Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Bookaholic #12: Người viết kiếm sống

‘Người viết kiếm sống’ là cuốn sách chia sẻ hành trình 10 năm theo đuổi nghề viết của tác giả Hạ Chi. Với lối viết nhẹ nhàng, tác giả truyền tải đến những ai muốn nghiêm túc theo đuổi nghề viết trong ngành marketing những đúc kết quý giá như “Chất riêng, là tổng hoà của trải nghiệm và kinh nghiệm, cộng với thái độ nhìn nhận vấn đề và kỹ thuật viết”, hay những trăn trở công việc “Sao phải ra đi khi mọi việc đang ổn?”.

Brands Vietnam đã trò chuyện cùng chị Carmen Nguyễn, Head of Marketing tại Advance Fitness & Gym để tìm hiểu về cuốn sách thú vị này. Chị Carmen đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng content nói riêng và marketing nói chung.

* Cơ duyên nào đưa chị đến với cuốn sách ‘Người viết kiếm sống’?

Trước khi ‘Người viết kiếm sống’ ra đời, tôi đã biết đến tác giả Hạ Chi từ năm 2015. Thời điểm đó, Hạ Chi vừa dừng vai trò Chủ bút Đẹp Online để dấn thân vào ngành quảng cáo.

Khi biết tác giả ra mắt sách, tôi tìm đọc vì tò mò 2 điều. Thứ nhất, ở góc độ nghề, có thể những bài học, kinh nghiệm của Hạ Chi sẽ giúp tôi quản lý đội ngũ content tốt hơn. Thứ hai, ở góc độ cuộc sống, tôi muốn xem cách người bạn cùng ngành vượt qua những trăn trở trong công việc.

* Theo chia sẻ từ chị, có vẻ nội dung sách không chỉ bao hàm kiến thức mà còn cả những câu chuyện thực tế. Vậy ý tưởng lớn của sách là gì và hướng đến đối tượng độc giả nào?

Đúng vậy. Ý tưởng lớn của ‘Người viết kiếm sống’ là ghi lại hành trình 10 năm theo đuổi nghề viết của tác giả. Hành trình này đi theo bố cục 5 phần: Làm báo, Làm quảng cáo, Làm người, Làm FreelanceLàm người viết.

Với các bạn trẻ mới bước chân vào nghề viết, chương 1 và 2 (Làm báo và Làm quảng cáo) sẽ giúp họ học hỏi được nhiều kinh nghiệm như: 4 từ khoá của một bài viết tốt, hay 3 kỹ thuật kể chuyện hấp dẫn.

Còn các chương 3, 4 và 5 (Làm người, Làm Freelance và Làm người viết), dành cho những độc giả đã đi làm được một thời gian, có nhiều va chạm, trải nghiệm. Họ sẽ dễ dàng đồng cảm với những câu chuyện của tác giả như nghỉ việc, khủng hoảng tâm lý và trăn trở khi làm nghề.

Ảnh: Fahasa

Mỗi phần có những câu chuyện và đúc kết riêng. Do đó, mỗi nhóm độc giả có thể có cảm nhận khác nhau về giá trị cuốn sách mang lại.

* Ban đầu tác giả theo đuổi nghề báo, nhưng sau đó rẽ hướng sang ngành quảng cáo. Theo chị, tại sao tác giả quyết định chuyển mình, và việc này đem đến những khó khăn nào?

10 năm trước, tác giả Hạ Chi bước chân vào nghề viết với vai trò cộng tác viên của 2!Magazine. Sau 5 năm, chị đã có chỗ đứng nhất định trong ngành báo chí với vai trò Managing Editor tại Đẹp Magazine.

Đây cũng là thời điểm content bùng nổ tại Việt Nam (2013-2014). Theo Hạ Chi, mạng xã hội phát triển dẫn đến quyền lực của “cộng đồng mạng” ngày càng gia tăng và lấn át quyền lực của báo chí truyền thống. Việc này ảnh hưởng ít nhiều đến công việc. Nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng dẫn đến sự chuyển mình này là cảm giác “hết yêu” với nghề báo.

Khi bước sang ngành quảng cáo, tác giả sở hữu những lợi thế về kinh nghiệm và kỹ năng viết nhất định khi làm báo. Chưa kể, báo chí là một phần của truyền thông, do đó việc rẽ sang ngành quảng cáo là lựa chọn hợp lý.

Tuy vậy, content marketing có nhiều khác biệt so với nội dung báo chí. Kỹ năng ngôn ngữ chỉ là điều kiện cần, giải quyết được vấn đề thương hiệu gặp phải thông qua nội dung mới là điều kiện đủ. Content trong marketing không những hay, mà còn cần thể hiện được thuộc tính thương hiệu hay thậm chí thay đổi cả nhận thức của khách hàng.

Content trong marketing cần thể hiện được thuộc tính thương hiệu, hay thậm chí thay đổi cả nhận thức của khách hàng

* Trong sách, tác giả có đề cập đến mô hình “4 ô cửa sổ hiểu biết” đã giúp chị vượt qua những trở ngại về mặt kiến thức khi mới bước chân vào ngành quảng cáo. Chị có thể chia sẻ thêm về mô hình này?

Sau 6 tháng bước chân vào ngành quảng cáo, Hạ Chi nhận thức rằng năng lực bản thân cần phải được cải thiện để hoàn thành công việc tốt hơn. Do vậy, chị chủ động xây dựng nền tảng kiến thức kinh doanh, marketing, truyền thông, quảng cáo cho mình.

Mô hình “4 ô cửa sổ hiểu biết” mà tác giả nhắc đến trong sách, theo tôi đây là phương pháp không mới, nhưng phù hợp để các bạn trẻ vượt qua khó khăn trong công việc.

