Marketer Lâm Hồng Lan
Lâm Hồng Lan

Giảng viên chuyên ngành truyền thông và fashion marketing @ RMIT University Vietnam

Fashion Marketing #9: 2020 là năm trỗi dậy của thời trang vintage, secondhand và upcycling

2020 không phải là một năm may mắn cho ngành thời trang toàn cầu, hay chính xác là cho ngành hàng thời trang mới, với mức sụt giảm chóng mặt 79% ở thời điểm tháng 4, những tháng đầu của trận đại dịch. Đối với những người may mắn vẫn còn giữ được việc làm, họ không có nhiều lý do để mua sắm quần áo mới khi hầu như luôn ở trạng thái WFH làm việc tại nhà, chưa kể việc ở trạng thái lo lắng về tương lai bệnh dịch. Tuy nhiên loungewear (đồ mặc nhà) là một ngoại lệ, khi nhu cầu mua sắm loại sản phẩm này vẫn tăng cao.

Dưới đây là nội dung dịch lại từ bài viết của Emily Farra, đăng trên báo Vogue ngày 21/11/2020.

Các chuyên gia trong ngành thời trang không kỳ vọng người tiêu dùng sẽ quay lại thói quen mua sắm như trước đây, cũng như doanh số sẽ không như ở mức trước đại dịch COVID-19 trong vòng nhiều năm tới. Nhóm tư vấn Boston ước đoán năm 2020 doanh số ngành thời trang sẽ giảm khoảng 640 tỷ USD. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là khi người tiêu dùng trở lại trạng thái hào hứng với việc mua sắm lần nữa, họ sẽ mua sắm ở đâu? Liệu họ có chú ý đến những thương hiệu bền vững sau khi chứng kiến sự hủy hoại môi trường của hệ thống vận hành truyền thống? Hay họ sẽ lựa chọn quần áo secondhand, vintage tại các cửa hàng đồ cũ?

Trong ấn bản tháng 5/2020, Imaan Hammam đã mặc những món đồ từ tủ đồ vintage của biên tập viên Vogue Chioma Nnadi. Trong đó có cả những món đồ của Jean Paul Gaultier từ những năm 90 mà Nnadi tìm thấy trên eBay vài năm trước.
Nguồn: Vogue

Báo cáo hàng năm của công ty chuyên tìm kiếm về thời trang Lyst đã xác nhận thực tế này. Trong tháng 9 khi thời tiết bắt đầu chuyển sang thu, Lyst ghi nhận 35.000 tìm kiếm mới với từ khoá “vintage fashion”, trong khi những từ khoá liên quan đến secondhand tăng 104%. Thậm chí 38% các cô dâu đang lên kế hoạch cho những đám cưới trong tình trạng giãn cách xã hội cũng tìm kiếm những chiếc váy “vintage”, “secondhand” cho ngày trọng đại của mình. Điều này có nghĩa là các tín đồ thời trang đang bắt đầu quan tâm đến việc ô nhiễm môi trường từ thời trang một cách nghiêm túc, hoặc họ cảm thấy được lan truyền cảm hứng thời trang bền vững từ những cố gắng của các thương hiệu ưa thích của họ. Trong các bộ sưu tập xuân 2021, nhiều nhà thiết kế (như Marine Serre) đã dùng các chất liệu từ bộ sưu tập cũ. Bộ sưu tập xuân 2021 của thương hiệu Coach đã được phối với các thiết kế từ bộ sưu tập trước để gửi gắm thông điệp về sự trường tồn, cũng như các túi xách được tái chế từ những kiểu ví trong kho dữ liệu từ thập kỷ 70 kết hợp với nhựa tái chế.

Vào tháng 10 thương hiệu nổi tiếng của Mỹ Levi’s cũng cho ra mắt một website mới với tên gọi Levi’s Secondhand, với mục đích bán độc quyền những sản phẩm jeans vintage và secondhand được mua lại từ chính người tiêu dùng hoặc săn lùng từ các cửa hàng vintage.

