Quảng cáo trên eSports – Chiến lược mới của nhiều thương hiệu trong đại dịch COVID-19

Khi nhiều sự kiện thể thao ngoài đời thực phải dừng lại vì COVID-19, thì eSports (thể thao điện tử) ngày càng trở nên phổ biến. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp này đang dần thay đổi tương lai của ngành quảng cáo.

Thị trường tăng trưởng thần tốc

Năm 2014, thị trường eSports chỉ trị giá 194 triệu USD nhưng chỉ 5 năm sau đã tăng 500%, lên hơn 950 triệu USD. Theo dự báo của Newzoo, doanh thu của eSports trong năm 2020 dự kiến có thể đạt mức 1,8 tỷ USD.

Các giải đấu eSports đang thu hút lượng người xem khổng lồ và liên tục tăng sau mỗi năm. Giải vô địch Liên minh huyền thoại thế giới 2018 đã ghi nhận 99,6 triệu người xem trực tuyến, với lượng người xem cùng lúc đạt mức cao nhất là 44 triệu, phá vỡ kỷ lục của trận chung kết năm 2017.

Thống kê từ Newzoo cũng cho biết, trên toàn cầu, tổng số khán giả theo dõi eSports sẽ tăng lên 495 triệu người vào năm 2020, trong đó có 222,9 triệu người quan tâm theo dõi thường xuyên.

Lượng người theo dõi eSports qua các năm (xanh đậm chỉ lượng người theo dõi thường xuyên), theo Newzoo

Cũng theo trang này, có khoảng 32 triệu người trẻ Việt thường xuyên chơi game (tương đương 30% dân số), trong đó có tới 26 triệu người thường xem eSports (chiếm hơn 80%). Việt Nam là nước có tỷ lệ người xem eSports trên số người chơi game lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc.

Mảng quảng cáo còn nhiều tiềm năng

Trong khuôn khổ của sự kiện “eSports Take Over – Break the Rule – Win the Game” tại Việt Nam, bà Quyên Lê – Giám đốc Kinh doanh của METUB Network – đơn vị quản lý và phát triển gần 2.000 kênh YouTube nhận định: “eSports là thị trường quảng cáo rất tiềm năng và đang tăng trưởng theo tốc độ cực kỳ nhanh không chỉ trên thế giới mà đặc biệt là ở Việt Nam”.

Theo bà Quyên Lê, việc xem thi đấu eSports qua các kênh livestream đang dần trở thành “món ăn hằng ngày” của giới trẻ Việt Nam. Lý giải về sức hấp dẫn của eSports, bà chia sẻ: “Cũng như bất kì môn thể thao nào, eSports cũng mang đến cho người xem đầy đủ cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố. Đặc điểm của eSports đó là không giới hạn số lượng người xem và tham gia; người hâm mộ eSports cũng là cộng đồng rất năng động, thường tương tác tích cực và gắn kết khăng khít với nhau bằng nội dung trực tuyến. khác với các cộng đồng giải trí thông thường, với eSports, khán giả có nội dung mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ để tương tác chặt chẽ với nhau”.

Bà Quyên Lê – Giám đốc kinh doanh của METUB Network

Ông Luân Huỳnh – Quản lý mảng Thể thao của tựa game Liên Minh Huyền Thoại ở Việt Nam, chia sẻ: “Trên trên thế giới đã có những thương hiệu lớn kết hợp việc quảng bá hình ảnh của mình với eSports như KIA, Mercedes, LV… với rất nhiều cách thể hiện sáng tạo. Ở Việt Nam, Liên Minh Huyền Thoại đã kết hợp và tạo ra nhiều chiến dịch quảng cáo hiệu quả cho các nhãn hàng”.

Chia sẻ về chiến dịch Clear Men kết hợp với tựa game Liên Minh Huyền Thoại vào năm ngoái, anh Hoàng Thạch, cựu Brand Manager của thương hiệu Clear Men cho biết anh từng gặp nhiều rào cản khi tìm hiểu về thị trường eSports. Tuy nhiên, sau khi triển khai chiến dịch quảng cáo cùng tựa game Liên Minh Huyền Thoại vào năm ngoái, anh Thạch tiết lộ kết quả tăng trưởng năm 2019 của thương hiệu Clear Men tại Việt Nam là “hai con số” – tăng cao hơn cả các chiến dịch Clear Men đã thực hiện trong mùa World Cup 2018.

Cách tiếp cận eSports hiệu quả

Theo bà Quyên Lê, eSports vẫn là một thị trường còn khá mới ở Việt Nam. Tuy có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhưng ở Việt Nam, hầu hết các thương hiệu tiếp cận với eSports vẫn chưa đa dạng, trong khi trên thế giới mảng này đã tiếp cận nhiều thương hiệu lớn, ngành hàng đa dạng với nhiều cách quảng cáo sáng tạo, có thể cá nhân hoá tối đa cho từng nhãn hàng.

Lời khuyên của bà là các thương hiệu nên mau chóng tìm hiểu thị trường eSports, bởi còn rất nhiều tiềm năng và các nhà quảng cáo tiên phong sẽ nhận được lợi thế của người đi đầu.

ViruSs – Streamer hàng đầu Việt Nam

Bổ sung ý kiến của bà Quyên Lê, streamer Viruss phát biểu: “Cách tốt nhất để các thương hiệu tham gia quảng cáo trên các kênh eSports là cùng thảo luận, đưa ra đề tài quảng cáo với các nhà sáng tạo nội dung. Các thương hiệu có thể can thiệp vào quần áo, logo, hình ảnh… Còn nội dung để streamer lo vì họ sẽ là người hiểu rõ nhất đối tượng người xem của mình”.

CEO METUB Network – bà Hà Thị Tú Phượng cho biết: “Là mạng lưới quản lý nội dung và Influencer trong nhiều năm, chúng tôi ghi nhận ‘gaming’ là mảng nội dung tăng trưởng mạnh nhất trong 2-3 năm trở lại đây. Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho các thương hiệu đang muốn tìm hiểu thị trường này.

Bà Hà Thị Tú Phượng – CEO METUB Network

Với mạng lưới nhà sáng tạo nội dung và YouTuber rộng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao điện tử, METUB tự tin là đơn vị tư vấn có thể đồng hành, giúp đỡ các nhãn hàng tiếp cận và thực hiện chiến dịch quảng cáo hiệu quả.