Bệnh giao mùa trở nên “trái mùa” – Cơ hội nào cho các nhãn hàng dược OTC?

Hiện nay, sức khoẻ là mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh môi trường chịu tác động phức tạp của dịch bệnh và biến đổi khí hậu thất thường. Trên hành trình người dùng tìm giải pháp trên mạng xã hội (social media), nỗi lo của người tiêu dùng được thể hiện như thế nào? Cùng YouNet Media tìm hiểu qua góc nhìn của social listening.

Theo khảo sát Niềm tin người tiêu dùng được Nielsen công bố 5/2020, phần lớn người tiêu dùng xem sự lây lan của COVID-19 là một cuộc khủng hoảng sức khoẻ thay vì kinh tế. Bên cạnh đó sự phức tạp của biến đổi khí hậu làm thời tiết và nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường, gây nên các căn bệnh thường niên diễn biến phức tạp và tăng tần suất hơn trước.

Khi người dùng tự định nghĩa “bệnh giao mùa”

Bệnh giao mùa là thuật ngữ dùng để chỉ những căn bệnh thường niên hay xuất hiện vào thời gian chuyển giao thời tiết. Khi đó, cơ thể con người nhạy cảm với những thay đổi từ môi trường bên ngoài nên những loại bệnh, vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập và phát triển.

Trong từ điển của người tiêu dùng, dựa trên hơn 364.000 thảo luận tự nhiên thu thập bởi công cụ lắng nghe mạng xã hội SocialHeat của YouNet Media, người dùng cho rằng bệnh giao mùa là những bệnh khiến bệnh nhân phải “sống chung với lũ”. Điều đáng chú ý trong thời gian gần đây là người dùng thường xuyên thảo luận đến tính “thất thường”, “khó chiều” vì thay đổi không theo mùa, phát sinh nhiều triệu chứng nằm ngoài dự tính (dựa trên hơn 155.000 thảo luận tự nhiên).

Những bệnh nào được nhắc đến nhiều nhất trong đợt “giao mùa” Xuân- Hè 2020?

Cùng phân tích sâu vào thảo luận của các hội nhóm trên mạng xã hội trong thời gian từ tháng 1/1/2020 đến tháng 1/9/2020.

Riêng về nhóm bệnh, bệnh về đường hô hấp ( cảm cúm, viêm phổi, viêm xoang/ mũi) được thảo luận nhiều nhất lên đến hơn 2.300.000 lượt (chiếm hơn 45% trong top 10 bệnh giao mùa phổ biến), đứng thứ 2 là về bệnh tiêu hoá ( đau dạ dày, tiêu chảy cấp) chiếm hơn 23% tổng thảo luận, còn lại là các nhóm bệnh khác về cơ, xương khớp, tim mạch, da liễu, mắt...

Cụ thể hơn, ở Việt Nam, bệnh đau dạ dày là căn bệnh về đường tiêu hoá được thảo luận sôi nổi nhất. Nếu không xét theo nhóm bệnh thì trong Top 10 bệnh được thảo luận phổ biến trên mạng xã hội, đau dạ dày là chứng bệnh riêng lẻ được quan tâm hàng đầu. Theo số liệu thống kê được kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam công bố, tình trạng người mắc bệnh viêm loét dạ dày đang có xu hướng trẻ hoá và tăng cao, chiếm đến 11-15% dân số. Điều này được thể hiện qua số liệu hơn 75% thảo luận về bệnh dạ dày đến từ dân văn phòng, công sở khi họ thường không duy trì thời gian ăn uống cố định, bận rộn với công việc và những buổi liên hoan, rượu bia...

Hơn 2,300,000 lượt thảo luận về bệnh Hô hấp trong Top 10 bệnh giao mùa phổ biến.

Đứng vị trí thứ 2, 3, 4 lần lượt là bệnh cảm cúm, viêm phổi, viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Tất cả đều thuộc nhóm bệnh về Hô hấp. Đặc biệt hơn, trong đợt thời gian nghiên cứu là mùa xuân và mùa hè nhưng những căn bệnh vốn được cho là “bệnh mùa đông”, “bệnh mùa lạnh” lại trở nên phổ biến và “trái mùa” ngày một gia tăng. Trong đó có hơn 40% thảo luận nói về đối tượng trẻ em và trẻ sơ sinh. Điều này chứng tỏ xu hướng thảo luận “trái mùa” ngày một phổ biến ở nhóm bệnh về đường hô hấp, vốn trước đây là bệnh có tính theo mùa.

Bên cạnh đó, bệnh về xương khớp hay giãn tĩnh mạch cũng được quan tâm đáng kể, thu hút hơn 600.000 thảo luận trên mạng xã hội. Đặc biệt hơn, trước đây những căn bệnh này phổ biến ở người trung niên, người cao tuổi nhưng giờ đây lại có xu hướng “trẻ hoá” và thảo luận sôi nổi bởi dân văn phòng, công sở, đặc biệt rõ nét trong những giai đoạn giao mùa. Họ thường xuyên cảm thấy đau nhức cơ, đau lưng, mỏi vai gáy, đau cổ tay, khớp tay, mỏi chân, chuột rút...