Cùng thời gian này, Gucci cũng kết hợp với website chuyên bán hàng secondhand The RealReal. Đây là điều không tưởng vài năm trước, khi các thương hiệu xa xỉ đều tránh bàn đến những câu chuyện về sản phẩm đã qua sử dụng.

Một tháng sau đó Miu Miu cũng tung BST với 80 mẫu upclycling dành cho các kỳ nghỉ, được làm từ những mẫu vintage từ những năm 1930 đến 1970. Chúng ta có thể xem những mẫu này trên Display Copy, một tạp chí chuyên đăng những mẫu thời trang secondhand và vintage.

Đây là những thương hiệu tiên phong trong việc đáp ứng mối quan tâm về các sản phẩm thời trang upcycling và secondhand của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Khái niệm “thời trang tuần hoàn”, có nghĩa là sản phẩm thời trang liên tục được làm mới bằng cách này hay cách khác để quay lại với người tiêu dùng thay vì bị bỏ đi như trước đây, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là tương lai của thời trang.

Cửa hàng đồ secondhand ThredUp ở Mỹ dự đoán thị trường mua bán đồ cũ sẽ đạt 64 tỉ USD năm 2024, trong đó thị trường hàng secondhand online sẽ tăng trưởng 69% năm 2021. Trang thương mại điện tử chuyên bán hàng xa xỉ Farfetch nhận được sự tăng trưởng khả quan cho dịch vụ mua bán đồ cũ hàng xa xỉ Second Life được tung ra ở thị trường Anh, ngay sau đó đã thừa thắng xông lên mở rộng dịch vụ này tại thị trường Mỹ. Ông Giorgio Belloli, Giám đốc phụ trách về Thương mại và Bền vững của Farfetch cho biết: “Chúng tôi cho ra mắt dịch vụ này theo yêu cầu của khách hàng. Rất nhiều người trong số họ đã và đang mua bán lại các sản phẩm thời trang trong vài năm trở lại đây. Chúng tôi nhận thấy rằng tính luân chuyển của các sản phẩm thời trang không những giữ chân khách hàng ở lại với chúng tôi mà còn mang lại thêm khách hàng mới. Rất nhiều khách hàng ở Anh sử dụng dịch vụ này là khách hàng mới của Farfetch”.

Cửa hàng đồ secondhand ThredUp ở Mỹ dự đoán thị trường mua bán đồ cũ sẽ đạt 64 tỉ USD năm 2024, trong đó thị trường hàng secondhand online sẽ tăng trưởng 69% năm 2021.

Qua Second Life, khách hàng có thể bán sản phẩm túi sách trực tiếp cho Farfetch và được đổi bằng điểm. Điểm này dựa vào giá trị của sản phẩm và được chuyển vào tài khoản của khách hàng ngay lập tức chứ không phải đợi đến lúc sản phẩm được bán lại. Một điểm khá thú vị là, ông Belloli cho biết, nhiều khách hàng bán trên Second Life và đã dùng điểm tích luỹ để mua sản phẩm mới, chứ không mua sản phẩm đã qua sử dụng. Theo ông Belloli, điều này hoàn toàn hợp lý vì việc đánh giá cao giá trị sản phẩm cũ sẽ làm tăng giá trị các sản phẩm mới đang bày bán. Ông cho biết thêm: “Khi nhìn thấy sản phẩm túi xách vintage của Dior trên Second Life, người tiêu dùng có thêm động lực để mua một sản phẩm mới của Dior vì họ nghĩ rằng giá trị của chiếc túi xách thương hiệu này vẫn được giữ vững theo thời gian và có thể bán lại trong vòng 5-10 năm sau. Đây là cơ hội để các thương hiệu tạo thêm giá trị cho sản phẩm của mình”.

