6 ý tưởng để bắt đầu kinh doanh các sản phẩm digital

Các sản phẩm digital không thể cầm nắm, chạm vào hay nếm thử nhưng tất cả mọi người đều tiêu thụ chúng hàng ngày từ âm nhạc, video đến các khoá học online...

Rất nhiều doanh nghiệp startup đã xây dựng cả một ‘đế chế’ dựa trên sự phổ biến và dễ phân phối của những sản phẩm vô hình này, hoặc sản xuất những ấn phẩm digital để hỗ trợ trong quá trình sử dụng những sản phẩm hữu hình của công ty. Và trước khi bắt đầu hãy đảm bảo là doanh nghiệp của bạn đã có một trang web chỉn chu và chuyên nghiệp.

Điều làm cho các sản phẩm digital trở nên hấp dẫn là chỉ cần sản xuất một lần và bán liên tục cho các khách hàng khác nhau mà không phải bổ sung hàng tồn kho, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các nhà sáng tạo, nghệ sĩ, nhà giáo dục và dịch giả tự do tìm kiếm nguồn thu nhập mà không tốn quá nhiều công sức.

Vậy các sản phẩm digital là gì?

Sản phẩm digital là các sản phẩm vô hình hoặc sản phẩm truyền thông có thể bán và phân phối liên lục trên các kênh online mà không cần tái sản xuất và lưu trữ tồn kho. Những sản phẩm digital thường được sản xuất dưới dạng tệp có thể tải về hoặc phát sóng trực tiếp, ví dụ như file MP3, PDF, video...

Điểm mạnh của các sản phẩm digital

Các sản phẩm digital có một số thế mạnh khiến chúng trở nên khác biệt so với những sản phẩm khác:

  • Chi phí đầu tư thấp. Bạn không cần lưu trữ tồn kho hoặc chịu bất cứ chi phí vận chuyển nào.
  • Lợi nhuận cực kỳ cao. Không tốn chi phí tái sản xuất, đồng nghĩa với việc doanh thu cũng chính là lợi nhuận của bạn.
  • Dễ dàng tự động hoá. Đơn đặt hàng có thể được giao ngay lập tức mà không cần sự can thiệp của bạn.
  • Sản phẩm đa dạng. Bạn có thể gửi tặng những sản phẩm digital để thu thập email khách hàng, đưa ra những nội dung độc quyền dành riêng cho khách hàng trả phí theo tháng. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm khi nói đến lĩnh vực digital.
  • E-learning chính là tương lai. Bạn có cơ hội tuyệt vời để mở rộng kinh doanh với e-learning, ngành công nghiệp dự đoán sẽ trị giá 331 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý liên quan đến các sản phẩm digital:

  • Bạn đang phải cạnh tranh với rất nhiều nội dung miễn phí. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm những nội dung miễn phí tương tự với sản phẩm của bạn. Bạn phải suy nghĩ thật kỹ về thị trường ngách mà bạn nhắm đến và các mô tả sản phẩm của bạn, cung cấp giá trị nâng cao và biết cách xây dựng thương hiệu của bạn để cạnh tranh.
  • Bạn nên chú ý đến vấn đề bản quyền. Bạn cần phải đề phòng và giảm những rủi ro này bằng cách sử dụng các công cụ phù hợp để bảo vệ sản phẩm của bạn.
  • Có một số hạn chế về việc phân phối sản phẩm. Ví dụ: bạn phải bán các sản phẩm vật lý thông qua kênh bán hàng của Facebook và Instagram, theo chính sách thương mại của họ.

Tuy nhiên, hầu hết những thách thức này có thể được khắc phục nếu bạn sử dụng đúng công cụ khi kinh doanh sản phẩm digital.

6 sản phẩm digital bạn có thể kinh doanh online

1. Kinh doanh các sản phẩm giáo dục như ebooks hoặc các khoá học

Các khoá học trực tuyến phù hợp nhất cho các nội dung chuyên sâu. Các nội dung này đòi hỏi sự đầu tư từ việc xây dựng các bài thuyết trình tới việc tạo ra các video hướng dẫn. Khi tạo các khoá học, hãy nghĩ đến kết quả mà người học sẽ có được: bạn muốn người học biết gì hoặc có thể làm gì khi kết thúc khoá học của bạn?

Bạn có thể bao gồm các câu đố, kiểm tra kiến thức và các hoạt động tương tác trong các khoá học của bạn để giúp chia nhỏ nội dung học tập và làm cho khoá học điện tử hấp dẫn hơn.

Nếu bạn coi mình là một chuyên gia về một chủ đề cụ thể, các sản phẩm digital là một cách tuyệt vời để đóng gói thông tin đó và bán cho những người muốn tìm hiểu.

Hiện tại có rất nhiều bài viết hoặc hướng dẫn miễn phí trên YouTube về những gì bạn đang muốn dạy, vì thế bạn có thể cạnh tranh với các đối thủ khác bằng cách khẳng định bạn không tạo nội dung này ra để Giáo Dục mà là để Biến Đổi họ thành một phiên bản tốt hơn. Nói cách khác, đừng bán sản phẩm, hãy bán lợi ích khách hàng sẽ có được khi mua sản phẩm của bạn.

