại dịch Covid-19 chưa hoành hành lúc thị trường vẫn có một ưu tiên mạnh mẽ dành cho hoạt động mua sắm tại cửa hàng, sự yêu thích giữa 2 loại hình mua sắm giờ đã gần như cân bằng.

Khách hàng không còn quá thiên vị cho một loại hình đặc biệt nào giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm tại cửa hàng.

Đáng chú ý, rất ít người chỉ mua hàng qua 1 hoặc 2 kênh - thay vào đó, họ có xu hướng chọn lựa và tìm hiểu từ nhiều nguồn bán khác nhau rồi đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên yếu tố tiện lợi hoặc hiệu quả về chi phí.

Ví dụ: Một người mua sắm có thể tiến hành tra cứu và tìm hiểu về sản phẩm thông qua các nền tảng mua hàng trực tuyến (sàn TMĐT, Website, Mạng xã hội,...) và đồng thời, cũng muốn đến và xem sản phẩm tận nơi tại cửa hàng. Sau đó, có tới 25% khả năng, người đó sẽ thanh toán trực tuyến ngay khi đang ở cửa hàng (có thể là vì các chương trình ưu đãi, giảm giá khi thanh toán online;...)

Ngoài ra, theo IDC, người mua sắm đa kênh, theo hình thức Multichannel, chi tiêu trung bình nhiều hơn từ 15% - 30% so với người chỉ dùng một kênh. Ngoài ra, người mua sắm đa kênh, theo hình thức Omnichannel, thậm chí còn chi nhiều hơn nữa, hơn sức mua của khách hàng Multichannel tới 20%.

Tóm lại, người tiêu dùng đã hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận, và thậm chí là “đòi hỏi”, sự xuất hiện của mô hình kinh doanh thương mại điện tử đa kênh.

>>> Dùng thử miễn phí

2. Công nghệ phát triển đủ để đáp ứng Thương mại điện tử đa kênh

Ít nhất 3 năm trước (và có thể xa hơn), mua sắm trên thiết bị di động đã bắt đầu trở nên ngày càng phổ biến. Và nếu ai tinh ý chắc cũng đều nhận ra việc người mua sắm lúc đó đã bắt đầu có xu hướng lướt qua nhiều thiết bị trên hành trình trải nghiệm mua sắm của họ.

Lúc đó, thị trường cũng bắt đầu mơ hồ hình dung về kinh doanh đa kênh; tuy nhiên lúc đó công nghệ chưa đủ phát triển để biến mô hình như thế thành sự thật.

Nhưng hiện tại, với sự phát triển không ngừng nghỉ, thậm chí là “không ngờ”, của các công nghệ mới và ngày một hoàn thiện. Chúng ta đã gần như có đủ nguyên liệu để sẵn sàng đáp ứng việc xây dựng một mô hình kinh doanh đa kênh.

Những công nghệ mới chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới tương lai của ngành kinh doanh nói chung. Chỉ cần nhìn vào doanh số 4000 tỷ Đô la Mỹ của thị trường thương mại điện tử trong một năm 2020 kinh tế suy thoái vừa qua là bạn đủ hiểu công nghệ đã và sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh doanh trong tương lai như thế nào rồi nhỉ?

Hãy cùng tìm hiểu một vài công nghệ dưới đây nhé:

2.1. Máy học (Machine Learning), Big Data và Trí tuệ nhân tạo

Máy học, Big Data và Trí tuệ nhân tạo là những công nghệ được tập trung phát triển trong suốt những năm qua và đã bắt đầu gắt hại được thành tựu đáng kể.

Các công nghệ mới này đang dần dần được các nhà phát triển ứng dụng vào cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.

Nhưng nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, điểm mấu chốt đáng chú ý nhất nằm ở cách các ứng dụng tuyệt vời này sẽ hỗ trợ tối ưu hóa sử dụng và quản lý dữ liệu, cung cấp những thông tin và quyết định phù hợp giúp đem lại hiệu quả cao nhất trong kinh doanh.

