18 câu hỏi và 5 bước chính trong quy trình đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn chịu sức ép của doanh số bán hàng trên thị trường mà quên rằng những điều đầu tiên để tạo cho doanh nghiệp một nền móng vững chắc: Xây dựng một thương hiệu mạnh.

Trong đó, điều đầu tiên cần làm là đặt tên thương hiệu. Tên thương hiệu là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, tự động cho thương hiệu. Do vậy khi bạn cảm thấy rằng đặt tên là một cơ hội để tạo nên sức mạnh cho thương hiệu của mình, hãy nhờ đến một nhà tư vấn chuyên nghiệp giúp bạn đặt tên cho thương hiệu.

18 câu hỏi định hướng đặt tên thương hiệu

Cái tên có thể làm nên một thương hiệu mạnh, hoặc làm tiêu tan cả doanh nghiệp. Do vậy, thương hiệu sở hữu được tên gọi hấp dẫn chính là tài sản to lớn giúp bạn thực hiện các nỗ lực marketing một cách tự động. Cái tên độc đáo giúp bạn khác biệt với những đối thủ cạnh tranh, kết nối với khách hàng tiềm năng một cách đầy cảm xúc. Chính vì vậy, việc đặt tên thương hiệu lại trở thành một thách thức to lớn.

Khi bạn bắt đầu đặt tên cho thương hiệu của mình hãy hỏi những câu hỏi sau:

  1. Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
  2. Vấn đề họ gặp phải là gì và bạn giúp khách hàng giải quyết ra sao?
  3. Danh sách 5 lợi ích lớn nhất mà bạn dành cho khách hàng?
  4. Tên 5 đối thủ cạnh tranh của bạn?
  5. Danh sách 3-5 điểm khác biệt của bạn so với đối thủ cạnh tranh?
  6. 5 tính từ mô tả thương hiệu của bạn?

Không thể xây dựng một lâu đài thương hiệu đồ sộ trên một nền móng thiếu vững vàng.

Sau khi đã trả lời xong những câu hỏi trên, chắc rằng bạn đã sẵn sàng để brainstorm (sáng tạo theo phương pháp động não) ra một một danh sách các phương án tên thương hiệu.

Bây giờ bạn cần “thử lửa” các phương án đặt tên thương hiệu của mình bằng cách sử dụng những câu hỏi dưới đây:

  1. Tên được đề xuất phát âm có dễ dàng không?
  2. Mọi người có thể đọc nhanh nó dễ dàng không?
  3. Khi bạn nói ra cái tên, liệu mọi người có thể hiểu ngay mà không cần đánh vần?
  4. Tên đề xuất có phát âm giống như viết không?
  5. Tên có dài quá không? (Chuyên gia khuyên rằng tên thương hiệu chỉ nên có ít hơn 11 ký tự và 3 âm tiết)
  6. Nó có chứa ý nghĩa tiêu cực nào không?
  7. Nó có độc đáo và khơi gợi cảm xúc không?
  8. Nó có khuấy động sự quan tâm hay không?
  9. Có câu chuyện hấp dẫn nào đằng sau nó?
  10. Nó có nói lên bạn là ai không?
  11. Nó có truyền tải được thông điệp mục tiêu của thương hiệu không?
  12. Bạn đã hỏi qua ý kiến nhân viên? Họ có tự hào khi nhắc tới thương hiệu bạn đề xuất không?

Đến đây bạn đã có câu trả lời cho phương án tên đề xuất của mình. Hãy lựa chọn phương án đặt tên thương hiệu tốt nhất trong list trên. Tuy nhiên, tên được lựa chọn cần phải thoả mãn từ 6-7 điểm khi được kiểm tra bằng các câu hỏi trên. Đừng cố lựa chọn một tên thương hiệu chỉ vì bạn đã nghĩ hết cách. Nên nhớ rằng, không thể xây dựng một lâu đài thương hiệu đồ sộ trên một nền móng thiếu vững vàng.

Quy trình 5 bước đặt tên thương hiệu

Những thương hiệu lớn trên thế giới thường sở hữu những cái tên hay và thân thuộc lạ kỳ. Điều đó có thể khiến bạn nghĩ rằng việc tạo ra những cái tên đó như một phép màu hoặc một sự sắp đặt ngẫu nhiên trùng hợp. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình sáng tạo thương hiệu sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng một thương hiệu mạnh có thể được tạo ra từ một quy trình đặt tên chặt chẽ, khoa học.

Quy trình đặt tên thương hiệu đảm bảo tên thương hiệu được tạo ra không những đáp ứng tiêu chí hấp dẫn mà còn phù hợp với chiến lược khác biệt hoá, định vị thương hiệu và các mục tiêu khác.

Quy trình thường gồm 5 bước chính. Mỗi bước này có thể bao gồm nhiều các công việc khác nhau mà mức độ phức tạp phụ thuộc vào từng dự án cụ thể. Chúng ta luôn cần sự điều chỉnh bản kế hoạch đặt tên thương hiệu trước mỗi dự án khác nhau để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu một cách tốt nhất.

