Một nửa của thương hiệu không phải là cái "hiệu" được "thương" (P1)

Một nửa của chân lý thì không phải là chân lý

Một nửa của tình yêu thì không phải là tình yêu

Một nửa của thương hiệu thì không phải là cái “hiệu” được “thương”…

Rất nhiều khách hàng khi nói về làm thương hiệu thường hỏi về kế hoạch truyền thông thương hiệu, rồi thực thi chúng ra sao. Một vài chiếc TVC viral để nhiều người biết đến, một số bài PR nổi “lềnh đềnh” trên báo, một vài phát ngôn gây sốc của Founder, một vài celeb hạng A hay dựng kênh tiktok/youtube/ thuê gói content facebook như nào? Và số yêu cầu được nhận nhiều nhất chính là tìm kiếm agency hay freelancer chạy Ads mà phải "ra số" đấy nhé.

Một số doanh nghiệp thì muốn có hình ảnh hiện đại hơn. Họ cho rằng chiếc logo hay câu slogan hợp thời đại đã là thương hiệu.

Không thể phủ nhận được rằng những nỗ lực tạo độ nhận biết hay xây dựng sự nổi bật thương hiệu sẽ mang khách hàng đến với chúng ta. Tuy nhiên, khi hiểu chưa đúng và chưa đủ về việc xây dựng chiến lược thương hiệu thì việc đầu tư tiền bạc hay công sức sẽ có sự lãng phí nhất định.

Một "lỗi" điển hình trong tư tưởng xây dựng thương hiệu đó là không xuất phát từ chính đội ngũ nhân sự - những người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng đảm bảo lòng trung thành của họ.

1. Nhân sự không hiểu gì về công ty/doanh nghiệp

Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thực hiện các hoạt động đào tạo nội bộ về doanh nghiệp và sản phẩm một cách bài bản. Và khi có chiến lược thương hiệu mới chỉ có founder, đội ngũ BOD, quản lý cấp trung nắm được, các nhân viên không được đào tạo sẽ không thấu hiểu được hết trừ đội ngũ chuyên môn về marketing, kinh doanh,… tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

2. Nhân sự thực thi “lớt phớt”

Rất nhiều doanh nghiệp nói về tính cách của thương hiệu đặt vào đội ngũ nhân sự tận tâm, nhưng khi khách hàng gọi điện đến cần thông tin về sản phẩm dịch vụ, thì họ nhận lại được những lời gắt gỏng hay giải đáp cho xong việc. Như vậy, họ đã cảm thấy tính cách tận tâm hay không? Các bài viết trên fanpage khách hàng hỏi hai tháng sau không thấy trả lời lại hoặc lờ đi những phản hồi không tích cực. Cách hành xử này có khiến khách hàng tiềm năng cảm thấy hoang mang khi bắt đầu tìm hiểu về thương hiệu. Từng điểm chạm dù là nhỏ nhất đều cần thể hiện được tính cách thương hiệu.

3. Nhân sự thiếu “năng lượng” tại nơi làm việc

Điều thứ 3 chính là nguyên nhân dẫn tới điều thứ hai.

Trong một cuộc phỏng vấn đại lý khi làm dự án chiến lược thương hiệu cho một doanh nghiệp, chủ đại lý nhấn mạnh rằng: Làm thương hiệu để làm gì khi nhân viên của ông vẫn hàng ngày lo cơm ăn áo mặc và không cảm thấy an tâm. Và họ luôn tìm cách kiếm lợi gì đó từ khách hàng hoặc cảm thấy không vui vẻ khi khách hàng phàn nàn hoặc cần hỗ trợ thêm? Chính tâm lý không thoải mái tạo ra từ phía mỗi người mang đến môi trường thiếu năng lượng tích cực và truyền điều đó đến cho mỗi người họ tiếp xúc từ đồng nghiệp, đối tác đến khách hàng.

Nụ cười và sự chân thành từ chính trái tim mỗi người sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn cho tổ chức và giúp thương hiệu truyền tải được những cá tính độc đáo không chỉ là lớp hình ảnh bề mặt.

Đây là phần đầu tiên trong chuỗi bài viết nói về những sai lầm cốt lõi trong tư tưởng xây dựng thương hiệu.