Với các công nghệ này, các nhà kinh doanh có thể tận dụng tối đa dữ liệu khách hàng từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Qua đó, ngày một hiểu rõ hơn về chân dung khách hàng tiềm năng, và tiến hành phát triển sản phẩm để đáp ứng trọn vẹn nhu cầu, cũng như đưa ra các chương trình phù hợp với họ.

Máy học, Big Data, AI là một trong những công nghệ nền tảng cho sự hình thành của Thương mại điện tử đa kênh

Máy học, Big Data, AI là một trong những công nghệ nền tảng cho sự hình thành của Thương mại điện tử đa kênh

Ngoài ra, định giá tự động là một ứng dụng khác dành cho bán lẻ, được áp dụng tại cửa hàng và trực tuyến. Các nền tảng sử dụng một thuật toán để tính đến các biến định giá chính để có thể xác định giá phù hợp nhất tại bất kỳ thời điểm nào.

Và còn nhiều cách thức ứng dụng khác vào trong hoạt động kinh doanh. Hãy để Blog Onshop đưa ra các ví dụ thực tiễn cho bạn.

  • Ví dụ 1:

Influencer Marketing Trước sự xuất hiện của hàng ngàn hàng vạn KOLs, công nghệ hiện đại sẽ đơn giản hóa công việc của các “chiến lược gia” nhờ phân tích chi tiết dữ liệu từ những chiến lược trước đây và tìm ra gợi ý phù hợp nhất với yêu cầu của chiến dịch quảng bá.

  • Ví dụ 2:

Nếu đã làm quen với nền tảng Mạng xã hội Facebook nhiều năm, hẳn các nhà kinh doanh đều biết tới thuật toán phân phối nội dung “kinh điển” áp dụng Machine Learning và AI, được biết tới với tên gọi EdgeRank.

Hiểu đơn giản, dựa trên hành vi của người dùng trước đó (comment, like post, like fanpage, share, tham gia hội nhóm,...), Facebook sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra những dự đoán về sở thích và sự quan tâm.

Từ đó, ưu tiên hiển thị những nội dung “có vẻ” họ đang quan tâm lên newsfeed cá nhân (bởi mục tiêu của gã khổng lồ xanh này là giữ chân người dùng lâu nhất có thể).

Vì vậy, nếu hay vào group, hội nhóm kinh doanh thì bảng tin sẽ đầy những bài viết chia sẻ mẹo kinh doanh, bán hàng nhiều đơn, triết lý… Tương tự với các trường hợp khác như yêu thích yoga, thiền,....

Ngoài ra, là một trong những gã khổng lồ công nghệ của thế giới, còn rất nhiều ứng dụng khác của Facebook với Trí tuệ nhân tạo, Máy học và Big Data như thuật toán tìm kiếm Lookalike, xét duyệt chính sách quảng cáo,...

  • Ví dụ 3:

Bạn có từng thắc mắc tại sao các nền tảng truyền hình trực tuyến như Netflix, Amazon Prime,... lại có thể hiển thị các bộ phim hợp gu bạn như vậy giữa trăm nghìn bộ phim được lưu trữ trên các nền tảng này?

Câu trả lời hết sức đơn giản. Vẫn là công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo dựa vào những lựa chọn bạn đã từng xem và theo di trước đây để tiến hành phân tích sở thích xem phim mà thôi.

2.2 Xu hướng Tự động hóa (Automation)

Trong thời đại ngày nay, với việc công nghệ ngày một trở nên tinh vi và chính xác hơn, chúng ta cũng chẳng còn quá ngạc nhiên và xa lạ với viễn cảnh robot sẽ dần thay thế con người trong hầu hết những công việc “xưa cũ”.

Vì vậy, sẽ không quá khi khẳng định rằng tự động hóa sẽ là xu hướng không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ thay đổi cuộc chơi của các doanh nghiệp một cách chóng mặt.

Bên cạnh sự có mặt của máy móc tự động trong các dây chuyền sản xuất sản phẩm, mô hình “tự động hóa” cũng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức trong các khối văn phòng.