Trước đây thảo luận về các bệnh giao mùa có xu hướng tăng mạnh khi chuyển giao giữa các mùa trong năm, nhưng giờ đây mức độ “trễ” về thảo luận trên mạng xã hội về các bệnh này có xu hướng lùi trễ hơn sau 1 tháng so với dự kiến và lên đỉnh điểm ở giai đoạn giữa mùa. Từ đó có thể thấy, thời điểm trước và sau giao mùa 1 tháng là giai đoạn thích hợp để các nhãn hàng dược OTC (thuốc không kê đơn theo toa) và chuỗi nhà thuốc đẩy mạnh các hoạt động marketing liên quan đến các nhóm bệnh theo mùa này.

Đối với các bệnh phổ biến nhất ở mùa đông như bệnh viêm xoang, bệnh dị ứng da hay xương khớp thì tần suất xuất hiện thảo luận trên mạng xã hội trở nên đều đặn vào mùa xuân và mùa hè. Với sự thất thường và “khó chiều” của những căn bệnh phổ biến như vậy, người dùng đã ứng phó bằng cách nào?

Gần 70% người bệnh thảo luận về xu hướng tự chữa trị bệnh tại nhà

Với những bệnh thuộc nhóm tiêu hoá, hô hấp, cơ xương khớp... vốn rất cần đến việc khám bệnh có quy trình và tư vấn điều trị của bác sĩ, nhưng phần lớn người bệnh lại thảo luận về xu hướng tự chữa trị tại nhà (chiếm 69,3% trên tổng thảo luận tự nhiên). Trong khi đó, tỷ lệ người bệnh tìm đến các nhà thuốc và bệnh viện, phòng khám để tìm giải pháp chữa trị cho các nhóm bệnh trên là ít hơn rất nhiều (chỉ chiếm 29,6%). Trong tâm trí người tiêu dùng, họ mặc định đây là những bệnh “sống chung với lũ” và họ cảm thấy e ngại, phiền hà khi phải đến bệnh viện hay phòng khám bởi những thủ tục rườm rà, mất thời gian và tốn chi phí, công sức. Cụ thể hơn, khi nghiên cứu sâu hơn ở nhóm Bệnh hô hấp, có 51,9% người bệnh tự chữa tại nhà, 30,8% tại bệnh viện và 15,2% tại các nhà thuốc. Có thể thấy người bệnh vẫn có xu hướng tự chữa trị theo các phương pháp truyền thống về lâu dài nhiều hơn và chỉ tìm đến thuốc OTC hay bệnh viện như một phương án cuối cùng.

Người bệnh đặc biệt xem Social Media và Google như công cụ tìm kiếm để tự khám bệnh, nhờ tư vấn từ “cộng đồng” và chữa bệnh nhanh chóng. Người bệnh có thể nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ những người có kinh nghiệm bằng việc đăng những post hỏi – đáp trên Group Facebook hay tại các Forum cộng đồng. Bên cạnh đó, khi nhận được sự tư vấn và đề xuất những giải pháp, họ sẽ tìm kiếm những đánh giá, nhận xét của những người đã từng sử dụng hoặc áp dụng thực tiễn.

Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của các chuỗi nhà thuốc trong nước càng thúc đẩy xu hướng lựa chọn cách thức được tư vấn và điều trị bệnh nhanh và tiện lợi nhất với 18,3% người dùng ưu tiên cách thức này; 11,3% chọn bệnh viện như một phương án cuối cùng khi bệnh đã chuyển nặng hoặc sử dụng các phương pháp tại nhà nhưng không dứt điểm và không hiệu quả. Từ đó, có thể thấy tiềm năng to lớn dành cho các hãng dược OTC và các chuỗi nhà thuốc hiện đại trong việc tiếp cận và tư vấn cho nhóm người bệnh có thói quen tự chữa trị tại nhà.

Phương pháp nào người dùng đang tìm đến để chữa bệnh?

Phần lớn người dùng tự chữa bệnh ở nhà vì thế mà xu hướng chọn các phương pháp truyền thống và tối ưu hoá lối sống, thói quen sinh hoạt là những liệu pháp chữa trị được ưu tiên để duy trì sức khoẻ đường dài thay vì chỉ để chữa bệnh tạm thời. Chiếm hơn 41,7% lượng thảo luận về các phương pháp truyền thống dân gian, các nguyên liệu thảo dược được nhắc đến nhiều nhất là gừng, tinh bột nghệ, đậu đen, dầu tràm, muối biển... Những nguyên liệu này được kết hợp với nhiều hình thức khác nhau như pha trà, chắt nước đun sôi, xông hơi, nấu ăn… Bên cạnh đó thì bấm huyệt, giác hơi, ngâm chân muối biển, massage cũng được nhắc đến nhiều trong việc chữa trị.