Nếu bạn là một người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó, hãy tận dụng sự nổi tiếng của mình hoặc nếu bạn bắt đầu từ đầu. Bạn có thể tạo và cung cấp nội dung miễn phí để tạo sự quan tâm và sau này khách hàng tiềm năng vẫn sẽ tìm đến bạn dù bạn có yêu cầu họ trả phí.

2. Kinh doanh giấy phép để sử dụng sản phẩm của bạn

Từ hình ảnh, video, âm nhạc đến các hiệu ứng âm thanh, đều có hệ sinh thái – một kho lưu trữ được tạo nên bởi những nhà sáng tạo và dành cho những người muốn sử dụng những tác phẩm của họ.

Bằng cách cung cấp giấy phép cho các cá nhân và doanh nghiệp, bạn có thể tính phí cho việc sử dụng ảnh, video, nhạc, phần mềm và nhiều thứ khác trong cửa hàng của riêng bạn và thông qua các thị trường trực tuyến, chẳng hạn như các kho lưu trữ ảnh.

Trước khi tạo ra những sản phẩm này, hãy nghiên cứu thị hiếu của người sử dụng từ đó các sản phẩm bạn tạo ra sẽ dễ được người dùng tiêu thụ hơn.

Và nên nhớ, hãy bảo vệ các sản phẩm của mình bằng các watermarks và các công cụ bảo mật khác.

3. Kinh doanh thẻ thành viên để truy cập vào các sản phẩm digital độc quyền

Thay vì bán các sản phẩm riêng lẻ, bạn có thể kết hợp chúng lại với nhau và bán chúng thành một gói để tạo doanh thu định kỳ.

Cách này sẽ rất phù hợp nếu bạn có kế hoạch duy trì một thư viện nội dung cao cấp liên tục cập nhật và duy trì một cộng đồng các thành viên quan tâm. Vì nội dung này nằm trong gói mà chỉ những người đăng ký trả tiền mới có thể truy cập thông qua tài khoản khách hàng của họ, bạn có thể lưu trữ nội dung độc quyền chỉ có thể phát trực tiếp chứ không thể tải xuống được.

4. Kinh doanh các công cụ và template

Các sản phẩm digital có thể được sản xuất dưới dạng công cụ, giải pháp hỗ trợ người dùng thực hiện các công việc nằm ngoài khả năng hoặc tốn nhiều thời gian để hoàn thành. Bạn có thể đánh vào những khó khăn, nhu cầu thực sự của khách hàng để tạo ra giải pháp phù hợp.

Một số ví dụ điển hình:

  • CV template
  • Phần mềm doanh nghiệp
  • Plugin Adobe After Effects cho trình chỉnh sửa video
  • Biểu tượng, phông chữ hoặc bộ UI/UX cho các nhà thiết kế web

Nếu bạn đã là một freelancer đây cũng có một cách hay để kiếm thêm nguồn thu nhập.

5. Kinh doanh âm nhạc, nghệ thuật

Nếu như bạn là một nhạc sĩ hoặc một nghệ sĩ, có rất nhiều cách để bạn có thể tận dụng tài năng của mình hoặc tận dụng nhóm đối tượng những người yêu thích bạn, sản xuất áo thun in hình bạn tự thiết kế là một ví dụ.

Nhạc sĩ có thể bán nhạc chuông từ những tác phẩm của mình, hoạ sĩ có thể bán tranh của mình làm hình nền điện thoại... Vì bạn không phải lưu trữ tồn kho bất cứ thứ gì cho nên bạn có thể trải nghiệm nhiều thể loại khác nhau mà không sợ thâm hụt ngân sách.

6. Kinh doanh dịch vụ, tư vấn chuyên môn

Các dịch vụ rất phù hợp để kết hợp với các sản phẩm digital vì “kho hàng” của bạn chỉ bị giới hạn ở số giờ làm việc bạn có thể đáp ứng.

Ngoài ra, khách hàng thường nghĩ là các sản phẩm digital đã bao gồm nhiều dịch vụ trong một lần “mua hàng”. Một nhà thiết kế sẽ cung cấp logo. Một huấn luyện viên cá nhân có thể cung cấp một kế hoạch tập luyện. Dựa vào điều này, bạn có thể định vị một số dịch vụ nhất định là các gói cao cấp có chứa những nội dung giá trị.

Nếu có những nhiệm vụ đối với bạn là rất dễ dàng để thực hiện và đó là một phần của công việc kinh doanh dịch vụ nhưng lại có giá trị lớn đối với khách hàng, bạn có thể xem xét việc sản xuất chúng thành các nội dung nâng cao để tạo ra các nguồn doanh thu đòi hỏi ít thời gian và công sức của bạn để duy trì.

Làm thế nào để tìm ra được những ý tưởng hay?