Tự động hóa là một trong những công nghệ không thể thiếu để phát triển thương mại điện tử đa kênh

Công nghệ tự động hóa đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay

Dưới đây là một vài ví dụ điển hình nhất hiện nay, đã tạo ra những thay đổi trong hoạt động kinh doanh những năm gần đây khá nhiều:

  • Email Marketing - Tự động hóa tiếp thị

Phòng Marketing tại các doanh nghiệp hẳn đã quá quen với hình thức gửi email tự động.

Hiện nay, chúng ta có nhiều phần mềm hỗ trợ tự động gửi Email cá nhân hóa ứng với từng điều kiện cụ thể như hoàn thành thanh toán, đăng ký nhận tin tức,... như MailChimp, GetResponse.

Dựa trên số liệu thống kê, với việc tự động hóa gửi email, doanh nghiệp có thể giảm 50% chi phí chăm sóc khách hàng và tăng tới 15% doanh thu.

  • Tự động hóa phân tích dữ liệu và báo cáo kinh doanh

Đối với mọi đơn vị kinh doanh từ các doanh nghiệp lớn đến các nhà phân phối, bán lẻ, việc phải đối mặt với lượng dữ liệu kinh doanh khổng lồ hàng ngày (doanh thu, doanh số, lợi nhuận, các khoản chi tiêu, vốn, nguồn hàng, kho hàng, dòng tiền,...) là việc bắt buộc, nếu muốn kinh doanh ổn định và phát triển.

Nhưng tất nhiên, nếu ngần ấy dữ liệu chỉ dựa vào các quy trình và thao tác xử lý thủ công, thì dù cho doanh nghiệp và các nhà điều hành có cố gắng hàng ngày, cũng chỉ nhận lại sự chán nản, mệt mỏi thay vì có khả năng “bứt phá kinh doanh”.

Đây là lý do tại sao đa phần doanh nghiệp đã tiến hành việc “số hóa” từ nhiều năm nay. Và trong đó, cũng đã có những đơn vị bắt đầu chuyển sang bước tự động hóa quy trình xử lý và phân tích dữ liệu, giúp tiết kiệm tới 50% thời gian và công sức so với cách làm thủ công.

Các công nghệ hiện giờ có thể tự động lưu trữ, thu thập thông tin và chuyển hóa theo thời gian thực các con số thành những bảng biểu dễ nhìn, dễ hình dung giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được tổng quan tình hình của doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn

  • Chatbot - Tự động hóa chăm sóc khách hàng

Hẳn mọi người đều không xa lạ với những “con bot” tự động nhận và trả lời tin nhắn trên Mạng xã hội hay Website rồi nhỉ?

Hiện tại, chatbot mới chỉ dừng lại ở việc trả lời được các câu hỏi dựa trên kịch bản có sẵn; nhưng vậy là đủ với những chiến dịch có quy mô tiếp cận rộng lớn (bán vé sự kiện, phát tài liệu,…), giúp giảm công sức đồng thời hỗ trợ tăng hiệu quả lên nhiều lần.

Và ngoài ra, liệu các nhà kinh doanh đã từng nghe tới công nghệ “Marketing đám thoại”.

Với công nghệ Natural Language Processing – NLP (trình quản lý ngôn ngữ tự nhiên), doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều cuộc đàm thoại “tự động” nhưng vẫn rất chân thực với khách hàng.

2.3 Cloud Computing - Điện toán đám mây

Có thể nói, Internet là tiền đề cho sự ra đời của nhiều công nghệ hiện nay, trong đó có bao gồm Điện toán đám mây.

Hiểu đơn giản nhất, đây là mô hình cung cấp và lưu trữ đa dạng các tài nguyên số, gồm dữ liệu - thông tin, phần mềm, dịch vụ số,… cho người dùng tại các máy chủ ảo được khởi tạo trên mạng lưới Internet.

Về tên gọi, thì vì có cấu trúc gợi nhắc tới hình ảnh của các đám mây nên các máy chủ này được gọi là Cloud.

