HBR: Tăng cường sức ảnh hưởng trong lãnh đạo với storytelling

Kể một câu chuyện hấp dẫn giúp nhà lãnh đạo xây dựng uy tín cá nhân cũng như truyền cảm hứng cho nhân viên cùng những nhà lãnh đạo khác trong tổ chức.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Jeff Gothelf – tác giả, cố vấn cho các doanh nghiệp lớn về sự liên kết giữa tốc độ phát triển doanh nghiệp, số hoá, phát triển sản phẩm, và cơ cấu quản lý nhân sự lấy con người làm trung tâm.

“Đây là cơ cấu thiết lập mục tiêu mới của chúng ta” – một thông báo tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi nỗ lực đáng kể từ các nhà lãnh đạo trong việc kêu gọi nhân sự hỗ trợ triển khai OKRs. Thế nhưng, phần lớn kết quả đều không như ý muốn bởi những quan ngại từ phía nhân viên: “Tại sao chúng tôi lại cần một hệ thống mục tiêu mới? Điều này có ý nghĩa gì với đánh giá công việc của chúng tôi? Nó ảnh hưởng thế nào đến lộ trình thăng tiến sự nghiệp của tôi?”.

Theo ông Jeff Gothelf, vấn đề nằm ở hình thức kể chuyện (storytelling) của người điều hành. Kể một câu chuyện hấp dẫn giúp nhà lãnh đạo xây dựng uy tín cá nhân. Đây cũng là phương thức truyền cảm hứng cho nhân viên cùng những nhà lãnh đạo khác trong tổ chức. Bất kể mục đích là thuyết phục đồng nghiệp, vị giám đốc hay đối tác... thì kể chuyện hiệu quả là yếu tố then chốt. Vì thế, dựa trên các tác phẩm thành công của mình, ông Jeff đưa ra 5 đặc điểm chính của một câu chuyện hiệu quả gồm:

1. Hướng đến đối tượng khán giả cụ thể

Tổ chức những buổi trò chuyện nhanh, thân mật là cách hiệu quả giúp nhà lãnh đạo tìm hiểu về mối bận tâm của đối tượng nhân viên mục tiêu. Sau khi khám phá ra hãy chèn vào câu chuyện những từ ngữ nói lên mối bận tâm, lo lắng đó.

Ông Jeff chỉ ra một sai lầm của phần lớn doanh nghiệp về việc thông báo OKRs. Đó là cùng một thông điệp sẽ có hiệu quả với tất cả 10.000 nhân viên trong tổ chức. Thế nhưng, doanh nghiệp không nghĩ đến tập hợp này bao gồm nhiều nhóm người khác nhau như quản lý, nhân viên kỳ cựu/ thời vụ, những cá nhân chưa hoặc đã biết về OKRs. Hơn nữa, đội ngũ nhân viên đặc biệt lo lắng vì thông báo này có ảnh hưởng thế nào đến cách đánh giá và lộ trình thăng tiến của họ. Như vậy, cách tiếp cận tốt sẽ là tạo ra nhiều loại thông báo triển khai khác nhau, hướng đến giải quyết các câu hỏi và mối bận tâm cụ thể cho từng nhóm nhỏ trong tổ chức.

2. Ngữ cảnh hoá câu chuyện

Một vấn đề khác là các thông báo OKRs không được ngữ cảnh hoá (contextualize) lý do tại sao bây giờ là thời điểm thích hợp để thay đổi. Lúc này, nhiều nhân viên sẽ cho rằng đó chỉ là sáng kiến ngẫu hứng của ban lãnh đạo. Mặt khác, nếu câu chuyện triển khai được giải thích phù hợp với tầm nhìn và chiến lược tương lai của công ty sẽ giúp mọi người hiểu được nguồn gốc và tầm quan trọng của những thay đổi.

3. Cá nhân hoá câu chuyện

Một câu chuyện về trải nghiệm cá nhân vừa có thể xoa dịu bầu không khí căng thẳng, vừa minh hoạ quan điểm hiệu quả hơn.

Một câu chuyện về trải nghiệm cá nhân vừa có thể xoa dịu bầu không khí căng thẳng, vừa minh hoạ quan điểm hiệu quả hơn. Từ đó, nhân viên sẽ ít hoài nghi và cởi mở hơn với những ý tưởng của người lãnh đạo.