Một điều chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy nhiều thương hiệu xa xỉ mua lại những sản phẩm cũ của khách hàng và thổi hồn vào sản phẩm một cuộc sống mới như là một món hàng quý hiếm. Điều này rất khác với mô hình hiện tại, khi mối quan hệ rất một chiều theo nhiều nghĩa: khi thương hiệu bán sản phẩm cho người tiêu dùng, ngay lập tức nó trở thành “trách nhiệm” của người tiêu dùng chứ không phải của thương hiệu. Và điều đó rất có hại cho môi trường vì người tiêu dùng không quan tâm đến cuộc sống kế tiếp của sản phẩm và vứt bỏ sản phẩm đôi khi vẫn còn dùng được và hầu hết sản phẩm này không được phân huỷ. Điều này cũng làm mất cơ hội kiếm lợi nhuận từ thương hiệu.

Thực tế cho thấy các khách hàng sở hữu túi xách 3.000 USD sẽ không vứt bỏ sản phẩm khi họ chán. Nếu sản phẩm chất lượng tốt, thiết kế độc đáo, thì cho dù đó là sản phẩm cao cấp hay thời trang nhanh, cũng sẽ được người chủ mới đón nhận.

Có rất nhiều lý do khác nhau để mua sản phẩm đã qua sử dụng, ngoài nguyên nhân ít gây tổn hại môi trường và ủng hộ thời trang bền vững. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại có nhiều sự lựa chọn về thương hiệu, về các trang thương mại điện tử khi mua sắm thời trang trên thế giới như bây giờ và chúng đa phần na ná giống nhau. Người tiêu dùng cũng không bị ràng buộc về khoảng cách địa lý khi mua sắm. Một khách hàng cư ngụ ở Kentucky (Mỹ) có thể mua sắm tận trời Ý, Trung Quốc hay Úc. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn sở hữu một chiếc váy độc đáo, không bị “đụng hàng”, thì các cửa hàng thời trang vintage, quần áo secondhand hoặc được “lên đời” là sự lựa chọn hợp lý.

Trong một năm đầy khó khăn với tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh và hàng loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa như năm 2020, thì việc chuyển thói quen mua sắm sang hàng thời trang vintage, secondhand có thể được xem như là một hành động thiết thực. Nếu như việc phủ lên người hàng hiệu từ đầu đến chân với logo sáng loáng là điều không thích hợp trong thời điểm hiện tại, thì việc mặc một chiếc áo khoác độc đáo có 20 năm tuổi từ một cửa hàng vintage là một điểm nhấn thú vị và không mang tính phô trương.

Hailey Bieber làm mẫu cho chiến dịch Levi’s Secondhand
Nguồn: Business Insider

Nếu trước đây việc có thể chạm tay vào những món thời trang vintage là việc khó khăn vì hầu như chúng chỉ có ở các cửa hiệu vintage ở New York và Paris. Nhưng internet và Instagram đã biến việc này trở nên đơn giản hơn. Thậm chí bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Gem, một công cụ tìm kiếm các món thời trang vintage và secondhand. Cô Liisa Jokinen, một người chuyên săn lùng hàng vintage đến từ Helsinki đã nghĩ ra ý tưởng này khi cô chuyển đến sống tại Mỹ 6 năm trước. Cô tìm thấy rất nhiều trang bán hàng vintage và secondhand, từ The RealReal cho đến những nhà cung cấp nhỏ lẻ.

Cô cho biết: “Lúc đầu tôi rất vui và phấn khích để rồi mệt mỏi và choáng ngợp. Thật không thể xem tất cả các cửa hàng online và các chợ bán đồ vintage, secondhand khi tôi chỉ muốn tìm một vài loại sản phẩm nhất định. Nên tôi nghĩ phải có cách nào đó hiệu quả hơn để tìm và mua sắm những món đồ vintage – một công cụ tìm kiếm có thể liệt kê hết tất cả các cửa hàng vintage online vào một app. Điều này thật tiện dụng. Một vài người bạn của tôi cho rằng việc đi săn lùng tại các cửa hàng đồ qua sử dụng thật tốn thời gian và không có một mục đích cụ thể. Nhưng với Gem họ có thể nối lại tình yêu với hàng secondhand một lần nữa, vì họ có thể tìm thấy những món hàng ưa thích nhanh chóng hơn và vào bất kỳ lúc nào trong ngày”.