Bước 1: Phân tích cạnh tranh

Một trong những chức năng quan trọng nhất của tên là để phân biệt giữa thương hiệu này với thương hiệu khác, công ty này với công ty kia. Và để làm được điều đó, tên thương hiệu cần phải khác biệt hoàn toàn với các đối thủ cạnh tranh.

Hãy bắt đầu bằng cách nghiên cứu ngành mà bạn tham gia: Đặc trưng chính của ngành là gì? Lợi thế cạnh tranh của bạn và các đối thủ? Cách đặt tên và các loại tên được sử dụng trong ngành? Đối thủ của bạn có đặt tên mang tính mô tả không? Họ sử dụng tiếng Việt hay tiếng Anh? Thông điệp được truyền tải trong tên thương hiệu của các đối thủ của bạn là gì? Cách mà các đối thủ của bạn mô tả thương hiệu và tầm nhìn của họ ra sao?

Tất cả các nghiên cứu và phân tích này làm nổi bật nên bối cảnh thực tế của ngành mà thương hiệu mới của bạn đang thâm nhập, những thách thức mà nó cần đáp ứng để trở nên khác biệt và nổi bật.

Bước 2: Định hướng sáng tạo

Ở bước này bạn thực hiện “văn bản hoá” những thông tin có được từ quá trình thu thập dữ liệu khách hàng và phân tích cạnh tranh để tóm tắt thành bản định hướng sáng tạo. Bản định hướng này có tính chất hướng dẫn toàn bộ nhóm thực hiện dự án hiểu được một cách kỹ lưỡng về bối cảnh, sản phẩm – dịch vụ, định vị thương hiệu, các giới hạn sáng tạo... một cách xuyên suốt trong toàn bộ quá trình đặt tên thương hiệu.

Bước 3: Sáng tác tên thương hiệu

Động não (Brain Storming): Trong bước này, nhóm thực hiện dự án đã nghiên cứu kỹ và thấu hiểu đề bài. Nhiệm vụ của họ là tìm ra những phương án đặt tên thương hiệu mới. Yêu cầu của bước này là người tham gia phải được tự do hoàn toàn để đưa ra phương án. Số lượng phương án đưa ra càng nhiều càng tốt. Tối thiểu mỗi người sẽ phải có 10 phương án để tiến tới bước Lọc phương án.

Lọc phương án (Short-list): Sau khi thực hiện xong bước Brain Storming, nhóm thực hiện dự án sẽ tập hợp thành một Master List bao gồm tất cả các phương án đã nghĩ ra được. Nhóm sẽ họp để lọc ra những phương án tốt nhất dựa trên sự phù hợp với định hướng sáng tạo ban đầu. Sau bước này, bạn sẽ có một shortlist khoảng 10 phương án tên.

Bước 4: Kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu/ Đăng ký doanh nghiệp

Phương án đặt tên thương hiệu cần phải được kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu một cách kỹ lưỡng để tránh những tranh chấp đáng tiếc sau này.

Các phương án tên trong danh sách shortlist được kiểm tra khả năng đăng ký tên doanh nghiệp (trong trường hợp là tên công ty) hoặc khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Ở bước này cần có sự làm việc chặt chẽ của luật sư. Bạn nên thực hiện tra cứu trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như kiểm tra trực tiếp thông qua các mối quan hệ nghề nghiệp để biết chắc mình có thể đăng ký tên thương hiệu này với khả năng thành công cao nhất.

Sau bước kiểm tra này, danh sách đặt tên thương hiệu được rút gọn còn 4-5 phương án tối ưu.

Bước 5: Kiểm tra khả năng ứng dụng trong thực tế

Tên thương hiệu cần được kiểm tra khả năng ứng dụng trong thực tế như logo, ấn phẩm, bao bì, nhãn, website...

Ở bước này, tên thương hiệu được minh hoạ bằng mẫu thiết kế logo hay đính kèm slogan/ tagline. Để đảm bảo tên thương hiệu thật sự khác biệt, hoạ sỹ thiết kế sẽ đặt tên thương hiệu vào các bối cảnh khác nhau: trong văn bản, trong bao bì nhãn mác, trong ấn phẩm, trên website, trong một quảng cáo tài trợ mà tên thương hiệu của bạn sẽ nằm cùng với các thương hiệu cạnh tranh khác...

Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, copywriter sẽ lập tài liệu thuyết trình cho từng phương án tên, gợi ý câu chuyện thương hiệu và đưa ra chỉ dẫn cho các trường hợp ứng dụng.

Một quy trình đặt tên như trên không đặt cược việc xây dựng thương hiệu của bạn vào may rủi, mà nó đảm bảo luôn lựa chọn được một tên thương hiệu hấp dẫn nhưng vẫn phù hợp với định vị thương hiệu, tạo nền móng vững chắc đầu tiên cho việc truyền thông thương hiệu sau này.

* Trích nguồn: Sao Kim Branding