Xu hướng ngành làm đẹp năm 2020 và mách nước chiến lược marketing 2021

Ngành chăm sóc cá nhân và làm đẹp là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trên thị trường Việt Nam. Đây là một ngành hàng tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, cạnh tranh với sự nở rộ của các nhãn hàng spa, thẩm mỹ viện, mỹ phẩm, hair salon,… Vậy quảng bá thương hiệu, sản phẩm của bạn ra sao để phù hợp với insight người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị phần làm đẹp?

Cùng khám phá xu hướng ngành làm đẹp 2020 và gợi ý tư vấn chiến lược marketing năm 2021 từ Novaon Communication nhé!

Những xu hướng nổi bật trên thị trường làm đẹp năm 2020

Mức sống con người ngày càng tăng lên kéo theo nhu cầu làm đẹp và chăm sóc cá nhân của người tiêu dùng trở nên đa dạng, tạo nên thị trường ngành làm đẹp đầy sôi động.

Năm 2020 là năm đầy biến động nhưng nhu cầu này vẫn không hề hạ nhiệt mà còn đạt mức tăng trưởng tốt thể hiện qua các dữ liệu từ các kênh digital.

Google và YouTube ghi nhận số lượng người tìm kiếm các từ khoá về sản phẩm/dịch vụ làm đẹp và chăm sóc cá nhân tăng vọt theo từng nhu cầu cụ thể.

Các sản phẩm làm đẹp – chăm sóc da thu hút nhu cầu người tiêu dùng năm 2020

Ở lĩnh vực chăm sóc da, các sản phẩm trong quy trình chăm sóc da được tìm kiếm nhiều nhất, cũng như tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm qua: “kem dưỡng ẩm” (tăng 66%), “kem chống nắng” (tăng 36%), sữa rửa mặt (tăng 31%), “tẩy da chết” (tăng 23%). Trong khi đó, các sản phẩm điều trị da chuyên biệt như trị mụn, trị nám, làm trắng da,… lại có xu hướng giảm mức tìm kiếm.

Nếu trước đây người dùng thường tìm kiếm các sản phẩm có công dụng phù hợp với nhu cầu của mình, thì giờ đây người mua sắm thông minh hơn trong việc chủ động tìm hiểu các thành phần trên mạng để tìm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể. Các thành phần sản phẩm có mức tăng trưởng tốt nhất thuộc về “chống lão hoá” (tăng 250%), “se khít lỗ chân lông” (tăng 180%), “cho da nhạy cảm” (tăng 160%),…

Điểm nổi bật là các con số này không chỉ tăng lên ở nữ giới mà còn tăng mạnh ở nam giới với hành vi tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều các nhãn hàng mỹ phẩm cần lưu ý để điều chỉnh chiến lược mở rộng sản phẩm, tiếp thị hướng vào tệp khách hàng nam giới đầy tiềm năng này.

Xu hướng tìm kiếm làm đẹp của nam giới – Theo báo cáo Google

Ngoài ra, thị trường ngành làm đẹp cũng có sự biến động theo mùa do mối quan tâm của người tiêu dùng. Theo báo cáo, thời điểm lượt tìm kiếm màu tóc và kiểu tóc đạt mức cao nhất là 3 tuần trước Tết – đây là mùa ăn nên làm ra đối với các hair salon và tiệm tóc. Các nhu cầu về sản phẩm chăm sóc da cũng phân hoá theo mùa, thời tiết trong năm: mùa thu đông – kem dưỡng ẩm; mùa xuân hè – kem chống nắng; trước Tết – làm trắng da, chăm sóc da,…

Với những dữ liệu, phân tích xu hướng trên cộng với kinh nghiệm tư vấn chiến lược marketing cho nhiều nhãn hàng ngành làm đẹp, Novaon Communication sẽ gợi ý giúp các marketer một số định hướng chiến lược sản phẩm & thương hiệu sau đây:

1. Đa dạng nội dung về các nhu cầu cá nhân hoá

Mỗi người có một nhu cầu làm đẹp khác nhau nên việc phân hoá sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu riêng biệt của người dùng là điều tất yếu xảy ra. Trên các phương tiện digital cũng vậy, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các từ khoá theo nhu cầu của bản thân như: sữa rửa mặt cho + [loại da], [kiểu tóc]+ cho mặt tròn,….

Vì thế để tiếp cận khách hàng hiệu quả, nhãn hàng cần xây dựng nội dung tiếp thị sản phẩm đa dạng mang xu hướng cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng. Trên từng kênh digital nhãn hàng có thể xây dựng các content direction theo nhu cầu phù hợp.