Một chiếc túi upcycled của By Far và Vestiaire Collection
Nguồn: Vogue

Gem đã tổng hợp 30 triệu món đồ trên internet và hoạt động như bất kỳ công cụ tìm kiếm nào. Cũng như cách bạn gõ tìm “giày boots cao đến gối” trên Google hoặc Lyst, bạn có thể tìm kiếm trên Gem và tìm thấy hàng trăm món đồ vintage hoặc đã qua sử dụng. Ví dụ, khi bạn gõ “váy xếp ly” thì ngay lập tức bạn sẽ được dẫn đến chiếc váy vào thập niên 80 của Etsy và từ Prada, The RealReal. Tuy nhiên Gem chỉ tiện lợi khi bạn biết chính xác bạn đang cần tìm gì. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không vô tình tìm thấy một cái “áo khoác nhẹ” mà bạn không biết là bạn cần, nếu bạn chỉ đang tìm “áo khoác da”. Điểm mạnh của Gem là công cụ này có thể cho ra những kết quả là các món hàng vintage hoặc secondhand mà bạn thường phải mua mới. Chẳng hạn nếu bạn thấy một người nổi tiếng đang mặc một chiếc áo len màu hoa cà mà bạn yêu thích, thay vì tìm kiếm trên Google hàng trăm hiệu áo len trên thị trường, bạn có thể tìm thấy mẫu tương tự trên Gem.

“Chúng tôi tin rằng vintage và secondhand không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà nó sẽ trụ lại dài lâu”. Cô Jokinen cho biết thêm: “Nhu cầu này ngày càng tăng và ngày càng nhiều người có thói quen bán và mua hàng vintage và secondhand… Đây sẽ là một ‘bình thường mới’ cho nhiều người tiêu dùng thời trang”.

“Cơ hội chúng ta có thể tạo ra trên nền tảng công nghệ và số liệu là vô hạn”. Ông Belloli từ Farfetch cho biết thêm. “Tôi thấy điều này ngày càng trở nên hợp thời, quan trọng và sẽ trở thành một mảng kinh doanh lớn cho tất cả các thương hiệu thời trang. Hiện tượng này đã xảy ra ở các ngành công nghiệp khác như công nghiệp xe hơi. Các thương hiệu cần nhận ra những giá trị mà họ mang lại trong những sản phẩm được bán ra”.

Tuy nhiên có một điều cần lưu ý, bà Maxine Bédat, Nhà sáng lập New Standard Institute (NSI), một tổ chức chuyên nghiên cứu và vận động chính sách về thời trang bền vững, bày tỏ lo ngại về cách dùng và hiểu sai các từ “recycling – tái chế”, “secondhand”, hay “upcycling” của các thương hiệu thời trang, cũng như cách từ “bền vững” bị lạm dụng. Ví dụ như việc sử dụng vải tồn kho không phải là “upcycling”. Nó đơn thuần là sử dụng vải sẵn có. NSI cũng trích dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu dùng có khuynh hướng tiêu thụ nhiều hơn khi họ tin rằng sản phẩm được tái chế hoặc dán nhãn “tái sử dụng”. Việc phát triển thị trường lên con số 64 tỉ USD càng làm cho các thương hiệu “dựa hơi” vào xu hướng này và tạo ra những chiến dịch quảng cáo về những nỗ lực “bền vững” của họ.

Vintage và secondhand không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà nó sẽ trụ lại dài lâu.

“Tôi rất thích việc sản phẩm secondhand không những trở nên dễ sưu tầm hơn mà còn được xem là ‘ngầu’” , bà Bédat cho biết. “Khi tôi du lịch đến Accra (Ghana) và ghé đến chợ chuyên bán hàng secondhand, những người tôi gặp ở đó là những người ăn diện đẹp nhất mà tôi từng gặp. Rất nhiều người trong số họ mua đồ secondhand ở đó bởi vì họ tìm kiếm các món đồ độc đáo. Thật tuyệt nếu mọi người đều thấm nhuần ý tưởng này và các thương hiệu thời trang cũng tiếp nối trào lưu và tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh của mình. Cũng cần nhớ rằng nghiên cứu tôi đề cập ở trên là các sản phẩm dán nhãn ‘recycling – tái chế’ dẫn đến việc tiêu thụ hàng hoá nhiều hơn… Do đó, để chúng ta có thể thực sự tạo ra tác động tốt trong thời trang bền vững, chúng ta cần phải điều chỉnh mô hình kinh doanh, chứ không chỉ là một cách để tăng thêm doanh số”.

