Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Trực quan hoá dữ liệu bằng biểu đồ

Biểu đồ là một trong những cách nhanh nhất giúp người xem nắm bắt được xu hướng thay đổi của dữ liệu. Đối với marketer thường xuyên phải làm báo cáo, biểu đồ là cánh tay đắc lực giúp họ biến con số khô khan thành những "câu chuyện" trực quan và sinh động nhất.

Có 2 loại dữ liệu cần được trực quan hoá (data visualization), gồm dữ liệu Định tính, ở dạng chữ - dùng để mô tả bản chất của dữ liệu, và Định lượng (Quantitative), tức là dữ liệu ở dạng số.

Các dữ liệu này thường được thể hiện ở dưới dạng biểu đồ hoặc đồ thị. Thường có 4 nhóm biểu đồ chính tương ứng với loại dữ liệu khác nhau:

Thứ nhất, biểu đồ so sánh nhiều tập dữ liệu: biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đường. Thứ hai, biểu đồ tương quan giữa hai hay nhiều giá trị: biểu đồ tròn, biểu đồ cột chồng.... Thứ ba, biểu đồ thể hiện những phần trong tổng thể và thay đổi theo thời gian: biểu đồ phân tán, biểu đồ cột. Và thứ tư, biểu đồ thể hiện phân phối theo thời gian, giúp người xem nhìn thấy được xu hướng và phạm vi dữ liệu: biểu đồ bong bóng, biểu đồ đường...

Các đặc điểm của những biểu đồ được thể hiện như sau:

Bar chart (Biểu đồ cột)

Biểu đồ cột là một trong những cách thông dụng nhất để trực quan hoá dữ liệu. Chúng gồm các thanh đứng hoặc thanh ngang, và các trục để hiển thị và so sánh nhiều dữ liệu khác nhau. Biểu đồ cột đặc biệt hiệu quả khi thể hiện các dữ liệu về số, giúp người xem có thể thấy được xu hướng thay đổi trong dữ liệu thông qua những cột dữ liệu.

Một số lưu ý khi sử dụng biểu đồ cột:

  • Hãy thể hiện nhiều cột dữ liệu trên cùng một dashboard. Điều này sẽ giúp người xem nhanh chóng so sánh thông tin liên quan thay vì phải lật qua một bảng tính hay trang trình bày khác để tìm được câu trả lời cho mình.
  • Thêm màu sắc cho cột để gây ấn tượng cho các dữ liệu hơn. Ví dụ, thông tin chính của cột là doanh thu, nhưng việc thể hiện lợi nhuận bằng màu sắc sẽ cung cấp insight ngay lập tức cho người xem.
  • Sử dụng biểu đồ cột chồng (Stacked Bar Chart) để thể hiện nhiều loại đại lượng ngay trên một cột. Việc hiển thị dữ liệu liên quan ở trên đầu mỗi cột sẽ mang lại chiều sâu cho phần phân tích và giải quyết nhiều câu hỏi cùng một lúc về dữ liệu.
  • Có thể kết nối với biểu đồ tròn cùng với bản đồ. Bản đồ sẽ trở thành “bộ lọc” để người xem quan sát được dữ liệu tương ứng khi nhấp vào các vùng khác nhau trên bản đồ.

Nguồn: Tableau

Lưu ý độ rộng của cột tương ứng, và chỉ nên so sánh hai giá trị trong cùng một cột dữ liệu. Ví dụ số lượng áo sơ mi ở các kích cỡ khác nhau, hay phần trăm chi tiêu theo bộ phận của một doanh nghiệp.

Line chart (Biểu đồ đường)

Biểu đồ đường dùng để kết nối nhiều điểm dữ liệu với nhau ngay trên một đường cong hoặc đường thẳng. Biểu đồ này sẽ kết nối các điểm dữ liệu riêng lẻ thành một chuỗi giá trị để hiển thị xu hướng dữ liệu trong một khoảng thời gian, hay so sánh nhiều đại lượng với nhau.

Ví dụ: biểu đồ đường thể hiện số lượng pageview của một website biến động theo giới tính, độ tuổi.

Lưu ý khi sử dụng biểu đồ đường:

  • Để biểu đồ trở nên trực quan, có thể kết hợp biểu đồ đường đi cùng với biểu đồ cột. Chẳng hạn, biểu đồ cột sẽ thể hiện số lượng cổ phiếu bán được trong ngày, còn biểu đồ đường thì thể hiện giá của cổ phiếu tương ứng.
  • Khi biểu đồ có hai hay nhiều đường, hãy lấp các khoảng trống bằng các đường kẻ, nhằm tạo ra vùng cho biểu đồ.
  • Đặc biệt, trong một biểu đồ, đừng vẽ nhiều hơn 4 đường để tránh cảm giác rối mắt cho người xem khi nhìn vào.