4 ô gồm: Biết mình biết gì (phần kiến thức mà bản thân làm chủ), Biết mình không biết gì (hiểu năng lực hiện tại và biết cần cải thiện những điểm nào), Không biết mình biết gì (chưa tận dụng được kinh nghiệm, kiến thức sẵn có vào thực tế), Không biết mình không biết gì (những điểm mù mà chỉ khi được người khác chỉ ra chúng ta mới biết). Để giải quyết vấn đề tại mỗi ô, Hạ Chi đưa ra những lời khuyên được đúc kết từ trải nghiệm cá nhân nên rất thực tế.

* Bên cạnh mô hình trên, chị cảm thấy những chia sẻ nào của tác giả phù hợp với các bạn trẻ mới bước chân vào nghề viết?

Trong thời gian dẫn dắt đội ngũ content tại công ty, tôi nhận thấy vấn đề các bạn trẻ thường mắc phải đó là: viết theo bản năng. Họ thiếu tư duy logic và phương pháp viết. Điều này xảy ra vì thực tế nhiều doanh nghiệp chưa có chương trình đào tạo bài bản về content marketing.

Vai trò của người viết cần vượt ra ngoài khuôn khổ thuần cung cấp thông tin, mà phải gợi lên những câu hỏi, khiến người đọc suy tư và thay đổi.

Thời điểm bắt đầu viết vào năm 2008, tôi cũng gặp vấn đề trên và mất nhiều thời gian để tự hoàn thiện bản thân. Do vậy, những bạn muốn nghiêm túc với nghề cần thay đổi từ người viết bản năng trở thành người viết chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, các bạn cần kiểm soát được 2 yếu tố trong bài viết, bao gồm: Góc nhìn/ Quan điểmKỹ thuật viết.

Về Góc nhìn/ Quan điểm, tác giả Hạ Chi chia sẻ trong sách rằng người viết giỏi cần nhìn ra những khía cạnh ẩn và mang đến cho người đọc “bức tranh rộng lớn hơn, cận cảnh hơn, nhiều liên kết hơn”. Vai trò của người viết cần vượt ra ngoài khuôn khổ thuần cung cấp thông tin, mà phải gợi lên những câu hỏi, khiến người đọc suy tư và thay đổi.

Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ có thể xây dựng Góc nhìn/ Quan điểm thông qua việc trải nghiệm thực tế và thử những điều mới. Do đó, liên tục trải nghiệm là điều cần thiết để bồi đắp vốn sống của mình.

Về Kỹ thuật viết, tác giả cũng chia sẻ về 4 từ khoá cần lưu ý để hình thành nên một bài viết hay, bao gồm:

  • Mục tiêu: Người viết cần xác định rõ “Mình viết bài này để làm gì?” và lấy đó làm định hướng cho nội dung cũng như tiêu chí đánh giá chất lượng bài viết.
  • Thông tin: Là nguyên liệu thô cho bài viết, một món ăn ngon thì cần nguồn nguyên liệu chất lượng. Tác giả chia sẻ rằng người viết cần có đủ 3 loại thông tin sau: Kinh nghiệm (những thứ có sẵn trong đầu), Tài liệu (từ sách, báo hoặc Google) và Thông tin có được do quan sát, kiểm chứng thực tế.
  • Cấu trúc: Giúp người viết phân bổ cân đối thông tin và tránh sa đà.
  • Giọng văn: Người viết cần nói đúng giọng của người đọc, chọn cách dùng từ như thế nào thì quen thuộc với họ. Điều này đặc biệt quan trọng với những bạn làm content marketing vì mỗi bài viết có thể hướng đến những đối tượng khác nhau.

Tập trung vào 4 từ khoá này, các bạn trẻ có thể bắt đầu viết đúng và diễn dịch góc nhìn của bản thân một cách mạch lạc hơn.

* Nhìn lại hành trình 10 năm theo đuổi nghề viết, theo chị điều gì đã tạo nên thành công cho tác giả?

Kỹ năng ngôn ngữ chỉ là điều kiện cần, giải quyết được vấn đề thương hiệu gặp phải mới là điều kiện đủ.

Tôi cho rằng đó là sự kiên trì. Thậm chí tiêu đề chương đầu của sách cũng là ‘Người thắng cuộc là người không bỏ cuộc’. Thời gian mới bước chân vào ngành báo, tác giả từng đón nhận nhiều cái lắc đầu, những lời nhận xét “Bài vầy không xài được đâu”, có những bài viết 2.000 từ bị cắt xuống còn 300 chữ. Nhưng tác giả vẫn tiếp tục viết và cố gắng hoàn thiện bản thân để trở thành một chủ bút.

Đến khi bước chân vào ngành quảng cáo, Hạ Chi vẫn ngày đi làm, tối về tiếp tục học để thích ứng với những đòi hỏi mới trong ngành. Tôi nghĩ đây là thái độ mà các bạn trẻ nên học hỏi.

‘Người viết kiếm sống’ mang đến cho bạn trẻ những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm xương máu của một người 10 năm làm nghề viết. Điều quan trọng nằm ở chính bản thân người đọc có sự cam kết và kiên trì rèn luyện trong thời gian dài như tác giả hay không. Bởi đam mê hay cảm hứng chỉ là yếu tố tức thời, sự nghiêm túc và không bỏ cuộc trước khó khăn mới khiến nghề viết trở thành một nghề đáng theo đuổi.

* Cám ơn những chia sẻ từ chị!

Quý độc giả có thể mua sách Người viết kiếm sống tại:

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam