BEAN Survey: Tác động của đại dịch COVID-19 lên giáo dục trực tuyến tại Việt Nam

Tính đến ngày 20/04/2020, đại dịch COVID-19 đã lan nhanh tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, khiến đa số phải áp dụng lệnh phong toả toàn quốc, tác động lớn tới việc học tập của hơn một tỷ học sinh và sinh viên, tương đương với hơn 90% học sinh sinh viên trên toàn thế giới theo ước tính của UNESCO.Trước bối cảnh đại dịch chưa từng có tiền lệ, chính phủ, trường học, giáo viên và học sinh khắp nơi đã nỗ lực bằng nhiều cách duy trì việc giảng dạy và học tập. Trong đó, học trực tuyến là hình thức thay thế việc học trực tiếp tại trường phổ biến nhất.

Tổng quan về hình thức học trực tuyến

Theo nhà xuất bản nổi tiếng của Mỹ Petersons, khái niệm học từ xa có lịch sử từ thế kỷ 19, và đã biến đổi không ngừng theo thời gian, từ hình thức trao đổi thư tín, qua radio, tới học trên truyền hình, cho đến học trực tuyến trên Internet như ngày nay. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi ngành giáo dục toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng lũy kế 9,2%, ước tính sẽ tăng từ 187,9 tỷ USD trong năm 2019 lên 319,2 tỷ USD vào năm 2025 (researchandmarkets.com).

Tại Việt Nam, các ước tính của Ken Research cũng cho thấy viễn cảnh tiềm năng của ngành giáo dục trực tuyến, với mức tăng lũy kế hai con số vào khoảng 20,2% (2019-2023) và quy mô thị trường đạt 3 tỷ USD vào năm 2023) (so sánh cùng kỳ với mức tăng trưởng 21,7%, quy mô đạt 2,7 tỷ USD của Philippines, và mức 16,1%, quy mô đạt 2 tỷ USD của Malaysia).

Mặt khác, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang trên đà phát triển, giáo dục công nghệ (Ed-tech) cũng là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chỉ sau Fintech và eCommerce.Tại thời điểm tháng 9/2019, số liệu thống kê từ Tracxn.com cho thấy trên thị trường đã có sự góp mặt của 109 công ty khởi nghiệp Edtech với nội dung cung cấp phong phú – từ các khoá học ngoại ngữ, chương trình luyện thi, tới đào tạo kỹ năng sống. Các công ty này cũng có đối tượng mục tiêu, phân khúc người dùng cá nhân (B2C) và doanh nghiệp (B2B) đa dạng.

Ảnh hưởng của COVID-19

Ngay từ khi trường hợp đầu tiên mắc chủng mới virus corona được phát hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1/2020, chính phủ đã lập tức đưa ra quyết định quyết đoán về việc tạm thời đóng cửa trường học, bắt đầu từ một số địa phương xuất hiện dịch. Ứng phó với tình hình mới, hình thức học trực tuyến đã được triển khai để duy trì việc học chương trình chính khóa tại trường học các cấp.

Với rất nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên các em tiếp xúc với hình thức học từ xa này. Theo một khảo sát trực tuyến của BEAN Survey được thực hiện vào tháng 4/2020, 56,4% trong số 218 học sinh, sinh viên được phỏng vấn chỉ biết đến và bắt đầu học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tỉ lệ này đặc biệt cao hơn ở nhóm THPT (58,8%), ĐH & Dạy nghề (58,4%), so với nhóm sau Đại học (39,1%). Cũng theo khảo sát này, chỉ có khoảng 1/3 số học sinh, sinh viên tham gia khảo sát đã từng học trực tuyến trước đó. Trong đó, 76,5% đã từng học các bài giảng thu hình (giao tiếp không đồng bộ), và 62,4% đã trải nghiệm lớp học trực tiếp với giáo viên thông qua nền tảng hỗ trợ (giao tiếp đồng bộ), để học các khóa ngoại ngữ (67,1%), kỹ năng tin học (45,9%) và kỹ năng mềm (35,3%) trực tuyến.