Các dạng thường thấy của biểu đồ đường là Line graph và Line graph with points. Ngoài ra, một dạng khác của biểu đồ đường là Area chart. Thực tế phần dưới của biểu đồ này được tô màu nên người xem sẽ dễ nắm bắt dữ liệu hơn.

Nguồn: Tableau

Pie chart (Biểu đồ tròn)

Biểu đồ tròn được sử dụng để thể hiện các phần dữ liệu và sự hơn kém giữa các phần trong cùng một chiếc bánh, ví dụ như thị phần của các thương hiệu sữa, phần trăm độ phủ của các loại loại dầu dội đầu trên thị trường… Đây là một trong những biểu đồ thường xuyên bị sử dụng sai cách nhất. Có nhiều người dùng biểu đồ tròn để so sánh các đại lượng khác biệt nhau hoàn toàn. Trong trường hợp đó, hãy sử dụng biểu đồ cột. Vì người xem sẽ không muốn so sánh các loại bánh khác nhau. Những điểm dữ liệu quan trọng sẽ dễ bị bỏ qua và người xem sẽ “tốn thời gian” hơn để hiểu biểu đồ đó nói gì. Đặc biệt cũng có nhiều trường hợp dùng biểu đồ tròn với quá nhiều thành phần có tỉ lệ tương tự nhau, khiến sự khác biệt giữa các phần không rõ nét.

Lưu ý khi sử dụng biểu đồ tròn:

  • Đảm bảo tỉ lệ của các phần bánh khi cộng lại phải đủ 100%
  • Chỉ sử dụng tối đa 6 miếng bánh trong một biểu đồ. Nếu hơn 6, hãy sử dụng biểu đồ cột. Vì biểu đồ tròn sẽ không thể diễn giải đầy đủ ý nghĩa của quá nhiều loại miếng bánh nhỏ trong tổng thể một chiếc bánh lớn.
  • Bắt đầu vẽ biểu đồ theo chiều kim đồng hồ: Thứ tự các miếng bánh nhỏ nên đi từ lớn nhất đến nhỏ nhất và xoay theo chiều kim đồng hồ.
  • Mỗi “miếng bánh” phải có màu sắc và chú thích cụ thể.
  • Không nên dùng hiệu ứng 3D cho loại biểu đồ này vì người đọc sẽ dễ bị ảo giác, gây khó hiểu hoặc hiểu sai về dữ liệu.
  • Cuối cùng, nếu có thể, nên hạn chế sử dụng biểu đồ này. Vì con người đánh giá các hình ảnh về chiều dài tốt, nhưng lại tệ với các góc trong biểu đồ tròn. Điển hình, như biểu đồ chồng Donut (Stacked Donut Chart) không được khuyến khích sử dụng trong bất kỳ tình huống nào vì sự phức tạp của chúng.

Geo maps (Biểu đồ bản đồ)

Đây là một loại biểu đồ khá “hiếm” ở Việt Nam. Loại này được sử dụng khi dữ liệu được phân chia theo khu vực địa lý, ví dụ là quốc gia, vùng miền, mã bưu điện. Biểu đồ này sẽ giúp người xem định hình được rõ số liệu ở mỗi khu vực cụ thể, mà không cần dùng định vị GPS hay bản đồ kèm theo.

Ví dụ, người xem có thể quan sát được số lượng toà nhà LEEDS trong bang.

Nguồn: Tableau

Scatter plot (Biểu đồ phân tán)

Biểu đồ này giúp người xem nhìn ra xu hướng của dữ liệu, phục vụ cho việc phân tích và đào sâu vấn đề dựa trên các biến khác nhau. Người xem còn có thể quan sát sự tương quan và sự phân phối của hai giá trị khác nhau.

Ví dụ: biểu đồ thể hiện sự khác biệt giữa chi phí vận chuyển của nhiều sản phẩm tại nhiều khu vực khác nhau.

Nguồn: Tableau

Lưu ý khi sử dụng biểu đồ này:

  • Nên thể hiện xu hướng bằng một đường thẳng, nối nhiều điểm cùng giá trị. Bằng cách này, mối tương quan giữa các dữ liệu sẽ được xác định rõ ràng hơn.
  • Dùng những ký hiệu riêng để đánh dấu thông tin.

Biểu đồ bong bóng (Bubble Chart)

Thực tế biểu đồ bong bóng không phải là cách để trực quan hoá dữ liệu, mà được xem như một kỹ thuật để làm nổi bật dữ liệu trên biểu đồ phân tán (Scatter Plot), không mang tác dụng so sánh giữa nhiều giá trị.