Thay vì “ngồi chờ sung rụng” hãy bắt đầu suy nghĩ về những ý tưởng bạn có thể làm và tất nhiên là có thể bán được. Có một số cách có thể giúp bạn trong quá trình suy nghĩ ra các ý tưởng mới:

1. Brainstorming

Hãy bắt đầu nghĩ và viết tất cả ý tưởng xuống một tờ giấy, đừng quá khó khăn với bản thân vì một ý tưởng bình thường có thể dẫn tới một ý tưởng xuất sắc. Mục đích của việc brainstorm là tránh việc suy nghĩ quá nhiều và quá nghiêm trọng.

Nếu bạn đang tìm kiếm một tia lửa, đây là một số câu hỏi để tự hỏi:

  • Bạn có thể dạy khách hàng cách sử dụng sản phẩm của bạn chứ? Ví dụ: nếu bạn bán các sản phẩm đan len, liệu bạn có thể cung cấp cho họ các buổi học đan?
  • Bạn có thể đem lại lợi ích gì cho khách hàng khi họ mua sản phẩm của bạn? Ví dụ: nếu bạn bán ván lướt sóng, bạn có thể tạo một chương trình tập luyện để giúp khách hàng bảo quản ván tại nhà.
  • Hãy suy nghĩ về các giá trị mà bạn đã xây dựng cho doanh nghiệp của mình. Chủ đề liên quan đến điều đó là gì? Ví dụ: nếu bạn bán quần áo may mặc tối giản, bạn có thể tạo một khoá học dạy khách hàng của mình cách sống một cuộc sống tối giản hơn.

2. Nghiên cứu

Làm một số nghiên cứu để thêm vào danh sách ý tưởng của bạn. Tìm kiếm điểm đau mà khách hàng của bạn có liên quan đến sản phẩm, ngành hoặc giá trị của bạn, cũng như các chủ đề họ yêu thích hoặc cảm thấy hứng thú. Cả hai đều là những cơ hội tuyệt vời để cung cấp nội dung giá trị dưới dạng một sản phẩm giáo dục.

Một số nơi bạn có thể bắt đầu nghiên cứu:

  • Facebook groups. Có các nhóm Facebook dành riêng cho mọi đối tượng và bạn có thể nghiên cứu sự quan tâm của từng tập đối tượng khác nhau.
  • Các diễn đàn. Diễn đàn dành riêng cho sở thích và cộng đồng trong ngành của bạn có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về những gì mọi người muốn và cần.
  • Đánh giá sản phẩm. Đọc cả các đánh giá cho sản phẩm của bạn và các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh để có ý tưởng. Chúng có thể đến từ các đánh giá trên các trang sản phẩm cũng như các đánh giá độc lập trên blog và các trang web khác.
  • Đọc các bình luận và bài viết trên blog. Đọc nội dung blog mà cộng đồng của bạn có thể đang đọc, cũng như các bình luận, để có thêm ý tưởng. Ví dụ: nếu bạn bán phụ tùng ô tô, hãy tìm hiểu trên các blog ô tô.
  • Gửi email cho khách hàng của bạn. Cuối cùng, đừng quên đọc lại bất kỳ email hoặc tin nhắn nào bạn nhận được từ khách hàng trong nhiều năm qua. Những người dành thời gian để liên lạc với bạn với những suy nghĩ và mối quan tâm thường là khách hàng của có ý định mua hàng cao và họ có thể đã chia sẻ một số hiểu biết thực sự hữu ích.

3. Xem xét lại ý tưởng

Trước khi dành quá nhiều thời gian cho một ý tưởng, bạn nên kiểm tra lại và đảm bảo rằng ý tưởng của bạn là vững chắc trước khi bạn dành thời gian xây dựng nó. Bạn sẽ không muốn đầu tư nhiều thời gian hay tiền bạc vào một ý tưởng kinh doanh mới mà không biết nó sẽ thành công hay không.

Có một số cách để xác thực ý tưởng của bạn:

  • Tìm kiếm các từ khoá. Sử dụng một công cụ từ khoá để xem có bao nhiêu người đang tìm kiếm chủ đề của bạn. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về quy mô của ngành này.
  • Tìm kiếm chủ đề của bạn trên Google Trends (Google Xu hướng). Hãy tìm kiếm các chủ đề đang được quan tâm.
  • Hỏi ý kiến phản hồi. Liên hệ trực tiếp với khách hàng của bạn, thông qua email hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Một cuộc thăm dò hoặc khảo sát là một cách tuyệt vời để thu thập phản hồi của khách hàng.
  • Bắt đầu thật chậm rãi. Hãy bắt đầu mới một quy mô nhỏ và đưa vào trải nghiệm để bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh.

Hãy tự sáng tạo ra sản phẩm của mình. Bất kể bạn thuộc ngành nào, bạn cũng nên có những thế mạnh và kiến thức đặc biệt sẽ tạo ra những giá trị cho khách hàng của bạn. Không tốn chi phí tồn kho hoặc chi phí liên quan đến việc bán các sản phẩm vật chất, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm digital có thể thử nghiệm với ít rủi ro.

Có vô số cách bạn có thể tạo ra các sản phẩm digital của riêng mình và kết hợp chúng vào doanh nghiệp của bạn. Với một chút khéo léo và đầu tư thời gian, bạn sẽ tạo ra được những sản phẩm thật sự giá trị mà người dùng không thể chối từ.