Điều này cho phép người dùng có thể truy cập vào các tài nguyên trên đám mây, tại bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu, miễn là bạn có kết nối với hệ thống Internet.

Ngoài ra, còn nhiều lợi ích khác mà công nghệ này mang lại, như:

  • Giảm chi phí

Với hạ tầng công nghệ trước đây, mỗi cơ sở sẽ cần 1 hệ thống máy tính xử lý (máy chủ) riêng biệt, như vậy giả dụ công ty có tới 100 cơ sở sẽ là 100 hệ thống như vậy cần đầu tư, chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, với hệ thống máy chủ ảo do mô hình điện toán đám mây cung cấp, doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí để mua bán, cài đặt và bảo trì tài nguyên. Thay vào đó chỉ cần xác định nhu cầu của doanh nghiệp rồi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Cloud tiến hành.

  • Giảm độ phức tạp trong cơ cấu của doanh nghiệp

Giảm thiểu tối đa quy trình thừa thãi trong hệ thống vận hành số nói chung và bộ máy IT nói riêng (ví dụ: các chi nhánh không cần đội IT riêng để đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở,...). Doanh nghiệp khi đó có thể giảm bớt được độ phức tạp trong cơ cấu nhân sự ngày càng “phình to”, chuyển hướng tập trung và đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản phẩm cũng như chuyên môn của mình.

  • Tăng khả năng sử dụng tài nguyên

Một trong những câu hỏi đau đầu của việc đầu tư tài nguyên/ cơ sở hạ tầng (ví dụ máy chủ) là bao lâu thì sẽ hết khấu hao, đầu tư như thế có lãi hay không, có bị “lỗi thời" về công nghệ hay không. Khi sử dụng tài nguyên trên điện toán đám mây thì các doanh nghiệp hầu như không còn phải quan tâm tới điều này nữa.

Điện toán đám mây là công nghệ không thể thiếu trong việc vận hành và quản lý mô hình thương mại điện tử đa kênh

Google và Apple là 2 gã không lổ công nghệ điển hình đang áp dụng điện toán đám mây

Hiện nay có nhiều thương hiệu lớn đã và đang sử dụng mô hình công nghệ này trong việc quản trị - vận hành bộ máy doanh nghiệp cũng như ứng dụng vào dịch vụ của mình. Và có 2 ví dụ điển hình mà hầu hết chúng ta đều sử dụng hiện nay:

  • Apple Icloud:

Apple luôn cung cấp cho người dùng các sản phẩm của hãng (Iphone, Ipad, Macbook,...) 1 tài khoản Icloud. Tài khoản này giúp lưu trữ mọi dữ liệu cá nhân của người dùng. Đây chính là một trong ví dụ phổ biến nhất được xây dựng dựa trên Điện toán đám mây.

  • Google Drive

Đây là không gian lưu trữ mà Google cung cấp cho các tài khoản của người dùng. Các cá nhân, tổ chức có thể tải các tệp dữ liệu hằng ngày (Word, Excel, Google Doc, file ghi âm, video...) lên Drive và truy cập từ bất cứ thiết bị nào kết nối Internet.

3. Thương mại điện tử đa kênh: Chúng ta đang ở đâu?

Rõ ràng, chúng ta đã đạt được 2 yếu tố gần như quan trọng nhất để phát triển thương mại điện tử đa kênh, đó là khách hàng và công nghệ.

Nhận thức tình hình này, nhiều thương hiệu trên thế giới đã từ bỏ cách tiếp cận cũ (tự tối ưu hóa từng kênh mà không tính đến trải nghiệm rộng hơn) chuyển sang nghiên cứu và cố gắng cải thiện để tạo ra trải nghiệm gắn kết giữa các kênh.

Hãy lấy ví dụ của 1 trong 10 thương hiệu hàng đầu thế giới hiện nay, Amazon, cùng Onshop xem cách họ đang làm với mô hình thương mại điện tử đa kênh.

Vốn là một sản thương điện tử, không ngạc nhiên khi 44% doanh số của Amazon đến từ nguồn Online. Điều này tạo ra lợi thế cho họ khi thực thi chiến lược đa kênh.