Sự chuyển đổi này sẽ đòi hỏi một vài thay đổi lớn, bao gồm cả việc tung ra ít sản phẩm mới hơn. Việc quảng bá tái sử dụng không gắn liền với việc liên tục tung ra sản phẩm mới. Cách tiếp cận “ít hơn là tốt hơn” dẫn đến những sản phẩm chất lượng hơn, có giá trị hơn và “sống lâu” hơn. Năm 2020 là năm mà hầu như các nhà thiết kế đều nói về mong ước được chung tay đóng góp vào một nền thời trang bền vững. Đây là sự thay đổi lớn đòi hỏi sự điều chỉnh lợi nhuận và KPIs, với mục tiêu tạo ra tác động tốt đến môi trường thay vì lợi nhuận trước mắt. Hãy cùng hy vọng 2021 là năm chuyển biến từ lời nói sang hành động, với mục tiêu tiến đến thời trang bền vững.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi cũng chia sẻ nội dung phỏng vấn Thư Vũ – Nhà sáng lập & CEO của COCO Dressing Room (CDR) Việt Nam xoay quanh xu hướng thời trang vintage, secondhand và upcycling. Phỏng vấn được thực hiện vào tháng 4/2021.

* CDR ra đời được hơn hai năm với mô hình tìm chủ nhân mới cho những trang phục, phụ kiện thời trang đã qua sử dụng (nhưng vẫn trong điều kiện tốt), góp phần vào việc giảm thiểu chất thải vào môi trường. Nếu có thể khái quát ba điểm chính về xu hướng sử dụng sản phẩm thời trang đã qua sử dụng trong hai năm trở lại đây tại thị trường Việt Nam thì Thư sẽ nói gì?

Cách đây khoảng 5 năm, việc mua sắm đồ secondhand ở Việt Nam vốn chỉ được xem là một hình thức mua sắm của hai nhóm cá nhân chính. Nhóm thứ nhất là những cá nhân muốn tiết kiệm chi tiêu vào quần áo và nhóm thứ hai là những người có sở thích săn tìm những món đồ độc lạ, không thể tìm thấy ở những thương hiệu sản xuất hàng loạt. Nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường đồ secondhand ở Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến rất rõ rệt, trở thành cách thức mua sắm được người tiêu dùng ưu tiên khi những vấn đề về môi trường do ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thời trang gây ra ngày càng trở nên đáng báo động.

Thư Vũ (phải) tư vấn cho khách hàng tại cửa hàng CDR

  • Lý do thứ nhất là sự thay đổi về nhận thức của người tiêu dùng trong nước về việc mua sắm thời trang qua sử dụng. Họ tự hào chia sẻ quần áo mình đang mặc là secondhand, đặc biệt là giới trẻ. Nếu như việc sở hữu một món đồ xa xỉ khiến người tiêu dùng tự hào vì ví tiền dư dả, thì giá trị bền vững đằng sau việc mua sắm đồ secondhand khiến họ tự hào vì thấy mình đang làm một việc có ích cho xã hội từ chính niềm vui mua sắm của mình.
  • Lý do thứ hai là sự xuất hiện của những đơn vị kinh doanh mặt hàng này với nhiều cải tiến, không chỉ về cách làm truyền thông mà còn trong việc ứng dụng công nghệ và kiến thức chuyên sâu về thời trang để mang tới cho khách hàng một trải nghiệm hiệu quả và chuyên nghiệp.
  • Lý do thứ ba là khuynh hướng toàn cầu hiện nay đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của người tiêu dùng Việt. Secondhand shopping trở thành định nghĩa của việc mua sắm thông minh và mua sắm có ý thức.