Những khó khăn ban đầu

Là một hình thức học tập tương đối mới, đặc biệt đối với các khóa học chính thức và chương trình giảng dạy phổ thông, bước đầu làm quen với dạy và học trực tuyến có thể là một thách thức đối với cả giáo viên và học sinh, chưa kể đến các phát sinh về kỹ thuật như quá tải hệ thống, số lượng lớp không khớp với số sinh viên đăng ký, tín hiệu đường truyền không ổn định, lỗi máy chủ…

Chính sách giãn cách xã hội đã buộc giảng viên phải làm quen với việc dạy học từ xa tại nhà. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn khi thiếu thốn phương tiện và công cụ hỗ trợ giảng dạy như webcam, microphone chất lượng. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên cũng phải vật lộn với đường truyền Internet chập chờn, khiến việc tham gia lớp học trở nên khó khăn. Kết quả khảo sát từ BEAN Survey cũng phản ánh thực trạng này, với “Internet tốc độ cao và ổn định hơn” chiếm 71,1%, đứng đầu trong những yếu tố mà người học mong muốn cải thiện để việc học trực tuyến được hiệu quả. Ba yếu tố được mong muốn nhất tiếp theo bao gồm “Môi trường học tập thoải mái và yên tĩnh hơn” (54,9%) (hệ quả dễ hiểu của mô hình hộ gia đình nhiều thế hệ phổ biến tại Việt Nam), “Cách thức giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên được cải thiện” (53,8%), và “Phần mềm học tập dễ sử dụng hơn” (51,4%).Theo kết quả khảo sát trên, Zoom, Microsoft Team và Google Meet là ba nền tảng trực tuyến chính mà các trường học đang sử dụng. Tuy nhiên, do các bê bối gần đây liên quan đến bảo mật thông tin và quyền riêng tư, Zoom đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng tới thị phần của hãng này khi Cục an toàn thông tin và Bộ Giáo dục Việt nam đã đưa ra các cảnh báo không nên sử dụng Zoom trong dạy và học trực tuyến. Điều này đồng thời đã mở ra cơ hội cho các nền tảng và giải pháp hệ thống khác, bao gồm các nền tảng quốc tế như Microsoft Team và Google Meet, cũng như các thương hiệu trong nước như Viettel và VNPT.

Trên thực tế, VNPT E-learning ghi nhận lượt người dùng tăng gấp 4 lần, đạt mốc 5 triệu lượt truy cập, thậm chí lúc cao điểm đã đạt mức hơn 100.000 lượt truy cập mỗi giờ. Tương tự, Viettel Study, được giới thiệu tại gần 26.000 trường học trên toàn quốc, 29.000 bài giảng ở tất cả các cấp học, cũng đạt được 41 triệu lượt truy cập trong một tháng. Điểm đáng chú ý là các đơn vị này đều cam kết cung cấp miễn phí sản phẩm, dịch vụ trong giai đoạn bùng phát COVID-19.

Trở ngại, trên thực tế, có thể kích thích sáng tạo. Trong điều kiện truy cập Internet khó khăn ở vùng cao, các bạn học sinh đã nghĩ ra cách dựng lều trên đồi để bắt sóng, tiếp tục giữ lấy con chữ. Giáo viên cũng tìm cách thiết kế lớp học mới lạ, như việc sáng tác ra sê-ri bài hát chủ đề toán học, giúp cải thiện độ tập trung của học sinh trong các bài giảng, hay thay đổi hình thức buổi học thể dục thành các “Thử thách” theo trào lưu (Internet Challenge) thú vị, mới lạ và hấp dẫn.