Ngoài ra, “Healthy lifestyle” và “Sống xanh” không còn là xu hướng xa lạ với người tiêu dùng, đặc biệt với nhóm đối tượng có lối sống hiện đại, cấp tiến, có ý thức tốt về chăm sóc sức khoẻ theo hướng cân bằng – lâu dài. Những thói quen rất đỗi quen thuộc nhưng vẫn được thảo luận đáng kể như “uống nhiều nước”, “ngủ đủ giấc”, “ngủ sớm”, “không bỏ bữa” được ứng dụng vào đời sống hằng ngày để xây dựng thói quen lối sống lành mạnh. Người dùng mạng xã hội vẫn tự nhắc nhở nhau những thói quen đơn giản nhưng góp phần cải thiện sức khoẻ. Bên cạnh đó, các bộ môn thể dục như Yoga, thiền định, chạy bộ...; hay về cách nuôi dưỡng tinh thần như hạn chế cảm xúc tiêu cực, đọc sách, giải trí lành mạnh... cũng được thảo luận như những nhân tố quan trọng để cải thiện bệnh.

Cùng với đó, có hơn 24,3% người dùng tìm đến thuốc OTC tại các chuỗi nhà thuốc, cửa hàng thuốc tư nhân như một phương pháp chữa trị tức thời và nhanh chóng. Ở đó, họ được tư vấn trực tiếp và giải quyết bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Đây là nhóm người bệnh có lối sống bận rộn và mong muốn có được giải pháp tối ưu để nhanh chóng giải quyết tình trạng bệnh và có niềm tin vào công dụng của dược phẩm.

Top các nhãn hàng OTC được nhắc đến nhiều nhất theo nhóm bệnh

Cơ hội nào cho các nhãn hàng dược và chuỗi nhà thuốc đối với thực trạng phòng chữa bệnh “giao mùa” hiện nay?

Đứng trước diễn biến ngày một “trái mùa” và “thất thường” của những căn bệnh giao mùa, việc người bệnh đang loay hoay, trăn trở về các giải pháp hiệu quả cũng như mong muốn tìm kiếm nguồn thông tin tin cậy chính là cơ hội để cho các nhãn hàng dược OTC và chuỗi nhà thuốc hiện đại hành động.

  1. Do ảnh hưởng của yếu tố văn hoá truyền thống và hướng đến phương pháp phòng bệnh lâu dài, tự nhiên nên người dùng tin rằng những nguyên liệu tự nhiên luôn có những tác dụng “đường dài” hơn là dược phẩm. Vì thế các nhãn hàng dược phẩm cần nghiên cứu lựa chọn đúng phân khúc người dùng mục tiêu mà ở họ vừa tin vào tác dụng của tân dược, vừa có ý thức và kiến thức tốt về chăm sóc sức khỏe đường dài. Bên cạnh đó việc nắm bắt những nguyên liệu đang được người dùng thảo luận nhiều sẽ giúp cho nhãn hàng cải tiến sản phẩm (product innovation), khéo léo đưa thành phần yếu tố “thiên nhiên”, “dân gian” (natural ingredients) vào hoạt động truyền thông cũng có thể là câu chuyện phù hợp để đánh trúng được tâm lý của nhóm người dùng này.
  2. Tính “trái mùa” thất thường làm cho nhãn hàng khó nắm bắt được xu hướng thảo luận của các bệnh theo mùa như trước, vì thế việc theo dõi sát sao về nhóm thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh trên mạng xã hội để dự đoán xu hướng “phát bệnh” trong mùa sẽ giúp nhãn hàng nhanh chóng “đi tắt đón đầu” để truyền thông hiệu quả theo các giai đoạn của mùa bệnh đến đúng nhóm người dùng mục tiêu.
  3. Thấu hiểu hành trình bệnh nhân (patient journey) trên social media để tìm đến đúng điểm chạm (touchpoint) của người bệnh là điều vô cùng cần thiết.

Trên nền tảng mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều kênh để người dùng tiếp nhận thông tin và trao đổi về triệu chứng bệnh, xin tư vấn, thảo luận như Facebook group/ fanpage các cộng đồng, forums, blog hỏi đáp bác sĩ và nổi lên gần đây là những Influencers như Trần Quốc Phúc (Kỷ lục gia thế giới – chuyên gia huấn luyện cho cha mẹ dạy con), Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, Thầy lang Văn Tân, Lương y Võ Hoàng Yên...

Bên cạnh đó các group online sôi nổi như “Bí quyết chăm con”, “Tri thức cho cộng đồng”, “Hội những bà bầu không cô đơn”, “Kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ”, “Hỏi bác sĩ nhi”, “Hội tổng hợp cây thuốc quý, bài thuốc hay” là những nơi mà người bệnh tin tưởng và thường xuyên hỏi đáp và thảo luận về các bệnh phổ biến nhiều nhất.

Ngoài ra, các Forums lớn như tinhte.vn, forums.voz.vn hay webtretho.com là nơi thích hợp để người dùng hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, tư vấn về các chứng bệnh. Tính riêng tư của người thảo luận trên diễn đàn giúp người dùng tự do chia sẻ câu chuyện của họ.