* Thư có thể nói rõ hơn về sự chuyển đổi này?

Thứ nhất, thời trang qua sử dụng đang từ một ngành kinh doanh cũ kỹ, “ẩm mốc” trở thành một “làn gió mới” đầy hấp dẫn trong những năm trở lại đây nhờ sự xuất hiện của các công ty – nền tảng mua bán quần áo qua sử dụng khắp nơi trên thế giới. Nếu ngày xưa đồ secondhand có thể tìm được ở những cửa hàng bán đồ cũ nhỏ ở góc phố hay vùng ngoại ô thì giờ đây là những công ty trị giá tỉ đô la (Vinted) và rất nhiều đã rục rịch lên sàn chứng khoán (TRR, Thredup, Poshmark).

Thứ hai, sự quan tâm chưa từng có của thế hệ Millenials và GenZ tới các vấn đề về môi trường và xã hội là sức ép để các công ty thời trang trở nên có trách nhiệm hơn với công việc sản xuất và kinh doanh thời trang của mình. Depop – một nền tảng peer-to-peer (từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng) trao đổi quần áo rất nổi tiếng với thế hệ Z hiện có hơn 100 triệu người dùng trên khắp thế giới cũng là một minh chứng rất rõ cho tương lai của thời trang qua sử dụng.

Thứ ba, đại dịch COVID-19 đã thay đổi cái nhìn của mọi người về những sở hữu không cần thiết trong cuộc sống của mình. Đồng thời, giai đoạn sắp tới với những khó khăn về kinh tế sẽ khiến con người cân nhắc hơn nữa về cách chi tiêu, nhất là đối với những sản phẩm được liệt vào nhóm “không cần thiết” như quần áo, sẽ là một yếu tố tác động rất lớn đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang qua sử dụng nhưng chất lượng tốt và luôn luôn có mức giá dễ chịu hơn so với các sản phẩm thời trang mới.

Thời trang qua sử dụng đang từ một ngành kinh doanh cũ kỹ, “ẩm mốc” trở thành một “làn gió mới” đầy hấp dẫn trong những năm trở lại đây.

* Thư thử miêu tả chân dung khách hàng của thời trang đã qua sử dụng của CDR? Họ thường tìm kiếm gì?

Sau hai năm vận hành mô hình ký gửi, chân dung của khách hàng thời trang qua sử dụng ở CDR thực sự khiến mình ngạc nhiên. Vì mình nghĩ những hình thức mua sắm đồ qua sử dụng này sẽ hấp dẫn những cô gái trong độ tuổi 20-30, vừa mới tốt nghiệp, họ có sẵn ý thức về tiêu dùng bền vững trong thời trang và muốn tìm một lựa chọn thay thế cho quần áo không thương hiệu nhập từ Trung Quốc. Trên thực tế họ đóng góp tích cực cho việc truyền miệng về mô hình thời trang ký gửi. Nhóm khách hàng chính đóng góp cho doanh thu lại là những phụ nữ có thu nhập khá đến thu nhập cao, có gia đình và không “active” trên mạng xã hội. Qua trao đổi, Thư được biết điểm chung khiến họ tìm tới quần áo secondhand là:

  • Họ sẽ lựa chọn chi nhiều hơn cho gia đình, việc học của con cái, du lịch trải nghiệm hơn là vào quần áo.
  • Bản thân họ cũng là người có vấn đề về một tủ đồ to và không có gì để mặc.
  • Khi đã tạm gọi là đầy đủ về nhiều mặt trong cuộc sống, họ bắt đầu nghĩ nhiều hơn cho các giá trị chung và sự bình an (well-being) của cộng đồng mình đang sống. Đồng thời việc có con cũng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy họ để mắt tới các sản phẩm và dịch vụ không chỉ để đẹp mà còn phải tốt cho thế hệ tương lai.

* Xu hướng “thời trang bền vững” được nhắc đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Đây có phải là điểm thuận lợi để CDR có thể thuyết phục nhiều khách hàng tiềm năng?