Case study: Sản phẩm trị mụn có thể xây dựng hệ thống nội dung theo từ khoá tìm kiếm tự nhiên của người dùng: trị mụn + [loại da], trị mụn + [mùa], trị mụn + [giới tính], trị mụn + [loại mụn],…

Sản phẩm trị mụn được phân hoá theo từng nhu cầu cá nhân người dùng

2. Chú trọng educate thành phần sản phẩm

Như đã phân tích ở trên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn về các thành phần làm đẹp để tìm sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mình. Nắm bắt được xu hướng tìm kiếm này, các nhãn hàng nên xây dựng chuỗi content educate về các thành phần làm đẹp nổi trội có trong sản phẩm/dịch vụ của mình.

Điều này không những giúp tăng lượt tiếp cận khách hàng nhiều hơn mà còn tạo sự tin tưởng về hiệu quả, chất lượng & nguồn gốc minh bạch của sản phẩm/ dịch vụ.

Concept truyền thông thành phần làm đẹp nổi trội trong sản phẩm

Case study: Sản phẩm chống lão hoá có nhiều thành phần khá “đắt” nổi tiếng mà nhãn hàng có thể tập trung khai thác như EGF – thành phần tăng trưởng biểu bì, collagen, vitamin C,…. Hãy educate người dùng rằng sản phẩm của chúng tôi chứa những thành phần quý giá, đã được kiểm nghiệm hiệu quả với hàm lượng cao và chúng mang lại lợi ích gì đến cho khách hàng.

3. Truyền thông nhóm sản phẩm theo mùa

Do nhu cầu làm đẹp người dùng biến động theo mùa nên nhãn hàng cần có cái nhìn tổng quan về sản phẩm, dịch vụ của mình để xây dựng các giai đoạn marketing sản phẩm cho phù hợp. Theo đó, kế hoạch này sẽ dựa vào nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu theo từng mùa, theo lễ hội và chiến lược ra mắt sản phẩm của nhãn hàng.

Đối với nhãn hàng có nhiều nhóm sản phẩm thì có thể thực hiện các chiến dịch truyền thông song song cùng nội dung bắt trend, thời điểm mà khách hàng có nhu cầu cao.

Case study: Thời điểm trước Tết và sau Tết nguyên đán rất thích hợp cho nhãn hàng spa, dịch vụ chăm sóc da đẩy mạnh truyền thông, tăng doanh thu bởi nhu cầu lên cao của người dùng. Các thông điệp “da đẹp đón Tết”, “da sáng mịn, xinh trọn Tết”,… là gợi ý của Novaon Communication cho chiến dịch Tết mà nhãn hàng spa & chăm sóc da có thể áp dụng.

Chăm sóc da ở các spa là dịch vụ hot ở thời điểm trước và sau Tết

4. Mở rộng phân khúc sản phẩm và truyền thông cho khách hàng nam giới

Nam giới ngày càng quan tâm hơn về các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, là một phân khúc đầy tiềm năng mà các nhãn hàng không nên bỏ qua.

Theo phân tích ở trên, các từ khoá được cánh mày râu tìm kiếm nhiều nhất là “sữa rửa mặt”, “kiểu tóc”, “nước hoa”, “trị mụn”,… Các nhãn hàng đang phát triển các dòng sản phẩm chứa từ khoá trên có thể mở rộng thêm phiên bản sản phẩm cho nam giới để đánh vào thị phần hấp dẫn này nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu và thúc đẩy doanh thu.

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ spa, điều trị và chăm sóc da cũng thu hút cánh mày râu nhiều hơn bởi những dịch vụ chuyên biệt cho nam giới. Với việc hướng đến đối tượng nam giới nhiều hơn, nhãn hàng cần nghiên cứu insight tệp khách hàng này để đưa ra thông điệp, key message phù hợp cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Nam giới ngày càng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ làm đẹp

Case study: Các nhãn hàng mỹ phẩm có thể phát triển dòng sản phẩm sữa rửa mặt cho nam giới để cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng. Một số từ khoá truyền thông phù hợp với insight khách hàng nam giới là “phong cách”, “mạnh mẽ”, “vẻ nam tính”,….có thể sử dụng để bật lên lợi ích cảm tính cho dòng sản phẩm này.

Nhìn chung thị trường làm đẹp và chăm sóc cá nhân sẽ còn tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm tới. Trong thị trường đầy cạnh tranh này, nhãn hàng nào có chiến lược digital đúng hướng sẽ tìm được chỗ đứng riêng, mở rộng thị phần và đột phá về doanh thu.

Hy vọng những gợi ý trên từ Novaon Communication sẽ giúp các thương hiệu mỹ phẩm, spa, thẩm mỹ viện, hair salon,… sẽ có những chiến lược tiếp cận phù hợp với insight khách hàng mục tiêu giúp tăng cường nhận biết thương hiệu và tối ưu hiệu quả kinh doanh.