Bullet chart (Biểu đồ mục tiêu)

Biểu đồ này sẽ giúp trực quan các mục tiêu thành hình ảnh (tương tự như gạch đầu dòng trong các báo cáo). Thực tế đây là một loại biến thể của biểu đồ thanh, được thiết kế để thay thế đồng hồ, nhiệt kế trên các bảng điều khiển.

Các đồ thị hình thanh ngang được xem như thước đo chính cho giá trị theo thời gian thực. Ví dụ mục tiêu doanh số của cửa hàng giày tháng 9 là 50000 đôi. Nếu tuần đầu tiên, cửa hàng bán được 40000 đôi, thì được xem là hiệu quả và vượt chỉ tiêu, tuy nhiên nếu chỉ bán được 300 đôi, thì mục tiêu này có vẻ khó đạt được, và cửa hàng đó cần phải nhìn vào con số này để tìm ra phương án cải thiện doanh số. Do đó, biểu đồ này còn có tác dụng đánh giá độ hiệu quả của mục tiêu trong thời gian thực.

Nguồn: Tableau

Lưu ý khi sử dụng biểu đồ này:

  • Hãy dùng màu sắc để minh hoạ các ngưỡng của mục tiêu. Ví dụ: màu đỏ thể hiện tình trạng khẩn cấp, màu xanh lá cây là an toàn, còn màu vàng là đạt mục tiêu. Như vậy biểu đồ sẽ sinh động hơn cho người xem.
  • Để báo cáo tổng quan cụ thể hơn, nên đặt biểu đồ này bên cạnh với những loại biểu đồ khác. Việc kết hợp nhiều “gạch đầu dòng” với các cột màu khác nhau trên dashboard sẽ hỗ trợ người xem trong việc theo dõi mục tiêu của dự án hiệu quả, thay vì đọc hết một lần hàng chục trang báo cáo nhưng vẫn không nắm được kết quả cuối cùng.

Heat maps (Biểu đồ nhiệt)

Biểu đồ nhiệt dùng để so sánh dữ liệu bằng màu sắc từ đậm tới nhạt để thể hiện giá trị từ cao tới thấp của dữ liệu. Các loại dữ liệu thường được thể hiện ở biểu đồ này có thể là các phân khúc của thị trường mục tiêu, mức độ sử dụng sản phẩm của người dùng tại nhiều khu vực. Với loại biểu đồ này, người làm cần phải thống nhất kích thước của các hình vuông/ hình chữ nhật. Đặc biệt chỉ nên sử dụng một tone màu và chuyển màu sắc đậm/nhạt để thể hiện mức độ mạnh, yếu của dữ liệu.

Ví dụ một bản đồ nhiệt thể hiện mức độ yêu các môn thể thao của một nhóm người được khảo sát. Tần suất tham gia thể theo theo tuần của họ sẽ được thể hiện rõ trên các hình vuông trong biểu đồ.

Nguồn: Tableau

Highlight table (Biểu đồ highlight)

Biểu đồ này khác biểu đồ nhiệt ở một điểm, đó là ngoài việc hiển thị các dữ liệu qua màu sắc, biểu đồ hightlight còn dùng để đánh dấu, làm nổi bật các con số cần chú ý. Biểu đồ này thường được dùng trong các mục đích như thể hiện số lượng hàng hoá được bán ra ở một khu vực cụ thể, hay số dân của thành phố qua từng năm. Ngoài ra, biểu đồ này nên được kết hợp với biểu đồ đường để người xem hiểu được xu hướng tổng thể của dữ liệu và phân tích dữ liệu tốt hơn.

Treemap (Biểu đồ hình cây)

Biểu đồ này hiển thị các phần dữ liệu dưới dạng các hình chữ nhật khác nhau về kích thước và màu sắc, được lồng trong 1 hình chữ nhật lớn - là tổng thể.

Mỗi dữ liệu sẽ đóng vai trò như một nhánh cây hình chữ nhật. Mỗi hình chữ nhật lại được chia nhỏ hơn với tỷ lệ cân xứng. Nhờ vào kích thước và màu sắc, người xem có thể thấy được sự tương quan của toàn bộ dữ liệu cùng một lúc, thay vì tự mình đọc rồi phân tích theo cách truyền thống.

Ảnh minh hoạ

Với biểu đồ này, người làm nên thể hiện một thông điệp rõ ràng, sử dụng màu sắc nên tương phản để dễ quan sát, đồng thời mỗi ô dữ liệu cần có chú thích bằng chữ hoặc số. Cuối cùng, biểu đồ treemap có thể được kết hợp với biểu đồ thanh (bar chart). Điều này sẽ cho phép người xem so sánh các mục dữ liệu thông qua chiều dài của cột và quan sát mối quan hệ về tỉ lệ trong mỗi thanh ngang dễ dàng hơn.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Perceptual Edge