Popeyes ra mắt bộ nhận diện thuơng hiệu mới

Sau cú hit bánh mì sandwich gà, Popeyes khẳng định dấu ấn thương hiệu trên thị trường thức ăn nhanh bằng việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu.

Dù chưa được biết đến rộng rãi như Burger King hay McDonald’s nhưng Popeyes nổi tiếng với danh hiệu “sát thủ sandwich”. Sau cuộc chiến #ChickenSandwichWars vào tháng 8 năm ngoái, Popeyes dần khẳng định tiếng tăm giữa vô vàn thương hiệu fast-food với món sandwich gà thượng hạng. Từ thời điểm đó, Popeyes âm thầm chuẩn bị một cuộc đại tu thương hiệu. Cuộc đua đến tầm cao mới bắt đầu từ đây. Popeyes khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải vào ngày 15/5 vừa rồi với một diện mạo hoàn toàn mới.

Cửa hàng Popeyes tại Thượng Hải

Popeyes đã bắt đầu công cuộc đổi mới này từ cuối năm 2018. Với sự thành công vang dội của món sandwich gà cùng mức tăng trưởng ổn định của doanh số, đã đến lúc Popeyes cần thay đổi hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Năm 1972, ông Alvin C. Copeland khai trương cửa hàng Popeyes đầu tiên tại vùng ngoại ô của New Orleans. Lấy cảm hứng từ kiến trúc đầy màu sắc của New Orleans, Popeyes lúc bấy giờ mang diện mạo vui nhộn và đôi chút kỳ quặc. Dù cho nguồn gốc rất quan trọng với văn hoá thương hiệu nhưng vấn đề là thiết kế tổng quan lại không gắn kết với nhau.

“Thật khó cho một nhà thiết kế khi phải đổi mới, cải tiến mà không làm mất đi sự ấm áp, thân thiện, và quen thuộc của một thương hiệu được nhiều người biết đến”

Bà JB Hartford, Giám đốc sáng tạo của Jones Knowles Ritchie (JKR), nhận xét: “Mọi thứ không ăn nhập gì với nhau”. Bà Hartford quan ngại: “Thật khó cho một nhà thiết kế khi phải đổi mới, cải tiến mà không làm mất đi sự ấm áp, thân thiện, và quen thuộc của một thương hiệu được nhiều người biết đến”.

Chiến lược cân bằng giữa mới và cũ không chỉ đến từ Popeyes. Thực tế, các công ty có lịch sử lâu đời khi thay đổi nhận diện thương hiệu cũng cố tìm cách duy trì sự quen thuộc với người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo logo hiển thị rõ ràng trên billboard, menu, hay màn hình điện thoại. Nhận thức rõ điều đó, bà Hartford cùng đội ngũ của mình đã đề ra 4 nguyên tắc cho mẫu thiết kế:

  • Ưu tiên hình ảnh món ăn
  • Sử dụng gam màu chủ đạo lâu đời của thương hiệu
  • Nêu bật phong cách Louisiana
  • Cân bằng tính nhân văn với hình ảnh cá tính.

Thậm chí họ còn hợp tác với cựu nhiếp ảnh gia của Bon Appétitông Alex Lau để tăng tính cao cấp cho hình ảnh của thương hiệu. Họ cũng quyết định nâng tông màu cam đặc trưng của thương hiệu từ hình ảnh của ông Alex Lau. Đội ngũ của bà Hartford còn đổi mới bao bì với các biểu tượng độc đáo để tỏ lòng kính trọng của mình với biểu tượng New Orleans và quá trình nấu nướng của Popeyes. Ngoài ra, đội ngũ thiết kế còn cho ra mắt một chú gà biểu tượng mang tên Poppy.

Poppy

Logo và kiểu chữ cũng được thay đổi. Tất cả các chữ cái trong wordmark được đưa xuống đường baseline và bo tròn (trong khi vẫn giữ nguyên sự kết hợp giữa chữ in hoa và thường). Bà Debbie Millman, chủ tịch của SVA’s Masters về Branding Program, nhận xét mẫu thiết kế mới: “Nó trông cân đối, trưởng thành, và cải tiến vượt bậc so với logo cũ”. Logo mới này còn giúp cho các khách hàng dễ đọc tên thương hiệu hơn ngay cả trên các màn hình nhỏ.

Logo mới của Popeyes (phải)

JKR cũng làm việc với Colophon Foundry để tạo ra một kiểu chữ độc đáo mang cảm giác hiện đại và sắc nét với tên gọi “Chicken sans”. Trong thời gian tới, Popeyes cũng có kế hoạch trùng tu các cửa hàng với đặc trưng kiến trúc Louisana. Bởi cơn sốt sandwich gà đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sản phẩm cũng như danh tiếng của Popeyes. Dự tính, trong 10 năm tới, thương hiệu này sẽ mở thêm 1.500 cửa hàng tại Trung Quốc.

Thiết kế mới của JKR cũng đã bắt đầu được áp dụng vào hệ thống Popeyes tại Mỹ và dự tính mất vài năm để hoàn tất chuyển đổi. “Kiên trì là mẹ thành công”. Có thể nói, bộ nhận diện thương hiệu hiện đại nhưng vẫn giữ được cá tính sẽ góp phần giúp Popeyes mở rộng độ phủ sóng ra toàn cầu.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
*Nguồn: Fast Company