Bền vững là một trong những yếu tố khiến khách hàng tìm đến CDR và rõ ràng khi khái niệm bền vững càng được nhắc đến nhiều thì mọi người sẽ càng chú ý hơn, không phải chỉ tới CDR mà tới nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thời trang khác đang tìm cách cân bằng giữa lợi nhuận và môi trường sống. Secondhand không phải là cách thức duy nhất để người tiêu dùng có thể mua sắm mà không gây sức ép lên môi trường cũng như các vấn đề xã hội khác, nhưng secondhand là một khởi đầu hoàn hảo cho những ai đang muốn làm giảm sức ép của thời trang lên hành tinh và con người, bởi vì mua một món đồ đã có sẵn có nghĩa là không tốn thêm tài nguyên để sản xuất ra một món đồ mới và kéo dài tuổi thọ của một món đồ khoảng 9 tháng sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính gây ra do phế thải thời trang đến 30% (Ellen McArthur Foundation).

Sản phẩm secondhand của CDR được phối khi trưng bày

Khi thị trường secondhand trở nên “khoẻ mạnh” hơn, khi người tiêu dùng biết họ có thể bán lại những món đồ mình đã mua thì họ sẽ có xu hướng chọn mua quần áo chất lượng, đến từ các thương hiệu uy tín, cũng như lưu tâm hơn tới việc chăm sóc và giữ gìn quần áo để tăng khả năng những món này sẽ tìm được chủ mới qua các kênh thời trang bán lại, với một mức giá tốt hơn khi bán lại những món quần áo thuộc các thương hiệu “mì ăn liền” hay thậm chí là hàng nhập khẩu không thương hiệu.

Secondhand không giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến thời trang bền vững, nhưng việc ký gửi mua bán lại quần áo qua sử dụng chính là việc làm mang tính cấp thiết để giải quyết vấn đề liên quan tới phế thải thời trang. Đồng thời, secondhand là hình thức dễ tiếp cận nhất cho số đông nếu muốn hướng tới việc tiêu dùng thời trang bền vững bởi vì sự đa dạng về mẫu mã cũng như mức giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ không còn phải đắn đo lựa chọn giữa giá tiền và chất lượng, cũng như giữa nhu cầu làm đẹp của bản thân, niềm vui mua sắm và môi trường nữa.

* Thư nghĩ điều gì đang ngăn cản khách hàng tìm đến với trang phục, phụ kiện thời trang đã qua sử dụng?

Dù cho nhận thức của người tiêu dùng đã khác trước đây khá nhiều nhưng không thể phủ nhận sự ngần ngại của khách hàng đối với các vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm. Đối với đồ qua sử dụng phân khúc xa xỉ, thì trở ngại còn là tính “authentic” – thật/ giả của sản phẩm.

Hiểu được những lo ngại này, CDR đã dành nhiều thời gian và công sức để chọn lọc quần áo mình bán, định giá dựa trên chất lượng và tình trạng sản phẩm, truyền thông bằng các thông điệp phù hợp, cũng như đầu tư nhiều vào dịch vụ chăm sóc khách hàng. Việc này giúp cho khách hàng hiểu rằng họ không chỉ mua sắm sản phẩm, mà họ còn thuộc về một cộng đồng người yêu thời trang, có kiến thức và văn minh. Đây là trách nhiệm mà một người kinh doanh thời trang secondhand như Thư tự đặt ra cho mình.

Ghi chú:

  • Vintage: dùng để miêu tả quần áo, trang sức… không phải là sản phẩm mới, nhưng đánh dấu cột mốc về một phong cách nào đó của một giai đoạn trong quá khứ.
  • Secondhand: không phải là sản phẩm mới và đã được sử dụng bởi chủ nhân nào đó trong quá khứ.
  • Upcycling: là cách tạo ra sản phẩm mới từ những vật dụng cũ hoặc thêm một phần của sản phẩm cũ vào sản phẩm có sẵn để làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Brands Vietnam