Ví dụ, khi nói chuyện với đối tác, ông Jeff thường mang câu chuyện về hành trình 6 tháng “lưu lạc” cùng một đoàn xiếc của mình. Mặc dù câu chuyện có vẻ không liên quan đến bối cảnh kinh doanh hiện tại, nhưng chúng lại gây cười. Quan trọng hơn cả, câu chuyện hài ấy chứng tỏ được khả năng xây dựng quan hệ, hoà nhập vào cộng đồng, nền văn hoá mới, xử lý tình huống...của ông với đối tác.

4. Định hướng hành động

Càng chi tiết càng giúp giảm mối băn khoăn. Nếu nhà lãnh đạo cung cấp cho nhân viên những lời khuyên thiết thực với định hướng rõ ràng, họ sẽ chủ động biến câu chuyện thành của riêng mình và hành động.

Sau đây là một ví dụ về việc thông báo OKRs với những kết quả dự đoán có vẻ ấn tượng nhưng lại chung chung và vô ích:

– Những điều mục trên sẽ thay đổi cách thức làm việc và mang đến thành công cho công ty. Hơn cả, kế hoạch này còn giúp chúng ta đến gần hơn với khách hàng.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo có thể tập trung vào những thay đổi mà nhân viên cần thực hiện như ví dụ sau:

– Thay vì đi theo lộ trình cố định như trước đây, chúng ta sẽ đặt ngày kiểm tra hàng quý để đánh giá tiến trình bằng các chỉ số như tỷ lệ giữ chân, giá trị đơn đặt hàng trung bình và chi phí sở hữu khách hàng. Điều này có nghĩa là các Giám đốc điều hành và quản lý cấp trung sẽ chịu trách nhiệm phát triển kế hoạch cho bộ phận của mình sao cho đạt mục tiêu một cách tốt nhất. Ngoài ra, công ty sẽ cung cấp các khoá đào tạo và huấn luyện dài hạn nhằm hỗ trợ nhân viên trong quá trình thực hiện chuyển đổi này. Nếu bạn quan tâm về cách thức bắt đầu, chỉ cần liên hệ với quản lý của bạn.

5. Tỏ rõ sự khiêm nhường

Kể chuyện có sức tác động lớn đến đội nhóm, tổ chức, và toàn bộ sự nghiệp của một nhà lãnh đạo.

Thất bại trước mặt nhân viên là việc rất đỗi bình thường. Sự khiêm nhường thật sự thể hiện ở khả năng chịu học hỏi và phát phiển. Điều này giúp củng cố lòng tin vào câu chuyện của người lãnh đạo bởi chứng tỏ tinh thần sẵn sàng học hỏi từ vấp ngã. Hơn nữa, ông Jeff nhận định rằng việc thừa nhận phát triển dựa vào việc học hỏi từ người khác còn giúp nhà lãnh đạo gắn kết chặt chẽ hơn với nhân viên. Bởi không phải lúc nào người lãnh đạo cũng có thể làm được mọi thứ.

Dưới đây là ví dụ về một thông báo OKRs tỏ rõ sự khiêm nhường của người lãnh đạo:

– Nhiều bạn chắc còn nhớ lần cuối chúng ta cố gắng cập nhật hệ thống thiết lập mục tiêu cho công ty. Tôi là COO lúc bấy giờ, và là một trong những động lực chính cho sự thay đổi. Nhiều bạn cũng nhớ rằng sáng kiến đó đã thất bại nặng nề thế nào. Đó là lỗi của tôi. Tôi đã thúc đẩy quá trình thay đổi quá nhanh mà không hiểu rõ về cách hỗ trợ tổ chức. Tôi đã rút được bài học kinh nghiệm và hiện mong chờ đề xuất có giá trị từ các bạn nhằm đảm bảo lần triển khai OKRs này thành công.

Tóm lại, kể chuyện có sức tác động lớn đến đội nhóm, tổ chức, và toàn bộ sự nghiệp của một nhà lãnh đạo. Vì thế, hãy kiên trì rèn luyện vì đây là cách tốt nhất để nâng cao khả năng kể chuyện.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Lược dịch từ bài Storytelling can make or break your leadership