Phản hồi của học sinh, sinh viên

Kết quả khảo sát của BEAN cho thấy phần lớn học sinh, sinh viên (từ 16 tuổi trở lên) đồng ý rằng học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19 bùng phát là lựa chọn khả thi và thực tế nhất. Chỉ có ít hơn 9% có ý kiến phản đối quyết định này, và đưa ra các ý tưởng khác, như “cho học sinh nghỉ học và sắp xếp học bù sau khi trở lại trường”, và “để học sinh tự học, ôn lại bài cũ.” Tỉ lệ ủng hộ của nhóm sau đại học với đa phần là những người kết hợp vừa đi làm vừa tham gia các khoá học Thạc sỹ, Tiến sỹ là đặc biệt cao (95,4%).


Tuy nhiên, khi được yêu cầu so sánh mức độ hiệu quả của việc học trực tuyến và việc học trên giảng đường, lựa chọn thứ hai đã được số đông đánh giá cao hơn (67,6%). 46,2% số học sinh đang học chương trình chính khóa trực tuyến mong muốn trở lại học tại trường (không học trực tuyến) sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, và 35,5% mong muốn hình thức học tập kết hợp giữa học tập trên trường (chủ yếu) với học trực tuyến (bổ trợ). Chỉ có 4,6% ưu tiên cao hơn cho việc học trực tuyến. Nguyên nhân chính cho kết quả này là do kết nối Internet không được nhanh và ổn định. Mặc dù yếu tố này được bình chọn là quan trọng nhất để việc học tập online được hiệu quả (đạt điểm trung bình 4,6/5), tới 71,1% số người đang học chương trình chính khóa trực tuyến tham gia khảo sát cho rằng yếu tố này cần được cải thiện.

Học sinh tiểu học và trung học cũng gặp nhiều khó khăn vì không phải tất cả các em đều hiểu được bài học trực tuyến, với tỷ lệ tham gia lớp học là 60-80% phụ thuộc vào cấp lớp học. Học sinh lớp 12 có tỷ lệ tham gia cao nhất do áp lực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tỉ lệ này có xu hướng thấp dần với học sinh lớp nhỏ hơn do khả năng tự thao tác với máy tính để học còn khó khăn, trong khi phụ huynh không phải lúc nào cũng có thể cùng con học.

Tương lai của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam

COVID-19 đã tạo ra một cú hích bất ngờ tới việc học trực tuyến, đặc biệt là việc số hóa ngành giáo dục và các chương trình học tập chính khóa, với sự chung tay của toàn xã hội. Các bộ ban ngành và cơ sở giáo dục có thể nhân cơ hội này để cùng nhìn lại, tận dụng những thành quả bước đầu từ nỗ lực thích ứng nhanh với hoàn cảnh, và xây dựng lộ trình hành động nhằm cải thiện những hạn chế đã được ghi nhận. Phụ huynh và học sinh cũng đã có cơ hội trải nghiệm, làm quen và đánh giá được ưu nhược điểm của hình thức học trực tuyến.

Với việc Việt Nam chưa phát hiện thêm ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng trong 21 ngày liên tiếp tính đến 7/5/2020, các biện pháp hạn chế đang được nới lỏng, và học sinh dần được phép quay trở lại trường học. Tới đây, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giáo dục trực tuyến Việt Nam, sau một kỳ học online “bất đắc dĩ”, có thể tiếp tục đà ứng dụng tiến bộ công nghệ và kỹ thuật số trong việc học tập và giảng dạy, nhằm cho những nỗ lực được tích lũy thời gian qua và khối lượng nội dung bài học đã được xây dựng không trở nên lãng phí.

Về thông tin nghiên cứu:

Bài viết được tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu chính thức, có uy tín:

  • Số liệu thống kê công khai từ các cơ quan, bộ ban ngành Nhà nước
  • Khảo sát người tiêu dùng: Khảo sát trực tuyến về tác động của đại dịch COVID-19 lên giáo dục trực tuyến tại Việt Nam được thực hiện trên trang web BEANsurvey.vn. Dữ liệu trong bài thể hiện kết quả từ 218 đáp viên trên cả nước tham gia trả lời từ ngày 22/4/2020 đến ngày 3/5/2020.

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập website: b-company.jpbeansurvey.vn