Nơi Marketing kết thúc, Branding bắt đầu

Sự khác nhau giữa Marketing và Branding là gì? Những sai lầm thường gặp khi xây dựng thương hiệu? Đâu là cách để định vị thương hiệu thành công? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau.

Sau khi bạn đã có một doanh nghiệp và sẵn sàng để quảng bá thương hiệu của mình trên môi trường trực tuyến, thì câu hỏi đầu tiên bạn gặp phải sẽ là “Làm thế nào để xây dựng một thương hiệu?”.

Khi tiếp xúc với nhiều chuyên gia Marketing và Branding, bạn có thể nghĩ việc xây dựng thương hiệu liên quan đến những điều sau:

  • Logo của tôi nên trông như thế nào? Nên chọn màu sắc nào để đại diện cho doanh nghiệp tốt nhất? Nên làm gì với việc thiết kế website cho công ty?
  • Tôi nên đề cập đến thương hiệu của mình như thế nào, các liên kết website, mức độ phổ biến của doanh nghiệp trên mạng xã hội nên được xây dựng ra sao? Phải chăng tôi cần xuất hiện trên môi trường trực tuyến càng nhiều càng tốt, vì điều này giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu của tôi?
  • Khả năng hiển thị của công ty với các công cụ tìm kiếm (SERPs), các chiến dịch quảng cáo cũng như các nỗ lực quảng bá khác nên được xây dựng ra sao?

Nếu bạn nghĩ rằng những câu hỏi trên là tổng thể của câu chuyện xây dựng thương hiệu, thì đó là cách nhìn nhận hoàn toàn sai lầm. Thực tế, những vấn đề được đề cập trên đây chỉ là các công cụ và chiến lược của Marketing và nó đơn giản chỉ là phẩn nổi của việc xây dựng thương hiệu.

Ảnh minh hoạ: linhdam

Marketing là tập hợp các quy trình và công cụ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của bạn. Điều này bao gồm SEO, mạng xã hội, PPC, tìm kiếm địa phương, thiết bị di động và các công cụ cũng như phương thức quảng bá truyền thông khác. Ngược lại, Branding là về văn hoá, thông điệp xuyên suốt và chi phối quá trình kinh doanh của bạn.

Những quan niệm sai lầm phổ biến về xây dựng thương hiệu

Việc nhầm lẫn giữa Marketing và Branding như trên chỉ là một trong những sai lầm phổ biến về thương hiệu mà bạn sẽ gặp phải. Nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia tiếp thị dù đang làm việc về xây dựng thương hiệu, nhưng vẫn mắc phải những sai lầm sau:

Thứ nhất, xây dựng thương hiệu là markeing/ quảng cáo/ khuyến mại/ bất cứ thứ gì có hiệu quả.

Như đã đề cập trước đó, đây là một quan niệm sai lầm vì thực chất xây dựng thương hiệu mang ý nghĩa sâu xa hơn. Marketing, quảng cáo và các hoạt động khuyến mại khác chỉ nhằm truyền đạt thông điệp và tính cách thương hiệu của bạn. Còn xây dựng thương hiệu là quá trình thiết lập những đặc điểm này.

Thứ hai, bạn là người có thẩm quyền định vị thương hiệu của mình.

Không phải chủ doanh nghiệp, khách hàng mới chính là người cuối cùng có thẩm quyền định vị thương hiệu.

Đây là một quan niệm sai lầm rất phổ biến, đặc biệt là ở những người lần đầu làm chủ doanh nghiệp. Khi bắt đầu thiết lập giọng điệu và chia sẻ những thông điệp đầu tiên về thương hiệu, bạn đặt ra các nguyên tắc mà nhân viên sẽ tuân theo khi họ làm việc tại công ty của bạn, điều này không tự động biến bạn trở thành người có quyền định vị thương hiệu.

Khách hàng của bạn mới là những người cuối cùng định vị thương hiệu. Nhận thức của họ về thương hiệu sẽ ảnh hưởng đến những người mà họ gắn bó. Đây là lý do tại sao việc lựa chọn các giá trị thương hiệu một cách cẩn thận là rất quan trọng, nếu không thương hiệu của bạn có thể bị nhìn nhận sai cách. Hoặc tệ hơn, thương hiệu có thể thất bại khi khách hàng không quay trở lại.

Thứ ba, có một công thức thành công khi nói đến xây dựng thương hiệu.

Mặc dù, mọi thứ trong tiếp thị trực tuyến đều có thể đo lường được, nhưng không có nghĩa là tất cả đều có công thức. Bạn nên nhớ rằng không có hai công ty hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, một quy trình phát triển thương hiệu có thể áp dụng cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, nhưng các doanh nghiệp này vẫn sẽ có những đặc điểm nhận dạng và nhu cầu riêng.

Sự thật là không tồn tại công thức thành công – xây dựng thương hiệu đang và sẽ luôn là một trải nghiệm được cá nhân hoá với bất kỳ khách hàng nào. Tin tốt là bạn có thể đo lường thành công của thương hiệu một cách dễ dàng. Những gì bạn nên xem xét là hành vi và sở thích của đối tượng khách hàng mục tiêu mà thương hiệu nhắm đến.

Ảnh minh hoạ: oenix

Xây dựng thương hiệu đúng cách

Để tạo ra và xây dựng một thương hiệu mạnh, bạn sẽ cần đặt những câu hỏi cơ bản nhất đằng sau sự phát triển của nó, trước khi bắt đầu lập kế hoạch các chiến lược tiếp thị trực tuyến của mình.