Bên cạnh duy trì hoạt động trên các kênh Online, Amazon hiện đã lấn sang cửa hàng offline bằng việc mở một cửa hàng “Amazon Go” ở Seattle.

Amazon đang hiện thực hóa mô hình kinh doanh thương mại điện tử của mình

Amazon đang cố gắng mở rộng kênh bán từ Online sang Offline để hiện thực hóa mô hình kinh doanh đa kênh

Họ đã mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods và cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho các thành viên Prime (nền tảng xem phim trực tuyến của Amazon, tương tự Netflix).

Họ cũng đã mở một chuỗi cửa hàng sách mang thương hiệu riêng (Amazon Books).

Tuy nhiên, thú vị là đánh giá của CIO cho thấy rằng ngay cả gã khổng lồ Amazon cũng đang gặp khó khăn để làm chủ được đa kênh. Cụ thể, CIO chỉ ra:

  • Các hiệu sách dường như tách rời khỏi trải nghiệm Online. Ví dụ: bạn không thể mua trực tuyến và đến lấy tại cửa hàng (buy online and pick up in-store - BOPIP).
  • Bạn không thể tra cứu online để biết liệu một cuốn sách cụ thể có sẵn tại một cửa hàng gần đó.
  • Không có tùy chọn nào để liên hệ với các cửa hàng địa phương để hỏi về tình trạng sẵn có của các mặt hàng đã hết hàng trên Amazon.com.
  • Tại cửa hàng offline, bạn không thể tạo giỏ hàng và thanh toán qua ứng dụng. Bạn vẫn phải xếp hàng chờ đợi và đưa cho nhân viên thu ngân.

Có thể thấy, ngay cả những gã khổng lồ trong kinh doanh cũng đang gặp khó trong việc triển khai mô hình kinh doanh đa kênh.

Nên chẳng ngạc nhiên khi đa phần doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với mô hình mới này (dù không thể phủ nhận vẫn có những đơn vị đang làm tốt việc này như báo cáo của Total Retail về UGG, DSW, Urban Outfitters, Zumiez…).

Doanh nghiệp Việt vẫn đang chậm chân trong nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đa kênh

Doanh nghiệp Việt vẫn đang chậm chân trong nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đa kênh

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Google, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra khi có tới 70% doanh nghiệp khẳng định họ nhận thức rõ Chuyển đổi số và TMĐT là cần thiết để cạnh tranh và đảm bảo phục hồi hậu Covid 19, đặc biệt sau khi Chính phủ công bố chương trình “Chuyển đổi số quốc gia”.

Tới 94% doanh nghiệp trong số đó vẫn còn đang loay hoay để sở hữu một quy trình hiệu quả và chưa biết làm sao để nhanh chóng tích hợp vào hệ thống kinh doanh hiện tại.

Trong khi đó, trên thị trường thiếu những đơn vị chuyên nghiệp có thể cung cấp giải pháp hỗ trợ hoàn chỉnh.

Nói tóm lại, dù đã có đầy đủ yếu tố khách quan để chúng ta bước đi trên hành trình phát triển thương mại điện tử đa kênh, nhưng bản thân doanh nghiệp chưa đủ năng lực để có thể tận dụng thời cơ và bứt phá.

Hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang dừng lại ở ngưỡng cửa tới giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế.

Dẫu vậy, đây là thách thức chung nhưng cũng là cơ hội hiếm có để những đơn vị sớm tìm ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình bứt phá và vươn lên dẫn đầu thị trường.

Hi vọng qua bài viết trên, các doanh nghiệp có thể nhận thức rõ hơn về bối cảnh hiện tại, cũng như mường tượng được tiềm năng phát triển trong tương lai nếu có thể nắm bắt và triển khai thành công mô hình thương mại điện tử đa kênh. Và đừng quên tiếp tục theo dõi bài viết của Onshop để biết thêm kiến thức và thông tin bổ ích hơn nữa về thương mại điện tử nhé!

Nguồn: Blog Onshop