Việt Nam thuộc nhóm các nước bứt phá về kinh tế kỹ thuật số

Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence Index – DII) của Fletcher và Mastercard, đưa ra một cái nhìn sâu sắc về tỷ lệ áp dụng công nghệ và trạng thái niềm tin kỹ thuật số trong khu vực

Vừa qua, Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, hợp tác cùng Mastercard vừa công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số, chỉ số thể hiện những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, gây dựng lòng tin và tích hợp khả năng kết nối vào cuộc sống của hàng tỷ người.

Được xây dựng dựa trên các chỉ số trước đó vào năm 2014 và 2017, chỉ số năm nay vẽ nên bức tranh về sự phát triển kỹ thuật số toàn cầu, làm sáng tỏ những yếu tố, động lực chính thúc đẩy thay đổi, cũng như ý nghĩa đối với các nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức của đại dịch toàn cầu và tương lai hậu đại dịch.

Đáng chú ý là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan là những quốc gia năng động nhất về kỹ thuật số. Trong Quý 2 năm 2020, trước bối cảnh phong tỏa diễn ra trên toàn cầu, Hàn Quốc và Đài Loan tỏ ra vượt trội hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những quốc gia này có nguồn nhân lực sẵn sàng ở mức độ cao, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới học viện, cũng như thành tích mạnh mẽ trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng.

Ông Bhaskar Chakravorti, Trưởng bộ phận Kinh doanh Toàn cầu tại Fletcher, cho biết: “Đại dịch có thể là phép thử thuần túy nhất về sự tiến bộ của thế giới trong công cuộc số hóa. Chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về cách các nền kinh tế số năng động có thể đóng góp vào sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh toàn cầu rơi vào hỗn loạn chưa từng có, đồng thời được xác định vai trò trong quá trình phục hồi và thay đổi”.

Một vài số liệu quan trọng khác bao gồm:

  • Ngày nay, với gần 2/3 dân số được kết nối trực tuyến, thế giới đang bước vào giai đoạn “hậu truy cập”, là giai đoạn mà chỉ có khả năng truy cập thôi là chưa đủ. Các khía cạnh như chất lượng truy cập, sử dụng hiệu quả công nghệ số, thể chế có trách nhiệm giải trình, chính sách quản trị dữ liệu mạnh mẽ và thúc đẩy niềm tin là những yếu tố quan trọng hơn, giúp xác định tính cạnh tranh và bền vững về kỹ thuật số.
  • Tại các nền kinh tế mới nổi, giới trẻ đang thể hiện mức độ gắn kết cao với kỹ thuật số. Đây là điểm sáng đối với các chính phủ đang cố gắng áp dụng số hóa nhiều hơn.

Ông Ajay Bhalla, Chủ tịch phụ trách Công nghệ & Trí thông minh của Mastercard, nhận định: “Nhu cầu hiểu các yếu tố thúc đẩy số hóa và niềm tin kỹ thuật số chưa bao giờ cấp thiết như vậy. Với kiến ​​thức này, các doanh nghiệp và chính phủ có thể nỗ lực cùng nhau để giúp hơn 7,6 tỷ người trên thế giới được hưởng lợi từ những cơ hội rộng lớn mà một nền kinh tế số tiên tiến có thể mang lại. Mặc dù hiện vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, nhưng rõ ràng là thành công về kỹ thuật số sẽ là nền tảng quan trọng trong quá trình phục hồi chung”.

Triển vọng toàn cầu về phát triển và niềm tin kỹ thuật số

Chỉ số năm nay xét hai thành phần: Phát triển kỹ thuật số và Niềm tin kỹ thuật số. Phát triển kỹ thuật số cho biết động lực lịch sử của một nền kinh tế từ quá khứ vật lý đến hiện tại kỹ thuật số. Niềm tin kỹ thuật số là cây cầu kết nối hành trình từ hiện tại kỹ thuật số đến tương lai kỹ thuật số thông minh và toàn diện.