Thiết lập mục đích của bạn

Điều đầu tiên bạn cần làm rõ là đặt câu hỏi tại sao bạn lại làm việc mình đang làm. Bạn sẽ không thể tìm được câu trả lời ngay lập tức, mà cần tự hỏi bản thân nhiều lần trước khi biết được mục đích cơ bản, cốt lõi của doanh nghiệp. Bắt đầu với những câu hỏi như:

  • Tại sao tôi xây dựng doanh nghiệp này?
  • Tại sao tôi muốn giúp đỡ nhóm người cụ thể này?
  • Tại sao nó quan trọng với tôi khi những điều này được thực hiện?

Hãy ghi lại câu trả lời – chúng sẽ giúp bạn tìm được mục đích của mình. Ví dụ điển hình về một công ty biết rõ tại sao họ tồn tại, đó là Walt Disney, họ muốn mang lại niềm vui cho trẻ em ở khắp mọi nơi. Điều này thấm nhuần trong tất cả mọi thứ họ làm.

Chọn cá tính và giọng nói của bạn

Sau câu hỏi trên, hãy tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thương hiệu của tôi là gì?”. Điều này giúp bạn bắt đầu định hình thương hiệu, trở thành “khung” mà bạn sẽ “gắn” tiếp những ý tưởng, giá trị và thông điệp vào. Ở giai đoạn xây dựng thương hiệu, hãy tự hỏi bản thân những điều sau:

  • Tôi muốn sử dụng giọng nói nào cho thương hiệu của mình?
  • Tôi muốn được mọi người nhìn nhận như thế nào – tôi muốn trở nên dễ gần và giản dị hay trang trọng và đẳng cấp?
  • Liệu tôi có thể giữ nguyên bản sắc này trong suốt thời gian tồn tại của thương hiệu này không?

Sự trung thực của thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp bạn có được lòng trung thành của khách hàng.

Câu hỏi cuối cùng đặc biệt quan trọng vì khách hàng sẽ tìm kiếm một bản sắc nhất quán và chắc chắn từ thương hiệu. Khả năng trung thực của thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp bạn có được lòng trung thành của khách hàng.

Phác thảo các giá trị của bạn

Sau khi hoàn thành việc tự hỏi bản thân thương hiệu của mình là gì, đã đến lúc bạn tự hỏi “Tôi là ai?”. Các giá trị mà bạn nhận được từ những bước đầu sẽ xác định bạn là một thương hiệu.

Việc xác định một bộ giá trị tốt và vững chắc giúp doanh nghiệp hoạt động nhất quán và đó cũng là nguyên tắc chỉ đạo công việc trong công ty của bạn. Ví dụ, Zappos đã làm rất tốt việc đề ra và xác định được 10 giá trị cốt lõi mà họ luôn tuân thủ. Nếu xem qua blog và trang web của họ, bạn sẽ thấy những giá trị này được thể hiện rõ nét trong từng quy trình.

Xác định văn hoá của bạn

Văn hoá doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hàng công ty. Nhân viên hạnh phúc sẽ làm việc hiệu quả, hình thành đam mê và xây dựng sự gắn kết; từ đó, doanh nghiệp của bạn hoạt động mạnh hơn và các quy trình cũng dễ dàng quản lý. Đây là lý do tại sao bạn cần thiết lập loại văn hoá mà bạn muốn nuôi dưỡng tại doanh nghiệp của mình.

Google rất nổi tiếng với việc khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới bằng cách cho nhân viên thời gian và nguồn lực để khám phá những điều mới lạ. Chính sách 80/20 của họ đã “mở đường” cho Google Glass và Android. Mặc dù, điều này không còn được triển khai như một chính sách nữa, nhưng các kỹ sư của Google vẫn được khuyến khích thực hiện các dự án phụ cho phép họ đổi mới. Có thể thấy, sức mạnh của văn hoá nằm ở chỗ dù chính sách đã bị xoá bỏ nhưng nó vẫn tồn tại.

Ảnh minh hoạ: haymora

Truyền đạt thương hiệu của bạn cho khán giả

Cuối cùng, đã đến lúc hoạt động Marketing xuất hiện – bạn cần quyết định cách bạn muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương hiệu của mình. Với các bước đã đề cập kết hợp với nghiên cứu và phân tích thị trường, bạn sẽ xác định được cách thức và vị trí truyền thông thương hiệu thích hợp để tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả.

Sau đây sẽ là những điểm quan trọng nhất cần thảo luận khi hoạch định chiến lược truyền thông:

  • Tuyên bố sứ mệnh của công ty, điều mà bạn có thể dễ dàng rút ra từ mục đích của mình.
  • Những lợi ích mà khách hàng của bạn sẽ nhận được, đây chính là câu trả lời cho lý do tại sao ở phần đầu.
  • Nền tảng bạn đã chọn và phương tiện thích hợp cho từng nền tảng.
  • Lời kêu gọi hành động – những mục tiêu và kế hoạch thu hút khách hàng.

Kết luận

Xây dựng thương hiệu không giống như Marketing – thương hiệu là cốt lõi trong chiến lược tiếp thị của bạn. Để xây dựng một thương hiệu hiệu quả, bạn cần tính xác thực và rõ ràng trong từng bước đã thảo luận trước đó, cho phép thị trường mục tiêu xác định thành công tính cách và giá trị thương hiệu của bạn.

Ảnh minh hoạ: Beginer

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, xây dựng thương hiệu không phải là việc bạn làm một lần khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp của mình. Đó là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, để xây dựng văn hoá và phát triển doanh nghiệp, bạn cần kiên định và luôn cống hiến. Vào cuối ngày, thước đo cho sự thành công của thương hiệu là có được những khách hàng trung thành, những người cũng trở thành đại sứ thương hiệu của bạn.

Theo Linh Đàm
* Nguồn: Niel Patel

Xem thêm nhiều bài viết khác tại đây.