Dựa trên biểu đồ cho 95% dân số có kết nối trực tuyến trên thế giới và dữ liệu trong suốt 12 năm, thẻ điểm Phát triển kỹ thuật số bao gồm 160 chỉ số ở 90 nền kinh tế thông qua bốn chủ điểm chính: môi trường thể chế, điều kiện cầu, điều kiện cung và năng lực đổi mới và thay đổi. Những chỉ số này được phân thành 4 nhóm:

  • Các nền kinh tế Nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương, gồm có Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia. Trong nhóm này còn có Hoa Kỳ, Đức, Israel và các nước khác, đặc điểm là họ đều có nền kỹ thuật số tiên tiến và thể hiện động lực cao. Họ là những nước đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới, xây dựng dựa trên các lợi thế hiện có theo cách năng suất và hiệu quả.
  • Các nền kinh tế Đình trệ ở châu Á - Thái Bình Dương, gồm có Úc, New Zealand và Nhật Bản. Những quốc gia này được ghi nhận là các nền kinh tế kỹ thuật số đã trưởng thành, có trạng thái chấp nhận kỹ thuật số cao, tuy nhiên động lực phát triển số đang chậm lại. Họ có xu hướng đánh đổi tốc độ lấy tính bền vững và thường đầu tư vào việc mở rộng hòa nhập kỹ thuật số và xây dựng thể chế mạnh mẽ.
  • Các nền kinh tế Bứt phá ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Đây là những nước đang phát triển nhanh chóng, có động lực và khoảng trống tăng trưởng đáng kể, rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
  • Các nền kinh tế Cảnh báo, chẳng hạn như Philippines, là những nước có nhiều lỗ hổng về cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, giới trẻ đang thể hiện sự nhiệt tình về một tương lai kỹ thuật số thông qua việc tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và thanh toán di động.

Thẻ điểm Niềm tin kỹ thuật số đo lường 198 chỉ số ở 42 nền kinh tế qua bốn chủ điểm chính: hành vi, thái độ, môi trường và trải nghiệm.

  • Các nền kinh tế như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc mang đến cho người dân trải nghiệm gần như liền mạch, triển khai cơ sở hạ tầng tiên tiến mang lại nhiều lợi ích, khả năng tiếp cận rộng rãi và tương tác không gì so sánh được. Trải nghiệm này cũng song hành với mức độ tương tác cao, mang lại cho các nền kinh tế một lợi thế rõ ràng trong tương lai ‘không chỉ ở khả năng tiếp cận’.
  • Các nền kinh tế như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam ngày càng có thái độ ủng hộ đối với tương lai kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi nỗ lực nhanh chóng mở rộng áp dụng và cơ hội kỹ thuật số.
  • Nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến về kỹ thuật số có mức công bằng kinh tế xã hội cao hơn sẽ thể hiện thái độ tích cực hơn đối với công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, các nền kinh tế Bứt phá phát triển nhanh tỏ ra lạc quan hơn so với nhóm Cảnh báo.


“Chỉ trong vài tháng, COVID-19 đã thúc đẩy công cuộc số hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhanh hơn ít nhất 5 năm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ sinh thái kỹ thuật số trong toàn khu vực. Với mức độ tin cậy và gắn kết ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng như sự phát triển của số hóa trong phân khúc doanh nghiệp quy mô nhỏ, tất cả đều được hỗ trợ sâu sắc bởi các hành động kiến tạo chủ động từ phía chính phủ, mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực. Với việc khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, tác động mạnh mẽ từ hai thành phần Phát triển kỹ thuật số và Niềm tin kỹ thuật số sẽ góp phần hỗ trợ hơn nữa cho vị thế dẫn đầu của châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật số”, ông Matthew Driver, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Dịch vụ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard đánh giá.

Để tìm hiểu thêm về báo cáo đầy đủ và phương pháp thực hiện, vui lòng truy cập tại đây.